»

Về phương thức cấu tạo uyển ngữ

Chủ nhật - 22/05/2016 23:46
1. Dẫn luận
1.1. Uyển ngữ (Euphemism) là thuật ngữ bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là nói cho tốt đẹp [6:322]. Trong tiếng Việt, tùy theo những quan điểm và phạm vi nghiên cứu mà thuật ngữ này còn được gọi bằng các tên khác như nói giảm, nói tránh, khinh từ  hay nhã ngữ …
Uyển ngữ được các nhà nghiên cứu định nghĩa như là “Sự thay thế một từ ngữ không được ưa thích nhằm giữ được thể diện, tránh sự mất thể diện của người nói hoặc người nghe thông qua việc làm chạm tự ái họ, hoặc giữ thể diện cho một người hay phe thứ ba nào đó” [8:11], “biểu thị một tình huống, con người hay một đồ vật dưới ánh sáng dễ chịu, lịch sự làm yên lòng hơn là dưới ánh sáng mạnh mẽ của thực tại hoặc định nghĩa trực tiếp, thô sơ ban đầu” hay để “che giấu một sự thật khó chịu, một điều xúc phạm, làm giảm nhẹ việc vi phạm khuôn phép” [12:42].
Từ những định nghĩa trên, có thể khái quát lại một cách chung nhất: Uyển ngữ là những từ ngữ được cấu tạo lại, biểu đạt lại một ý nghĩa đã có một cách tế nhị và thẩm mỹ; đảm bảo nguyên tắc lịch sự trong giao tiếp.
1.2. Trong những tình huống giao tiếp (theo cách nói của Epstein 1985) “cái xẻng không được gọi là cái xẻng nữa” [Dt.12:42] thì sự hiện diện của uyển ngữ trong một ngôn ngữ có vai trò là một đơn vị đồng nghĩa. Cụ thể hơn, theo hệ thống phân loại từ đồng nghĩa của Nguyễn Hòa, Uyển ngữ là loại thứ VII, cùng với Đồng nghĩa tuyệt đối (absolute synonyms); Đồng nghĩa ngữ nghĩa (semantic synonyms); Đồng nghĩa phong cách (stylistic synonyms); Đồng nghĩa ngữ nghĩa-phong cách: (semantic-stylistic synonyms); Đồng nghĩa ngữ cú (phraseological synonyms); Đồng nghĩa lãnh thổ (territorial synonyms). Trong hệ thống này, uyển ngữ được Lyon “khu biệt” là “Cách dùng những từ ít gây khó chịu hơn thay thế cho một từ nào đó. Ví dụ như die (chết) được thay thế bằng uyển ngữ pass away/ gone (đi xa/ mất)” [10:73-77]
Với tư cách như một loại từ đồng nghĩa, vị trí và vai trò của uyển ngữ được các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao. Theo các tác giả cuốn English Lexicology: “Uyển ngữ có lẽ là loại từ ​​đồng nghĩa cổ xưa nhất, vì một điều hợp lý là tất cả các mê tín gây ra nỗi sợ hãi thực sự đã tạo điều kiện cho việc tạo ra các uyển ngữ rất lâu trước khi người ta cần phải mô tả sự vật ở các phương diện khác nhau hoặc các sắc thái tạo nên sự xuất hiện của các từ đồng nghĩa khác” [5:112]. Còn Burchfield (1985) khẳng định rằng: “Một ngôn ngữ mà thiếu uyển ngữ tức là một công cụ giao tiếp khiếm khuyết” [7:32].
2. Nội dung
2.1. Một trong những vấn đề được chú ý khi nghiên cứu về uyển ngữ là uyển ngữ được tạo bởi những phương thức nào. Tìm hiểu các công trình nghiên cứu về uyển ngữ trong tiếng Anh, tiếng Hán thấy một số phương thức tạo uyển ngữ có mặt ở nhiều ngôn ngữ nhưng cũng có những phương thức chỉ có ở ngôn ngữ này mà không có ở ngôn ngữ khác. Lí do cơ bản là sự chi phối bởi đặc điểm loại hình của ngôn ngữ và đặc trưng về xã hội-văn hoá của mỗi dân tộc.
Để tiện hình dung, chúng tôi xin giới thiệu một số phương thức cấu tạo uyển ngữ trong tiếng Anh được Williams 1975, ; Shipley 1977, ; Rawson 1983, ; Neaman & Silver 1983, ; Allan & Burridge 1991 đưa ra sau đây [Dt.11:19]:
- Rút ngắn (Shortening): là cách tạo uyển ngữ bằng cách lược bỏ đi một phần âm nào đó trong âm tiết. Ví dụ: S. thay cho shit (cứt); T.S. thay cho transsexual (chuyển giới tính), buttocks (mông đít) có uyển ngữ là heinie (heinie được thu ngắn từ hind end (cái sau cùng)), nation là uyển ngữ được “gọt” từ damnation (mẹ kiếp), bra là uyển ngữ được “gọt” từ brassiere (áo con)…
- Nói vòng (Circumlocution): Allan and Burridge (1991) gọi những uyển ngữ dùng biểu thức dài hơn, với nhiều chữ cái và âm tiết hơn từ gốc là nói vòng. Ví dụ: Middle Eastern dancing (điệu nhảy Trung Đông) thay cho Belly dance (múa bụng), A little girl’room(phòng của cô gái bé nhỏ) thay cho toilet (nhà vệ sinh) , Solid human waste (rác thải rắn từ người) thay cho feces (phân).
- Tu sửa lại (Remodelling): Để che giấu đi yếu tố gây khó chịu, âm thanh của từ có thể được tu sửa lại theo kiểu hoặc là bóp méo âm tiết (Phonological Distortion) như hell(địa ngục) thành heck, shit (cứt) thành shite; hoặc trộn (Blending) hai hoặc nhiều hơn hai từ cả về mặt chính tả và phát âm như gezunda (cái bô) xuất phát từ việc nó là đồ vật goes under the bed (ở dưới gầm giường); hoặc láy như pee-pee là láy của từ gốcpiss (đi tè), jeepers creeper láy của từ gốc Jesus Christ (Chúa),…
- Biến đổi nghĩa (Semantic Change): Là phương thức biến đổi nghĩa, chuyển nghĩa của từ gốc (từ cần kiêng tránh) theo cách có thể là Chuyển nghĩa Ẩn dụ (Metaphorical transfer) như pimple (nổi mụn) uyển ngữ thành blossom (trổ hoa) hay go to the happy hunting grounds (đến vùng đất săn vui vẻ) uyển ngữ cho die (chết); hoặc Mở rộng nghĩa (Widening) như growth (khối u) thay cho cancer (ung thư), foundation (nền tảng) thay cho girdle (thắt lưng), Nói giảm (Liotes) như unclean (không sạch) thay chodirty (bẩn), not bad  (không tồi) thay cho fair (tốt) …
- Vay mượn (Borowing) là việc sử dụng từ mượn từ tiếng nước ngoài. Một số lớn uyển ngữ tiếng Anh là vay mượn từ từ tiếng Pháp và tiếng latinh  như perpire (gốc latinh) thay cho sweat (mồ hôi), po (gốc Pháp) thay cho chamber pot (cái bô), bra (gốc Pháp) thay cho breast plates (vú)…
Như vậy, có không ít cách được dùng để cấu tạo uyển ngữ và nhìn chung việc tạo ra uyển ngữ chủ yếu là thông qua việc tác động làm biến đổi, thay thế từ ngữ gốc (từ ngữ cần kiêng tránh) ở ba bình diện ngữ âm, từ vựng – ngữ nghĩa và ngữ pháp.
2. 2. Qua thực tế khảo sát, đối với tiếng Việt, chúng tôi nhận thấy uyển ngữ được tạo ra cũng chủ yếu là thông qua việc tác động làm biến đổi, thay thế từ gốc/từ kiêng tránh ở ba bình diện kể trên. Do vậy, chúng tôi tạm chia các phương thức cấu tạo uyển ngữ tiếng Việt thành ba nhóm như sau:
- Tạo uyển ngữ bằng phương thức ngữ âm
Trong tiếng Việt, về phương diện ngữ âm, thường gặp các cách:
+ Tỉnh lược âm: là việc lược bỏ một số âm vị trong thành phần cấu tạo của âm tiết. Ví dụ:  (Người bị) H là viết tắt của (người nhiễm) HIV,  đ. là viết tắt của đéo...
+ Mô phỏng âm : là việc thay vì dùng từ gốc người sử dụng phát âm theo kiểu mô phỏng âm thanh của sự vật, hiện tượng cần biểu đạt. Phương thức tạo uyển ngữ này thường thấy trong ngôn ngữ giao tiếp của/với trẻ nhỏ. Ví dụ: rúc rích thay cho ái ân vợ chồng,  tè thay cho đái, ị thay cho ỉa (hai trường hợp này thường gặp trong ngôn ngữ giao tiếp với/của trẻ em).
+ Láy: là phương  thức lặp lại một phần hoặc toàn bộ âm của một từ nào đó. Cách tạo uyển ngữ này phổ biến trong những tình huống sử dụng mà người nói muốn giảm sắc thái “sự thật phũ phàng” mang lại từ ý nghĩa của từ (hình vị) gốc . Ví dụ: beo béo  thay cho béo, thâm thấp thay cho thấp.
- Phương thức từ vựng – ngữ nghĩa
+ Dùng từ ngữ gần nghĩa, đồng nghĩa: Cách tạo uyển ngữ này có thể có hai cấp độ:
* Từ thay cho từ: sử dụng các từ đồng nghĩa, gần nghĩa để thay thế nhằm tránh làm phương hại đến thể diện của các bên tham gia giao tiếp. Ví dụ: đậm đà thay cho(người) béo; đậm đà (vị thức ăn) thay cho mặn, (gia cảnh) tiềm tiệm thay chonghèo…
* Ngữ thay cho từ: Tức là dùng biểu thức ngôn ngữ dài hơn, với nhiều chữ cái và âm tiết hơn từ gốc (nên trường hợp này cũng gọi là nói vòng - theo quan điểm của Allan and Burridge (1991) ). Ví dụ: chiều cao khiêm tốn thay cho  thấp, năng lực có hạn thay cho yếu kém, sai lầm, không còn trên đời này thay cho chết,…
+ Thay thế từ kiêng tránh bằng từ Hán - Việt
Như chúng ta đã biết, từ Hán-Việt thường có trong nó nét nghĩa biểu thái là sự trang trọng và hàm súc. Trong các ngữ cảnh sử dụng cần đến sự trang trọng, tinh giản, sâu sắc của ngôn từ thì khi ấy các từ thuần Việt mang tính chất giản dị, đời thường thường được thay thế bằng các từ Hán - Việt. Ví dụ: nội y thay cho quần áo lót, tiểu tiện thay cho đái, viên tịch thay cho chết,…
Việc sử dụng từ Hán-Việt như một uyển ngữ đặc biệt đắc dụng khi biểu thị những khiếm khuyết cơ thể của người tàn tật. Ví dụ khiếm thị thay cho mù, khiếm thính thay cho điếc, người khuyết tật thay cho  người  cụt chân, cụt tay …
+ Dùng từ vay mượn
Dùng từ vay mượn là việc sử dụng từ ngữ mượn từ tiếng nước ngoài để thay thế cho những từ kiêng kị, thô tục mà người nói không muốn nhắc đến khi giao tiếp. Vay mượn là một cách nói uyển ngữ phổ biến trong rất nhiều ngôn ngữ. Như ở trên đã dẫn, phần lớn từ kiêng kị trong tiếng Anh đều được sử dụng thay thế bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Latinh.
Với tiếng Việt, hiện tượng này cũng khá phổ biến. Hiện nay trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là báo chí, một số từ ngữ tiếng Việt cũng thường được thay thế bằng từ tiếng Anh. Ví dụ: sex thay cho tình dục, nude thay cho khỏa thân, toilet, WC (water-closet: nhà vệ sinh)  thay cho nhà vệ sinh, …
+ Dùng cách chuyển nghĩa từ
Việc chuyển nghĩa để tạo uyển ngữ trong tiếng Việt cũng giống như tiếng Anh hay tiếng Hán, chủ yếu là qua hai phương thức ẩn dụ (dựa trên cơ sở tư duy liên tưởng tương đồng) và hoán dụ (dựa trên cơ sở tư duy liên tưởng tiếp cận-gần gũi)
Ví dụ:  Chuyển nghĩa bằng ẩn dụ: mất thay cho chết, chim thay cho dương vật, mây mưa thay cho quan hệ tình dục,…
Chuyển nghĩa bằng hoán dụ: tắt thở, nhắm mắt thay cho chết, lên giường thay choquan hệ tình dục, ngực thay cho vú,…
Ở đây, cũng cần nói thêm về mối quan hệ giữa uyển ngữ với hai phương thức tu từ có liên hệ là ẩn dụ tu từ và hoán dụ tu từ: Việc xem xét uyển ngữ (để phân biệt với biện pháp tu từ) đòi hỏi quan tâm đầy đủ đến mục đích sử dụng uyển ngữ, vì trên thực tế, phương thức và mục đích của việc sử dụng uyển ngữ trong không ít trường hợp khó phân biệt với phương thức và mục đích sử dụng của một số biện pháp tu từ nói chung, rõ nhất là với ẩn dụ và hoán dụ. Nếu ẩn dụ và hoán dụ nêu lên mục đích chung (dùng được cho nhiều lĩnh vực xã hội) bằng cách dùng những cách nói khác (theo nguyên tắc “tương đồng” và “kế cận”) đối với tên gọi của một cái gì đó, thì uyển ngữ tập trung vào mục đích tạo tên gọi có nghĩa giảm tính miệt thị, như dùng Nhân viên vệ sinh môi trường thay vì người quét rác; giảm sắc thái của sự mất mát, đau thương như an nghỉ, ra đi, tắt thở  thay cho chết; giảm sắc thái thô tục nhưngực, vòng một thay cho vú; ngủ, qua đêm thay cho quan hệ tình dục…  hay tránh tên gọi linh thiêng cần kiêng kị trong tín ngưỡng, tôn giáo như dùng các quan âmthay cho “quỷ thần cõi âm”, ông ba mươi thay cho hổ, Thần Tản Viên thay cho núi Tản Viên v.v... Như vậy, có thể nói uyển ngữ là một bộ phận cụ thể trong một số hiện tượng chung của các biện pháp tu từ hữu quan, nó được phép sử dụng các biện pháp tu từ đó, với những mục riêng cụ thể và có định hướng rõ rệt. Và cũng nhờ các mục đích riêng có định hướng cụ thể này mà uyển ngữ được xem xét tách ra khỏi một số biện pháp tu từ hữu quan.
- Phương thức ngữ pháp
+ Dùng trợ từ phủ định
Một trong những phương thức phổ biến cấu tạo uyển ngữ trong tiếng Việt là dùng trợ từ phủ định không nhằm giảm đi sự tác động trược tiếp của từ kiêng tránh, giữ thể diện cho người tham gia giao tiếp. Có thể khái quát thành một mô hình:
           Không + (được)+ tính từ + (cho )+  lắm
Ví dụ: không đẹp (cho) lắm thay cho xấu, không thông minh lắm thay cho ngu/dốt, không được khá giả thay cho nghèo, không được khỏe thay cho yếu,…
Ở vị trí của phủ định từ không, cũng có thể là chưa, biểu đạt ý chưa hoàn thành (Chính nét nghĩa chưa hoàn thành của từ chưa mang giá trị uyển tính vì nó giảm đi sắc thái miêu tả chân thực của từ gốc).Ví dụ: Chưa được chăm chỉ thay cho lười, chưa được tốtthay cho kém (về khả năng hoặc chất lượng),…
+ Dùng đại từ “ấy”, “đó”
Việc sử dụng các đại từ này thay thế cho từ kiêng tránh nhằm tạo sự mơ hồ, tránh trực diện. Ví dụ cái ấy, cái đó thay cho dương vật/âm vật, chuyện ấy thay cho quan hệ tình dục,…
3. Kết luận
Được định hướng từ những kết quả nghiên cứu về uyển ngữ trong tiếng Anh và tiếng Hán, đặc biệt là tiếng Anh với các công trình nghiên cứu nổi tiếng về uyển ngữ như,Euphemism and Dysphemism – language Used as Shield and Weapon của Allan, K. và Burridge, K. (1990), Fair of speed: the uses of Euphemism của  Enright, D.J. (1985) …, bài viết đã cố gắng tạo những hình dung về phương thức cấu tạo uyển ngữ.
Đối với việc xem xét uyển ngữ như một đối tượng nghiên cứu khoa học (thuộc ngôn ngữ học), bài viết của chúng tôi mới chỉ là việc điểm một vài khía cạnh nhỏ, với tư cách bước đi ban đầu, khó tránh khỏi các khiếm khuyết. Việc tìm hiểu sâu hơn, rộng hơn còn là nhiệm vụ khó khăn trước mắt đối với chúng tôi.                                                                        
 
Tài liệu tham khảo
1. Đinh Trọng Lạc (1999), Phong cách học tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội
2. Hà Hội Tiên (2009), Khảo sát đặc điểm của uyển ngữ tiếng Hán và cách chuyển dịch chúng sang tiếng Việt, Luận văn Thạc sĩ, ĐHKHXH&NV.
3. Trương Viên (2003), Nghiên cứu uyển ngữ trong tiếng Anh và việc chuyển dịch sang tiếng Việt, Luận án Tiến sĩ, ĐHKHXH&NV.
4. Allan, K. & Burridge, K. (1990), Euphemism and Dysphemism – language Used as Shield and Weapon, Oxford University Press
5. Antrushina, G.B. & Afanasyeva, O.V. & Motozova, N.N., (2004) English Lexicology, Pedagogiccal Institute of Ekaterinburg, Russia
6. Asher, R.E.,  (Editor in chief) and Simpson, J.M.Y (co – ordinating Editor), The Encyclopedia of language and linguistics (Volume 4), Pergamon Press
7. Burchfield, R. (1985), English Language, Oxford: Oxford University Press
8. Eble,  C.  C.  (1996),  Slang  and  Sociability.  North  Carolina :  The  University of  North Carolina.
9. Enright, D.J. (1985), Fair of speed: the uses of Euphemism, Oxford University Press
10. Nguyễn Hòa (2009), Understanding of English Semantic, Nxb ĐHQG, Hà Nội
11. Romayasin Kaosa-ad (2009), English Euphemism  as used native speakers of English and of Thai, Thesis Master of Art (by English), Srinakharinwirot University
12. Salma Haddad (2009), Euphemising Death, Damascus University Journal, Vol. 25 No. 1+2, 2009
SUMMARY
There are words in every languge which people instinctively avoid because they are considered indecent, indelicate, rude, too direct or impplite. As the “offensive” referents, for which these words stand, must still be alluded to, they are often described in a round about way, by using substitutes called euphemisms.  Therefore, euphemisms are one important kind of synonyms in any language. This article investigates into ways of forming euphemisms and the ways of forming euphemisms in Vietnamese with the purpose of clarifying the issue, which has not yet been discussed in any research on Vietnamese synonyms.
                                                 
Bài: Giảng viên Đoàn Tiến Lực
(Bài đã đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ, số 2(285), 2013)
Admin 5
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Bộ GD-DT

Lễ trao thưởng cho các học viên xuất sắc GYBM khóa 5 giai đoạn sơ cấp
(ĐHVHHN) – Sau 3 tháng học tập, 97 học viên GYMB khóa 5 đã vượt qua giai đoạn sơ cấp, với những thành công bước đầu. Chiều ngày 11/12/2015, Trường Đại học Văn...

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 35

Máy chủ tìm kiếm : 32

Khách viếng thăm : 3


Hôm nayHôm nay : 14869

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 183526

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7573938

Tin tổng hợp Xem tất cá các tin tổng hợp
Đăng lúc: 24-05-2016 09:51:02 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:42 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:25 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:04 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:46 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:26 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:05 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:48:45 PM
Thông tin bản quyền
    + TRƯỜNG THPT VÕ TRƯỜNG TOẢN
    + Đ/C: Cẩm Mỹ , Đồng Nai