Hướng tới một nền giáo dục thực sự đổi mới

Bài viết nhấn mạnh vai trò then chốt của nguồn nhân lực cho phát triển – qua đó thấy rõ hơn tính cấp thiết của việc đổi mới cơ bản, toàn diện và đúng đắn nền giáo dục Việt Nam. Trong rất nhiều công việc có thể làm để thay đổi diện mạo giáo dục Việt Nam, bài viết đặc biệt nhấn mạnh bốn công việc: kiến trúc lại hệ thống giáo dục, giải quyết vùng trũng tiếng Anh, tài chính – xã hội hóa giáo dục, và đưa CNTT vào giáo dục.
Nhân lực – yếu tố then chốt phát triển đất nước và công thức Ray Cline

Nghị quyết Đại hội XI đã khẳng định cần phải “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân”, xem đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá trong chiến lược phát triển đất nước. 

Điều này đặc biệt quan trọng để tận dụng thế mạnh của Việt Nam thời kỳ lịch sử “dân số vàng” và vừa thoát ngưỡng thu nhập thấp, và quan trọng hơn nữa khi thực trạng giáo dục đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực hiện nay đang có nhiều vấn đề nghiêm trọng. Điều này cũng được chỉ rõ trong văn kiện Đại hội Đảng XI: “Giáo dục và đào tạo có tiến bộ trên một số mặt, nhưng còn nhiều hạn chế, yếu kém, gây bức xúc cho xã hội… Quản lý nhà nước về giáo dục còn lúng túng… Chất lượng nguồn nhân lực vẫn là điểm yếu cản trở sự phát triển”.

Ray Cline – Tiến sỹ đại học Harvard, nguyên Giám đốc CIA đã đưa ra công thức Ray Cline khá nổi tiếng đo tiềm lực một quốc gia: 

P = (C+E+M) × (S+W)

trong đó P (National Power) - Tiềm lực quốc gia được đo qua các yếu tố:

- C (Critical Mass) – Nguồn nhân lực được đào tạo

-    E (Economic power) - Tiềm lực kinh tế

-    M (Military power) - Tiềm lực quân sự

-    S (Strategy) - Chiến lược quốc gia

-    W (Will) – Ý chí

Công thức này có thể xem như một biểu diễn dạng toán học cho quan điểm: với tiềm năng kinh tế (E) và quân sự (M) ở mức độ vừa phải – Việt Nam có thể nâng tiềm lực quốc gia lên cao nếu có một Chiến lược đúng (S), một Ý chí mạnh mẽ (W) và dựa vào Nguồn nhân lực tốt (C).

Với dân số đông đảo đứng thứ 13 trên thế giới, nếu có bước đi đúng đắn, Việt Nam có quyền mơ ước đến năm 2020 sẽ có một dịch chuyển quan trọng – như một mục tiêu chiến lược - biến dân số đông từ gánh nặng kinh tế xã hội thành ưu thế cạnh tranh - để đưa đất nước lên vị trí xứng đáng. Điều này không chỉ cần thiết ở quy mô quốc gia mà còn ở quy mô các địa phương – để các địa phương đông dân phải trở thành các địa phương giàu có, chứ không phải là nơi luôn cần sự hỗ trợ của ngân sách nhà nườc.

Câu hỏi để suy ngẫm: Vì sao Thanh hóa – tỉnh đông dân thứ 3 của Việt Nam (sau Hà nội và TP HCM), có truyền thống hiếu học, có chất lượng giáo dục phổ thông thuộc loại TOP của Việt Nam (căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp, thi đại học, thi học sinh giỏi hàng năm) – lại là tỉnh phải bù ngân sách nhiều nhất trong 63 tỉnh thành? Lời giải để biến dân số đông từ gánh nặng kinh tế xã hội thành ưu thế cạnh tranh cho Thanh hóa – phải chăng cũng là lời giải cho Việt Nam? 

Kiến trúc phù hợp cho hệ thống giáo dục Việt Nam 

Việc đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục đào tạo bắt đầu từ đổi mới tư duy, đổi mới quản lý – nhưng để đổi mới một cách đúng đắn phải bắt đầu từ công việc mang tính cơ bản là xem xét và thay đổi kiến trúc cuả hệ thống giáo dục đào tạo Việt Nam. Thiếu một kiến trúc hợp lý, việc đổi mới giáo dục sẽ tiếp tục mang tính chắp vá.

Mỗi quốc gia có một cấu trúc, một kiến trúc giáo dục đào tạo mà phần lớn nhìn gần giống nhau (nhà trẻ mẫu giáo – tiểu học – trung học – dạy nghề/cao đẳng/đại học). Giáo dục đào tạo Việt Nam sau nhiều thay đổi đang có cấu trúc/kiến trúc chắp vá [1421] (không tính nhà trẻ mẫu giáo): 

[1 tiểu – 4 trung – 2 cao – 1 đại]

[1 tiểu] là 1 hệ tiểu học, [4 trung] là 4 hệ trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, [2 cao] là 2 hệ cao đẳng nghề và cao đẳng chuyên nghiệp (cao đẳng “không nghề”), [1 đại] là 1 hệ đại học - bao gồm cả đại học và sau đại học. 

Thời gian học hết trung học phổ thông là 12 năm, thời gian để có bằng cao đẳng/cao đẳng nghề là thêm 3 năm sau phổ thông, thời gian có bằng đại học là thêm 4-5 năm sau phổ thông. Cộng với 6 năm đầu đời sẽ ra tuổi có bằng cấp tương ứng: 18, 21, 22-23 tuổi để có bằng trung học phổ thông, cao đẳng và đại học. 

Kiến trúc mang tính chắp vá này cần phải thay đổi cơ bản đáp ứng 5 mục tiêu:

-    Phù hợp với hội nhập quốc tế, tương thích với nhiều quốc gia, đảm bảo tính chuyển đổi, sử dụng được tài nguyên học tập quốc tế và trao đổi giáo dục quốc tế. 

-    Định hướng nghề nghiệp, phân luồng nghề nghiệp sớm, giải quyết tâm lý xã hội đang đổ xô chen chúc vào cửa đại học.

-    Liên thông các cấp học trong nước mềm dẻo, dễ dàng.

-    Giảm thời gian vào đời, hướng tới việc học suốt đời.

-    Quản lý về mặt nhà nước thuận lợi, không chồng chéo.

Trong dự thảo đề án đổi mới giáo dục có nhắc sơ bộ đến việc gộp hệ nghề và hệ chuyên nghiệp nhưng không đưa ra được kiến trúc phù hợp. Và liệu có kiến trúc giáo dục nào đáp ứng được cả 5 mục tiêu nêu trên hay không?

Một phương án kiến trúc đáp ứng được cả 5 mục tiêu trên là kiến trúc [1111] thay cho kiến trúc [1421]:

[1 tiểu - 1 trung - 1 cao - 1 đại]

-    [1 tiếu] là 1 cấp tiểu học, thời gian là 5 năm. 

-    [1 trung] là 1 cấp trung học, thời gian là 4 năm.

9 năm này theo mô hình 5 năm Primary + 4 năm Secondary trong hệ thống giáo dục của nhiều nước theo mô hình Anh, được áp dụng rộng rãi tại các nước khối thịnh vượng chung. Học xong 9 năm có bằng tốt nghiệp văn hoá phổ thông. 

-    [1 cao] là cao đẳng, thời gian học 3 năm. Không phân biệt 2 hệ cao đẳng nghề và cao đẳng “không nghề”.

Việc gộp cao đẳng nghể và cao đẳng “không nghề” đã được nhắc đến trong dự thảo đề án. Còn việc không còn trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề là một thay đổi quan trọng. 

Trung học phổ thông được thay bằng 2 năm “dự bị đại học” (Pre-University) dành cho những ai mong muốn học đại học, 2 năm dự bị này học theo định hướng chuyên môn qua các môn tự chọn để sau đó lấy kết quả xét tuyển hoặc thi tuyển vào các trường đại học, và cũng để giảm bớt thời lượng học đại học sau này. 

Trung học chuyên nghiệp/trung học nghề được gộp chung và đưa thành giai đoạn đầu (1.5 năm) của Cao đẳng. Học sinh học xong lớp 9 (xong phổ thông) có thể phân luồng học Cao đẳng luôn thay cho hướng học Dự bị đại học. Học xong giai đoạn đầu 1.5 năm của Cao đẳng (trung cấp trước đây) được nhận bằng Cao đẳng (Diploma) và có thể đi làm sớm, học thêm giai đoạn 2 của Cao đẳng (1.5 năm) nhận bằng Cao đẳng Nâng cao (Higher Diploma). Có bằng Cao đẳng Nâng cao có thể học tiếp liên thông đại học (2 năm) nếu muốn hoàn thiện học vấn. 

Đây là mô hình áp dụng ở nhiều nước. Hiện nay Singapore hàng năm đều sang Việt Nam tuyển học sinh học hết lớp 9 sang Singapore học Polytechnic (Cao đẳng) là theo mô hình này. Nếu hiện nay xong lớp 12 mới vào đại học, trượt đại học mới vào cao đẳng thì theo mô hình mới [1111], sau 9 năm có nhánh rẽ cao đẳng. 

-    [1 đại] là đại học, thời gian học 3-4 năm thay cho 4-5 năm hiện nay. Việc giảm 1 năm học đại học nhờ đã có kiến thức trong 2 năm học dự bị đại học. Với sinh viên có bằng Cao đẳng Bậc cao, thời gian học liên thông đại học là 2 năm bổ sung. 

Việc đào tạo Thạc sỹ, Tiến sỹ không có gì thay đổi. Việc liên thông các cấp độ học và các chương trình học được thực hiện theo hình thức “chuyển đổi tín chỉ” – tức chuyển đổi một số nội dung đã học để bớt đi một số môn và thời gian học khi chuyển sang chương trình học cao hơn hoặc chương trình khác. Với quan niệm liên thông này, việc liên thông được tiến hành tự do, mềm dẻo giữa các ngành và các cấp học. 

Hệ thống trường học sẽ quy hoạch lại để chỉ còn trường Tiểu học, trường Trung học, trường Cao đẳng và trường Đại học (không tính các trung tâm dạy nghề ngắn hạn). Chương trình phổ thông được thiết kế lại thành hệ 9 năm. Việc học dự bị đại học được thực hiện tại trường Trung học. 

Với kiến trúc giáo dục hiện tại, sẽ gộp trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông thành trường Trung học, gộp trường Trung cấp vào trường Cao đẳng. 

Kiến trúc mới [1 tiểu - 1 trung - 1 cao - 1 đại] đáp ứng được cả 5 mục tiêu nêu trên. Bộ Giáo dục sẽ quản lý nhà nước về giáo dục phổ thông trở xuống. Bộ Đại học quản lý đào tạo sau phổ thông (cao đẳng – đại học).

Tuổi để có bằng phổ thông là 15 (trước đây là 18), tuổi có bằng Cao đẳng/Cao đẳng Nâng cao là 17-18 (trước đây là 21), tuổi có bằng đại học là 20-21 (trước đây là 22-23). Thanh niên vào đời sớm hơn phù hợp với tiêu chí sinh học giới trẻ hiện nay, việc giảm thời gian học ngoài cái lợi là giảm chi phí xã hội còn tăng được thời gian cống hiến của cá nhân, và đất nước có thêm nguồn lao động trẻ. 

Xóa vùng trũng Tiếng Anh & Bình dân học vụ 2.0

Tiếng Anh đang là ngôn ngữ được sử dụng ở nhiều quốc gia nhất, và là ngôn ngữ được sử dụng trên Internet nhiều nhất, có nhiều thông tin bằng thứ tiếng này nhất. Việt Nam hiện đang là vùng trũng tiếng Anh trong khu vực khi các nước xung quanh như Philippines, Singapore, Malaysia, Thailand, Campuchia, Hongkong… với các bước đi phù hợp đã biến tiếng Anh thành ngôn ngữ thông dụng của dân chúng. 

Hiệu ứng “Vùng trũng tiếng Anh” là rào cản lớn trong hội nhập quốc tế, chuyển giao công nghệ, xuất/nhập khẩu giáo dục của Việt Nam, là một thước đo thể hiện mức độ yếu kém của nguồn nhân lực Việt.

Cần phải xem việc xóa “Vùng trũng tiếng Anh” là một nhiệm vụ chiến lược quan trọng. Cần xem tiếng Anh là công cụ quan trọng mà không có nó thì không thể hội nhập quốc tế.

50 năm trước, với phong trào Bình dân học vụ, học vấn bình dân cho dân chúng được hiểu là “biết đọc-viết”. Bình dân học vụ 2.0 sẽ phải bao gồm “3 biết”: biết đọc-viết, biết Tin học và biết tiếng Anh. Việt Nam đã cơ bản giải quyết xong việc phổ cập “biết đọc- viết”, việc phổ cập “biết Tin học” không phải là công việc quá khó, chỉ cần học một vài tháng, thậm chí không cần trường lớp. Cái biết thứ 3 - biết tiếng Anh khó hơn nhiều – và biết tiếng Anh phải là biết như một công cụ dùng được - chứ không phải là biết dưới dạng một môn học đã từng được học qua như hiện nay. 

Việc xóa mù tiếng Anh phải được giải quyết ở trường phổ thông như một kỹ năng giáo dục phổ cập – để nâng cao dân trí, để người dân có điều kiện tận hưởng các tiện ích xã hội thông qua tiếng Anh, để người dân có điều kiện thể hiện vai trò xã hội đầy đủ hơn, và để đất nước có cơ sở nền tảng hội nhập quốc tế sâu rộng đúng nghĩa. 

Việc xóa mù tiếng Anh được giải quyết ở trường phổ thông cũng là tiền để để nâng cao chất lượng giáo dục sau phổ thông (cao đẳng, đại học), tận dụng được học liệu và giảng viên quốc tế để nâng cao chất lượng giáo dục, để xây dựng một nền giáo dục sau đại học mang tính quốc tế hóa, cho phép mơ đến viễn cảnh xuất khẩu giáo dục (thu hút sinh viên nước ngoài đến học ở Việt Nam, mở cơ sở đào tạo của Việt Nam ở nước ngoài) chứ không chỉ đơn thuần hội nhập theo dạng đi nước ngoài du học như hiện nay.

Phổ cấp tiếng Anh là con đường Singapore đi cách đây 50 năm, là con đường Malaysia đi cách đây 15 năm, và là con đường Indonesia đang đi hiện nay. 

Với dân số đứng thứ 13 trên thế giới, Việt Nam cần thực hiện Bình dân học vụ 2.0, đặt mục tiêu chiến lược là xóa “vùng trũng tiếng Anh”, xem đây là nhiệm vụ của giáo dục phổ thông để mau chóng trở thành 1 trong 10 quốc gia có nhiều người dùng tiếng Anh nhất vào năm 2020. 

Tài chính giáo dục – vấn để xã hội hóa và thu hút đầu tư

Giáo dục là lĩnh vực mang tính xã hội – nhân văn. Mô hình đầu tư giáo dục lý tưởng nhất là nhà nước dùng ngân sách đầu tư toàn bộ để xây dựng một nền giáo dục chất lượng cao, học tập miễn phí ở tất cả các cấp học. Đây là mong muốn của mọi nhà nước do dân, vì dân. Việc gắn giáo dục với yếu tố thị trường bao giờ cũng có những mặt trái không ai mong muốn. 

Trong đề án đổi mới giáo dục, Việt Nam cần đặt mục tiêu phổ cập giáo dục phổ thông bắt buộc và phải là giáo dục phổ thông có chất lượng (hệ 9 năm – cùng các năm nhà trẻ mẫu giáo), học sinh đi học không phải đóng bất cứ khoản phí nào. Đây cũng là ưu việt XHCN cần hướng tới và thực hiện sớm. Hy vọng rằng có thể tính toán để có ngân sách đủ chi cho việc này. 

Cần nói thẳng luôn – dù rất muốn thì nhà nước cũng không đủ tiền chi cho giáo dục sau phổ thông miễn phí, kể cả chấp nhận chất lượng thấp.

50 năm trở lại đây, bức tranh giáo dục đã có sự thay đổi lớn ở quy mô toàn cầu, trong đó một trào lưu mà không quốc gia nào cưỡng nổi là hiện tượng đại chúng hóa giáo dục sau phổ thông. Số liệu thống kê của hầu hết các quốc gia cho thấy rõ điều này. Mỹ là quốc gia đầu tiên có tỷ lệ học vấn sau phổ thông (post-secondary education) vượt ngưỡng 40% dân số vào đầu những năm 60, tiếp theo là Canada. Tây Âu và Nhật bản gia nhập trào lưu này vào những năm 80 và sau đó là các quốc gia khác, trong đó có cả các nước đông dân như Trung quốc, Ấn độ cũng bị cuốn theo trào lưu này. Điều này được dẫn dằt bởi nhu cầu nhân lực của nền kinh tế hiện đại cần lao động qua đào tạo sau phổ thông, và nhu cầu có học vấn của người dân ngày càng cao. 

Hiện tượng này cũng dễ dàng quan sát ở Việt Nam qua các con số thống kê về việc tăng trưởng sinh viên. Nếu 50 năm như trước đây – ai đó ở Việt Nam có học vấn tiểu học, trung học đã là tinh hoa xã hội – thì giờ đây có bằng đại học - thậm chí trên đại học - chưa chứng tỏ điều gì. 

Có đủ kinh phí cho hệ thống giáo dục sau phổ thông trở thành nhiệm vụ không thể kham nổi của ngân sách quốc gia. Các nước giàu có ở Tây Âu cố gắng tối đa, và cuối cùng phải chấp nhận thu và tăng học phí đại học công, dẫn đến biểu tình, xung đột giữa sinh viên với chính quyền những năm gần đây (Anh, Pháp…). 

Việt Nam không nằm ngoài quy luật này: số sinh viên bùng nổ, tăng nhanh chóng, từ lâu ngân sách nhà nước – dù co kéo để dành tối đa cho giáo dục, dù cố tăng hàng năm (hiện là 20% chi ngân sách và đến ngưỡng không tăng them được nữa vì còn chi cho y tế, quốc phòng an ninh, phúc lợi xã hội khác…) – đã không đáp ứng được nhu cầu khi số lượng sinh viên tăng và đòi hỏi về chất lượng đào tạo cao của xã hội cũng như của người học.

Chúng ta muốn ai cũng được học hành như Bác Hồ từng mong. Chúng ta muốn chất lượng đào tạo tốt – thậm chí xem đây là mục tiêu số một, mục tiêu không được phép thỏa hiệp, cả xã hội đồng thanh nói không với chất lượng giáo dục chất lượng thấp. 

Nhưng nhà nước không đủ nguồn tài chính cần thiết thực hiện việc này. Đây là một thực tế không được phép né tránh, cần phải đối mặt và nhìn nhận rõ ràng trong đề án đổi mới giáo dục Việt Nam. 

Giải quyết mối quan hệ giữa 3 yếu tố:

-    Chất lượng đào tạo (sau phổ thông) yêu cầu ngày càng cao 

-    Nguồn lực đầu tư giáo dục (từ nhà nước) hạn chế 

-    Số lượng sinh viên bùng nổ

là một nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt, nếu không làm rõ vấn đề này thì những gì nêu trong đề án đổi mới giáo dục chỉ là khẩu hiệu và duy ý chí. 
Nếu chỉ nhấn mạnh một khía cạnh – chẳng hạn xem chất lượng giáo dục lên hàng đầu – thì ở khía cạnh mô hình lý thuyết, lời giải khá rõ: chỉ cần giảm số sinh viên đi 10 lần (hạn chế chỉ tiêu) – thì suất đầu tư cho mỗi sinh viên cũng tăng lên 10 lần, đủ tiền đề để nâng cao chất lượng. 

Bài toán Ba yếu tố giáo dục (3G) trong bối cảnh Việt Nam cần thiết phải có nguồn nhân lực đông về số lượng, tinh về kỹ năng nghiệp vụ để phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế cần được phát biếu chính xác là: với nguồn ngân sách hạn chế, với yêu cầu chất lượng cao, cần xây dựng một hệ thống giáo dục để đào tạo càng nhiều càng tốt. 

Bài toán 3G: 

Mục tiêu: 

[Số lượng đào tạo] -> MAX

Ràng buộc:

[Ngân sách giáo dục] < NS

[Chất lượng giáo dục] > CL

Lời giải ở đây là: Với giáo dục phổ thông (9 năm), nhà nước đầu tư tối đa để phổ cập với chất lượng tốt. Với giáo dục sau phổ thông thì [1 tập trung 2 tăng cường]:

-    Tập trung ngân sách nhà nước vào a) đào tạo các ngành thiết yếu (xã hội, khoa học, văn hóa…); b) đào tạo nhân tài; c) hỗ trợ sinh viên nghèo – và thu hẹp số lượng sinh viên trường công để duy trì suất đầu tư/sinh viên cao đủ để đảm bảo chất lượng. 

-    Tăng cường xã hội hóa giáo dục, có chính sách để thu hút mạnh mẽ đầu tư đa thành phần vào lĩnh vực này như một dạng dịch vụ. 

-    Tăng cường kiểm soát chất lượng 

Thực tiễn hiện nay là so với các nước khác, phần trăm ngân sách chi cho giáo dục Việt Nam đang ở dạng cao nhất, và tỷ lệ [sinh viên tư]/[sinh viên công] thấp nhất. Việt Nam đã chi tối đa ngân sách cho giáo dục (20% ngân sách), và ôm đồm quá nhiều sinh viên trường công (86 sinh viên trường công/14 sinh viên trường tư) – bức tranh ngược hẳn mô hình phát triển bình thường của các nước trong khu vực. Suất đầu tư ngân sách/sinh viên thấp – dẫn đến chất lượng thấp là điều không tránh khỏi. 

Quốc gia  % công (sau phổ thông) % ngoài công lập
Brunei 33 67
Cambodia 41 59
Indonesia 3 97
Lào 31 69
Malaysia 12 88
Myanmar 100
Philippines 11 89
Singapore 56 44
Thái Lan 57 43
Viet Nam 86 14
 
Tỷ lệ sinh viên công lập/ngoài công lập (theo TS Zianxin Zhang)



Quốc gia % ngân sách chi cho giáo dục Số liệu năm 
(theo World Bank)
Thái Lan 22.3% 2011
Việt Nam 19.8% 2008
Malaysia 18.9% 2009
Indonesia 17.1% 2009
Hàn Quốc 15.8% 2008
Philippines 15.0% 2009
Lào 13.2% 2010
Cambodia 12.0% 2007
Singapore 10.2% 2010
Nhật Bản 9.4% 2008
 

Về tiêu chí tỷ lệ học sinh công/tư - lẽ ra cấp học càng cao thì mức độ xã hội hóa càng nhiều - thì bức tranh giáo dục Việt Nam đang hoàn toàn ngược lại: tỷ lệ xã hội hóa giáo dục mầm non mẫu giáo là cao nhất, sau đó đến trung học, và thấp nhất là xã hội hóa giáo dục sau phổ thông. 

Năm học 2008-2009 Tỷ lệ ngoài công lập
Nhà trẻ 63.93%
Mẫu giáo 44.53%
Trung học 15.78%
Cao đẳng đại học 14.43%

Đã thế lại kèm theo hiệu ứng xã hội tập trung “ném đá” phê phán xã hội hóa đào tạo sau phổ thông, xem các nhà đầu tư cao đẳng đại học như tội đồ chạy theo lợi nhuận. Giai đoạn phát triển cần thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội hóa giáo dục hiện nay – mà lại luôn nhấn mạnh yếu tố phi vụ lợi trên các nghị quyết của Đảng, nhà nước và trên các diễn đàn xã hội – thì sẽ không đạt được mục tiêu thu hút đầu tư giáo dục đa thành phần. 

Cũng cần phát triển một mô hình đầu tư giáo dục mới là các Khu đào tạo tập trung – mô hình thế hệ tiếp theo của Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao - nhằm thu hút đầu tư giáo dục chất lượng cao, cho phép triển khai một dự giáo dục nhanh chóng, tiết kiệm nhờ sử dụng hạ tầng và các tiện ích giáo dục dùng chung. Một số quốc gia trong khu vực như Qatar (Qatar Education city), Tiểu vương Ả rập Thống nhất (Dubai Academic City), Malaysia đã và đang triển khai thành công mô hình này. Nếu cần thiết khuyến khích chuyển đổi một số khu công nghiệp thành Khu đào tạo tập trung và hình thành các Khu đào tạo trong Khu công nghệ cao. 
 
Các khu đào tạo tập trung quốc tế (2010)

Đây cũng là lời giải cho Câu hỏi suy ngẫm đặt ra ở phần 1. Để biến dân số đông từ một gánh nặng kinh tế xã hội thành ưu thế cạnh tranh cho địa phương đông dân hiếu học - cần nhanh chóng thành lập Khu đào tạo đại học tập trung tại đây, lôi kéo các trường đại học chất lượng cao về đầu tư triển khai hoạt động đào tạo – để vừa hình thành một dịch vụ mới cho địa phương, vừa từng bước giữ người học sau phổ thông giảm bớt nạn chảy máu chất xám về các đô thị lớn như Hà nội, HCM, vừa là tiền đề thu hút đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế khi có sẵn nguồn nhân lực được đào tạo tại chỗ. 

Đưa CNTT vào giáo dục

Để đổi mới cơ bản – toàn diện giáo dục – chắc chắn phải đưa CNTT vào hệ thống giáo dục – đưa một cách cơ bản – toàn diện, từ việc quản lý đào tạo, phương pháp đào tạo đến tài nguyên phục vụ đào tạo, khảo thí. 

Nhiều nhiệm vụ đặt ra trong đổi mới giáo dục như tái cấu trúc, trao đổi tài nguyên đào tạo xuyên biên giới, hội nhập quốc tế, dạy và học tiếng Anh trong môi trường sinh ngữ, triển khai mô hình khu đào tạo tập trung gắn với mô hình đa cơ sở (một trường nhiều cơ sở) chỉ có thể thực hiện được hiệu quả khi sử dụng CNTT và dựa trên hạ tầng CNTT. 

CNTT cũng đang nhanh chóng thay đổi bộ mặt của giáo dục đào tạo. Giáo dục đào tạo thế kỷ 21 sẽ dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, và nền giáo dục đào tạo nhân lực cho kinh tế hướng tri thức & hội nhập – sẽ hoàn toàn khác nền giáo dục hình thành trong lòng xã hội công nghiệp. Cần có khảo sát nghiên cứu mang tính nền tảng để những gì đổi mới không lạc hậu với thời đại. 

***

Chúng tôi hy vọng những đổi mới lớn lao sẽ diễn trong giáo dục đào tạo trong thời gian tới, chứ không chỉ đơn thuần là các thay đổi mang tính xử lý tình huống. 

Các giải pháp đề xuất trong bài viết này hướng tới mục tiêu chung là nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, nhằm tạo ra lực lượng lao động cạnh tranh toàn cầu, làm bệ phóng đưa Việt Nam vượt ngưỡng thu nhập trung bình đến kinh tế tri thức – xã hội thông tin, sánh vai với các nước tiền tiến trên thế giới, thực hiện mục tiêu: Dân giàu – Nước mạnh – Xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Để kết luận, xin nhắc lại lời nói của một thi sỹ thời Tống: “Trên đời có 3 điều đáng tiếc nhất: những bức danh họa bị mất giá trị vì bị những kẻ phàm phu tục tử tán thưởng; những cánh trà ngon bị hao phí quá nhiều bởi những bàn tay bất tài dày vò, và những thanh niên ưu tú bị hư hỏng vì một hệ thống giáo dục sai lầm” (Lichilai). 

Hà Nội, tháng 8/2012

Lê Trường Tùng
Hiệu trưởng Trường ĐH FPT
Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học - Cao đẳng ngoài công lập

Theo TiaSang