Người Lai Xá nhớ làng...

(VNN) - Làng nghề ảnh đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam là Lai Xá (xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Tây) chỉ cách Hà Nội độ 10 cây số. Mấy năm gần đây, Lai Xá đang thay đổi đến chóng mặt vì đô thị hóa. Nhưng không phải cư dân nào trong làng cũng nhận ra một điều: "làng mình đã khác xưa nhiều quá"... 

“Phố” của ông trưởng thôn 

Ông Đinh Văn Thắng, sau khi nghỉ hưu về làng làm trưởng thôn Lai Xá, đến nay đã được 4 năm. Quãng thời gian 4 năm đương chức trưởng thôn của ông cũng là giai đoạn chuyển mình nhanh nhất của Lai Xá. Năm 2002, khu công nghiệp đầu tiên mọc lên, người dân nhận đồng tiền đền bù đất đầu tiên, đến năm 2005 nhà nước đã có quy hoạch cụ thể cho Lai Xá.

 

h
Trưởng thôn Đinh Văn Thắng, “người vác tù” trong suốt 4 năm chuyển mình mạnh mẽ nhất của Lai Xá.
“Không thể khác hơn được, Lai Xá sẽ là phố!” - câu nói của ông trưởng thôn sau những câu chuyện kể về quán net, quán cà phê, karaoke đầu tiên trong làng, rồi quốc lộ 32 chạy qua làng đang được nâng cấp mở rộng… Đặc biệt là giá đất Lai Xá đang nóng lên từng ngày, hiện giá đất mặt đường 32 là 15tr/m2 là những minh chứng cụ thể của "phố".

 

Ông Thắng bảo: “Giờ đây tất cả các dịch vụ trong làng gần như không thiếu thứ gì. Ngày trước người dân muốn mua hộp sữa phải ra tận Cầu Giấy, nay chỉ cần bước chân ra khỏi nhà là có. Ngược lại, xưa dân muốn bán mớ rau phải ra chợ gần Nhổn, nay chỉ cần mở cửa nhà để rau đó là có người đến mua…”. 

Và cái dịch vụ mang đặc trưng “màu thị thành” nhất theo ông Thắng là xe thu gom rác. Vào mỗi buổi chiều tầm 5 giờ, tiếng leng keng của xe rác len lỏi trong xóm giục mọi người ra đường chính đổ rác. “Để có đội xe rác, cũng là bước tự nhận thức lớn lao của người Lai Xá” - ông Thắng kể. 

Ông nhớ lại... Vào đợt Tết năm 2002, cả làng Lai Xá ngập chìm trong rác. Những túi nilon to nhỏ vứt bừa bãi khắp đầu thôn, cuối ngõ, ngay cả gần đình làng cũng có đống rác to.

 

Từ năm 2001 đến nay, hơn 60ha trong tổng số 94ha ruộng của làng Lai Xá được sử dụng để xây khu công nghiệp, đường 32, nhà tái định cư, nhà chung cư, đô thị liền kề... Làng hiện có khoảng 6.000 người, trong đó có gần 2.000 sinh viên, công nhân mới đến ở trọ. Hiện tại trên phố Lai, nằm dọc quốc lộ 32, chỉ còn 4 gia đình là còn giữ nghề truyền thống chụp ảnh gia truyền của làng…
Nhìn "ngứa mắt", ông nghĩ: “Phải lập ra đội xe thu rác cho làng”. Nhưng phải mất tiền, liệu người dân có chịu? Họp chán họp xuôi, ông đi đến quyết định “cưỡng chế” mỗi nhà 1 tháng nộp 3 nghìn đồng và trích quỹ của thôn mua 3 xe rác thuê người trong làng “thầu” luôn dịch vụ đổ rác cho cả làng. 

 

“Mấy ngày đầu tiên, đến giờ xe rác đi, phải nói trên loa phát thanh trong làng giục mọi người đi đổ. Dần dần, lạ thành quen. Bây giờ, nếu cứ tầm chiều muộn mà không nghe thấy tiếng leng keng thì y rằng có chuyện. Mọi người sẽ đến tận nhà trưởng thôn mà hỏi cho bằng được” - ông trưởng thôn chia sẻ

Khi công nghiệp mọc lên, làng có thêm trường dạy nghề, thế là người ở đâu ùn ùn đến ở trong làng. Đa số đều là sinh viên với công nhân thuê nhà trọ ở tạm. Dân Lai Xá ngày trước, năm 2001, chỉ độ gần 3 nghìn người, nay đã tăng gấp đôi. Người đến thì có nhu cầu ở trọ, rồi sinh ra những chuyện không hay gây mất trật tự. Để giải quyết vấn đề này, ông trưởng thôn cũng bàn với những chủ nhà trọ đặt ra một “hương ước” mới về nghề cho thuê nhà trọ trong làng. 

 

n
Con phố Lai, nằm dọc quốc lộ 32, là bộ mặt thay đổi đến chóng mặt từng ngày của làng.
Ban Quản lý Dịch vụ cho thuê nhà trọ được thành lập gồm 6 người, đại diện cho 6 thôn. Ông Hưởng, trưởng ban, gia đình có 27 phòng trọ, nói: “Lập là để quản lý, như: không tự tiện tăng giá nhà mà chưa được phép, tuân thủ hợp đồng đã kí trước với người thuê. Và quan trọng hơn cả là phối hợp với cơ quan nơi người ở trọ công tác để hai bên thông tin giúp nhau quản lý…”. 

 

Người đông, hàng quán đủ cả, thế nên chỉ cần đến Lai Xá vào tầm chiều, là nhiều người tưởng lạc vào phố sinh viên ở Thanh Xuân hay Cầu Giấy (Hà Nội). Chị Hằng, người bán hàng tạp hóa đã hơn 3 năm nay trong xóm bảo rằng, từ ngày có sinh viên với công nhân đến ở trọ, chị cũng có đồng ra đồng vào hơn trước mà không phải vất vả nhiều. Chị Hằng nói: “Chỉ cần một tuần đổ hàng mối về rồi ngồi làm việc quanh quẩn trong nhà thì một ngày đã có hơn 50 ngàn. Ngày trước bán được gánh rau chỉ độ 20 ngàn thôi phải thồ xe ra Cầu Giấy từ sáng tinh mơ tới tối mịt mới về”

Đời sống người Lai Xá đã khá lên rất nhiều, nhưng theo ông Thắng, cũng có những hệ lụy không tránh khỏi. Từ độ năm 2002, người dân giàu lên trông thấy, nhờ tiền đền bù đất vào quy hoạch khu công nghiệp.

Nhưng khó khăn nhất vẫn là chuyện giải quyết những trường hợp gia đình có chồng sa vào cờ bạc, lô đề. Vợ con can ngăn không được lại tìm đến trưởng thôn. “Cả ngày chỉ lo chuyện chi tiêu tiền nong của gần nửa vạn dân cũng đau đầu. Làm mạnh tay thì không được, dù sao cũng là người làng. Chỉ có căn ngăn, khuyên bảo dần dần… Nhưng có một số người nói mãi chẳng chịu nghe nên phải nhờ tới công an xã can thiệp. Có nhiều tiền, đến khi tiêu hết không chịu làm gì cũng nảy sinh lắm tệ nạn. Trộm cắp vặt xảy ra như cơm bữa, có cả trai làng sa mắc nghiện ngập…”

Làng ảnh loay hoay tìm nghề  

Khi đất đai ruộng màu đã và sắp bàn giao lại cho các khu công nghiệp, việc lo công an việc làm của người làng thành chuyện đau đầu đối với những người có tuổi trong làng.

Lai Xá vốn là làng ảnh nổi tiếng cả nước, là cái nôi của nhiếp ảnh Việt Nam. Câu chuyện về ảnh của làng đã lùi vào trong quá vãng. Hiện nay, Lai Xá vẫn duy trì trường dạy nghề Nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh, nhưng theo ông Nguyễn Minh Nhật thì trường vẫn “chỉ là CLB, nơi giao lưu học hỏi của những người còn làm ảnh cuối cùng trong làng, chứ chưa phải là trung tâm dạy nghề hay truyền nghề làm ảnh chuyên nghiệp”. 

 

b
Cổng làng Lai, thời đô thị hóa bừa bộn vật liệu xây dựng, nhà cao tầng mọc chen chúc.
Gia đình ông Nhật hiện nay vẫn duy trì được nghề làm ảnh gia truyền của làng. Hiện ông có 3 cửa hàng chụp ảnh do ông và các con quản lý. Không phải người Lai Xá nào cũng có được cơ ngơi bề thế và có thể sống bằng nghề ảnh như gia đình ông Nhật. 

 

Một điều vốn dĩ ai cũng biết, nghề ảnh Lai Xá đã mai một dần theo thời gian. Vào những năm giữa thế kỷ trước, khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, những người làm ảnh ở Lai Xá chuyển đổi vào HTX Nhiếp ảnh. Chính trong môi trường hợp tác đã phá vỡ đi “kết cấu truyền nghề” của những gia đình làm ảnh trong làng. Khi vào HTX cũng không đủ sống, một số người đã bỏ nghề cha ông để lại mà chuyển sang nghề khác.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, hiện vẫn là một trong những tay máy chụp ảnh cổ có tiếng trong làng, dù đã chuyển nghề nghót nghét 30 năm. Ông Hưởng kể: “Thanh niên trong làng bây giờ hầu như không còn hào hứng với nghề ảnh nữa. Mà thật sự, để theo nghề ảnh thuần túy của Lai Xá là chụp chân dung thì ảnh của làng bây giờ cũng không đủ sức cạnh tranh với hàng loạt cửa hàng ảnh khác trong vùng. Thế nên nghề làm ảnh cứ mất dần đi…”. 

Trước tình cảnh làng nghề truyền thống dần mất đi từng ngày, ông Nhật cũng đã dùng vốn liếng của mình để mở một cửa hiệu ảnh giúp trai làng có nơi học và làm nghề. Nhưng được một thời gian, cửa hàng cũng đã đóng cửa. Ông Nhật ưu tư: “Cũng thuê người làng làm, nhưng sau đó chỉ vài tháng, khi chưa học hết nghề họ đã chuyển. Một số chê lương thấp, số còn lại thì không đủ kiên nhẫn để học nốt nghề. Hiệu ảnh cứ tự nhiên mà rệu rã, rồi tan...”. Bây giờ, ngoài quản lý trông nom cửa hiệu ảnh của mình trên phố Lai, hàng tuần ông vẫn đến đình làng dạy lại ảnh cho những người trẻ trong làng. 

 

b
Con đường làng Lai thời còn lát gạch, giờ nó được bê tông hóa...
Câu chuyện của anh Đinh Văn Ngọc cũng vậy. Trước đây anh làm nghề nông, sau khi đất ruộng bị mất cho khu công nghiệp, chỉ ở nhà phụ giúp vợ chạy hàng chợ. Anh cũng là thành viên CLB Nguyễn Đình Khánh, mặc dù biết làm ảnh nhưng hiện tại vẫn không sống được bằng nghề.

 

Anh trăn trở: “Ngay cả bây giờ, đi chụp ảnh dạo cũng không cạnh tranh được với người nơi khác. Đơn giản nhất vẫn là đầu tư công nghệ, mà phải có tiền. Chứ chụp ảnh theo lối cổ như lấy viền sáng hay làm rõ đường nét trên khuôn mặt bây giờ không mấy người hiểu nữa. Cái mà khách cần bây giờ chỉ là nhanh, chụp xong đi thăm quan một vòng có thể lấy ảnh được. Mà chụp một bức ảnh đẹp theo lối cổ của người Lai Xá thì không thể nhanh thế được...”. 

Dịp tết vừa rồi, các nghệ nhân nhiếp ảnh của làng đã tổ chức cuộc triễn lãm ảnh: "Từ làng đến phố: Ảnh ký của người Lai Xá". Những tấm ảnh về sự đổi thay thường nhật trong làng, về quá trình đô thị hóa một làng quê… Triển lãm như gợi cho thanh niên trong làng về niềm tự hào làm ảnh của làng. Nhắc nhở mọi người về một nghề truyền thống đang dần mất đi trong nếp sống đô thị của người làng.

Và theo ông Thắng, một trong 6 người tham gia làm bộ ảnh, thì đó có thể là "nét chấm phá cuối cùng" của làng Lai Xá trước khi lên phố...

  • Thông Chí - Cẩm Thơ

  •