Hồ Quý Ly - cần một con đường mang tên ông

(VNN)... Anh bạn tôi có lý khi mong muốn ở Thủ đô Hà Nội cần có một con đường mang tên Hồ Quý Ly vì cho dù thất bại, ông vẫn là nhân vật lịch sử can đảm, táo bạo, có nhiều đóng góp cho đất nước. Những ý tưởng đổi mới của ông tuy chưa gặp “thời” và chưa thành hiện thực lúc bấy giờ, nhưng đến đời hậu Lê, đã được nhiều vị vua thực hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau.

Tôi có anh bạn cùng học thời đại học, hiện là bí thư một huyện ở vùng quê Thanh Hoá, rất thích nghiên cứu về lịch sử. Mỗi lần về quê, gặp tôi anh cứ thắc mắc: Sao đến nay Thủ đô Hà Nội đã có con đường mang tên Trần Thủ Độ(*) mà lại chưa có con đường nào mang tên Hồ Quí Ly? Hai nhân vật lịch sử này đều có những nét giống nhau, cùng là những nhân vật lỗi lạc, đã có công đặt nền móng cho những vương triều phong kiến nước ta.

Thành nhà Hồ. Ảnh: Tư liệu

 

Đánh giá về Hồ Quý Ly còn có những ý kiến khác nhau, song giới sử học nước nhà đều thừa nhận công lao lớn nhất của ông là người đầu tiên có tư tưởng đổi mới, khởi xướng những biện pháp canh tân kinh tế - xã hội cho đất nước. Ông là vị vua nước Việt đầu tiên cho in và phát hành tiền giấy rộng rãi trong dân chúng, đồng thời nghiêm trị xử chém những kẻ làm tiền giả. Ông thực hiện lại chính sách ruộng đất mà trước đó tập trung quá nhiều cho công hầu, khanh tướng triều Trần, ban hành lại chính sách thuế phù hợp, công bằng với mọi tầng lớp, từ người giàu đến người nghèo.

Nhiều nhà khoa học, nhiều văn sỹ nước ta đã bỏ công sức nghiên cứu, sưu tầm về Hồ Quí Ly. Đỗ Đình Truật, nhà khoa học - nhà khảo cổ học là một trong những số đó. Ngay từ thuở nhỏ, ông đã say mê và tìm hiểu nhân vật lịch sử Hồ Quý Ly, cho rằng đó là nhân vật anh hùng: “Một kẻ khác người, có tầm vóc thời đại, có công vực dậy, canh tân và bảo vệ đất nước, nhưng tiếc thay vận mệnh ngắn ngủi, để lại mối hoài nghi cho lịch sử...”.

Có thời gian học tại Trung Quốc, Đỗ Đình Truật, người con xứ Quảng Ngãi đã lặn lội, lần tìm dấu vết Hồ Quý Ly và hậu duệ. Ông tin rằng sau khi xâm lược nước ta, bọn giặc Minh đã bắt và lưu đày Hồ Quý Ly và dòng họ Hồ sang Trung Quốc. Bước chân ông đã đi đến rất nhiều nơi, thậm chí cả dinh Lưỡng Quảng tổng đốc Tôn Sĩ Nghị, tư gia tướng giặc Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc, tàng thư cổ của nước Việt ở Côn Minh, Vân Nam... Đến khi lần mò trong Minh sử và Mộc Thạnh cố truyện, Trương Phụ cố truyện (những vị tướng Tàu từng đánh nhau với nhà Hồ)...le lói được chút dấu vết Hồ Quý Ly thì ông phải về nước.

Năm 2004, mặc dù ở độ tuổi 74 nhưng khi nhận được sự tài trợ của một cơ quan cho chuyến đi Trung Quốc tìm mộ Hồ Quý Ly,  ông đã không quản tuổi cao, đường xa, vượt qua hàng ngàn kilômet đến nơi lưu đày Hồ Quý Ly. Trong chuyến đi này, ông đã đến núi Lão Hổ Sơn, một cụm gồm ba ngọn núi nhỏ cao khoảng 100m, với diện tích hơn 80ha nằm bên bờ nam sông Dương Tử.

Trên núi, cây cối rậm rạp bao quanh một bãi nghĩa trang cổ vẫn còn được người thời nay chôn cất. Nhưng rất tiếc, giữa rất nhiều bia mộ, ông không tìm ra được chính xác mộ phần của người mà ông hằng ngưỡng mộ và cất công tìm kiếm. Ông Truật đành bồi hồi đào nắm đất trên đỉnh Lão Hổ Sơn, bỏ vào túi nâng niu mang về.

Anh bạn tôi ngoài lý do như ông Truật, còn một lý do khác để anh yêu quí: Thành nhà Hồ nổi tiếng tọa lạc ngay ở quê anh. Vì vậy anh thu thập tất cả những tư liệu liên quan đến Hồ Quý Ly. Có lần anh khoe đã mua được cuốn “Hồ Quý Ly” tiểu thuyết lịch sử của tác giả Nguyễn Xuân Khánh. Anh bảo thật giỏi, tác giả viết cứ như là người đã từng sống ở thời đại đó. Nghe anh kể tôi cũng như hiểu thêm, và yêu quý, quý trọng thêm dòng họ Hồ ở xứ Thanh.

Hồ Quý Ly dòng dõi người Chiết Giang (Trung Quốc) sang Việt Nam và định cư ở huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An. Đời cháu thứ 12 là Hồ Liêm dời đến ở hương Đại Lại, Thanh Hóa làm con nuôi tuyên úy Lê Huấn, từ đấy lấy Lê làm họ mình. Quý Ly là cháu bốn đời của Lê Huấn.

Mộ Hồ Văn Hải ở núi Lão Hổ Sơn, nơi ông Truật cho rằng đó là hậu duệ của Hồ Quý Ly và được chôn trong khu mộ của dòng họ nhà Hồ. Ảnh: TT

 

Ông làm quan trong triều Trần và rất được tin dùng. Vua Trần Nghệ Tông lại gả em gái là công chúa Huy Ninh cho ông. Năm 1395 Trần Nghệ Tông mất, ông được phong làm Phụ chính Thái sư nhiếp chính nắm trọn quyền hành trong nước.

Chỉ trong thời gian tương đối ngắn, hơn năm năm cuối nhà Trần và chưa đầy bảy năm trị vì của nhà Hồ, những việc làm thực tế của Hồ Quý Ly cho thấy ông đã vạch ra và quyết tâm thực hiện cải cách khắp mọi lĩnh vực: Chính trị, hành chính, quốc phòng, kinh tế, tài chính, văn hoá - tư tưởng, giáo dục, y tế, xã hội... Tư tưởng của ông trong lĩnh vực nào cũng mới mẻ, hành động nào của ông cũng quyết liệt, có tác dụng thúc đẩy xã hội đổi mới.

Nhưng bi kịch lớn nhất của ông, cũng là của lịch sử chính là sự thất bại của một đường lối đổi mới. Đường lối đó đúng nhưng chưa gặp thời.

Vào cuối triều Trần, xã hội đã bộc lộ nhiều mâu thuẫn gay gắt. Vua thì bạc nhược, bất tài vô dụng, nhiều cuộc khởi nghĩa dấy lên chống lại triều đình vì thế ông cương quyết phế bỏ, lập nên nhà Hồ thay thế nhà Trần. Ông có bài thơ nói về tâm niệm của mình:Cũng một duộc vua hèn/ Hôn Đức và Linh Đức/ Sao chẳng sớm liệu đi? Chỉ để người nhọc sức

Có thể nói cuộc “đảo chính cung đình” giành lấy ngôi vua từ tay họ Trần sang họ Hồ là việc làm táo bạo và triệt để nhất trong quá trình cải cách chính trị của Hồ Quý Ly. Chiếm được chính quyền, ông tiếp tục đề ra những biện pháp nhằm dựng dậy chế độ Nhà nước quân chủ đang đi vào chỗ rệu rã, suy sụp...

Ông có những cải cách kinh tế quan trọng như: Hạn điền, hạn nô, phát hành tiền giấy và đổi mới chế độ thuế khóa. Đó là những cải cách tiến bộ nhằm tước giảm thế lực giới quý tộc triều Trần, giải quyết tình trạng kiệt quệ tài chính của triều đình.

Về vǎn hóa, Hồ Quý Ly có hoài bão xây dựng một nền vǎn hóa dân tộc. Ông là vị vua Việt Nam đầu tiên quyết định dùng chữ Nôm, dịch Kinh thư ra nôm để dạy. Ông phản đối lối học sáo rỗng, học vẹt lời nói của cổ nhân. Ông soạn sách "Minh Đạo" đưa ra những kiến giải xác đáng về Khổng Tử và những nghi vấn có cǎn cứ về sách "Luận ngữ".

Thành nhà Hồ, xây dựng năm 1397 đời vua Trần Thuận Tông (1388-1398). Sử cũ cho biết, thành được xây dựng chỉ trong thời gian ba tháng. Đây cũng có thể coi là một kỳ công trong lịch sử kiến trúc- xây dựng Việt Nam. Cho đến nay chúng ta cũng không biết bằng kỹ thuật nào ông đã đưa được những khối đá nặng hàng tấn xây cổng thành để đến nay vẫn sừng sững "trơ gan cùng tuế nguyệt".

Về mặt xã hội, Hồ Quý Ly mở "Quảng Tế Thư" một loại bệnh viện công, chữa bệnh bằng châm cứu và lập kho bán thóc rẻ cho người nghèo. Việc ông cho ban hành cân, thước, đấu, thưng, để thống nhất đo lường cũng góp phần làm tǎng thêm giá trị vǎn minh của đời sống xã hội. Về quân sự, trước sự lăm le xâm lược của nhà Minh, Hồ Quý Ly tích cực chấn chỉnh quân đội, xây thành, đóng thuyền chiến. Có thể nói vào thời ấy số lượng và trang bị của quân đội như vậy là rất hiện đại.

Ông thực hiện những cuộc cải cách ấy với một quyết tâm cao, một tài nǎng xuất chúng và một bản lĩnh phi thường, nhưng lại vấp phải những trở ngại rất lớn. Việc làm này vào thời buổi ấy, do ảnh hưởng nặng nề của Tống Nho, có thể nói hầu hết dân chúng trong xã hội - từ giới vương hầu quý tộc, tri thức nho sĩ đến người bình dân - ai ai cũng đều lên án, nguyền rủa,...

Tư tưởng “trung quân” đến thành “ngu trung” quả rất nặng nề. Quần chúng nhân dân không chấp nhận một hành động như vậy. Họ không thấy được triều đại nhà Trần vào cuối đời đã trở nên suy tàn, trở thành lực cản cho sự phát triển. Bi kịch của xã hội, bi kịch của một thời đại, và bi kịch của Hồ Quý Ly cũng chính ở đây. Hành động thay đổi ngôi vua và cải cách là hành động cách mạng nhưng tiếc thay, với ý thức “ngu trung” đó, không phải hành động cách mạng nào cũng được sự ủng hộ.

Trường hợp của Trần Thủ Độ may mắn hơn Hồ Quý Ly. Ông có được thiên thời chính là thời gian. Thời gian để Trần Thủ Độ và vương triều Trần có cơ hội ghi dấu ấn khá dài. Mặc dù hành động “cướp ngôi” của nhà Trần và những hệ lụy còn khủng khiếp và kéo dài hơn. Để củng cố quyền lực nhà Trần, Trần Thủ Độ bên ngoài thì đánh dẹp các sứ quân, bên trong thì sắp xếp quan lại trong triều. Đối với nhà Lý, ông đã giết vua Lý Huệ Tông và thủ tiêu nhiều tôn thất nhà Lý, bắt những người sống sót đổi sang họ Nguyễn và một số họ khác để trừ tuyệt hậu hoạ.

Đường phố Hà Nội mới. Ảnh: Hoàng Huy (VNN).

 

Lịch sử sẽ còn ghi dấu sự thất bại của Hồ Quý Ly như là bi kịch của một nhân vật, một số phận lịch sử, bi kịch của “cái mới” non trẻ bị thất bại. Nó thất bại bởi cả nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài, bởi thiếu những nhân tố mà người xưa tổng kết: Thiên thời - địa lợi- nhân hòa.

Khi viết về Hồ Quý Ly, trong bài “Bình Ngô Đại cáo” Nguyễn Trãi đã từng ghi: “Nhân họ Hồ chính sự phiền hà/ Để trong nước lòng dân oán hận/ Quân cuồng Minh đã thừa cơ gây loạn/ Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh”.

Nhân tố bên trong quan trọng nhất chính là lòng người. Thực ra những việc làm của Hồ Quý Ly “chính sự phiền hà” là những cải cách quan trọng, song ngay cả những vị học giả lớn, với tư tưởng “trung quân ái quốc” thời ấy cũng chưa chấp nhận thì làm sao người dân đã có thể hiểu và theo?

Và vì thế, việc cướp ngôi nhà Trần là việc làm “trái đạo” không thể chấp nhận thời bấy giờ.

Soi xét dưới con mắt lịch sử, cả hai việc ấy đều không thể coi là sai trái. Khi một triều đại đã mục rỗng, thối nát thì việc thay thế nó là một quy luật, một tất yếu lịch sử. Tuy nhiên quan điểm “trung quân” của Nho giáo lại không cho phép bất cứ ai hành động như vậy. Và chúng ta đều biết thời đại mà Hồ Qúy Ly sống là thời đại hết sức đề cao Tống Nho.

Còn Trần Thủ Độ phải chăng khi “cướp ngôi”, Phật giáo là “quốc giáo” nên yếu tố “trung quân” được xem nhẹ hơn? Có thể đây là câu hỏi giành cho những người nghiên cứu lịch sử.

Nhưng rõ ràng sự thất bại của Hồ Quý Ly chính là yếu tố lòng dân. Đời sống đương đại, dưới cái nhìn lịch sử khách quan, công tâm, công bằng không hề ảo tưởng qui nỗi đau mất nước là tội của Hồ Quý Ly. Vào thời điểm đó giặc phương Bắc hùng mạnh tràn tới, triều đại nhà Hồ mới được bẩy năm, lại mới bắt tay vào cải cách, mọi cái mới của chính sự còn non yếu, bấy bớt, mất nước là điều không tránh khỏi.

Anh bạn tôi có lý khi mong muốn ở Thủ đô Hà Nội có con đường mang tên Hồ Quí Ly, vì cho dù thất bại, ông vẫn là nhân vật lịch sử can đảm, táo bạo, có nhiều đóng góp cho đất nước. Những ý tưởng đổi mới của ông tuy chưa gặp “thời” và chưa thành hiện thực lúc bấy giờ, nhưng đến đời hậu Lê,  đã được nhiều vị vua thực hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau…

  •  Nguyễn Đăng Tấn
  •