Ngôi mộ cổ 2.000 năm gây sửng sốt

Mọi thứ trong ngôi mộ 2.000 năm tuổi vẫn còn nguyên vẹn. Xương không thiếu một chi, răng không thiếu một cái, quần áo bằng vải thô còn bền, đồ tùy táng cực kỳ hoàn chỉnh. Kể cả những hạt quả vải tu hú (vải trái mùa, ăn chua) vẫn nằm nguyên vẹn bên cạnh người quá cố.

Kỳ 2 loạt bài "Kỳ nhân ở nghĩa địa mộ cổ" sẽ đưa đến cho bạn thông tin về một thế giới mộ cổ kỳ thú mà nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành cùng cộng sự khám phá.

>> Kỳ nhân ở “nghĩa địa mộ cổ” (kỳ 1)

Khám phá "vương quốc mộ thuyền"

Chẳng ai rỗi hơi thống kê xem nhà khảo cổ nào là người trực tiếp khai quật mộ thuyền nhiều nhất ở nước ta.

Ông Tăng Bá Hoành cũng chẳng để tâm, nhưng quả thực, cả đời ông, đã dày tâm nghiên cứu kỹ lưỡng vài chục cái, còn trực tiếp hoặc tham gia quật lên từ lòng đất thì ông không nhớ nổi đã "nhúng tay" vào bao nhiêu cái, toàn những cái quý hiếm, đặc sắc nhất nước ta.

Những chiếc mộ thuyền đã được khai quật.

Mộ thuyền đầu tiên được phát hiện ở vùng Hải Hưng (có thể là đầu tiên của cả nước), đó là mộ thuyền La Đôi (xã Hợp Tiến, Nam Sách), khai quật vào năm 1962.

Mộ thuyền này được phát hiện trong quá trình người dân làm thủy lợi. Tuy nhiên, thời đó chúng ta còn mải sản xuất và phục vụ chiến tranh, nên chuyện khảo cổ không được quan tâm nhiều, việc khai quật diễn ra khá sơ sài.

Đến năm 1986, biết rằng khu vực La Đôi còn nhiều mộ thuyền chưa được phát hiện, nên ông Hoành tiếp tục về khu vực này "chọc ngoáy".

Thật bất ngờ, ông Hoành, các đồng nghiệp và nhân dân trong vùng phát hiện ra thêm 4 cái mộ thuyền nữa, đều còn nguyên vẹn, tuyệt đẹp.

Trong những chiếc mộ thuyền, ông thu thập được rất nhiều hiện vật như nhĩ bôi, rìu đá, đồ trang sức và một số hiện vật khác bằng đá, bằng đồng.

Theo ông Hoành, nếu tiếp tục khai quật, khu vực này sẽ hiện ra một nghĩa địa mộ thuyền đồ sộ, tuy nhiên, ông Hoành và đồng nghiệp chỉ làm có vậy, bởi có khai quật hết lên cũng không thể bảo quản được.

Ngoài "nghĩa địa mộ thuyền La Đôi", ông Hoành và bảo tàng Hải Hưng còn có đóng góp lớn trong việc phát hiện ra rất nhiều "nghĩa địa mộ thuyền" ở các huyện Kinh Môn, Kim Thành, Chí Linh, Gia Lộc, Bình Giang.

Nghĩa địa mộ cổ đẹp và nguyên vẹn nhất Đông Nam Á

Nổi tiếng bậc nhất là "nghĩa địa mộ thuyền" Động Xá (Lương Bằng, Kim Động, Hưng Yên ngày nay) được phát hiện năm 1995.

Ông Tăng Bá Hoành.

Ngay khi người dân vùng này thông báo tìm được mộ cổ, ông đã tìm về. Sau quá trình khảo sát, ông dự đoán khu vực này có cả một "vương quốc mộ thuyền" chứ chả phải của hiếm.

Chỉ trong một thời gian ngắn, ông và đồng nghiệp đã đào lên được 4 cái. Còn số lượng "dò" được thì phải cỡ 100 cái ở khu vực có diện tích chừng 2ha thuộc thôn Động Xá.

Chuyện phát hiện nghĩa địa mộ cổ còn nguyên vẹn xương cốt, đồ tùy táng, áo quan là những chiếc thuyền, có tuổi trên dưới 2.000 năm ở Động Xá, đã làm bàng hoàng không những cả nước mà gây sự chú ý với cả thế giới.

Các nhà khoa học quốc tế nhận định, đây là nghĩa địa mộ cổ thời Đông Sơn còn nguyên vẹn và đẹp nhất khu vực Đông Nam Á.

Theo các nhà khoa học Viện khảo cổ thì "nghĩa địa mộ thuyền" Đông Sơn, có niên đại đến 2.500 năm. Điều kỳ diệu là xương cốt, quần áo vẫn còn nguyên vẹn, trong khi người xưa chẳng áp dụng kỹ thuật ướp xác nào. Việc những mộ thuyền tồn tại được tới hơn 2 thiên niên kỷ là do môi trường đậm đặc khí mê tan bảo quản.

Mộ thuyền Động Xá là những chiếc thuyền đã được sử dụng, sau đó được cắt đi một nửa để dùng làm quan tài, chứ không phải thân cây khoét rỗng như các di chỉ mộ táng Đông Sơn mà các nhà khoa học đã tìm thấy ở những vùng khác.

Tại đây, lần đầu tiên các nhà khoa học tìm được xác chết hơn 2.000 năm tuổi có quần áo hoàn chỉnh. Trước đây, các nhà khoa học chỉ biết rằng, kỹ thuật dệt vải thời Đông Sơn phổ biến là dùng gai để lấy sợi. Một thuyền này cho thấy người Đông Sơn đã biết dùng lụa.

Khu nghĩa địa cổ này đã mở ra nhiều cánh cửa tìm hiểu về xã hội Đông Sơn thời xưa, xã hội mà chúng ta ngày nay có rất ít thông tin và sự hiểu biết. Phát hiện này cho phép khẳng định tổ tiên trực tiếp của người Việt Nam là những người đã sáng tạo ra nền văn hóa Đông Sơn.

Nơi trưng bày mộ thuyền ở Bảo tàng Hải Dương.

Hai mộ thuyền kỳ lạ nhất

Sau 3 năm khai quật tại Động Xá, đến năm 1998, tỉnh Hải Hưng tách thành hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương, các cán bộ bảo tàng Hải Hưng đã tiếp quản và cùng với Viện Khảo cổ tiếp tục khai quật mộ cổ ở khu vực này.

Kết quả, họ đã tìm ra tới 40 mộ thuyền. Trong số đó, có hai chiếc cực đẹp, còn rất nguyên vẹn, tuy nhiên, hai chiếc này xuất hiện muộn hơn, khoảng thế kỷ 2 sau Công nguyên, vì trong mộ có tiền Ngũ Thù, thời Đông Hán.

Ngoài những ngôi mộ được làm bằng chiếc thuyền đang được sử dụng, ông Hoành còn khai quật được khá nhiều mộ dạng hình thuyền ở Hải Dương.

Đó là mộ mà quan tài là một thân cây lớn, được chẻ làm đôi, khoét rỗng, rồi đặt xác và đồ tùy táng vào, sau đó dùng dây mây nẹp lại, chốt mộng rất khớp, bít kín các kẽ hở bằng sơn ta cho nước khỏi ngấm vào rồi đem chôn.

Năm 2001, cả nước phải sửng sốt với hai ngôi mộ kiểu này ở Kiệt Thượng (xã Văn An, Chí Linh, Hải Dương). Đây là hai ngôi mộ cực kỳ nguyên vẹn, mặc dù nó đã có tuổi 2.000 năm.

Mọi thứ trong ngôi mộ còn nguyên. Xương không thiếu một chi, răng không thiếu một cái, quần áo bằng vải thô còn bền, đồ tùy táng cực kỳ hoàn chỉnh. Kể cả những hạt quả vải tu hú (vải trái mùa, ăn chua) vẫn còn.

Trong mộ, cung tên bằng đồng còn nguyên cả cán. Đặc biệt là chiếc di đồng rất đẹp, là thứ đầu tiên tìm thấy ở Việt Nam. Di đồng là vật dụng của quan lại, nhà giàu, dùng để rửa tay, rửa mặt.

Trong mộ còn rất nhiều vật dụng khác như thau đồng, đai lưng đồng, thố đồng, bát đồng, giáo đồng, lao đồng, rìu đồng, tấm che ngực bằng đồng, nồi đồng, kiếm sắt, nhĩ bôi (chén hình tai), ghế gỗ, vỏ quả bầu...

Trong ngôi mộ thậm chí chứa rất nhiều xương chó, xương lợn. Điều này giải thích rằng, người Việt cổ quan niệm chết chỉ là đi về thế giới khác, nên người chết cũng được chia của để mang theo sử dụng.

(Còn nữa)

Phạm Ngọc Dương