»

Văn hoá và các lý thuyết phát triển

Thứ hai - 11/04/2016 23:06
 Tóm tắt
Bài viết trình bày những lý thuyết phát triển trên thế giới bao gồm: Lý thuyết hiện đại hoá, Lý thuyết hệ thống thế giới, Lý thuyết phụthuộc và Lý thuyết đa dạng hoá. Từ những thành công và không thành công trong việc áp dụng các lý thuyết này  ở nhiều nước trên thế giới trong thời gian qua đã khẳng định, văn hoá như là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu được trong quá trình phát triển, hướng tới phát triển bền vững. Bài viết cũng khẳng định rằng, quan niệm phát triển mới lấy con người làm trung tâm sẽ là xu hướng chủ đạo của thế giới. Chỉ có như vậy, các nước đang phát triển mới có thể thành công trong việc điều hoà sự tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội và bảo vệ môi trường theo con đường phát triển bền vững.




Lý thuyết phát triển ra đời với tư cách là một trong những lý thuyết độc lập từ sau Đại chiến thế giới hai. Ngay từ khi mới hình thành, lý thuyết phát triển đã phải đối mặt với vô số quan điểm khác nhau. Nhiều nhà nghiên cứu đều thừa nhận rằng với sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân và áp dụng những chính sách đúng đắn, văn hoá ‘truyền thống’ sẽ biến mất và thế giới sẽ được ‘hiện đại hoá’ một cách nhanh chóng. Quan điểm này được trình bày rõ nét trong cuốn sách nhan đề “Sự cáo chung của xã hội truyền thống” của D.Lerner (1958). Theo quan điểm này thì lý thuyết phát triển hướng tới việc nhấn mạnh đến nhà nước, đến kế hoạch, thị trường, dòng lao động, nguồn vốn, thương mại hoá “như thể bản thân các yếu tố đó là cấu trúc của một dạng văn minh cụ thể hơn là những khái niệm và thể chế mang giá trị toàn cầu” (D.Lerner,1958, p.258). Khi đó nhìn chung, các nhà nghiên cứu và những người làm thực hành phát triển thường bỏ qua các yếu tố như tôn giáo, dân tộc hay nghệ thuật và xem các mô hình chính trị và kinh tế của họ như là mô hình phi văn hoá. ở một góc độ nào đó, đây là sự phản ứng tích cực với những quan điểm phân biệt chủng tộc trong chế độ thực dân, nhưng cũng có nghĩa là sự phức tạp và sự đa dạng của cuộc sống loài người đã bị đánh mất. Đó là một điểm hạn chế của “nghiên cứu phát triển” trong thời gian qua.
Lý thuyết hiện đại hoá và sự thống trị của kinh tế học
Gần hai thập kỷ sau chiến tranh thế giới thứ hai, một lý thuyết phát triển đơn nhất được gọi là Lý thuyết hiện đại hoá đã giữ vị trí thống trị. Tác giả nổi tiếng nhất của nó là W.W. Rostow với mô hình được công nhận phổ biến rằng bất cứ một xã hội nào muốn phát triển được đều phải đi qua năm giai đoạn tăng trưởng bao gồm: giai đoạn xã hội truyền thống, giai đoạn chuẩn bị cho sự chuyển đổi, giai đoạn chuyển đổi, thời kỳ trưởng thành và thời đại tiêu dùng đại chúng ở mức độ cao. Xã hội phương Tây được xem như là hình thái phát triển cuối cùng theo trật tự tăng trưởng này. Các nước kém phát triển đã mất đi cơ hội cho sự tăng trưởng. Và vì vậy, sựphát triển chỉ có thể có được ở những nước kém phát triển thông qua sự truyền bá những quan điểm, công nghệ tiên tiến và sự hỗ trợtừ phương Tây. Theo W.W.Rostow, động lực của quá trình này là quá trình công nghiệp hoá, cái mà đã được thử nghiệm và chứng minh thành công ở Bắc Mỹ và Tây Âu cuối thế kỷ 19. Theo cách tiếp cận này thì sự phát triển trong mô hình hiện đại hoá về bản chất là sản phẩm của sự tăng trưởng kinh tế với những chỉ số như tổng sản phẩm quốc nội, thu nhập bình quân đầu người, lượng tiết kiệm, và mức độ đầu tư.
Hầu hết các nhà nghiên cứu khác đều nhận xét rằng, W.W.Rostow là người theo thuyết quyết định luận kinh tế và kỹ thuật mặc dù trên thực tế ông vẫn cho rằng, động lực kinh tế không hoàn toàn là đơn nhất và quan trọng nhất đối với lịch sử. Ông nhấn mạnh: ‘Sựbiến đổi kinh tế có căn nguyên từ chính trị và xã hội. Và về động lực con người thì rất nhiều sự thay đổi kinh tế căn bản là kết quả của các động cơ phi kinh tế’ (W.W.Rostow,1960.p.145). Đối với W.W. Rostow, sự phát triển kinh tế không chỉ đòi hỏi các điều kiện kinh tế, kỹ thuật, dân chủ mà còn cần có các thể chế xã hội và hệ thống giá trị thích hợp. Chỉ khi tất cả các yếu tố đó tồn tại thì mới tạođiều kiện cho sự phát triển. Những ý tưởng tương tự như vậy cũng được tìm thấy trong các tác phẩm của nhà kinh tế học ấn Độ đoạt giải Nobel, Arthur Lewis.
Mặc dù W.W. Rostow và A.Lewis đã nhận ra tầm quan trọng của tư tưởng và hệ thống giá trị, song hầu hết các nhà thực hành và nghiên cứu phát triển khi đọc tác phẩm của các ông đều không quan tâm nhiều đến khía cạnh này. Quả thật, họ chỉ nhấn mạnh đến cách tiếp cận thuần tuý kinh tế. Những phân tích tỉ mỉ của các ông đã bị bỏ qua và sự tiến bộ chỉ được xem là sự tăng trưởng kinh tếđơn thuần và phải trải qua các giai đoạn. ở hình thái đơn giản nhất, công thức này đã tồn tại suốt thế kỷ 20 không chỉ trong giới học thuật mà còn trở thành nguyên tắc chính thống trong các tổ chức hỗ trợ phát triển quốc tế, các thể chế xuyên quốc gia ở Washington và Liên hợp quốc, nơi mà chính sách phát triển thế giới được thiết lập. Trong những năm 1950- 1960, quan niệm về phát triển thông qua sự tăng trưởng đã trở nên vô cùng thuyết phục và được áp dụng phổ biến tới mức thời kỳ này đã được mệnh danh là “thập kỷ của sự phát triển”. Tuy nhiên, đã xuất hiện  sự khác biệt giữa lý thuyết và thực tiễn, nói một cách khác tư duy phát triển đã thất bại.
Hiện thực của thập kỷ phát triển đã thất bại quá lớn so với những mong đợi của các nước kém phát triển. D.Lerner đã viết: “Cuộc cách mạng của những mong đợi ngày càng tăng lên đã trở thành tổn thất chính của thập kỷ phát triển. Tại những nơi mà lý thuyết này được áp dụng đã xuất hiện một cuộc cách mạng của những nỗi thất vọng” (D.Lerner, 1963, p.167). Trong khi những hứa hẹn mà mô hình phát triển hiện đại hoá đưa ra là một cuộc sống sung túc hơn cho các nước thuộc thế giới thứ ba thì bất cứ nơi nào áp dụng mô hình này đều báo hiệu chiều hướng phát triển tiêu cực. Tình trạng nghèo đói trên toàn thế giới vẫn chưa giải quyết được, sự phân tầng xã hội ngày càng trở nên trầm trọng và hoạch định quốc gia vẫn liên quan chặt chẽ đến những áp lực chính trị.
Rõ ràng, về mặt thực nghiệm, mô hình hiện đại hoá đã thất bại để đạt được mục tiêu của nó. Về mặt tư tưởng, nhiều học giả cũng phê phán rằng mô hình này đã bộc lộ một thế giới quan vị chủng bởi nó quá đề cao con đường phát triển của phương Tây. ở góc độ thuần tuý lý thuyết, khái niệm của hiện đại hoá là không cụ thể và mơ hồ, vì vậy hiện đại hoá là “một lý thuyết yếu”. Từ thực tế đó, mô hình hiện đại hoá đã dần dần mất đi sự tin cậy của nó vào những năm 1970.
Các lý thuyết thay thế: Lý thuyết hệ thống thế giới và lý thuyết phụ thuộc
Những người kế thừa lý thuyết hiện đại hoá buộc phải công nhận sự hình thành của lý thuyết hệ thống thế giới và lý thuyết phụ thuộc. Qua các lý thuyết này, thế giới không còn được quan niệm theo kinh tế học cổ điển như là phép số cộng của các nền kinh tế quốc gia hay nói một cách chính trị hơn thì như một tập hợp của các quốc gia độc lập mà là một thị trường toàn cầu chịu sự chi phối bởi một số ít các công ty đa quốc gia khổng lồ mà quyền lực của chúng lớn hơn rất nhiều so với các quốc gia đơn lẻ. Thực tế chỉ một số ít các nước nằm ở vị trí trung tâm của trật tự thế giới có đủ quyền lực để điều hành một cách hiệu quả thị trường toàn cầu mới. Phần còn lại chỉ là những nước ngoại vi kém quan trọng hơn và kém phát triển hơn. Sự kém phát triển của các nước ngoại vi, hay nói chính xác hơn là các nước thuộc thế giới thứ ba là sản phẩm của lịch sử và là do mối liên hệ phụ thuộc về kinh tế với các nước thống trị phát triển. Lý thuyết phát triển phụ thuộc tin rằng sự kém phát triển của các nước này có thể được xem là kết quả cho sự phát triển của châu Âu và Bắc Mỹ. Theo đó, các cách giải thích về con đường khiến các nước kém phát triển bị bần cùng hoá một cách có hệ thống cũng đã được Frank giải thích rõ ràng. Theo ông, sự kém phát triển là do quá trình xâm chiếm thuộc địa. Chẳng hạn như, Trung Quốc, Zimbabuê, Mehico và rất nhiều nước khác những nơi đã từng có một nền văn minh thì nay lại trở thành chất bôi trơn cho sự tiến bộ của thế giới phát triển. Theo cách nhìn của Frank, tất cả các quốc gia đều được coi là chưa phát triển trong trạng thái nguyên thuỷcủa nó. Các nước trở nên kém phát triển là do mối liên hệ phụ thuộc của chúng với các nước phương Tây. Ngay sau đó, trong cuốn sách nhan đề “Giới thiệu về lý thuyết phát triển”, P.W.Preston cũng phân tích rằng: “Các nước kém phát triển cung cấp những nguyên liệu thô và những sản phẩm chế biến với công nghệ thấp sang các nước phát triển để nhập về những hàng hoá chất lượng công nghệcao. Sự phụ thuộc mang tính kinh tế này phản ánh một sự phụ thuộc sâu rộng hơn về chính trị và văn hoá. Hậu quả là sự kém phát triển sẽ mãi mãi tồn tại trong những điều kiện phụ thuộc mang tính hệ thống” (P.W.Perston,1996, p.135). Điều này có nghĩa rằng sựphát triển và sự kém phát triển là kết quả của mối quan hệ bất bình đẳng giữa các nước giàu với các nước nghèo, giữa các khu vực trung tâm và ngoại vi cũng như là giữa chính quốc và thuộc địa. Rõ ràng, lý thuyết phát triển hiện đại hoá nhấn mạnh vào sự phát triển của từng quốc gia thì lý thuyết phát triển phụ thuộc lại nhấn mạnh đến sự phát triển ở cấp độ liên quốc gia liên quan đến chủnghĩa đế quốc và chủ nghĩa đế quốc mới, đến chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa thực dân mới.
Nhìn chung, mô hình phụ thuộc được đặc trưng bởi cách tiếp cận mang tính toàn cầu, một sự nhấn mạnh vào các nhân tố tác động từbên ngoài và những mâu thuẫn mang tính khu vực, một sự phân cực giữa phát triển và kém phát triển, giữa nhận thức lịch sử một cách chủ quan và có tính cách mạng, và một phương pháp phân tích cơ bản dựa vào kinh tế. Mô hình này cung cấp một sự xem xét lại đối với mô hình phát triển hiện đại hoá với những luận điểm và một hệ thống các lập luận mà trên thực tế vẫn có ý nghĩa đề giải thích cho mối quan hệ kinh tế giữa các cường quốc và các nước kém phát triển hiện nay. Tuy nhiên, trong hạt nhân hợp lý của nó thì lý thuyết này cũng bắt đầu bộc lộ tính đơn giản và khó có thể giải thích một cách đầy đủ về hiện thực phức tạp của giai đoạn hậu thực dân. Trước hết, mô hình phát triển phụ thuộc đã bị phê phán về tính thiếu khả thi để phát triển một mô hình nhận thức khi mà nó chỉtập trung vào những lực lượng bên ngoài và không tính đến sự xâm chiếm bên trong của giới cầm quyền đối với quá trình phát triển. Hơn thế nữa, lý thuyết này cũng quá nhấn mạnh đến cơ sở kinh tế và chính trị cho sự phát triển và kém phát triển nhưng lại không chú ý đến vai trò của văn hoá, một yếu tố có thể cung cấp những giải thích cho sự tăng trưởng thần kỳ của các nền kinh tế được mệnh danh là con Sư tử của châu Á như Xingapo, Hàn Quốc, Nhật Bản trong bối cảnh phụ thuộc của các nền kinh tế này vào thị trường kinh tế tư bản toàn cầu. Hiện thực này lại hối thúc các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm kiếm cách tiếp cận mới về lý thuyết phát triển.
Văn hoá liệu có phải là một nhân tố?
Lý thuyết chủ nghĩa toàn cầu gần đây hơn đã bắt đầu quan tâm đến những quốc gia vốn được coi là các nước công nghiệp hoá mới thì nay, chúng đã trở thành những nền tảng công nghiệp hoá do sự vận hành của các công ty đa quốc gia. Một số nước trước đây thuộc thế giới thứ ba như HongKong, nay không chỉ trở thành chi nhánh cho các công ty mẹ mà còn đạt đến trình độ công nghệ cao, một vài nước khác đã trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển của khu vực.
Đến lúc này câu hỏi đã được đặt ra là tại sao những nước đó mà không phải là nước khác lại cất cánh, và liệu rằng có phải văn hoá hay một nhân tố nào khác làm nên điều đó? Sự thành công có thể có liên hệ gì đó với văn hoá. Văn hoá sau một thời kỳ dài cuối cùngđã được xem xét một cách nghiêm túc bởi chính những nhà kinh tế học. Thế hệ trước đã cho rằng sự lạc hậu của Nhật Bản là do học thuyết Nho giáo thì nay học thuyết đó lại được coi là chìa khoá để hiểu về sự thần kỳ của Nhật Bản. Đó là đạo đức nghề nghiệp, sự tôn trọng và lòng trung thành đối với cấp trên, sự gắn bó với công ty, tinh thần làm việc tận tuỵ và đề cao giá trị học thức.
Một tác phẩm lý thuyết căn bản của L. Sklair có tựa đề ‘Xã hội học của hệ thống toàn cầu’ đã xác định rõ ràng phạm vi của văn hoá ngang bằng với các nhân tố kinh tế và chính trị. ở đây, văn hoá được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm nhiều lĩnh vực của đời sống hơn là hiểu theo nghĩa hẹp chỉ là hoạt động văn hoá. Nếu chúng ta chấp nhận một định nghĩa rộng về văn hoá rằng văn hoá được xem là toàn bộ các giá trị, niềm tin, truyền thống và phong tục tạo nên bản sắc và gắn kết các thành viên trong cộng đồng với nhau thì chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng văn hoá sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế thông qua sự thúc đẩy các giá trị được chia sẻ trong cộng đồng.  Ngoài ra, văn hoá có thể ảnh hưởng đến tính công bằng trong các quyết định phân phối nguồn lực của cộng đồng. ở cấpđộ toàn xã hội, giá trị văn hoá có thể hoàn toàn hài hoà với tăng trưởng kinh tế vĩ mô để phân biệt xã hội “thành công” với xã hội “không thành công”. Song, văn hoá cũng có thể kiềm chế sự theo đuổi các thành tựu vật chất để ưu tiên cho các mục tiêu phi vật chất liên quan đến chất lượng mọi mặt của cuộc sống, do đó ảnh hưởng đến tốc độ và chiều hướng của tăng trưởng kinh tế. Những nghiên cứu về các nguồn lực cho sự tăng trưởng của Nhật Bản thời kỳ hậu chiến, hay gần đây hơn là sự tăng trưởng của Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Xingapo đã chứng minh cho cách tiếp cận về vai trò của văn hoá trong phát triển. ở những quốc gia và khu vực này, các nhân tố kinh tế đã đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế bao gồm sự quản lý kinh tế vĩ mô một cách ổnđịnh (‘trở thành một quyền cơ bản’), đẩy mạnh tính cạnh tranh, định hướng xuất khẩu mạnh, sức ép đối với việc bắt kịp sự thay đổi công nghệ, đầu tư và vốn con người. Tuy nhiên, yếu tố văn hoá bắt nguồn từ học thuyết Nho giáo cũng đã góp phần quan trọng tạo nên những điều kiện cho sự thành công ở những nước nói trên. Những nhân tố này bao gồm việc quan tâm đến phúc lợi xã hội, sự tôn trọng giữa các nhóm, đạo đức lao động được định hướng bởi hiệu quả, vai trò của gia đình, niềm tin vào nhu cầu học tập, đề cao tính tôn ti và quyền lực.
Lý thuyết đa dạng hoá và quan niệm mới về phát triển
Từ góc độ phê phán các lý thuyết phát triển trên, một khái niệm về “sự phát triển khác” đã xuất hiện vào đầu những năm 1980 trong nỗ lực để đối phó với những khủng hoảng về kinh tế, chính trị, văn hoá, môi trường, sinh thái và an ninh đang diễn ra găy gắt trên toàn cầu. ‘Phát triển’ trong nhận thức chung rõ ràng bao gồm sự tiến bộ trong sự giàu có về vật chất được đo bằng sự gia tăng của GDP trên đầu người hay thu nhập thực, nhưng nó cũng bao gồm sự biến đổi trong các chỉ số xã hội phản ánh chất lượng sống của con người như mức dinh dưỡng của người dân, tình trạng sức khoẻ, mức độ biết chữ, mức độ tham gia vào giáo dục, tiêu chuẩn của các dịch vụ an sinh xã hôi và dịch vụ công cũng như các chỉ số môi trường như chất lượng không khí và nước. Quan điểm lấy hàng hoá là trung tâm của phát triển kinh tế đã phải nhường chỗ cho chiến lược lấy con người làm trung tâm của phát triển con người. Định hướng lại tư duy phát triển theo hướng trên rõ ràng có hàm ý mang tính văn hoá. Con người như là chủ thể và khách thể của phát triển không tồn tại trong sự cô lập. Họ tương tác theo nhiều cách và nơi mà sự tương tác đó diễn ra được cung cấp bởi văn hoá của họ - những niềm tin, giá trị, ngôn ngữ, truyền thống được chia sẻ trong cuộc sống hàng ngày. Việc định nghĩa lại khái niệm phát triển đã khiến cho văn hoá từ một “vị trí bên lề” đã được chuyển vào vi trí trung tâm của phát triển. Trong quan điểm này, phát triển con người và phát triển văn hoá đã thẩm thấu vào lý thuyết một cách đầy đủ hơn trong thế giới đang phát triển. Cũng như hệ sinh thái hỗtrợ bầu khí quyển, văn hoá sẽ hỗ trợ bầu không khí xã hội, cả hai sẽ cung cấp tính bền vững cho đời sống kinh tế trong phạm vi tươngứng với chúng.
Với định nghĩa mới về sự phát triển, lý thuyết đa dạng hoá nhấn mạnh rằng sự phát triển bản thân nó là “tổng hợp của các yếu tốchính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, tôn giáo và sinh thái” (J.Servaes,1989, p.231). Và do đó không có một mô hình phát triển mang tính phổ biến để có thể áp dụng toàn cầu và sự phát triển là một quá trình tự thân, đa chiều và đối thoại, khác nhau trong các xã hội khác nhau. Vì vậy, mỗi quốc gia cần phải cố gắng để xác định cho mình chiến lược phát triển riêng phù hợp với những điều kiện đặc thù về chính trị, kinh tế, văn hoá và sinh thái. Hy vọng với sự chuyển đổi căn bản trong tư duy phát triển, lý thuyết đa dạng hoá sẽthành công trong việc điều hoà sự tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, những vấn đề mà các lý thuyết trước không thể giải quyết được.


Ths Lê Xuân Kiêu 

NCS Văn hóa học khóa 1
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Bộ GD-DT

Lễ trao thưởng cho các học viên xuất sắc GYBM khóa 5 giai đoạn sơ cấp
(ĐHVHHN) – Sau 3 tháng học tập, 97 học viên GYMB khóa 5 đã vượt qua giai đoạn sơ cấp, với những thành công bước đầu. Chiều ngày 11/12/2015, Trường Đại học Văn...

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 25

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 22


Hôm nayHôm nay : 14869

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 182452

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7572864

Tin tổng hợp Xem tất cá các tin tổng hợp
Đăng lúc: 24-05-2016 09:51:02 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:42 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:25 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:04 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:46 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:26 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:05 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:48:45 PM
Thông tin bản quyền
    + TRƯỜNG THPT VÕ TRƯỜNG TOẢN
    + Đ/C: Cẩm Mỹ , Đồng Nai