Người nhìn “xuyên” lòng đất ở Hải Dương

Sau khi khai quật ngôi mộ Hán tuyệt đẹp, chở gạch xây mộ về bảo tàng, ông Hoành lại cùng các đồng nghiệp xoay trần giữa sân dựng lại nguyên bản ngôi mộ cho khách tham quan ngắm nghía (Từ ngôi mộ Hán được phục dựng này, có hàng chục nhà khoa học đã làm đề tài bảo vệ luận án tiến sĩ). Bài cuối của loạt bài "Kỳ nhân ở nghĩa địa mộ cổ" là những tiếng thở dài buồn bã về số phận những di vật cực kỳ quý hiếm. 

>> Luồng khí xanh lè từ ngôi mộ cổ

Ngôi mộ sừng sững như ngọn núi

Trong lúc dựng mộ, đôi lúc ông Hoành thấy khóe mắt mình cay cay, khi mường tượng ra cảnh hàng ngàn tổ tiên mình phải trần lưng xây mộ hàng năm trời cho quan lại người Hán, trong cảnh roi vọt tàn nhẫn, trong khi nhà không có mà ở, cơm không có đủ ăn, chết may ra có manh chiếu rách.

Hiện trường rộng lớn của vụ khai quật mộ Hán.

Để xây dựng được lăng mộ này, người ta phải chuẩn bị một lượng gạch rất lớn. Khoảnh đất rộng được đào sâu xuống lòng đất chừng 0,5m để làm móng. Những viên gạch Hán, có hoa văn được xếp khít, không cần chất kết dính. Những viên gạch hình múi bưởi được xếp làm vòm cuốn.

Sau khi ngôi mộ rộng hơn trăm mét vuông hoàn thành, quan tài, đồ đạc chia cho người chết được đưa vào, rồi các cửa vòm được lấp kín lại.

Quá trình lấp ngôi mộ là một kỳ công "dời non lấp biển". Hàng ngàn người đào đất để lấp mộ cao như một ngọn núi, tới vài chục mét, rộng hàng ngàn mét vuông.

Ông Hoành khẳng định, cách đây 2.000 năm, trông ngôi mộ này không khác gì một ngọn núi sừng sững giữa đồng bằng.

Sau gần hai thiên niên kỷ mưa gió mài mòn, con người đào bới, mà gò đất vẫn còn cao đến 5-7m, rộng hơn ngàn mét vuông, và chứng tích một cái hồ nước hình thành do đào đất đắp mộ cạnh đó vẫn còn khá rõ nét.

Những địa danh nằm... trong vòng bí mật

Từ những kinh nghiệm ấy, ông Hoành có thể nhìn "xuyên" lòng đất để phát hiện mộ Hán rất dễ dàng.

Ông bảo, cứ chỗ nào, giữa cánh đồng bằng phẳng lại nổi lên một gò đất, cách gò đất không xa có một hồ nước, thì rất nhiều khả năng dưới gò đất đó sẽ có mộ Hán.

Riêng trên địa bàn Hải Dương, nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành biết hàng chục nơi có mộ Hán, song ông không tiết lộ, bởi nếu những ngôi mộ này lọt vào mắt bọn trộm cổ vật, chúng sẽ đào hầm chui vào phá tan cả mộ.

Còn nếu tiến hành khai quật, không biết sẽ để làm gì, bởi sẽ chẳng lấy đâu ra chỗ mà trưng bày mộ cổ. Ngay như ngôi mộ tuyệt tác mà ông đem về, hiện vẫn đang dãi nắng dầm mưa và gần như bị bỏ quên hoàn toàn.

Ngày dựng lại ngôi mộ trong khuôn viên bảo tàng, ông đã nhiều lần đề xuất xin kinh phí làm mái che, nhưng chẳng được.

Ngôi mộ Hán tuyệt đẹp được phục chế này cũng bị dãi nắng dầm mưa 
bao năm nay.

Ước muốn của ông Hoành là biến một góc Bảo tàng Hải Dương thành “khu mộ cổ”, trong đó, có cả mộ thuyền, mộ cũi, mộ Hán, mộ tháp và mộ hợp chất.

Ông đã đưa về “khu mộ cổ” gần đủ loại, chỉ thiếu mộ hợp chất. Mộ hợp chất từ thời Lê có hàng trăm ngôi còn chìm dưới lòng đất và thực tế đã có nhiều ngôi được khai quật, nhiều ngôi bị tàn phá, song chưa có ngôi nào được trưng bày ở “khu mộ cổ” này, bởi chưa có khả năng kỹ thuật cũng như kinh phí bảo tồn xác ướp.

Số phận... bi thảm của những ngôi mộ cổ

Nhưng ước muốn chỉ là ước muốn. Tất cả những chiếc mộ thuyền thuộc dạng cực kỳ nguyên vẹn, quý hiếm do nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành và đồng nghiệp phát hiện, khai quật, tìm cách bảo tồn, hiện đang chịu số phận... bi thảm.

Ông Hoành dẫn tôi ra Bảo tàng Hải Dương để chứng kiến sự xuống cấp của những di sản tối cổ đang bị đối xử rất tàn nhẫn ấy.

Những chiếc mộ thuyền cực kỳ quý hiếm do chính bàn tay ông đào lên, giờ nằm phơi mưa nắng dãi dầu sau bụi tre và đống gạch vữa.

Những chiếc mộ thuyền cực quý này bị vứt chỏng chơ như đống gỗ phế liệu.

Chiếc mộ thuyền Đông Quan (Tân Hưng, Gia Lộc) cực đẹp, nguyên vẹn ông đào lên từ năm 1994 giờ trông không khác gì một cục than, nứt vỡ ngang dọc.

Có một chiếc khác được bọc trong lồng kính, nhưng 7 chiếc giáo đồng rất đẹp thu được trong mộ, giờ chỉ còn hình thù là một vệt bột xanh.

Một số mộ thuyền khác thì đang được ngâm trong bể nước có pha hóa chất gì đó mà PGS.TS Nguyễn Lân Cường mang về. Mấy chục chiếc mộ thuyền đã được khai quật, nhưng gia tài còn lại chỉ có vậy.

Ông Hoành bên chiếc bể nước ngâm mộ cổ.

Nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành ngồi bên những chiếc mộ thuyền kể chuyện mà lòng buồn rười rượi. Ấy thế mà từ những chiếc mộ thuyền gần như bị bỏ mặc giữa giời này, đã có hàng chục nhà nghiên cứu làm luận văn tiến sĩ. Dường như số phận những chiếc mộ thuyền này cũng là số phận chung của nhiều di vật khảo cổ nước nhà.

Tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Duy Cương, Phó Giám đốc Bảo tàng Hải Dương về chuyện "đối xử" với những chiếc mộ thuyền.

Ông Cương cũng buồn lắm, bởi theo ông, cả thế giới chưa bảo quản được mộ thuyền, chứ đừng nói chuyện nước ta.

Theo ông, đã có một số đoàn của nước ngoài đến nghiên cứu và hứa tìm cách bảo tồn giúp, nhưng toàn thấy hứa suông, không làm được, hoặc hứa rồi để đấy.

Và bảo tàng ngâm những chiếc mộ thuyền vào bể nước. Tôi hỏi có hóa chất gì trong nước không, ông Cương bảo "có", nhưng là thứ hóa chất gì thì ông chịu, bởi GS Nguyễn Lân Cường mang xuống, pha vào nước, rồi ngâm mộ thuyền vào.

Tôi hỏi: "Liệu bảo tàng có tìm cách đưa những chuyếc mộ thuyền vào trong nhà để bảo quản?". Ông Cương bảo, cứ để ngoài đó thôi, chứ chưa có ý tưởng gì khác!

Còn ông Tăng Bá Hoành thì lại bức xúc: "Với thế giới, những ngôi mộ này họ bảo quản ngon lành. Họ có một loại nhựa trong suốt, nấu lên, đổ cố định luôn, để ngàn năm sau không hỏng được. Chúng ta đào lên, để hỏng, là có tội với tiền nhân và con cháu".

Thì ông cũng chỉ biết vậy thôi, chứ hồi ông làm lãnh đạo, ông cũng chạy đôn chạy đáo mà không tìm cách nào bảo quản được, bởi trình độ kỹ thuật, phương tiện không có, mà thứ quan trọng nhất là tiền cũng không có nốt. 

Tiếng thở dài của kỳ nhân mộ cổ

Cạnh “khu mộ cổ” ông Hoành đã dựng lên một ngôi làng Việt cổ rất đẹp. Trong đó, đáng chú ý nhất là ngôi nhà gỗ lim ông đề xuất mua của con cháu ông nghè Nguyễn Quý Tân, là vị tiến sĩ triều Nguyễn.

Ngôi nhà dựng vào năm 1875. Cạnh ngôi nhà này là ngôi nhà cổ của một ông giáo ở Thanh Hà cũng do chính ông “rước” về, với giá… 2 triệu đồng.

Ngôi nhà có niên đại nửa cuối thế kỷ 19. Cảnh quan trước hai ngôi nhà cổ là vườn hoa, bể nước, cây cảnh. Dưới hồ nước trước nhà hoa sen, hoa súng thi nhau nở, cá quẫy bốn mùa. Vành đai ngoài là những bụi tre. Du khách bước chân vào, cảm giác như được trở về với làng Việt thuở xưa.

Con đường dẫn vào “khu mộ cổ” và khu làng Việt được trang trí bằng gốm thời Trần rất độc đáo. Nhà khảo cổ tỉnh lẻ cảm thấy vô cùng hạnh phúc và hãnh diện khi du khách nườm nượp ghé thăm.

Tuy nhiên, khi ông về hưu, năm 2007, thì theo lời ông, mọi thứ đều đã chìm vào quên lãng. Và quả đúng như vậy.

Vườn cây giờ biến thành những đống đất, đống gạch, hồ nước biến mất, voi đá, ngựa đá, tượng đá lăn lốc trong lùm cây, bụi cỏ, còn bia đá nằm lẫn với đống rác.

Hiện vật quý để vạ vật trong bụi cây cỏ.

Thậm chí, người ta đốt cả đống rác ngay chân hai tấm bia đá cổ tuyệt đẹp. Khát vọng, công sức mấy chục năm trời của nhà khảo cổ học Tăng Bá Hoành, theo tiếng thở dài của ông, cũng đã “về hưu” ngay khi ông… nghỉ hưu.

Ông Hoành đau xót trước cảnh rác rưởi ngự trị quanh những tấm bia cổ.

Giờ đây, tuy không còn được trực tiếp ra hiện trường chỉ đạo và tham gia các cuộc khai quật mồ mả, nhưng “nhà khảo cổ tỉnh lẻ” Tăng Bá Hoành lại trút nốt sức lực mình cho những công việc quan trọng hơn: viết sách.

Ông viết một cách hối hả, như sợ rằng mình không còn sống được bao năm nữa, mà những thứ trong đầu vẫn còn ngập ngụa.

Tôi thực sự choáng váng và khó tin bởi sức viết của ông. Ông đã viết được vài chục cuốn sách, toàn là sách lịch sử, khảo cổ và 200 tác phẩm nghiên cứu chuyên sâu.

Ngoài ra, có tới vài chục đầu sách do ông chủ biên. Trong đó, có những cuốn ông viết như “Địa chí Hải Hưng”, dày những 1.700 trang, rồi “Nghề cổ truyền Hải Dương” dày tới 700 trang. Có những cuốn sách như “Làng nghề” do ông viết in ở tận nước Anh, rồi cuốn sách về khảo cổ in ở tận Philippin. Những câu chuyện ông viết đều có bóng dáng của những… ngôi mộ cổ. Và đằng sau những ngôi mộ cổ ấy, có cả hồn vía của một xã hội cổ xưa hiện về.

Phạm Ngọc Dương