»

Trường Sa những ngày tháng Tư sóng lặng

Thứ ba - 24/05/2016 10:44
1. Những người thức khuya, dậy sớm, ăn sau
Đoàn chúng tôi tập hợp ở Bộ Tư lệnh Hải Quân số 1A đường Tôn Đức Thắng- Tp Hồ Chí Minh chiều ngày 14 tháng 4-2011. Sau một cuộc họp ngắn gọn phổ biến nội quy thăm đảo, sớm hôm sau, 6h30 có mặt ở Quân Cảng. Làm thủ tục nhận phòng, chúng tôi rời bến lúc 8h chẵn. Buổi sáng trôi trên sông Sài Gòn, gần trưa ra tới Vũng Tàu. Cảnh Vũng Tàu rực lên tráng lệ trong nắng non. Tượng Đức Phật và tượng Đức Mẹ của Phật giáo và Thiên chúa giáo như cùng dõi theo phù hộ chúng tôi lên đường bình an.

Trang phục từ tàu xuống xuống lên đảo của các diễn viên múa
Con tàu mang phiên hiệu M125 này chuyên làm nhiệm vụ cứu hộ trên biển Đông. Vào mùa này biển tương đối lặng, con tàu này cùng với một tàu khác mang thêm nhiệm vụ chở các đoàn công tác của đất liền ra thăm biển đảo Trường Sa. Mỗi đợt khoảng 4 đến 6 chuyến. Chuyến của chúng tôi là chuyến thứ 5. Chỉ còn chuyến cuối cùng nữa là mùa tổ chức đoàn công tác đất liền kết thúc.
Mỗi chuyến đi đến trăm, hơn trăm con người. Đoàn chúng tôi thật khéo, gồm 101 con người.
Bộ tư lệnh hải quân khi sắp xếp các đoàn công tác Trường Sa cũng có ý mỗi đoàn lớn gồm các đoàn nhỏ hợp lại. Thành phần thông thường gồm các giới lãnh đạo, giới doanh nghiệp, giới văn công, giới nhà văn nhà báo, và các bộ ngành đoàn thể. Mỗi giới thể hiện vai trò của mình theo cách khác nhau. Thí dụ giới ca nhạc thì biểu diễn phục vụ động viên chiến sĩ, giới báo chí thì tuyên truyền, giới doanh nghiệp thì thể hiện sức mạnh vật chất trong việc chia sẻ giúp đỡ…
Đã trên trăm con người thì ăn ở  trên hành trình cả đi cả về khoảng 10 ngày là cả một công việc vô cùng khoa học, được tính toán cẩn thận kỹ lưỡng.
Tôi hỏi đồng chí Thượng tá Lê Hồng Trường, được biệt phái phụ trách hậu cần, anh cho biết: “Nhóm phục vụ chúng tôi gồm 10 đồng chí được điều động từ các đơn vị chuyên môn khác nhau như tên lửa, ra đa, thông tin…Tuy họ không có nghiệp vụ nấu nướng nào, nhưng bằng kinh nghiệm, họ sắm sửa nấu nướng chu đáo, có thể ngon hay không thì chưa biết, nhưng phải đảm bảo khâu vệ sinh, ăn chín, uống sôi, cố gắng hợp khẩu vị, và làm sao để cho khách ăn hết khẩu phần. Thực chi cho mỗi khách là 167.000đ/người/ngày, tuy nhiên trong đó phải trừ một chút tiền chất đốt, hao mòn dụng cụ”…Trong thời điểm bão giá này, cũng phải chi tiêu khéo mới đảm bảo bữa ăn chất lượng. Anh cũng cho biết, trên tàu có hầm đông lạnh, để ướp lạnh cho thực phẩm đủ dùng 10 ngày. Loại rau nào bảo quản được lâu là mua về như cải bắp, su hào, cà rốt, dưa muối. Cho nên, thấy bữa ăn các món rau lặp lại liên tục là nó có cái lý do như vậy. Khách lên tàu thường là nhiều người bị say sóng, ăn không được nhiều, nên chúng tôi phải tổ chức làm 4 bữa sáng, trưa, chiều, tối; 9h tối thường là ăn cháo.
Làm lính phục vụ trên tàu thường phải vô cùng chịu khó, kiên nhẫn, mát tính. Có lần, như đợt chuyến thứ 4 vừa rồi, đoàn tàu bị rơi vào vùng áp thấp, sóng to đến cấp 5 cấp 6, khách đa số bị ói mửa, có khi la liệt ra khắp các lối đi. Thế là phải dọn dẹp, phục vụ, nấu cháo, giặt giũ. Nếu ai bị ốm, tụt huyết áp, hay làm sao đều phải thăm khám, điều trị kịp thời.

Mâm cơm trên tàu phục vụ đoàn khách thăm quan 
quần đảo Trường Sa
Một chiến sĩ trên tàu tâm sự, cái hôm giông bão vừa rồi, tàu lồng lộn, nấu nướng trên sàn tàu vô cùng vất vả. Nấu bếp dầu, che chắn tứ bề, hai chiến sĩ cầm hai móc sắt giữ hai quai xoong, người che bão tạt, người trông lửa, chật vật mãi rồi cũng xong. Tuy nhiên thì cơm canh không thể đạt tiêu chuẩn thơm dẻo ngọt lành được. Khách tham quan và chiến sĩ cùng cười xòa với nhau với tấm lòng cảm thông, chia sẻ. Đại tá Trường cho biết anh đã có 27 năm làm lính. Vợ làm việc trong quân đội, đóng tại Sài Gòn. Hai con gái, một cháu vào đại học, còn cháu mới 7 tuổi.
Anh hạ một câu: “Nghề hậu cần của tôi là nghề bị chê nhiều khen ít”. Nói xong anh cười giòn tan…Đã tự trào được như thế, tức là anh yêu nghề, gắn bó với nghề nhiều lắm.
Khách trên tàu, có người say trước, có người say sau, có người say ít, có người say nhiều, nhưng đến bữa đều được các chiến sĩ nhắc giờ ăn, động viên ăn. Các thực khách nắc nỏm khen bữa ăn tươm tất, sạch sẽ, bày biện đẹp. Giữa khung cảnh trời cao biển rộng, khách và chiến sĩ như một nhà, bữa ăn nào cũng vui và ngon nghẻ…
(Trên con tàu M 125, ngày 16.4.2011)                
 
2. Cô giáo về đất liền sinh con, chồng một mình ở lại
Xóm nhỏ dân sinh ở đảo Trường Sa lớn gồm 7 gia đình. Tất cả gốc là công dân ở cùng huyện Cam Lâm tỉnh Khánh Hòa. Năm 2008, đi theo phong trào vận động của tỉnh, 7 gia đình cùng tình nguyện ra đảo Trường Sa sinh sống. Các gia đình này đến đảo, được bố trí ở theo cùng một dãy nhà gồm 7 hộ liền nhau, có cổng riêng. Mỗi căn hộ có hai phòng, một tiếp khách, một phòng ngủ; bếp và nhà tắm tách riêng, phía sau có mảnh vườn trồng rau. Khi các gia đình ra đây, Ban chỉ huy quân sự đảo đã thu dung tất cả các chị vợ vào làm công nhân, phục vụ bếp ăn quân đội, còn lại các ông chồng hoạt động kinh tế độc lập, đánh cá mưu sinh. Tuy nhiên có một gia đình không đi theo mô hình này. Đó là gia đình anh Đặng Thanh Chương và chị Bùi Thị Nhung. Anh Chương trước khi tình nguyện ra đảo là công nhân lái xe tải. Còn vợ anh, chị Nhung làm cô giáo dạy bậc Tiểu học. Khi ra đây, cô giáo Nhung tiếp tục theo nghề. Còn anh Chương được thu dung vào làm công nhân phục vụ bếp ăn quân đội. Gia đình anh có một cháu gái lên 6 tuổi. Qua hè này bước vào lớp 1.
Khi chúng tôi đến thăm gia đình anh chị, chỉ có mình anh Chương ở nhà. Hỏi ra mới biết chị đến ngày ở cữ, vừa xin phép chính quyền tại đây về đất liền sinh con. Lý do chị phải về đất liền là do khi sinh cháu đầu, chị đã phải mổ đẻ. Sinh lần thứ 2 này chắc chắn phải mổ lần nữa. Trong khi đó, bệnh xá ở tại đảo Trường Sa chưa có đủ phương tiện y tế đảm bảo cho ca mổ để này. Chị về đất liền, mang theo cả cháu Đặng Bùi Phương Anh về theo. Tôi hỏi tại sao lại về sớm thế trong khi thời gian niên học chưa xong, bây giờ mới giữa tháng tư. Được anh cho biết: do đã tiên liệu được trước thời gian sinh cháu, nên cô đã bố trí dạy các cháu trước thời gian để hoàn thành chương trình sớm.

Dãy nhà trên xóm đảo Trường Sa
Lớp học ở đây cũng thật đặc biệt. Một mình cô Nhung dạy 4 lớp: lớp 1 gồm 2 cháu, lớp 2 gồm 2 cháu, lớp 4 cũng gồm 2 cháu (chưa có lớp 3); riêng lớp mẫu giáo thì có 2 cháu lớn và 1 cháu nhỏ, phải thêm một cô giáo khác hỗ trợ trông cùng. Theo anh Chương cho biết, chị về sinh con khoảng 3 tháng, khi cháu cứng cáp, chị lại đưa các con ra tiếp tục dạy học.
Tôi hỏi anh khi cô ấy sinh con, không có chồng ở bên, anh nghĩ thế nào? Anh bảo: “Em cũng đã gọi điện về, nói là chỉ sợ khi sinh con không có anh ở bên em tủi thân thôi. Vợ em nói là anh cứ yên tâm, ở nhà đã có ông bà nội ngoại, các anh chị em đông đúc, nên không phải lo lắng gì cả…Tuy là nói cứng thế, chứ…em cũng lo lo”. Anh Chương cho biết khi về đất liền, vợ anh đã đi siêu âm, chính xác là thằng cu rồi. Thế là em yên tâm. Nói xong anh cười rạng rỡ…
Vào trong xóm, chúng tôi được biết, các gia đình ở đây vợ chồng đều còn trẻ, đều từ 1 đến 2 con, riêng có 2 gia đình 3 con. Tổng số có 10 đứa trẻ trong xóm. Vậy là, cả xóm kể cả bố mẹ, đã có đến 24 công dân của xóm. Tiếng nô đùa của trẻ. Tiếng chó sủa, tiếng gà kêu, tiếng lợn ủn ỉn trong chuồng…. Mảnh sân của một nhà ai đó có tã trẻ con đang phơi. Ngoài vườn, cây chuối, cây đu đủ trĩu chịt quả. Hai thứ cây này rất hợp với thổ nhưỡng Trường Sa. Mấy cây đu đủ quả đã chín, chủ nhà chả buồn hái xuống, bởi ăn không xuể. Phía sau nhà vườn tược có đủ thứ rau, nhiều nhất là rau muống, ngoài ra còn rau khoai, rau cải, rau mùng tơi tươi tốt…Cuộc sống cứ sinh sôi, chắc bền từng ngày, từng ngày một.

Anh Đặng Thành Chương (thứ 2 tính từ phải sang)
Gia đình anh Chương tình nguyện ra đảo Trường Sa sinh sống theo cách rất chi là …lãng mạn. Một hôm, sau một ngày lái xe đường trường trở về nhà, cô giáo Nhung mắt sáng lên khoe đang có chính sách vận động ra đảo Trường Sa sinh sống theo chủ trương dân sự hóa cuộc sống ở đảo. Vợ anh nói thấy cũng hay hay, rồi rủ hay là vợ chồng mình đi. Cô Nhung bảo: “Ngoài đó chắc cũng cần thầy cô giáo lắm, em cũng muốn ra đấy chia sẻ cuộc sống với mọi người. Vợ chồng mình đang còn trẻ mà”. Thế là chúng em đăng ký. Sau một thời gian, chúng em được gọi đi. Cả hai bên ông bà nội ngoại đều đồng ý và tôn trọng quyết định của bọn em. Chỉ riêng ông cậu ruột em phản đối do là ông đã xin được việc cho em vào biên chế. Sau rồi em thuyết phục mãi, cậu cũng thông cảm”.
Anh Chương ngày nào cũng điện về đất liền vấn an vợ. Chính xác là ngày 18.4.2011, cô giáo Nhung vào bệnh viện Khánh Hòa đóng tại TP Nha Trang để sinh cháu. Anh khoe: “Chúng em đã chọn đặt tên cháu là Đặng Phương Nam”.
Vậy là xóm nhỏ Trường Sa sắp tới lại thêm một công dân nữa. Chia tay anh, chúng tôi đều chúc cho vợ anh sinh cháu mẹ tròn con vuông, chúc anh hạnh phúc.
(Đảo Trường Sa lớn, 17.4.2011)
 
3. Những nàng tiên trên biển đảo Trường Sa
Chuyến đi thăm, tìm hiểu, động viên các chiến sĩ quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 của Đoàn công tác số 9 kéo dài 9 ngày từ 13.4 đến 23.4.2011, có một Vũ đoàn mang tên Mai trắng. Trong những buổi diễn  giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ trên 9 điểm đảo, các vũ nữ hiện lên như những nàng tiên trên biển. Số lượng thành viên trong nhóm gồm 6 người. Các tiết mục mang đi gồm 6, cộng với 2 tiết mục phối hợp với đoàn ca nhạc thuộc Nhà hát ca múa nhạc Trung ương đi cùng.
Hồng Thủy, đội trưởng là cô gái có vóc dáng nhỏ bé nhất trong nhóm, năm nay cập kề tuổi 30 nhưng nếu không tò mò hỏi chắc không ai tin cô đã vào tuổi ấy. Tuy vóc người chẳng bằng ai, nhưng cô thật dẻo dai. Mấy hôm sóng cả, tàu chòng chành, nhiều người say, váng vất không chịu được, Thủy vẫn đi lại thoăn thoắt, nói cười tươi tắn như không. Ngoài giờ tập luyện để chuẩn bị cho các buổi diễn, cô cùng mấy bạn có sức khỏe nhỉnh hơn trong nhóm tham gia nấu nướng, dọn cơm, thu dọn bát đũa giúp các chiến sĩ làm nhiệm vụ anh nuôi phục vụ thực khách của đoàn. Hỏi thăm về sức khỏe, Thủy cười tươi: “Chúng em đã từng đi biển 2 lần ra đảo Phú Quốc biểu diễn phục vụ, nên biết mùi sóng biển rồi. Lần này sóng không đến nỗi nào. Khỏe re!”. Trong nhóm chỉ có bạn Huệ là hơi say sóng. Tuy nhiên cô cũng không bỏ buổi diễn nào. Huệ đã có bé gái 5 tuổi. Hỏi có nhớ con không, Huệ cho biết bé sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ, bố mẹ đi diễn xa nhà suốt, nên quen rồi. Tôi đưa ra nhận xét: Chắc là các diễn viên múa tập luyện thường xuyên với những động tác xoay vòng, chao lượn nên, không bị chóng mặt, không bị say sóng. Tất cả nghe xong cười vui. Có bạn cho rằng nhận xét của tôi có thể là đúng. Nhỏ tuổi nhất đoàn là Hoàng Thi, năm nay 21 tuổi, trông như đang tuổi nữ sinh. Cô gái này cũng dẻo dai không kém. Suôt ngày đi lại, nhảy nhót, nói cười như chim sáo, chẳng biết mệt, say sóng là gì.
Hồng Thủy tâm sự: “Ra đảo, em thấy thương nhất mấy anh chiến sĩ lớn tuổi. Có anh đã gần 2 năm bám trụ ngoài đảo, chưa về đất liền lần nào”. Trầm ngâm một lúc, Thủy nói: “Nhìn nhà giàn, thấy quá nhỏ bé so với biển cả, có vẻ như rất chênh vênh…Không hiểu bám trụ trên biển thế nào…”. Hóa ra Thủy là người thật giàu nội tâm. Cũng như những ai giàu cảm xúc, Thủy cũng dễ xúc động trước những người chiến sĩ kiên trung đang đứng canh giữ biển đảo Tổ Quốc. Lúc đoàn công tác làm Lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh bảo vệ biển đảo Tổ Quốc ngay trên sàn tàu, nhìn mấy vòng hoa thả trên sông, nhiều người khóc ròng, các cô gái múa cũng giàn giụa nước mắt.
Được biết nhóm Mai trắng này do cô giáo Huỳnh Hồng Diễm của Trường Múa TP Hồ Chí Minh làm trưởng nhóm. Lần này cô bận lên lớp, không tham gia chuyến đi được. Hồng Thủy tiết lộ: Hôm đoàn lên đường, thầy Hà Thế Dũng - Hiệu trưởng nhà trường ra tận Quân cảng để tiễn nhóm. Thầy dặn dò: “Mấy đứa đi mạnh giỏi, cố gắng diễn thật tốt, hoàn thành nhiệm vụ”.
Đi qua 9 điểm đảo và nhà giàn, lại qua các chương trình giao lưu trên con tàu chở đoàn công tác, biểu diễn liên tục, các cô gái diễn viên múa đã chiếm cảm tình đặc biệt của tất thảy các chiến sĩ, cán bộ và khách cùng  hành trình.

Điệu múa "Hồn Việt" của nhóm "Mây trắng" trên đảo Trường Sa
Mỗi khi vào bếp, trông các cô thật bé bỏng, nhu mì. Thế mà mỗi lần lên biểu diễn, các em như thể thoát xác hóa thành một bầy tiên nữ hiện lên giữa muôn trùng sóng nước biển khơi. Rất thực đấy mà lại có vẻ như mơ.
Ghi nhận đóng góp của nhóm múa vũ đoàn Mai trắng, kết thúc chuyến đi, Bộ tư lênh Hải quân đã trao tặng Bằng khen vì “Đã có thành tích xuất sắc trong biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân huyện đảo Trường Sa và DK1 năm 2011” do Chính ủy- Phó đo đốc Trần Thanh Huyền đã ký.
(Bộ tư lệnh Hải quân- Tôn Đức Thắng- TP.HCM, 14.4.2011)
 
Bài và ảnh: Văn Giá
 
Admin3
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Bộ GD-DT

Lễ trao thưởng cho các học viên xuất sắc GYBM khóa 5 giai đoạn sơ cấp
(ĐHVHHN) – Sau 3 tháng học tập, 97 học viên GYMB khóa 5 đã vượt qua giai đoạn sơ cấp, với những thành công bước đầu. Chiều ngày 11/12/2015, Trường Đại học Văn...

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 8

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 7


Hôm nayHôm nay : 163

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 182045

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7572457

Tin tổng hợp Xem tất cá các tin tổng hợp
Đăng lúc: 25-05-2016 08:51:02 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:42 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:25 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:04 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:46 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:26 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:05 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:48:45 AM
Thông tin bản quyền
    + TRƯỜNG THPT VÕ TRƯỜNG TOẢN
    + Đ/C: Cẩm Mỹ , Đồng Nai