Bình chọn cuộc thi viết "TÔI YÊU MÁI TRƯỜNG VĂN HÓA"

BÌNH CHỌN CUỘC THI VIẾT

“TÔI YÊU MÁI TRƯỜNG VĂN HÓA”
 
Ngôi trường dấu yêu 
Nguyễn Thị Yên – 01
 
Trong ký ức tuổi học trò của em, những năm tháng học tập tại mái trường ĐH Văn hóa Hà Nội có lẽ đã lưu giữ giùm em những kỷ niệm đẹp và trong trẻo nhất.
Em vào trường một buổi sáng mùa thu, khi những sợi nắng vàng mắc víu trên tán bàng xanh lá đã trở nên xa lắc xa lơ, nhường chỗ cho buổi đầu thu đón chào những tân sinh viên mới bỡ ngỡ bước chân vào cổng trường ĐH Văn hóa. Khép nép trong tà áo dài trắng, em cảm giác mình như chưa lớn hẳn lên và pha chút tự hào khi đeo phía trên ngực trái phù hiệu của trường... Trường của em không mới, không to đẹp như nhiều ngôi trường khác trong thành phố, nhưng bạn bè em ai cũng tự hào về ngôi trường có bề dày thành tích 50 năm đã đào tạo biết bao nhiêu thế hệ trưởng thành. Cứ mỗi lần đi vào ngôi nhà truyền thống cổ kính nằm ở phía đông - nơi lưu giữ những tấm bằng khen, huân chương, huy chương... là trong mỗi chúng em ai cũng tăng thêm ý chí phấn đấu, phải học tập, rèn luyện thật tốt để xứng đáng với ngôi trường uy nghiêm, cổ kính, với những gì tốt đẹp theo truyền thống xưa nay. Đã 50 năm học tập và phát triển, những thành tích mà các thầy cô và các thế hệ sinh viên đaị học Văn hóa đã đạt được chắc chắn sẽ luôn là niềm tự hào trong sự nghiệp giáo dục của thành phố. Và em tin chắc chắn trong tương lai, trường sẽ còn đạt được nhiều thành công hơn nữa.
Tháng 5 bắt đầu bằng những bông phượng đỏ thắm. Một sáng, em thấy gốc phượng già bên cổng trường hoa vường khắp mà lòng xót xa ngẩn ra nhìn. Tiếng ve lan từ nơi này sang nơi khác, kéo thành những chuỗi dài râm ran, không rõ từ lùm cây nào nhưng đổ vào lớp học. Nắng gay gắt nhảy múa làm sáng lên những tán phượng đỏ rực hoa báo hiệu một mùa thi đang đến rất nhanh. Những điều tưởng như không ăn khớp đó lại làm nên một mùa hè, lại làm cho học trò ngẩn ngơ. Những ngày cuối tháng 5, sinh viên năm thứ 3 chúng em đều có những lo âu về kỳ thi cuối năm, về chuyến đi kiến tập. 
Sang năm em là sinh viên năm cuối, em cảm thấy thời gian sao mà trôi nhanh quá, chỉ một cái chớp mắt thôi, trong tay mỗi người chỉ còn là kỷ niệm. Thời gian đâu có chờ đợi ai, cứ vùn vụt trôi qua nhanh đến nỗi đôi khi chẳng thể nhận thấy. Tự nhủ mình nên quý trọng quãng thời gian cuối cùng được ở bên bạn bè, thầy cô, được học tập dưới mái trường Văn hóa mến yêu. Bốn năm học không dài nhưng cũng không ngắn nhưng đủ để những con người xa lạ trở nên thân thiết giống hệt như một gia đình, dưới sự dạy dỗ, chỉ bảo của các thầy cô dưới mái nhà đại học văn hóa Hà Nội.
Em yêu và nhớ những con đường mòn trong sân trường. Trên con đường nhỏ bé ấy, em đã nán lại bao lần để đi bộ, đếm mỏi cả chân những đốm nắng lung linh xuyên qua từng kẽ lá. Em yêu và nhớ cái lớp học có cánh cửa sổ bị hoen rỉ nơi góc em ngồi hành lang lớp nhìn ra có những tán lá bằng lăng lòa xòa xanh mướt và ngát thơm. Em nhớ những tiết học quân sự của thầy Khâm với những buổi tập điều lệnh đội ngũ đầy vất vả. Tác phong mẫu mực và nhanh gọn của thầy đã khiến sinh viên viết văn chúng em vốn toàn con gái” yểu điệu thục nữ” vô cùng thán phục và... khiếp sợ. Em vẫn nhớ như in lời dạy của thầy ngay từ buổi học đầu tiên” Các bạn là những người trẻ, vậy các bạn phải thể hiện bản lĩnh của tuổi trẻ được thể hiện qua tác phong của người lính. Đi thật hiên ngang, ngồi phải ngay ngắn, đàng hoàng...” Sau tháng quân sự, chúng em gần gũi và hiểu nhau hơn, tác phong cũng nhanh nhẹn và dứt khoát lên rất nhiều, nhung điều quan trọng hơn là chúng em được hiểu rõ hơn những kiến thức về Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền, ý thức công dân khi là những chủ nhân tương lai của đất nước. Em nhớ và yêu những giờ văn học của cô Nguyễn Thị Chiến, cô có cái nhìn xa xăm và giọng nói thì trầm ấm lắm. Mỗi giờ lên lớp của cô là 32 sinh viên lớp viết văn k10 đều lắng nghe một cách say mê. Thỉnh thoảng, chúng em còn được nghe tình khúc của Văn Cao, từ đó chúng em mới được hiểu thêm những Suối Mơ, Đàn chim Việt, Sông Lô... ngoài một Tiến quân ca mà chúng em vẫn hát mỗi buổi sáng chào cờ khi còn là học sinh. Em nhớ thầy Giá dạy lí luận văn học. Thầy có cái nghiêm khắc, chừng mực, bé người nhưng nhanh nhẹn, khó tính nhưng rất hiền. Người thầy hiền hậu, chất phác, giữ chúng em ngay hàng thẳng lối bằng quỹ đạo của một người cha. Thầy dạy chúng em: viết bài phải ngẩng cao đầu. Thầy dạy chúng em: viên phấn viết phải bẻ đôi. Những điều giản dị ấy càng lớn ta càng thấy trân trọng mà lúc bé chẳng mấy khi lưu tâm để ý. Tên chúng em thì thầy không thuộc hết nhưng thầy nhớ mặt từng đứa, đặc biệt là những đứa con nhà nghèo, những đứa gia đình có chuyện buồn. Em thấy dường như không gì có thể thoát khỏi đôi mắt của thầy...
Bước chân vào giảng đường đại học là một niềm hạnh phúc, là một sự công nhận cho 12 năm đèn sách. Với riêng em, học tập dưới mái trường ĐH Văn hóa giúp em xóa bỏ đi những khoảng cách lớn mà với em cũng như nhiều sinh viên khác còn mới lạ, bỡ ngỡ. Những ánh mắt đầy thân thiện mà em nhận được mỗi ngày, những sự quan tâm từ bạn bè, thầy cô, những kiến thức em thu nhận được, tất cả đều dưới mái trường này, trong lòng Hà Nội tròn nghìn năm tuổi...
Yên Yên
 
------------------------------------
 
Những người thầy của tôi
Phạm Thu Huyền - 02 

Khi nhớ về mái trường Đại học Văn Hoá, tôi có biết bao nhiêu kỷ niệm. Tôi nhớ con đường đến trường nhiều cây xanh, nhớ sân trường rộng, nhớ cổng giảng đường, nhớ lớp học, nhớ bạn bè. Và khi nhớ về những thầy cô giáo của mình, trong lòng tôi lại có những cảm xúc rất khó diễn đạt
Tôi rất thích học văn, tôi thích và nhớ tất cả các cô giáo dạy văn của mình. Khi bước chân vào giảng đường đại học, trong thời khoá biểu học kỳ I của tôi có môn Lý Luận Văn Học, tôi thích lắm. Cô giáo của tôi có cái tên lạ và đẹp. Giọng nói của cô cũng rất hay. Tôi biết cô rất”say” văn vì mỗi khi giảng bài, cô hay nói triền miên theo mạch cảm xúc. Lý luận văn học nghiên cứu nhiều về lý thuyết chứ không đi vào từng tác phẩm, nên có lúc sẽ thấy nó thật khô khan. Vì thế nên thỉnh thoảng cô đọc cho chúng tôi nghe những bài thơ vui, mà đến giờ nhiều bạn lớp tôi vẫn còn nhớ và đem ra ngân nga. Những giờ nghỉ giải lao ngắn ngủi, cô thường không lên văn phòng mà ngồi lại kể cho chúng tôi nghe những mẩu chuyện nhỏ về gia đình, về cuộc sống. Cô thường bảo rằng khi nào chúng tôi học lý thuyết thấy mệt, cứ nói, cô sẽ kể chuyện vui. Buổi học cuối cùng tôi vẫn nhớ, cô nói”Mỗi năm học trôi qua có bao nhiêu lớp sinh viên hoàn thành môn học này, rồi các bạn sẽ lại bận rộn với những môn học khác. Cô chỉ muốn sau này khi gặp lại cô trên sân trường, các bạn nhớ rằng mình đã từng là học trò của cô thôi”. Đúng là 3 năm đã trôi qua, chúng tôi đã hoàn thành rất nhiều môn học, đã trưởng thành lên rất nhiều. Thế nhưng mỗi lúc nhìn thấy cô, dù chúng tôi đang xếp hàng tập thể dục hay đang ôn bài trước phòng thi vấn đáp, lớp tôi đều rộ lên tiếng”Em chào cô, em chào cô…” 
Khi lớp tôi đã trở thành những sinh viên năm thứ 2, có một cô giáo đã để lại trong lòng chúng tôi những ấn tượng thật đặc biệt. Buổi học đầu tiên cô lên lớp với một gương mặt nghiêm nghị và vô vàn nguyên tắc. Tiếp theo là đề cương sơ lược chương trình và một danh sách dài ngoằng những tài liệu cần đọc. Cô lên lớp rất đúng giờ, không sai một phút, nghỉ giải lao cũng vậy, tuân thủ nghiêm túc theo hiệu lệnh chuông của nhà trường. Cô yêu cầu rất cao về sự giữ gìn trật tự và thái độ tập trung học tập. Bởi thế mà lớp tôi đã có bạn phải ra khỏi lớp trong giờ của cô vì nói chuyện riêng. Kỷ niệm mà tôi nhớ mãi, đó là một ngày thứ 6 có môn của cô, trong khi thứ 6 lại là lịch mượn sách thư viện của lớp tôi. Tranh thủ giờ giải lao, cả lớp ào đi mượn sách. Có 7 bạn vào muộn tiết 3 của cô 5 phút, trong đó có tôi, mà tôi lại là lớp trưởng. Cô không cho vào lớp và mắng chúng tôi rất nhiều. Hôm đó cô giận lắm, cũng không muốn nghe chúng tôi xin lỗi. Tôi vừa sợ vừa buồn, đó cũng là lần đầu tiên tôi khóc ở trường. Cuối cùng 7 đứa chúng tôi đứng ở ngoài cửa lớp nghe cô giảng bài. Tôi thấy mình như học sinh phổ thông đang bị cô phạt, trong lòng dậy lên những cảm xúc rất kỳ lạ. Những tiết học sau đó, chúng tôi bảo nhau phải thật ngoan ngoãn, đi học và nghỉ giải lao đúng giờ, không nói chuyện riêng, chăm chú nghe giảng và chép bài. Cuối cùng cô cũng cười và khen lớp có tiến bộ, chúng tôi thở phào. Mỗi buổi học cô dò sổ, kiểm tra bài cũ. Chúng tôi sợ lắm, vì từ lúc học đại học đâu còn thói quen kiểm tra miệng. Thế rồi, buổi tối trước khi đi ngủ lớp tôi ai cũng phải học bài để sáng hôm sau cô hỏi, kiến thức cũng vững hơn không bị hổng nhiều. Cô yêu cầu đọc nhiều tài liệu và còn kiểm tra việc đọc nữa, nên lớp tôi chưa bao giờ chăm lên thư viện như khi học môn của cô. Không khí học tập có phần căng thẳng nhưng sôi nổi hẳn lên. Cô còn đặc biệt ở chỗ, ngày lễ tết cô không muốn chúng tôi tặng cô hoa hay quà. Cô bảo những bó hoa được bán ở ngoài vừa đắt vừa không đẹp lại toàn giấy sặc sỡ loè loẹt. Cô chỉ muốn chúng tôi tặng cô một bình hoa hồng đỏ tươi đặt trên bàn giáo viên. Cả cô và trò đều được thưởng thức. Lâu dần, chúng tôi càng nghiêm túc trong giờ học nên cô hay cười và giảng bài say sưa hơn. Nhưng tôi vẫn sợ cô lắm. Đến một hôm, lớp tôi nộp bài tập, cô bảo tôi mang vào nhà cho cô. Cô ở nhà khác với trên lớp, không còn vẻ nghiêm khắc nữa mà lại rất nhẹ nhàng. Trước khi tôi về, cô còn cho tôi mấy chiếc kẹo. Tôi chợt hiểu rằng, trong mắt cô, chúng tôi – dù đã 20 tuổi, vẫn mãi mãi là những đứa học trò bé nhỏ ngốc nghếch, cần được cô chỉ bảo từng chút một, vừa nghiêm khắc lại rất đỗi ân cần.
Cô giáo dạy chuyên ngành đầu tiên của tôi có nụ cười rất hiền hậu. Tôi nhớ rằng, cô thường lên lớp với nụ cười thường trực trên môi, và suốt thời gian giảng dạy chúng tôi, cô chưa bao giờ nặng lời với lớp cả. Ngày ấy chúng tôi là những sinh viên năm thứ nhất, với bao bỡ ngỡ về ngành học của mình - nhiều thắc mắc, nhiều câu hỏi, nhiều lo lắng, và một chút sợ sệt nữa. Nghĩ đến hai chữ”Thư viện”, chúng tôi ai cũng nghĩ rằng đó là một nơi có nhiều sách đủ loại, độc giả sẽ tới đó tra cứu. Còn”cán bộ thư viện” là những người lấy sách ra, xếp sách vào, ngày nào cũng như thế. Cô giáo của chúng tôi dạy môn”Thư viện học”. Chỉ ba từ đơn giản vậy thôi, nhưng có bao nhiêu điều lý thú. Bài giảng của cô không khô khan như quyển sách giáo trình dày cộp. Cô kể chuyện về những thư viện cổ, những văn tự bằng đất sét hay xương thú. Cô mang cho chúng tôi xem những bức ảnh các thư viện lớn rất đẹp. Cô dạy chúng tôi biết yêu nghề, chỉ bảo chúng tôi rằng”Cán bộ thư viện là linh hồn của thư viện”. Tôi luôn hình dung, cô giáo tôi có một ngọn lửa rất ấm áp, rất nồng nhiệt với Thư viện và nghề Thư viện, vì thế nên đã nhen nhóm trong chúng tôi lòng say mê học hỏi và tìm hiểu về ngành học của mình. 
Tôi còn có một người thầy rất hiền và tận tuỵ, thường cho chúng tôi nhiều bài tập và những buổi thuyết trình, thường vận động chúng tôi tham gia hoạt động Đoàn, tổ chức cho sinh viên trong khoa tôi những hoạt động ngoại khoá. Tôi có người cô giáo giảng bài suốt 5 tiết không cần mic mà giọng vẫn sang sảng đầy nhiệt tình. Và khi tôi làm nghiên cứu khoa học, làm tiểu luận, cô giáo hướng dẫn của tôi sửa cho tôi từng lỗi chính tả, căn chỉnh cho tôi từng dòng chữ ở trang bìa. Khi tôi mới vào trường và trở thành lớp trưởng, cô giáo vụ khoa của tôi đã dìu dắt hướng dẫn tôi từng chút một. Cô giáo chủ nhiệm của tôi – như một người chị trong gia đình - sẵn sàng email chia sẻ với tôi mọi điều trong cuộc sống khi tôi cần tâm sự. Vào ngày tôi cùng các bạn đi dự một cuộc thi về chuyên ngành với sinh viên những trường khác, các thầy cô giáo trong khoa đã giúp đỡ rất nhiều và đến động viên chúng tôi. Tôi nhớ mãi cảm giác sung sướng khi khoa mình đoạt giải Nhất, chúng tôi run run cầm bó hoa dâng lên các thầy các cô như một lời tri ân. Có những buổi liên hoan, thầy cô và chúng tôi cùng vui vẻ đầm ấm như một gia đình, tôi làm sao quên được. 
3 năm trôi qua kể từ khi tôi bước chân vào giảng đường đại học Văn hoá Hà Nội, tôi đã hoàn thành biết bao nhiêu học trình, bao nhiêu môn học. Tôi vẫn nhớ rõ từng người thầy đã dìu dắt, chỉ bảo tôi. Nếu những người thầy là những người lái đò, thì con thuyền của tôi đã sắp sang sông – tôi đã là sinh viên năm cuối. Trong lòng tôi đã có một chút gì luyến tiếc, không nỡ xa mái trường thân thương. Tôi vẫn muốn được là đứa học trò nhỏ để các thầy cô bảo ban. Dù sau này trưởng thành, tung cánh bay xa, tôi nhủ thầm rằng, mình phải xứng đáng với những tình cảm, niềm tin mà thầy cô đã trao gửi. 
 
------------------------------------
 
Hà Mạnh Luân - 03 

Mưa!! Lạnh lạnh thấm dần vào da thịt. Lâu lắm rồi không được nếm trải cảm giác này, thấy mình như lạc vào không gian khác. 
Mưa mang đến cho lòng người cái nôn nao chờ đón phút giao mùa. Kí ức ùa về, thèm được chìm đắm trong hơi thu dìu dịu hương hoa sữa. Tâm trí tái hiện hình ảnh từng đôi trai gái sánh bước bên nhau trên sân trường lá rụng. Vẫn những thanh âm ồn ào đấy, nhưng dường như con người muốn đi sâu vào trong mình, tìm một chút lắng lòng. Ghế đá vi vu tiếng gió, lạo xạo lá rơi…
Tháng bảy mưa ngâu… 
Độ này hằng năm quê mình đắm chìm trong màn hơi nước giăng mờ ảo. Trời âm u, không gian thu hẹp, cửa sổ phòng ngủ khép chặt mà hơi nước vẫn theo gió lùa vào lành lạnh. Lười nhác muốn cuộn mãi trong tấm vỏ chăn vừa lôi khỏi hộc tủ, còn thơm mùi mông mốc… con người chợt thấy mình nhỏ bé, muốn nương tựa…giấc ngủ chập chờn có tiếng giọt gianh, tiếng gió thi thoảng lướt qua đám lá, tiếng gà nheo nhóc đòi ăn, tiếng ếch nhái giục trời tối hẳn… Trong ánh điện vàng quạch, hơi khói lam bay là là, quyện với tiếng chuông chùa mênh mang văng vẳng…
Hết mưa, gió bấc lùa về, cá rô thôi hăng cắn, thế là mùa thu!
Hà nội. Mùa hạ thứ ba xa nhà. Trên này,vừa mới hôm trước trời còn nắng chang chang. Người ta không phân định rõ được giữa hạ và cuối hạ. Suốt hè, thời tiết lúc nào cũng ngột ngạt và nóng nực. Chỉ khi thu đã chạm ngõ, trời mang mang, hiu hiu gió bấc; người ta mới giật thột: a, chuyển mùa rồi đây!!! Khoảnh khắc như thế thường là đánh dấu bằng một cơn mưa…
Mưa! Từng giọt rơi rơi trong ánh đèn cao áp, đôi lúc như quên bẵng đi rằng mình vẫn nằm trên giường kí túc xá, tưởng như đang ở nhà.
Một cảm giác thân thuộc, thân thương ùa về. Lục lại kí ức nơi mình theo học suốt hơn hai năm qua. Những buổi sáng nắng chiếu vàng hoe trên tán lá, bầy sẻ ri líu riu trên mái hiên, gọi mình dậy sửa soạn đến lớp. Những buổi chiều trầm ngâm trên ghế đá, bên hàng cây không tuổi, thi thoảng có ánh mắt chạm nhau, thoáng ngượng ngùng e ấp… những trận cười say sưa cùng chúng bạn dưới căng- tin vơi cốc trà đá, hạt hướng dương. Những lần mua cơm, cô đầu bếp quen mặt mỗi lần thấy mình lại cười:” cháu này thích ăn gà nhiều da và sụn”!... Từng điều nhỏ nhặt lưu dấu trong mình dần thành kỉ niệm. Kỉ niệm dậy lên bao ngọt ngào lan tỏa nơi đáy tim, chắc chắn sẽ còn theo mình đi đến hết cuộc đời…
Nhớ có lần xe buýt sắp sửa đỗ bến, nhìn hàng chữ xanh dương in đậm ”ĐẠI HỌC VĂN HÓA HÀ NỘI” bất chợt một cô bạn đứng ở cửa chờ reo lên ”về đến nhà rồi” với nét mặt rạng rỡ. Cả xe buýt quay xuống nhìn cô, nụ cười mỉm của chú tài xế trong chiếc gương chiếu hậu. Cô đã hồn nhiên sống với cảm xúc của riêng cô mà vô tình quên mất rằng mình đang ở chỗ đông người. Mình thấy cô đáng yêu đến lạ. Sự giao thoa của 2 tâm hồn đồng cảm. Chỉ ai đã từng gắn bó, quen thân, đã từng thực sự yêu, thực sự sống với mái trường này mới hiểu hết được cảm giác ấy- cảm giác trở về tổ ấm sau những chuyến đi xa… Chợt nhớ những đêm đi gia sư trở về, vừa đặt chân xuống cổng trường thì tự dưng bao căng thẳng, xô bồ, ồn ào, bụi bặm, lo toan rơi rớt hết phía sau lưng. Đôi chân lao nhanh xuống dốc, hít căng lồng ngực cái bầu không khí tươi trong mát mẻ, thấy dịu dàng khôn tả. Mùi không khí ấy nó giống với người mẹ, luôn dang tay chào đón đứa con trở về nức nở…
Bạn bè đang theo học trường khác, mỗi lần đến chơi trường mình đều chung một cảm nhận. Trường mình thấp hơn mặt đường phố. Trường mình có nhiều bạn gái dễ thương và lém lỉnh. Trường mình tuy hẹp nhưng trồng nhiều cây xanh, không gian gần gũi…Nhen lên trong lòng niềm tự hào hể hả…
Bắt đầu từ sáng nay, ngoài bầy sẻ ri vẫn đều đặn gọi mình dậy còn có thêm tiếng rì rầm quen thuộc của các bạn khóa dưới đến học thể dục ở sân nhà thể chất bên cạnh. Suốt kì nghỉ hè ở lại kí túc, thiếu vắng hẳn thứ âm thanh này. Giờ đột ngột nghe lại, vui chộn rộn như cái cách người ta tìm lại được của quý đánh rơi!
Vậy là các bạn đến rồi!
Vậy là năm học mới đến rồi!
Vậy là mùa thu mới đến rồi!
Chuông báo tin nhắn đưa mình trở về thực tại. Màn hình điện thoại hiển thị vẻn vẹn 2 dòng chữ: ”mày ơi, lâu quá không gặp, xuống căng- tin đi, dưới này đông lắm.”
Ngoài trời mưa vẫn rơi… 
 
------------------------------------
 
Nguyễn Thị Linh - 04
 
Sau một ngày khá bận rộn với công việc, tôi trở về nhà trên con đường quen thuộc, khi đường phố đã lên đèn, giữa dòng xe cộ ngược xuôi của thành phố, chợt vẳng đến bên tai những tiếng nhạc rộn ràng. Nhìn về phía âm thanh phát ra, tôi chợt nhớ hôm nay là ngày 10/7, các bạn sinh viên năm cuối Trường Đại học Tây Nguyên đang tập trung về trường tham dự Lễ bế giảng cuối khoá. Một cảm giác như mơ hồ, như tiếc nuối vọng lại trong tôi những kỷ ức năm nào. Tôi dừng lại ở hàng ghế đá sân trường, ngắm nhìn các bạn sinh viên đang trao nhau những món quà kỷ niệm, những lời chúc tốt đẹp trước lúc chia tay. Bỗng những kỷ ức về trường, về lớp, về thời sinh viên lại kéo nhau ùa về như những thước phim chầm chậm chạy ngay trước mặt.
Có lẽ mỗi người đều mang trong mình một kỷ ức, một cõi nhớ khi nghĩ về trường xưa. Riêng tôi, những lúc này lại bồi hồi nhớ đến những ngày học tập dưới mái trường Văn hoá. Đó là những ngày mà suốt cuộc đời này tôi không thể nào quên, mặc dù đã có không ít lần nước mắt tôi đã rơi mỗi khi kết quả học tập không như ý muốn, là những lần mà thầy cô, bạn bè chưa hài lòng về bài thuyết trình, bài tiểu luận của mình… Nhưng chính điều đó đã tôi luyện cho tôi ý chí vươn lên. Tôi trường thành hơn từ đây. Thư viện của trường là nơi ghi dấu cho những nỗ lực cố gắng không ngừng của tôi. Còn nhớ có hôm học buổi chiều về muộn, không kịp ăn cơm tối vì phải lên thư viện kiếm chỗ học bài, hay những lần giả bộ gửi một vài quyển sách nhờ các em khoá sau mang lên đặt trước ở bàn, rồi đến gương mặt thân thương của các bạn sinh viên, lời nhắc nhở của cô phụ trách mỗi khi ai đó nói chuyện riêng. Tất cả thật gần gũi và quen thuộc với tôi.
Đã tròn một năm kể từ ngày tôi phải chia tay bạn bè, tạm biệt mái trường yêu dấu để vào công tác tại một tỉnh Tây Nguyên. Khó có thể diễn tả hết cảm xúc của mình trong cái đêm chia tay đáng nhớ ấy. Hôm đó, trước sân Nhà Giáo dục thể chất, khi tiếng trống bế giảng khoá học vang lên, nhiều bạn sinh viên đã không giấu được niềm xúc động, những giọt nước mắt đã rơi, có giọt nước mắt nuối tiếc vì sự lơ là trong 4 năm học tập, có giọt nước mắt xúc động trước cảnh chia tay, cũng có giọt nước mắt vui mừng khi sắp trở thành cử nhân văn hoá. Tất cả như một bản hoà ca muôn màu sắc. Trong đêm chia tay đầy cảm xúc đó, hơn 100 sinh viên của hai lớp 11A và 11B cùng xiết chặt tay nhau quây quần bên ché rượu cần nồng thắm, nhún nhảy điệu xoang quen thuộc của đồng bào Tây Nguyên, rồi trao cho nhau những ánh mắt thân thương, những nụ cười thân thiện, những lời chúc tốt đẹp…
Là lớp đàn chị đi trước, tôi có nhiều kỷ niệm, cảm xúc và có cả những kinh nghiệm, muốn được chia sẻ với các bạn, các em khoá sau. Tôi vốn là cựu sinh viên lớp 11A, khoa VHDT. Có lẽ mỗi lần nhắc đến Khoa VHDT, không ít bạn sẽ đặt lên bàn cân so sánh về chất lượng sinh viên khoa Dân tộc với khoa khác trong trường. Tôi tin chắc là sẽ có điều đó. Tôi còn nhớ, có một bạn sinh viên Khoa QLVH có nói rằng:”Sinh viên Khoa VHDT không giỏi bằng sinh viên khoa khác”. Nếu bạn cũng có ý nghĩ đó, hãy nên dập tắt nó từ bây giờ. Tôi nghĩ rằng, bất cứ một sự so sánh nào cũng sẽ là khập khiễng, và có lẽ tôi sẽ không giải thích nhiều cho những điều này.
Các bạn biết không, lần đầu tiên đi phóng vấn xin việc, có một câu hỏi đặt ra cho tôi liên quan đến chuyện ngành văn hoá dân tộc. Nội dung câu hỏi đó là:”Xu hướng của giới trẻ hiện nay đang chạy theo những mốt thời trang bên ngoài, lãng quên các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc. Bạn nghĩ gì?”. Vừa nghe câu hỏi, tôi đã vội trả lời”Là người Việt Nam thì phải biết giữ gìn những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc”. Tôi chưa kịp trả lời xong, sếp của tôi đã dứt lời ”Đúng là sinh viên ĐH Văn hoá. Rất tốt!”. ”Đúng là sinh viên ĐH Văn hoá”, câu nói có thể là bình thường với nhiều người, những không hiểu sao với tôi nó lại có ý nghĩa thật lớn. Tôi tự hào là thành viên bé nhỏ trưởng thành từ mái nhà ĐH Văn hoá Hà Nội.
Bốn năm, một khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng không ngắn để thay đổi một con người. Còn nhớ ngày nào, tôi từ một cô gái quê bỡ ngỡ lần đầu đặt chân đến Thủ đô, lúc đó, tôi thật nhút nhát. Bốn năm học tập dưới mái trường Văn hoá, tôi như được trải qua một lần lột xác, biến thành một con người khác, bãn lĩnh, tự tin hơn, được trang bị nhiều kỹ năng, kiến thức quan trọng, cần thiết. Đó chính là hành trang tôi mang theo khi vào nhận công tác tại một tỉnh hội tụ nhiều giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của dân tộc. 
Trước đây, có lần tôi thắc mắc không hiểu tại sao sinh viên khoa VHDT lại phải học đủ các môn năng khiếu, nào là âm nhạc đại cương, múa dân tộc, dân ca của các đông bào thiểu số,… Điều đó, đôi khi khiến tôi cảm thấy bất bình và khó chịu. Nhưng cái gì cũng có căn nguyên của nó. Giờ đây, nhìn lại thực tiễn công tác của bản thân, tôi thấy chiến lược bố trí môn học của các thầy cô thật sáng suốt. Còn nhớ, một lần tham gia chương trình giao lưu văn nghệ tại một buôn đồng bào Êđê, hôm đó tôi góp vui bằng một tiết mục dân ca Êđê mà tôi được học trong bộ môn Dân ca của thầy Hùng. Tôi hát tuy không hay, nhiều từ hát còn chẳng đúng, nhưng không hiểu sao khi tôi vừa hát xong, bà con ai cũng vỗ tay tán thưởng, các em bé mang những bông hoa dại lên tặng, khiến tôi rất xúc động. Có lẽ bà con phấn khởi khi thấy thế hệ trẻ hôm nay còn biết tìm đến những giá trị quá khứ mang màu sắc cộng động của dân tộc họ. Lại có những hôm theo đoàn về công tác tại buôn của đồng bào M’Nông, nhớ đến bài giảng của thầy về những điều cần kiêng kỵ khi tới thăm nhà đồng bào, từ đó tôi biết điều chỉnh cách ứng xử của bản thân cho phù hợp với phong tục của đồng bào… Nhờ những kiến thức được trang bị từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường mà tôi hiểu và hoà nhập với đồng bào hơn. Và phần thưởng tôi nhận lại được chính là tình cảm yêu quý của đồng bào. Hình ảnh các amí (mẹ), ama (cha) tiễn tôi lên xe về phố sau mỗi lần về buôn công tác, hay bộ trang phục truyền thống amí tặng… khiến tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Qua những trải nghiệm, những chuyến điền dã thực tế, tôi hiểu hơn về sự đam mê nghiên cứu văn hoá của các thầy cô …
Cảm ơn Ban quản trị Diễn đàn sinh viên đã tổ chức tổ chức cuộc thi đầy ý nghĩa này. Tôi nghĩ rằng, đây là một hoạt động rất bổ ích, là cơ hội để bản thân tôi cũng như các bạn sinh viên ĐH Văn hoá được thể hiện những suy nghĩ, cảm xúc của mình về mái trường yêu dấu. Đây cũng là dịp để chúng tôi nói lên những tiếng nói tri ân tới các thầy cô giáo.
ĐH Văn hoá ơi! Điều tôi muốn nhắn gửi tới bạn bây giờ gói gọn trong hai chữ”Cám ơn”. Cảm ơn mái trường nơi ghi dấu bước trưởng thành trong cuộc đời tôi. Cảm ơn thầy cô, bạn bè, những người luôn kề vai, sát cánh bên tôi.
 
------------------------------------
 
Tôi tự hào là sinh viên của Trường Đại Học Văn Hóa Hà Nội
Hoàng Nghĩa - 05 


Lần đầu tiên tôi đặt chân ra Hà Nội là vào một chiều mưa. Mưa mờ nhòe mùa thu Hà Nội. Mưa giăng mắc nổi niềm của phố. Một ngày cuối tháng tám bốn năm về trước, tôi một mình bước qua cánh cổng sắt sơn xanh cũ kỷ của trường Đại Học Văn Hóa Hà Nội để dự thi vào khoa Viết Văn (trước đây là Trường Viết Văn Nguyễn Du nay đổi tên thành khoa Sáng tác & lý luận phê bình văn học trực thuộc trường Đại Học Văn Hóa). Trước đấy khoảng một tuần tôi biết mình đã trúng tuyển vào Học Viện Hành Chính Quốc Gia nhưng tôi vẫn quyết định dự thi vào đây, có lẽ do duyên phận với văn chương cũng có lẽ cái tên trường Đại Học Văn Hóa Hà Nội để lại ấn tượng rất lớn đối với mình. Vì cả hai chị gái của tôi cũng đều tốt nghiệp trường này ra và đã đi làm, là những cán bộ vă hóa địa phương gương mẫu. Cha mẹ tôi ngày trước cũng đã tốt nghiệp trường Cao đẳng nghiệp vụ văn hoá, tên trước đấy của Đại Học Văn Hóa. Có thể nói, gia đình tôi là một gia đình Văn Hóa hiểu theo nhiều cách.
Một khung cảnh khác hẵn so với dự cảm của tôi ban đầu. Trường Đại Học Văn Hóa không nằm ở một ngã tư, ngã năm hay một đại lộ ồn ào, tấp nập nào đó mà trước đây tôi hằng nghĩ. Nó nằm sâu ở đoạn đường Đê La Thành, lấp lóa dưới những tán xà cừ, phượng vĩ và se sẽ dưới khí lạnh của mưa thu. Một khung cảnh thâm trầm mang đậm nét cổ kính của Hà Nội.
Dòng chữ lớn Đại Học Văn Hóa Hà Nội nằm hiên ngang trên đỉnh tòa nhà BGH đập vào mắt tôi. Ấn tượng đầu tiên của tôi là dòng chữ lớn ấy, không chỉ lúc ấy mà ngay cả trong suốt bốn năm theo học ở Khoa Viết Văn và có thể mãi sau này cũng vậy. Thả chân bước xuống con dốc đầu cổng trường khi chúng ta ngước lên thì dòng chữ ấy hiện ngay ra trước mắt.
Gốc phượng già còn sót lại đôi cánh hoa gầy cuối hạ, lá vàng li ti phủ kín một góc cổng trường. Và chính tại ngôi trường ấy, khoảng không gian bé nhỏ ấy nhưng ắp đầy kỷ niệm, ắp đầy tình cảm với bạn bè, thầy cô trong suốt bốn năm tôi theo học.
Chủ nghĩa xã hội khoa học có lẽ là môn đại cương đầu tiên tôi thích học nhất vì đã cảm nhận được những cái hay, lý tưởng sống cao đẹp trong các giờ giảng của thầy Hoàng Trọng Nhất. Dáng thầy nhỏ nhắn nhưng toát lên vẻ nhanh nhẹn, hài hước. Chúng tôi luôn cảm thấy thoải mái trong mọi tiết mà thầy đứng lớp. Ít ai làm được điều đó như thầy đối với đám văn chương”ất ơ” bọn tôi vì đại cương là một trong những môn học khó tiêu hóa nhất.
Rồi những giờ Văn học dân gian của thầy Trần Đức Ngôn (Nguyên hiệu trưởng trường Đại Học Văn Hóa Hà Nội cũng như nguyên trưởng khoa Viết Văn trước đây). Thầy không chỉ dạy về kiến thức sách vở mà còn dạy những bài học làm người.”Văn học là nhân học; Tiên học lễ hậu học văn…”.
Tôi còn nhớ năm ngoái, ngày kỷ niệm trường Đại Học Văn Hóa Hà Nội tròn 50 năm tuổi. Có thể nói đấy là ngày vui nhất trong cuộc đời sinh viên của tôi. Ngay từ sáng sớm mọi người đã xôn xao, nhộn nhịp chuẩn bị cho một ngày đại lễ mà 50 năm mới có một lần. Cựu sinh viên cùng các thầy cô và sinh viên trong trường đã làm nên một ngày lễ thực sự trọng đại. Cũng là lần đầu tiên tôi được nếm thử món thắng cố rất đặc biệt mà các bạn sinh viên ở khoa Văn hóa dân tộc nấu. Đúng là một bữa tiệc thịnh soạn ngay giữa khuôn viên nhà trường. Một ngày hội Văn Hóa ở trường Đại Học Văn Hóa Hà Nội.
Rồi ngày kỷ niệm 30 năm trường Viết Văn Nguyễn Du (Khoa Sáng tác & lý luận phê bình văn học), ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, những mùa thi, những mùa hè xanh tình nguyện mang trong mình tấm áo xanh của trường Văn Hóa, các buổi liên hoan văn hóa văn nghệ…Tất cả sẽ là hành trang theo tôi đi suốt cuộc đời này. Tất cả sẽ tạo thêm cho tôi niềm tin để vững bước vào đời. Tất cả sẽ làm lòng mình thanh thản, nguôi ngoai đi trong cuộc sống đô hội xô bồ, tấp nập với vòng xoáy khốc liệt thường ngày của cơm áo gạo tiền mỗi khi mình nhớ về ngôi trường thân thương ấy.
Thời gian như”Bóng câu qua cửa sổ”. Bốn năm như là chớp mắt, như là thoáng qua. Có một lần, vào năm nhất tôi cùng một anh bạn trong lớp lên chuyến xe Bus đi đến làng trẻ SOS vừa để chơi thăm thú Hà Nội vừa để tìm hiểu về cuộc sống của các em nhỏ ở nơi này. Một bác gái đã già, trạc ngoài sáu mươi hỏi bọn tôi:
- Các cháu định đi đâu?
Tôi trả lời:
- Bọn cháu đến làng trẻ em SOS ạ!
Bác gái lại hỏi:
- Các cháu là sinh viên tình nguyện à?
- Vâng ạ! 
Anh bạn tôi bên cạnh nhanh nhảu đáp.
- Thế hai cháu là sinh viên trường nào?
Không chút ngần ngại, anh bạn tôi bảo:
- Bọn cháu là sinh viên trường Đại Học Ngoại Thương ạ!
Nói xong, anh bạn tôi có vẻ đắc ý lắm. Phải là sinh viên Ngoại Thương hay Bách Khoa, Xây Dựng, Y Dược mới đáng mặt còn nếu khai ra là sinh viên Văn Hóa thì cỏ vẻ cậu ta thấy xấu hổ. Rất nhiều bạn bè trong trường, trong lớp của tôi có cùng một quan niệm tự ti như thế. Theo tôi, đấy là một quan niệm sai lầm. Trường nào cũng có những nét đặc thù riêng của trường đó và sinh viên học trường nào cũng có những năng khiếu, tài năng và thế mạnh riêng của mình không việc gì phải ngại ngùng, xấu hổ khi nói ra mái trường mình đang theo học.
Ngay lúc đó, tôi vội cải chính:
- Không phải đâu bác ạ! Bọn cháu là sinh viên của trường Đại Học Văn Hóa ạ!
Lúc đó, không những không thấy xấu hổ mà tôi còn cảm thấy tự hào vì mình là sinh viên của trường Văn Hóa. Anh bạn tôi bên cạnh mặt hơi tái vì hổ thẹn đã nói lỡm bác gái nhưng bác ấy vẫn tỏ vẻ điềm đạm và bảo:
- Ngày trẻ bác từng là sinh viên trường Cán bộ văn hoá tiền thân của Đại Học Văn Hóa bây giờ. Các cháu không việc gì phải xấu hổ vì mình học trường Văn Hóa mà phải cảm thấy tự hào mới đúng. Đấy là một môi trường tốt, một môi trường đào tạo cán bộ văn hóa bậc nhất của nước ta đấy.
Lúc đó, trong tôi trào dâng một cảm xúc khó tả pha lẫn niềm tự hào và trong đầu nhìn thấy một tương lai tươi đẹp đang đón đợi mình phía trước. Dù sau này có đi đâu về đâu, tôi cũng luôn tự hào vì mình là sinh viên trường Văn Hóa và sẽ luôn chỉ nói một câu: ”Tôi là sinh viên trường Đại Học Văn Hóa Hà Nội” mỗi khi ai đó hỏi về thời sinh viên của mình. 
 
------------------------------------
 
Bóng dáng một ngôi trường
Nguyễn Thị Thanh Vân - 06 


Nằm giữa lòng thành phố phồn hoa 
Trên đê thành Đại La ngàn tuổi
Vẫn sừng sững, hiên ngang, cổ kính 
Mặc bụi thời gian vô tình trôi...

Còn nhớ ngày đầu tiên bỡ ngỡ 
Tới giảng đường như một giấc mơ 
Trường thân thương như lời ru đẹp
Mang ước mơ nhỏ bé học trò...

Màu nắng vàng tiết thu trong gió 
Phương rơi mưa lá tự bao giờ ?
Ghế đá rêu phong, vương hơi thở 
Của buổi tựu trường bao vấn vương !

Những ngày đông lạnh buốt thấu xương 
Hàng cây khô gầy nghe gió lạnh
Mùa thi bừng sáng màu hi vọng
Tiếng cười giòn vang xé đông tan.

Xuân đến muôn hoa bừng sắc nở 
Sức sống khơi dậy khắp nơi nơi
Trường thay áo mới đón ngày hội
Hội hộp, nôn nao, rạo rực chờ.

Hạ về nghe tiếng mưa rào rạc 
Một mùa thi cuối tạm chia tay 
Mái trường buồn tỏa nắng hôm mai 
Chôn dấu bao kỉ niệm còn mãi...


Đây là những cảm xúc riêng của tác giả khi quay trở lại thăm trường trong kì nghỉ,... vào một buổi trưa hè ngập màu nắng. 
 
------------------------------------
 
Nắng sân trường
Nguyễn Thị Cúc - 07

Cái nắng đầu hạ bắt đầu đổ dài xuống sân trường khi những cơn gió cuối mùa vừa kịp mang những ngày xuân đi xa…
Những sợi nắng mắc víu trên những tán bàng còn xanh lá, cây phượng già lại sắp sửa một mùa hoa…ngày đuổi ngày trượt dài trên triền dốc, thoáng chốc đã trở nên xa lắc lơ cái buổi đầu thu năm rồi, những tân sinh viên chân ướt chân ráo với những bước e dè và đầy bỡ ngỡ, bước qua nơi cánh cổng trường Đại Học này. Cũng như bao tân sinh viên khác, tôi – người chưa phủi sạch bàn chân mình những thớ đất của nhà quê, mang theo cả nắng và gió từ xứ Quảng xa xôi vượt gần nghìn cây số, cùng lên đường trên cuộc hành trình tìm về với giảng đường Đại Học.
Ở phía chiếc bóng đổ dài khi mặt trời gọi ngày xuống núi chiều nay, tự dưng nơi ánh mắt veo trong của tôi bỗng neo đậu lại cái hình ảnh về buổi ban đầu ấy. Nó không phải là” ngày đầu tiên đi học” không úp mặt khóc sướt mướt trên vai mẹ, ánh mắt sợ sệt…Mà trong lòng dậy lên một niềm vui, một thứ niềm vui mà mãi đến sau này tôi cũng không thể gọi thành một cái tên cụ thể nào được, chỉ biết nó thật lạ, thật khó tả và… thật khó để quên. Một chút ít bỡ ngỡ, một chút ít xao xuyến đó đã khiến tôi thêm chút ít lo lắng. Điều khác biệt đầu tiên mà tôi cảm nhận được khi đặt bàn chân xuống nơi đất Hà Nội phố này là giọng nói. Một người miền Nam Trung Bộ như tôi thật sự cảm thấy lạc lõng giữa dòng người đang nói với nhau bằng giọng của miền Bắc. Liệu rồi đây, trong những mối quan hệ hằng ngày, những cuộc xã giao, những giờ lên lớp…khoảng cách của tôi và họ có xa như cái khoảng cách gần nghìn cây số Quảng Nam tôi với Hà Nội không ? Tôi có mãi lạ lẫm như cái giọng của người Nam Trung Bộ tôi với giọng Bắc của họ không?... Những hoài nghi rất chính đáng và cũng rất thành thực phải không các bạn !? Ngày ấy, tất cả những điều đó chỉ biết nằm cuộn tròn thành một dấu chấm hỏi trong tâm thức riêng tôi. Tôi hy vọng ở thời gian, hy vọng ở một miền đất ấm tình người, ở một ngôi trường nơi đã và đang tiếp tục ươm những mầm xanh và đặt nền móng cho một thế hệ sinh viên chúng tôi, hy vọng ở những tấm lòng giàu yêu thương của các thầy các cô, ở sự thân thiện của những sinh viên cùng gặp nhau dưới một gia đình lớn-mái trường Đại Học này để giúp tôi xóa bỏ đi những khoảng cách, những rào cản trước tất cả những thứ mà với tôi cũng như những tân sinh viên khác đều là mới lạ.
Đi qua một mùa thu, đi qua một mùa đông và những ngày xuân cuối cùng, giờ đây, sân trường tôi đã bắt đầu những ngày nắng hạ. Kỉ niệm về buổi ban đầu ấy đã chỉ còn là dòng hoài niệm của ngày hôm qua trong những trang nhật ký tôi viết.
Dấu chấm hỏi cuộn tròn thuở ấy trong tôi, cuối cùng cũng đã được bung gỡ bằng chính những ngày tháng tôi sống nơi kí túc xá này.Những ánh mắt đầy thân thiện mà tôi nhận được mỗi ngày, những sự quan tâm từ cái điều nhỏ nhất- một cuốn sách, một xấp tài liệu, một quyển giáo trình để lên lớp, một bát cháo hành nóng lúc cuộn mình trên giường bệnh, một gói mì tôm lúc đọc sách nửa đêm… tất cả, tất cả đã vượt ra khỏi ranh giới của tình đồng hương để thành một chất keo vô hình, gắn kết những con người, những sinh viên dưới mái trường này.
Một chiếc áo ấm của cô giáo tôi trong mùa đông vừa rồi đã cho lòng tôi một cảm giác thật ấm áp. Dường như, tôi cảm thấy cái Tôi trong tôi đã rời chân đi tự bao giờ rồi và tìm đến được với cái Chúng Ta. Những nhịp tim hôm nay đã thật sự đồng điệu. Chưa bao giờ tôi thấy yêu tiếng Quảng quê mình đến thế và cũng chưa bao giờ tôi thấy giọng nói của những con người xứ Bắc này quen thuộc, gần gũi và đầy truyền cảm đến như thế. 
Vậy là tôi đã có thêm một quê hương thứ hai từ khi bước chân đến học ở ngôi trường này, để cho tôi yêu, để cho tôi nhớ trong những ngày tôi về nơi quê nhà ăn tết hay trong kỳ nghỉ hè sắp đến; một quê hương để tôi lưu luyến và đầy tiếc nuối khi mùa hạ cuối cùng tôi còn được lên giảng đường với thầy cô, với đám bạn đã cùng tôi đi qua quãng đời sinh viên với những buồn - vui, những góc trời riêng tư, xa xôi một thời. Những áp lực, những rào cản đã dần vơi đi và dừng lại ở phía”không ranh giới”. Tôi đã có một mùa đông”không lạnh”bên bạn bè tôi- những người bạn mà trước đây vài tháng đã chạy trốn những ánh mắt trong một lần nào đó vô tình chạm nhau, bên những con người tôi gặp hằng ngày dưới mái trường này, trong lòng Hà Nội phố.
Tôi đã không còn thói quen muốn trở về nhà trong những ngày nghỉ cuối tuần nữa…
Những vệt nắng cuối cùng đã ngủ vùi trên những phiến lá si. Kết thúc một ngày với những bộn bề sách vở, với những lo lắng nơi giảng đường, ngồi trên hàng ghế đá trong sân kí túc, lặng đếm bước chiều đi, thả lòng mình trôi về những miền suy nghĩ miên man theo vòng xoay của quả cầu ai tung trên sân. Ngày mai, mỗi cái Tôi trong cái Chúng Ta sẽ phải làm gì để góp thêm vào mốc son 50 năm của ngôi trường ĐH này. 50 năm- xây dưng, 50 năm- phấn đấu và trưởng thành. 50 năm- của bề dày truyền thống và thành tích…? Còn 50 năm thứ hai thuộc về thế hệ sinh viên tôi và các bạn. Những lo lắng không định hình lại bắt đầu đan ngập những sợi mắt veo trong.
Những ngày tháng nơi giảng đường lắm buồn vui và cũng thật nhiều những lo toan, trăn trở, làm sao có thể giấu nổi sau bao nhiêu thanh âm khúc khích mỗi lúc tan trường về!?!
Một chút nắng còn rơi rớt lại, một chút gió ở phía chiều tàn… cố níu gọi… ngày đi... 


------------------------------------



Văn hóa trường tôi
Phạm Phường - 08
 
 Ai về Văn hóa trường tôi
Cái nôi nuôi dưỡng bao người lớn khôn
Những trang lịch sử vàng son
Năm mươi năm ấy mãi còn vẻ vang
Trường tôi đẹp đẽ, khang trang
Phát huy truyền thống vững vàng đi lên
Ơn thầy cô mãi không quên
Như dòng nước mát suối nguồn chảy ra
La Thành đô hội phồn hoa
Vang danh bốn cỗi bao la đất Rồng
Trời cao, sông rộng mênh mông
Ngàn năm bờ cỗi lại càng uy linh
Nước non biết mấy ân tình
Bao người ngã xuống hy sinh cho đời
Anh hùng hào kiệt muôn nơi
Về đây hội tụ dựng nơi Kinh kỳ
Ngàn năm nay đã trôi đi
Đài Nghiên, Tháp Bút vẫn ghi lên trời
Dù cho đi đến muôn nơi
Mái trường yêu dấu sáng ngời trong tim.

 
 
Chỉ một cú click chuột đơn giản, hãy tham gia bình chọn cho bài viết hay nhất của cuộc thi tại Diễn đàn Sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và đăng ký là thành viên của HUCF.
http://diendan.huc.edu.vn/showthread.php/b-nh-ch-1380.html?t=1380
Ban tổ chức cuộc thi “TÔI YÊU MÁI TRƯỜNG VĂN HÓA”
 
Admin3