»

Yêu nước qua mạng – một cách thể hiện tấm lòng cần được tôn trọng của giới trẻ Việt

Thứ ba - 05/04/2016 00:02
Lòng yêu nước là một khái niệm có tính lịch sử. Thời nào cũng có, cũng cần nhưng lại được biểu hiện theo nhiều cách khác nhau phù hợp với đòi hỏi và điều kiện khách quan của xã hội từng thời kỳ nhất định. Nếu phẩm giá “trung quân, ái quốc” của những quan lại dưới chế độ phong kiến với tư tưởng “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” nổi bật lên với những trung quan như công thần nhà Lê Sơ Nguyễn Trãi, Tổng trấn Bắc Hà Nguyễn Văn Thành hay danh tướng Thoại Ngọc Hầu nhà Nguyễn còn lưu danh sử sách. Cho đến tấm lòng “trung với nước, hiếu với dân” và “sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì tổ quốc” dưới chế độ của nhà nước dân chủ. Với bao tấm gương anh hùng lao động như Trần Đại Nghĩa, Hồ Giáo, Cù Thị Hậu, Hoàng Hanh…đến các anh hùng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh như Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, La Văn Cầu… còn sống mãi trong tâm thức dân tộc như những tiêu chí cốt lõi chính thức khi đánh giá về lòng yêu nước đương thời. Thì ở xã hội hiện đại, khi mà thông tin đang trở nên phổ biến, rộng rãi và miễn phí. Cuộc sống đang chịu ảnh hưởng từ guồng quay của kinh tế thị trường và tác động mạnh mẽ của văn hóa quốc tế. Những người Việt trẻ sinh ra và lớn trong một thời kỳ lịch sử mới với những giá trị cuộc sống mới, kéo theo đó, họ có những cách biểu đạt lòng yêu nước của riêng mình.
Giới trẻ nói chung và thế hệ 9x nói riêng dường như thiệt thòi khi phải hứng chịu những định kiến từ xã hội và thế hệ trước. Những định kiến này bị gây nên bởi một bộ phận không nhỏ những người trẻ khi một cách vô tình hay cố ý họ tiếp nhận những văn hóa ngoại nhập không có chọn lọc. Hậu quả của nó là sự lố lăng trong cách ăn mặc, thiếu chuẩn mực trong nói năng, bất hiếu với cha mẹ vì thần tượng thái quá, sống ảo theo những mường tượng phim ảnh, tiểu thuyết hay quá thực dụng theo dòng chảy của đồng tiền. Điều này cộng với thái độ sai lệch khi chỉ quan sát bộ phận rồi khái quát lên thành hiện tượng và cho đó là yếu tố mang tính đại đồng của những người trẻ từ phía xã hội và những người đi trước đã dẫn đến những báo động thiếu khoa học và những cái nhìn bi quan. Đặc biệt lo ngại về lòng yêu nước của thế hệ trẻ bị lu mờ bởi những cám dỗ của cuộc sống hiện đại được nhắc đến nhiều trong những lần bàn về cuộc sống của giới trẻ ngày nay, bất chấp những cố gắng mà họ đang biểu hiện. Lòng yêu nước của giới trẻ Việt chưa được kiểm chứng bởi những hoàn cảnh “cầm súng” như ở quá khứ, nhưng ít nhiều cũng được thể hiện rõ trước những biến cố lớn của dân tộc. Từ chuyện vô địch SUZIKI Cup 2008 đến quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp 2013 và nguy cơ bị xâm phạm lãnh thổ từ phía láng giềng Trung Quốc hiện nay, người ta đã thấy và nên thấy được những giá trị đẹp đẻ của lòng yêu nước trong thông điệp của thế hệ trẻ gửi đến xã hội. Và cũng chính bởi đòi hỏi từ hoàn cảnh hiện tại không giống của hoàn cảnh lịch sử. Do đó, cách thức biểu đạt lòng yêu nước của những con người làm chủ thời đại này cũng khác với cha ông. Yêu nước qua mạng là một cách thức như thế.
Yêu nước qua mạng dường như là một khái niệm mới mẻ, bởi xưa nay nó tồn tại với tư cách một công cụ biểu đạt của lòng yêu nước mà không được khái quát như một phần của lòng yêu nước hiện đại. Yêu nước qua mạng được giới trẻ sử dụng nhiều nhất bởi tính ưu thế trong lan truyền và quan trọng hơn thế, nó phù hợp với những thói quen của thế hệ. Biểu đạt của lòng yêu nước qua mạng đơn giản như những trang Blog ca ngợi chiến thắng của đội bóng nước nhà trước Thái Lan, là hình ảnh người Đại tướng nắm chặt tay thể hiện sự quyết thắng được chia sẻ đồng loạt cùng lá cờ tổ quốc gắn băng đen trong ngày quốc tang Người hay những bàn tay đan chặt vào nhau tạo nên hình ngôi sao, chiếc thuyền chiến ẩn hiện trên nền cờ đỏ thắm được đồng loạt đổi thành hình đại diện trên mạng xã hội và những dòng trạng thái thể hiện sự phẩn nộ trước hành vi xâm lược và khao khát nhiệt thành “lên đường khi tổ quốc cần”, “đáp lời khi Tổ quốc gọi”…Những việc làm đó không phải chỉ là phòng trào, vô nghĩa. Bởi nếu chẳng có một tâm niệm nào về sự vui mừng chiến thắng, lòng tiếc thương vô hạn và đau đáu khi một phần máu thịt của dân tộc bị ngoại bang giằng xé. Thì chẳng có người trẻ nào lại vô cảm lấy đó làm trò tiêu khiển và hành động theo phong trào để tránh cho  mình sự lạc lõng. Ý nghĩa của yêu nước qua mạng không nằm ở giá trị thực có thể đong đếm như chiếm lại được một tấc đất từ tay quân thù thời binh biến hay xây dựng được thêm dăm ba ngôi nhà tình nghĩa từ các chiến dịch mùa hè xanh ở hiện tại. Mà giá trị của nó mang lại là sự cổ vũ tinh thần, là hành động thôi thúc sự đoàn kết và biểu đạt sự phẫn nộ đến cao độ trước thái độ ngang ngược của hàng xóm “bốn tốt”. Thứ tinh thần ấy vốn chẳng cân đo, đong đếm được nhưng lại có ý nghĩa liên kết tinh thần quý giá. Để khi nguy biến nó trở thành thứ liên kết, hiệu triệu những trái tim nóng vùng lên trả ơn nước nhà.
Cũng chính bởi giá trị mang lại của yêu nước qua mạng là không đong đếm được. Nên nó trở thành cái cớ phê phán của một bộ phận xã hội vốn không thấy được ý nghĩa thật đó. Sự thành kiến có sẵn về thế hệ trẻ dường như dẫn đến cả hành động suy xét các giá trị tích cực mà họ tạo ra được cho xã hội và đương nhiên yêu nước qua mạng không nằm ngoài vòng xoay ấy. Xã hội, các thế hệ trước, gắn cho yêu nước qua mạng một vài cái mác như: “Ếch ngồi đáy giếng”, “anh hùng bàn phím”, “lý thuyết suông”…còn một bộ phận khác lại đinh ninh cho rằng những hình ảnh, câu chữ biểu đạt lòng yêu nước của giới trẻ trên mạng được chia sẻ, được viết lên khi họ đang: “ngồi điều hòa, ăn gà rán và uống Cô ca”, hay “được mấy người ra trận khi tổ quốc cần” như một khẳng định mỉa mai có cơ sở trong khi đến một cuộc điều tra xã hội nhỏ cũng chưa được thực hiện trước lúc phát ngôn. Điều này quả thật bất công. Bởi trong lịch sử, chúng ta từng chính thống phát động các hoạt động có tính chất phi vật chất như: gấp hạc giấy, viết thư cho bộ đội Trường Sa, làm thơ về biển đảo…như phương pháp biểu dương lòng yêu nước và thôi thúc giá trị đó ở những con người mà xã hội gửi gắm. Việc này được hưởng ứng và ca ngợi là lòng yêu nước chân chính, lành mạnh. Trong khi đó, cũng với tư cách truyền tải những thông điệp về lòng yêu nước và sự đoàn kết dân tộc, yêu nước qua mạng lại bị cho là hành động vô ích, sáo rỗng và thậm chí bị quy kết là biểu hiện cho sự thờ ơ của thế hệ trẻ với vận mệnh của quốc gia khi thực hiện nó như một phong trào.
Đương nhiên, trong việc thể hiện lòng yêu nước ấy của mình những người trẻ cần phải có một giới hạn chuẩn. Mạng xã hội tuy là thế giới ảo nhưng lại có những tác động lớn đến xã hội thật. Do vậy, thể hiện lòng yêu nước của cá nhân sao cho phù hợp, không quá lố và không xâm phạm đến những nguyên tắc thuần phong, mỹ tục hay pháp luật, chủ trương của nhà nước. Những hành vi vượt ra ngoài phạm vi ấy dù bất kể nhằm lí do, mục đích nào cũng cần được lên án một cách mạnh mẽ và cách biệt.
Yêu nước qua mạng dường như sẽ đồng hành cùng với những biểu hiện về lòng yêu nước khác của thế hệ trẻ như một sức mạnh tinh thần mới và không thể thiếu. Bởi vậy phải chăng, xã hội và những thế hệ đi trước cần có một sự bao dung hơn trong cách nhìn nhận về giới trẻ. Từ chuyện ăn mặc, phong cách sống đến phương thức thể hiện lòng yêu nước qua mạng như cách mà những người đi trước đã bao biện cho thế hệ mình về “quần loe, áo bó” , “tóc đầm”, với những lối sống tân kỳ…trong xã hội ngày trước và hãy tự để giới trẻ sống và chịu trách nhiệm về cuộc sống của họ cũng như tôn trọng yêu nước qua mạng như một tất yếu trong diễn trình tự nhiên của con người trong xã hội.
Trong tình thế cả nước sục sôi trước mối đe dọa xâm phạm chủ quyền hiện hữu. Sự đoàn kết nhằm biểu thị lòng yêu nước của toàn dân không phân biệt già trẻ, giới tính, giàu sang, hèn kém cần thiết hơn bao giờ hết nhằm đồng lòng cùng chính phủ chống bọn bềnh trướng ngoại xâm, bảo vệ hòa bình, công lý cho tổ quốc. Yêu nước qua mạng dường như cũng đã ít nhiều chứng minh được sức mạnh của mình và trở thành một phần không thể thiếu trong sự biểu đạt lòng yêu nước của giới trẻ đương đại. Ý nghĩa to lớn ấy phải cần được khuyến khích và định hướng bằng một thái độ tôn trọng từ phía xã hội hơn là phê phán, đồng nhất từ những thành kiến có sẵn.
                       
 Bài viết:  Phong Trần
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Bộ GD-DT

Lễ trao thưởng cho các học viên xuất sắc GYBM khóa 5 giai đoạn sơ cấp
(ĐHVHHN) – Sau 3 tháng học tập, 97 học viên GYMB khóa 5 đã vượt qua giai đoạn sơ cấp, với những thành công bước đầu. Chiều ngày 11/12/2015, Trường Đại học Văn...

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 22

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 20


Hôm nayHôm nay : 14869

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 182987

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7573399

Tin tổng hợp Xem tất cá các tin tổng hợp
Đăng lúc: 24-05-2016 09:51:02 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:42 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:25 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:04 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:46 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:26 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:05 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:48:45 PM
Thông tin bản quyền
    + TRƯỜNG THPT VÕ TRƯỜNG TOẢN
    + Đ/C: Cẩm Mỹ , Đồng Nai