»

Từ học viết văn, nhiều người đã trở thành nhà báo chuyên nghiệp

Thứ hai - 23/05/2016 13:10
(ĐHVH) - Hơn 30 năm tồn tại và phát triển, trường Viết văn Nguyễn Du (nay là Khoa Viết văn – Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) đã có những đóng góp không nhỏ cho nền văn học nghệ thuật nước nhà. Bên cạnh đó, trường còn là nơi xuất thân của nhiều nhà báo chuyên nghiệp viết trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là mảng văn hóa, văn nghệ. Nhân dịp Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Văn Giá – Chủ nhiệm Khoa Viết văn – Báo chí để thấy rõ điều này.


Nhà văn Văn Giá cùng các đồng nghiệp và sinh viên 

tại khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du - Hà Tĩnh

- Thưa nhà văn Văn Giá, việc đào tạo ngành viết văn của khoa Viết văn – Báo chí (tiền thân là trường Viết văn Nguyễn Du) đã tồn tại và phát triển được hơn ba mươi năm, vậy lý do gì khoa lại quyết định mở thêm lớp viết báo kể từ năm 2011?
 Nhà văn Văn Giá: Có thể nói có một chùm lý do. Thứ nhất, việc một cơ sở đào tạo mở nhiều loại hình đào tạo là một xu thế chung của toàn xã hội, và cũng là xu thế chung trên thế giới, đáp ứng nhu cầu của xã hội, do xã hội đòi hỏi. Thứ hai, đây là lý do quan trọng nhất, chúng tôi muốn đào tạo báo chí chuyên sâu - chuyên viết/ làm về văn hóa văn nghệ (VHVN). Như chúng ta biết, các cơ sở đào tạo báo chí khác đều đào tạo ra những người làm báo tổng hợp, nghĩa là viết về tất cả mọi lĩnh vực. Chưa có một nơi nào đào tạo chuyên sâu. Chúng tôi muốn thể nghiệm mô hình này. Thêm nữa, vừa qua dư luận truyền thông đại chúng, các cơ quan quản lý báo chí nói chung và VHVN nói riêng đều kêu ca phàn nàn về chất lượng đáng báo động của các tác phẩm/ chương trình/ chuyên trang chuyên mục trên báo chí về VHVN. Từ đó, Bộ TT-TT, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương phối hợp tổ chức Hội nghị Báo chí văn nghệ toàn quốc tại Thừa Thiên – Huế (ngày 21/4), và nhiều địa phương cũng đã tiến hành Hội thảo về chủ đề báo chí với văn nghệ. Tôi nghĩ, nguyên do chính là các nhà báo/ cơ quan báo chí khi phản ánh về VHVN chưa có được những quan niệm đúng đắn và toàn diện, chưa có được những tri thức nền tối thiểu về các lĩnh vực VHVN, cộng với cái tâm, cái ý thức làm nghề chưa cao, nên mới dẫn đến chất lượng như vậy. Thế thì, việc đào tạo theo mô hình của chúng tôi là một việc làm cần thiết.


Nhà văn Văn Giá - Trưởng khoa Viết văn - Báo chí

- Được biết, ông từng giảng dạy tại Học viện Báo chí một thời gian dài, khi thử nghiệm mô hình dạy viết báo ngoài kinh nghiệm của bản thân, các mối liên hệ với giảng viên báo chí uy tín thì yếu tố đặc biệt nào cần được chú trọng khi đào tạo sinh viên viết báo?
 Nhà văn Văn Giá: Vâng, có thể nói tôi là người “đi bằng hai chân”: văn chương và báo chí, cả giảng dạy cả thực hành. Tôi là kẻ viết hùng hục. Phải thưa thật rằng, khi mở lớp báo chí này, chúng tôi đang còn thiếu thốn nhiều thứ, nhất là đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, tôi có khá nhiều đồng nghiệp dạy bên Học viện Báo chí và Truyền thông, khoa Báo chí - Truyền thông bên ĐHKHXH&NV, lại cũng thân thiết với nhiều nhà báo có kinh nghiệm trong các cơ quan báo chí khác nhau. Họ đã/ đang thường xuyên đến giúp đỡ, giảng dạy, trò chuyện, chia sẻ, nhất là giúp đỡ sinh viên biên tập và sử dụng bài vở. Tôi yên tâm về điều này.
 Phẩm chất cần thiết nhất của một nhà báo chuyên viết về VHVN là phải có năng lực thụ cảm tinh tế và những tri thức cơ bản về các lĩnh vực VHVN. Nếu không có phẩm chất này, sẽ chỉ cho ra đời những bài báo sơ sài, nông nổi mà thôi.
 - Mặc dù khoa Viết văn có truyền thống góp phần đào tạo nên những thế hệ nhà văn, nhà thơ của đất nước nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, nhiều người trong số họ sau khi tốt nghiệp đã bước vào nghề báo một cách vững vàng. Vậy ông đánh giá thế nào về đóng góp của trường Viết văn cho ngành báo chí?
 Nhà văn Văn Giá: Tôi nghĩ rằng, lâu nay các học viên học từ ngôi trường văn chương này ra, có khá nhiều người trở thành nhà báo chuyên nghiệp, họ chuyên tâm viết về VHVN một cách khá vững vàng. Do là họ có một cái nền hiểu biết về VHVN vững chắc ngay từ đầu, cộng với một tâm hồn mẫn cảm, lòng say mê cái đẹp. Trong chương trình đào tạo của ngành Viết văn, lâu nay chúng tôi vẫn dành một thời lượng đáng kể cho nghiệp vụ báo chí. Nhờ vậy, trên cái nền ấy, không ít người ra trường đi làm báo chí ngay và khá thành công. Ngay trong lúc học hành, đã có không ít người đã “kiếm cơm” tốt nhờ làm báo.
- Nếu như học viên Trường Viết văn Nguyễn Du trước đây đa phần học viên là các nhà văn, nhà thơ đã có tuổi đời và tuổi nghề khá chững chạc trước khi vào học thì khoa Viết văn – Báo chí sau này đa phần là học sinh phổ thông.  Điều đó mang đến thuận lợi và khó khăn  gì?
Nhà văn Văn Giá: Đám trẻ tuy chưa có nhiều vốn sống, sự trải nghiệm, nhưng chúng được cái tâm hồn đang còn nhung tuyết lắm. Mà cái này là thuộc về tự nhiên. Càng già thì cái phần nhung tuyết thanh sạch đầu đời càng phôi pha, tâm hồn càng có nguy cơ cằn cỗi... Giảng dạy cái đám trẻ mình cũng trẻ ra, và nhất là học được nhiều từ chúng. Thí dụ cái mẫn cảm, năng động, cái thứ ngôn ngữ đầy sức sống ngồn ngộn hơi thở hàng ngày và cái thời khí xã hội này thì cánh già làm sao mà có được!
- Làm báo khác với viết văn. Một tác phẩm văn chương có thể được ấp ủ, bồi đắp trong cả một quá trình sáng tạo trong khi báo chí đặc biệt cần sự nhanh nhạy, thực tiễn và thời sự. Vậy học viên lớp Viết báo có bắt buộc phải có tác phẩm đăng tải trong quá trình học tập như một phương pháp thực hành không?
Nhà văn Văn Giá: Trong quá trình giảng dạy, chúng tôi cố gắng đọc, phát hiện ra những tác phẩm tốt, có chất lượng rồi sẽ giúp học viên đăng bài trên báo chí. Sau đó giới thiệu cho họ quan hệ với các cơ quan báo chí để có thể chủ động trong việc đăng tải bài vở sau này. Còn chúng tôi không bắt buộc. Bởi trong thi cử lâu nay vẫn tồn tại tình trạng có những người “ngồi nhầm chỗ” dù tỉ lệ rất nhỏ. Họ sẽ rất khó khăn trong việc đăng tải. Hơn nữa nếu bắt buộc thì trở thành sức ép ghê gớm quá, có khi lại dẫn đến tiêu cực trong việc đăng tải. Chúng tôi chỉ khuyến khích, cộng điểm, nếu có giải thưởng của các toà soạn, hay các cấp thì khoa bao giờ cũng có động viên khen thưởng.


Sinh viên Khoa Viết văn - Báo chí trong giờ thực hành 

với chuyên gia nước ngoài

- Gần 6 năm giữ trọng trách trưởng khoa Viết văn- Báo chí đủ để ông đưa ra cái nhìn tổng quát về sinh viên của mình. Ngoài việc viết văn, ông đánh giá thế nào về khả năng làm báo của học viên các khóa trong những năm gần đây?
Nhà văn Văn Giá: Khá nhiều bạn ra làm báo. Đa số họ làm báo về VHVN. Tuy nhiên cũng có một số bạn làm báo cả các lĩnh vực khác nữa. Tôi thấy từ môi trường đào tạo viết văn, họ sang làm báo thấy có vẻ thuận tay lắm. Những thế mạnh của người viết văn được chuyển hóa sang viết báo. Rồi viết báo lại làm cho cái năng lực viết văn được bù đắp, nảy nở. Điều này chỉ có tốt thôi. Không như ai đó nghĩ làm báo có hại cho văn và ngược lại. Chỉ cần nhớ một điều khi viết: báo ra báo, văn ra văn là ổn thôi.
- Lần đầu tiên thể nghiệm mở lớp viết báo văn hóa, văn nghệ. Vậy giáo trình giảng dạy cũng như cách đào tạo của khoa có gì khác gì với các trường báo chí hiện nay trong cả nước không? Đâu là điểm nhấn tạo nên tính đặc thù của ngành báo chí được lồng trong ngôi trường có truyền thống viết văn?
Nhà văn Văn Giá: Chúng tôi trang bị cho họ hai loại tri thức song song: tri thức nền về các lĩnh vực thuộc KHXHNV, về tất cả các loại hình VHVN và tri thức về tác nghiệp báo chí, và sự kết hợp giữa chúng. Từ đấy, hy vọng khi ra trường, họ viết báo về lĩnh vực này một cách vững vàng, chuyên nghiệp. Ví dụ, muốn viết bài báo về lĩnh vực múa, thì trước hết anh phải hiểu biết ngôn ngữ đặc thù của nó, những đặc trưng nghệ thuật của nó, vẻ đẹp của một tác phẩm múa, sự khổ luyện công phu của nghề múa… thì anh mới viết cho ra trò một bài báo về nó được. Về các loại hình nghệ thuật khác lại càng như vậy.


Sinh viên khoa Viết văn - Báo chí thảo luận với các nhà văn Mĩ

- Năm nay, việc tuyển sinh viết văn đã tạm dừng để đi đúng kế hoạch 3 năm tuyển 1 lần thay vào đó là tuyển sinh lớp Viết báo. Làm thế nào để nhà trường vừa phát triển tốt mô hình viết báo lại vẫn duy trì truyền thống trường viết văn? Đó hẳn là bài toán hóc búa về công tác xây dựng, quản lý?
Nhà văn Văn Giá: Thì chúng tôi lại trở lại mô hình tuyển sinh từ thời còn là Trường Viết văn Nguyễn Du thôi. Nghề viết văn thời nay cũng nằm trong khung cảnh chung của toàn xã hội, các thí sinh ngày càng ít theo học. Vả lại, nghề này phải thực sự có năng khiếu, mà có năng khiếu chưa đủ, phải có niềm đam mê to lớn mới có thể đào tạo được. Mà số này càng ngày càng ít đi. Thế nên, chúng tôi chỉ dám mở 3 năm một khóa thôi. Cốt lấy “tinh”, không lấy “đa”. Đào tạo năng khiếu làm sao có thể có nhiều được. Vả lại, đào tạo năng khiếu nghệ thuật, nhất là nghệ thuật viết văn thì phải có cơ chế mở, chú ý tới tính đặc thù, phải đầu tư riêng… Cứ như hiện nay, việc đào tạo ngày càng khó khăn. Chưa có một cơ chế riêng thì việc đào tạo còn là một nỗi khổ của chúng tôi!
- Ông có thể chia sẻ một vài thông tin về lớp Viết báo khóa 1? Sau hơn một năm học tập, họ đã hòa nhập được vào đời sống báo chí đặc biệt là mảng văn hóa văn nghệ hay chưa?
Nhà văn Văn Giá: Các em mới chủ yếu học các môn cơ sở. Chúng tôi dần dần đưa các môn chuyên ngành vào để tạo điều kiện cho các em tiếp cận dần với nghề báo chí. Các em cũng đã được tiếp xúc với khá nhiều các nhà báo, các nhà văn làm báo, được tập viết và sửa chữa bài vở. Càng lên lớp cao hơn thì tính chất chuyên nghiệp càng rõ hơn. Hiện nay thì vẫn đang còn khó khăn nhiều: giáo viên chưa đủ, phòng thực hành chưa có, khung giờ học/ hành (thời khóa biểu) đang còn bị cứng quá… Chúng tôi sẽ từng bước khắc phục và nâng cao chất lượng đào tạo để biến nơi đây không chỉ là ngôi nhà văn chương như lâu nay, mà còn là ngôi nhà của “người anh em” báo chí nữa.
Cảm ơn ông đã tham gia cuộc trò chuyện này!
Tin và ảnh: Đoàn Lữ
Admin2.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Bộ GD-DT

Lễ trao thưởng cho các học viên xuất sắc GYBM khóa 5 giai đoạn sơ cấp
(ĐHVHHN) – Sau 3 tháng học tập, 97 học viên GYMB khóa 5 đã vượt qua giai đoạn sơ cấp, với những thành công bước đầu. Chiều ngày 11/12/2015, Trường Đại học Văn...

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 9


Hôm nayHôm nay : 5214

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 187096

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7577508

Tin tổng hợp Xem tất cá các tin tổng hợp
Đăng lúc: 25-05-2016 08:51:02 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:42 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:25 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:04 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:46 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:26 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:05 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:48:45 AM
Thông tin bản quyền
    + TRƯỜNG THPT VÕ TRƯỜNG TOẢN
    + Đ/C: Cẩm Mỹ , Đồng Nai