»

Về phương pháp luận nghiên cứu văn hóa và con người

Thứ tư - 25/05/2016 08:04

Hồ Sĩ QuýPGS.TS.,Viện Thông tin Khoa học xã hội 
Tạp chí Triết học

III. Về phương pháp luận nghiên cứu con người

1. Xung quanh phương pháp luận nghiên cứu và phát triển con người cũng có tình trạng tương tự. Trước đây, con người, mặc dù cũng là một đối tượng được đặc biệt quan tâm nhưng trên thực tế, do bị chi phối bởi các lý thuyết không thật tối ưu (có nguồn gốc từ các nhà lý luận Xôviết) nên nói đến con người, người ta thường chỉ hiểu đó là con người xã hội; nghĩa là con người trong các quan hệ nhóm, tập thể, cộng đồng, giai cấp, dân tộc, tổ quốc… Quyết định diện mạo con người, gần như không ai bàn đến vai trò của nhân tố cá nhân, cá thể, huyết tộc, nòi giống... Về mặt phương pháp luận, tất cả mọi hiện tượng phong phú, phức tạp, độc nhất vô nhị ở mỗi cá thể và cá nhân với nhân cách riêng biệt của nó đều được giải thích bằng các nguyên nhân xã hội. Sự chi phối của các đặc tính sinh học đến bản tính, bản chất và nhân cách con người hầu như không được chú ý. Cách nhìn lệch lạc như vậy thường được biện minh bằng việc dẫn ra các tư tưởng kinh điển: “Hoạt động sống của con người như thế nào thì họ là như thế ấy” (12, tr. 30). “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa các quan hệ xã hội” (12, tr. 11). Mãi đến cuối những năm 70, các vấn đề về gen, về di truyền sinh học mới được biết đến ở Việt Nam. 

Vào thời đó, con người thì chủ yếu được xem xét chỉ như là sản phẩm của hoàn cảnh, còn việc xây dựng con người thì lại bị gò ép trong những tiêu chuẩn đẹp nhưng khuôn sáo (xem: 1). Những tiêu chuẩn về đạo đức, về trách nhiệm xã hội chiếm phần lớn bảng tiêu chuẩn phát triển con người. Phương pháp luận ở đây có vấn đề về phương diện ứng dụng: những nguyên tắc quyết định luận duy vật về đời sống xã hội làm cho ai nấy tin rằng mình suy nghĩ và hành động về con người không sai: quan hệ người với người trong sản xuất do lực lượng sản xuất quyết định, ý thức con người do tồn tại xã hội quyết định, nhân cách và cá tính con người do hoạt động quyết định… Thậm chí, sự thành đạt của mỗi người còn được lý giải theo kiểu ăngghen đã lý giải về sự xuất hiện của các nhân vật lich sử: “Nếu như không có Napoleon thì người khác sẽ đóng vai trò của ông ta. Điều đó được chứng minh bởi một sự thật là bất cứ khi nào cần có một người như vậy thì đều có một người như vậy: Cesar, Augustuts, Cromwell, v.v..” (14, tr. 273).

Protagoras (490– 420 TrCN): Con người là thức đo của vạn vật Aristotle: 384–322 TCN: Bẩm sinh, con người là một động vật chính trị

2. Về mặt phương pháp luận còn có một nguyên nhân khác khiến cho vấn đề con người bị hạn chế trong nghiên cứu và lý giải: trước kia, con người thường bị nhìn hạn hẹp theo một vài góc nhìn khuôn thước. Ai cũng biết con người là đối tượng phức tạp, đa diện và độc đáo, song mọi kiến giải về con người dựa trên tâm linh, tôn giáo, tiềm thức, ngoại cảm và thậm chí cả những phát hiện lạ về đặc trưng sinh học đều không được chú ý và bị bỏ qua một cách định kiến. Nhiều năm, con người thuần tuý chỉ được xem xét trong các chuyên ngành gần như tách biệt với nhau. Dĩ nhiên là vấn đề quá khó khi phải tiếp cận con người theo đủ mọi chiều cạnh. Nhưng khó là không có nghĩa là logic bên trong của việc nghiên cứu con người cho phép bỏ qua các khía cạnh đó. Thực ra nghiên cứu xã hội học về con người ở ta xuất hiện muộn. Còn muộn hơn nữa là những nghiên cứu liên ngành, đa ngành… Mãi tới gần đây người ta mới bàn đến nghiên cứu phức hợp (Complex Research), khoa học sự sống (Life Sciences), lý thuyết sáng tạo (Creativity), nhân học (Anthropology); mà bàn là một chuyện còn thực tế có triển khai nghiên cứu con người theo các phương thức đó hay không lại là chuyện khác. Một số định kiến đè nặng lên con người (chẳng hạn định kiến về doanh nhân và “con buôn”, về trí thức và địa vị xã hội của nó, về quan niệm bóc lột và làm thuê, v.v…) hiện vẫn chưa được gỡ bỏ.

Kant (1724-1804): Con người là thực thể độc nhất vô nhị

3. Phải nói là sự nghiệp đổi mới trong khi đem lại sinh khí cho toàn bộ đời sống xã hội thì cũng thổi luồng gió mới vào lĩnh vực nghiên cứu con người. Hiện tượng này có bối cảnh khách quan của nó. Đó là vào cuối những năm 80, giới lý luận Xôviết thẳng thắn thừa nhận tình trạng “bỏ quên con người”, lên án gay gắt cơ chế hành chính - bao cấp và chú trọng đặc biệt đến nghiên cứu “nhân tố con người”, cả về mặt lý thuyết và cả về mặt thực tiễn. Người ta hy vọng bằng cách đó để “trở lại với con người” (Tiếc rằng lịch sử đã không cho phép các nhà lý luận Xôviết đi đến cùng quan điểm của họ - xem: 6, 23). Cũng vào dịp đó, năm 1990, UNDP công bố Báo cáo phát triển con người đầu tiên, tạo ra sự quan tâm đặc biệt đến con người tại tất cả các nước thuộc Liên hợp quốc. UNDP khuyến cáo các chính phủ đừng quá chú trọng tăng trưởng kinh tế, đừng bằng mọi giá để vươn tới giàu có mà bỏ quên con người - chân lý của phát triển giản đơn hơn nhiều: “tài sản của mỗi quốc gia là con người của quốc gia đó”, “phát triển con người là mục đích của sự phát triển” (xem: 26, tr. 9).

Không bao lâu sau, Việt Nam tiếp thu được những điều hợp lý từ khoa học bên ngoài, đặc biệt là quan điểm về nhân tố con người và về vị trí của con người trong sự phát triển. Rồi từ đó, luận điểm con người là động lực, là mục tiêu của sự phát triển đã được ghi trong các văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước (xem: 4, tr. 8). Năm 1995, Việt Nam bắt đầu có mặt trong Báo cáo của UNDP về phát triển con người. Năm 2001, Việt Nam công bố Báo cáo quốc gia về phát triển con người. Xu hướng nghiên cứu định lượng về phát triển con người được chú ý ngay cả ở phạm vi các địa phương (tỉnh, thành phố). Quan điểm coi con người chiếm vị trí trung tâm dần trở nên phổ biến; Với quan điểm này, con người đóng vai trò quyết định ở cả “đầu vào”, ở cả “đầu ra” và trong toàn bộ quá trình phát triển. Với quan điểm này, tư tưởng truyền thống Việt Nam cũng có chỗ đứng của nó - Con người là nguyên nhân cuối cùng của mọi thất bại, là cơ sở sâu xa của mọi thành công. 
 

Karl Marx (1818-1883): 
Con người là thực thể tự nhiên có tính người

4. Như vậy, con người là sản phẩm của hoàn cảnh, hóa ra, chỉ là công đoạn cuối cùng của toàn bộ quá trình phát triển con người. Với trường hợp bốn con rồng châu Á trỗi dậy thành công thì văn hóa và con người ở đây không phải chỉ là sản phẩm của hoàn cảnh nữa, mà là một sức mạnh nội sinh nằm ẩn sâu trong lòng của các xã hội đó. Muốn kích hoạt để xã hội có thể tiến lên được thì đòi hỏi phải có phương pháp luận tôn trọng nhân tố con người và nhân tố văn hóa. Đúng là “con người tạo ra hoàn cảnh đến mức nào thì hoàn cảnh cũng tạo ra con người đến mức ấy” (xem: 12, tr. 55). Nhưng trên thực tế, tư tưởng coi con người chiếm vị trí trung tâm của sự phát triển đã được đúc rút thành những phương pháp luận có ý nghĩa rất tích cực đối với sự nghiệp đổi mới và cũng là với sự phát triển đất nước mấy thập niên qua.

*
* *

Trên đây là mấy vấn đề nảy sinh khi ứng dụng những phương pháp luận đã có. Ai đó có thể thấy cộm lên những vấn đề khác. Tuy nhiên, trong chừng mực những nghiên cứu của mình, chúng tôi xin đề cập tới những vướng mắc như vậy. Sau đây là những vướng mắc theo chiều ngược lại - những phương pháp luận cần phải được xây dựng. Thực tế nghiên cứu văn hóa và con người lâu nay đã nảy sinh những câu hỏi mà người nghiên cứu có thể trả lời theo phương án này hoặc theo phương án kia. Vấn đề là ở chỗ, các phương án khác nhau đều có những điểm hợp lý và bất hợp lý của nó. Sẽ là không thể giải quyết được, hoặc ít nhất là không thể thảo luận được, nếu không có những nguyên tắc, quan điểm hay quan niệm chung để giải quyết từng loại vấn đề, tức là phương pháp luận riêng cho từng loại vấn đề. Có nhiều vấn đề cần đến phương pháp luận riêng, nhưng trong một bài báo khác chúng tôi đã đề cập tới những vấn đề như thế (xem: 22), nên ở đây chỉ xin nêu một số vấn đề khác như sau:

IV. Về phương pháp luận nghiên cứu phức hợp

1. Như đã nói ở trên, logic bên trong của việc nghiên cứu con người không cho phép bỏ qua các khía cạnh, các hiện tượng, các chỉ báo, các thông tin… ngoài khoa học. Tức là các dữ kiện mà đến nay khoa học vẫn chưa đủ thẩm quyền để xác nhận đúng hay sai, hoặc đơn giản hơn là chức năng riêng của từng khoa học không có trách nhiệm phải nghiên cứu những dữ kiện đó. Bởi vậy, mới xuất hiện phương án nghiên cứu phức hợp (Complex Research) về con người. Nhưng đến đây thì vướng về mặt phương pháp luận: khoa học có được phép dung nạp, sử dụng các dữ kiện ngoài khoa học, thậm chí phi khoa học hay không? 

Thực ra thì vấn đề mới chỉ đặt ra về mặt lý thuyết hoặc cho các nền khoa học có trình độ cao. Còn với Việt Nam, có thể thấy, khoa học xã hội và nhân văn ở ta đến nay mới chỉ triển khai nghiên cứu liên ngành chứ chưa hề có nghiên cứu phức hợp về con người (có người nghĩ rằng ở Việt Nam đã có nghiên cứu phức hợp về con người, nhưng theo chúng tôi, thực tế ta chưa tổ chức được một quy trình nghiên cứu như vậy). 

2. Bởi lẽ, bản chất của nghiên cứu phức hợp về con người dựa trên quan niệm (có nguồn gốc từ I. Kant - xem: 2, tr. 84) cho rằng, các khoa học (đã có) với bộ máy khái niệm, phạm trù, phương pháp và quy luật của nó, cho dù rất hữu hiệu, nhưng vẫn không đủ để giải phẫu những bí ẩn ở con người. Trong khi đó, những phương thức ngoài khoa học như văn học, nghệ thuật, tôn giáo, nghiên cứu tiềm thức và vô thức... lại gợi mở rất nhiều, thậm chí đôi khi còn đưa lại những kết quả thuyết phục, mặc dù chúng vẫn thường bị xem là không đạt tiêu chuẩn logic và thực chứng (positive) để trở thành công cụ khám phá con người theo quan điểm khoa học. Đối mặt với thực tế này, từ những năm 70 các nhà khoa học Pháp đã đặt vấn đề: với con người thì phải nghiên cứu phức hợp (xem: 16, 17, 21). Nghiên cứu phức hợp sẽ là phương thức cho phép những khám phá ngoài khoa học được bổ sung để việc nhìn nhận con người trở nên hoàn chỉnh hơn. 

Muốn khoa học sử dụng được những dữ kiện ngoài khoa học, trước hết, một phương pháp luận mới với những nguyên tắc rộng hơn, mở hơn cần phải được xây dựng. Và đến nay, việc xây dựng phương pháp luận này vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. 

3. Liên quan đến việc xây dựng phương pháp luận mới nói trên, cần lưu ý rằng, trong khoa học xã hội, xưa nay người ta vẫn đinh ninh: mục đích tối cao của khoa học là tìm ra các quy luật, hay các khuynh hướng, xu hướng có tính quy luật. Điều thú vị là trong nghiên cứu văn hóa và con người, có một kiểu nghiên cứu ngược lại đã thịnh hành ở phương Tây nhưng ít được biết đến ở Việt Nam (xem: 10). Với kiểu nghiên cứu này, không nhất thiết mục đích của sự nghiên cứu phải là (hay chủ yếu là) tìm ra các quy luật, các khuynh hướng, xu hướng chung. Mà điều có ý nghĩa lại là phải vạch ra được những nét đặc thù, độc đáo, dị biệt hay những bản sắc riêng. Nếu ứng dụng cách thức này vào nghiên cứu con người Việt Nam, thì rõ ràng việc phát hiện ra những nét đặc thù, những hiện tượng dị biệt, những bản sắc riêng của văn hóa và con người ở các vùng miền, các dân tộc, các vùng văn hóa… có thể sẽ quan trọng hơn việc tìm ra những quy luật chung. (Vả lại, những quy luật chung, phổ biến của đời sống văn hóa và con người, thì khoa học thế giới đã có những phát hiện ở mức phải nói là rất căn bản). Theo chúng tôi, điều này rất quan trọng về mặt phương pháp luận đối với việc nghiên cứu văn hóa và con người. Nếu khoa học nhất thiết phải tìm ra quy luật chung cho các hiện tượng mà nó nghiên cứu, thì việc phát hiện ra những nét độc đáo, các hiện tượng đặc thù, những bản sắc riêng… sẽ được xếp vào logic nào của sự sáng tạo khoa học? Phải chăng chúng sẽ là phổ biến, là quy luật cho các hiện tượng đặc thù hơn, độc đáo hơn?

V. Phương pháp luận về khái niệm người Việt

1. Nghiên cứu con người Việt Nam có lịch sử hàng trăm năm, nếu tính từ khi người phương Tây khám phá nền văn hóa này để phục vụ cho mục đích của họ. Nhưng đến nay, khái niệm con người Việt Nam thật ra vẫn chưa xác định. Trong nhiều tài liệu, khái niệm này thường được gọi là “người Việt”. Cách gọi chung chung như vậy cho phép ngầm hiểu tất cả các dân tộc trên đất Việt Nam cũng như tất cả những ai gốc Việt đang sống ở nước ngoài đều là người Việt. Trong chừng mực ngầm hiểu như vậy, ở khái niệm này có những điều chấp nhận được và cũng có những điều bất hợp lý. 

Chẳng hạn, nếu gọi người Mường và người Tày, người Dao và người Hơ Mông, người Gia rai và người ê đê… là người Việt thì việc sử dụng khái niệm này chắc cũng chưa nảy sinh vấn đề gì cần phải thảo luận. Nhưng với các cộng đồng có nguồn gốc từ bên ngoài mà cũng gọi là người Việt thì tình huống bắt đầu có vấn đề. Với người Việt ở nước ngoài cũng có tình trạng tương tự. Chẳng hạn, người Việt ở Mỹ, ở Austraylia, ở Pháp… thế hệ thứ nhất, tức là thế hệ được sinh ra tại Việt Nam, thì dù mang quốc tịch nào cũng vẫn có thể gọi là người Việt mà không thấy có gì vướng mắc. Với thế hệ thứ hai, khái niệm người Việt có lẽ vẫn còn chấp nhận được. Nhưng đến thế hệ thứ ba, thì việc sử dụng khái niệm này đã trở nên khiên cưỡng, nhất là với những trường hợp không mang quốc tịch Việt Nam, không biết tiếng Việt, không biết văn hóa Việt. Ấy là chưa nói tới những trường hợp người nước ngoài sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, nếu họ và con cháu họ am tường văn hóa Việt, thì việc gọi hoặc không gọi là người Việt đều có gì đó không thật ổn. 

2. Vấn đề không phải là cách gọi hay cách sử dụng thuật ngữ “người Việt”. Vấn đề cũng không phải là đề ra một số tiêu chuẩn nào đó rồi căn cứ vào tiêu chuẩn ấy để xác định ai là người Việt, ai không. Mà vấn đề là cần phải có những nguyên tắc nhất định để lập ra các tiêu chí xác định người Việt. Nghĩa là vấn đề phải được giải quyết ở tầm phương pháp luận.

(Còn tiếp)...
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Bộ GD-DT

Lễ trao thưởng cho các học viên xuất sắc GYBM khóa 5 giai đoạn sơ cấp
(ĐHVHHN) – Sau 3 tháng học tập, 97 học viên GYMB khóa 5 đã vượt qua giai đoạn sơ cấp, với những thành công bước đầu. Chiều ngày 11/12/2015, Trường Đại học Văn...

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 29

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 26


Hôm nayHôm nay : 13411

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 180424

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7570836

Tin tổng hợp Xem tất cá các tin tổng hợp
Đăng lúc: 25-05-2016 08:51:02 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:42 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:25 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:04 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:46 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:26 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:05 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:48:45 AM
Thông tin bản quyền
    + TRƯỜNG THPT VÕ TRƯỜNG TOẢN
    + Đ/C: Cẩm Mỹ , Đồng Nai