»

Tọa đàm văn học: Trúc thông chầm chậm tới mình

Thứ ba - 29/03/2016 02:56
(ĐHVH)-Sáng ngày 9 tháng 9 năm 2015, Khoa Viết văn – Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã tổ chức buổi Tọa đàm văn học “Trúc Thông chầm chậm tới mình”.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhiều gương mặt các nhà thơ, nhà văn, các nhànghiên cứu, phê bình như Hoàng Quốc Hải, Vân Long, Nguyễn Quang Thiều, Trần Anh Thái, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Việt Chiến, Đỗ Lai Thúy, Phạm Xuân Nguyên, Chu Văn Sơn, Đỗ Minh Tuấn... và nhiều gương mặt khác. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đã gửi lẵng hoa chúc mừng.
Đặc biệt, sự có mặt của nhà thơ Trúc Thông và gia đình, bạn bè thân thiết của ông làm cho buổi tọa đàm thêm phần trang trọng và ý nghĩa. Bởi đây là buổi tọa đàm có tính chất học thuật đầu tiên về thơ Trúc Thông được nhiều người chờ đợi vì tầm vóc và đóng góp của thơ Trúc Thông cho nền thơ ca hiện đại Việt Nam.

Đại diện Ban tổ chức tặng hoa nhà thơ Trúc Thông
Trong lời đề dẫn, nhà nghiên cứu, phê bình Văn Giá nhấn mạnh: Trúc Thông xuất hiện từ những năm cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ, kéo dài sang giai đoạn đổi mới văn học cho đến hôm nay. Cách đây 7-8 năm, ông đã bị cơn bạo bệnh khiến cho sức khỏe của ông kém đi, công việc làm thơ cũng bị gián đoạn. Cho đến nay đã có nhiều bài viết về thơ ông đăng rải rác trên các báo chí, nhưng chưa hề có một một cuộc tọa đàmcó tính chất học thuật về thơ Trúc Thông. Có lẽ, bài thơ được nhiều người biết đến nhất của Trúc Thông là bài “Bờ sông vẫn gió”, nhưng sự nghiệp thơ ca của Trúc Thôngđa dạng hơn, phong phú hơn thế, do đó đóng góp của ông cũng lớn hơn những gì chúng ta đã hình dung. Ông thực sự là một trong những gương mặt cách tân sáng giá trong nền thơ ca hiện đại tính từ thập niên cuối của thế kỷ XX đến nay.
Tiếp đến là phần trình bày các tham luận về thơ Trúc Thông được các cử tọa chờ đợi. Đầu tiên phải kể đến tiểu luận “Ngọn đèn xanh trong xứ mơ hồ” của nhà nghiên cứu phê bình Chu Văn Sơn đến từ Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội. Vượt lên trên những lời đánh giá, thẩm bình mang tính đơn lẻ về một số bài thơ tiêu biểu của Trúc Thông, nhà NCPB đã tập trung khảo sát hành trình thơ Trúc Thông từ tập thơ đầu“Chầm chậm tới mình”, “Ma-ra-tông”, “Một ngọn đèn xanh” tới “Vừa đi vừa ở”, từ đó đi đến những nhận định mang tính khái quát về gương mặt thơ Trúc Thông và phong cách sáng tạo của ông. Theo nhà phê bình, ngay từ khi mới xuất hiện, Trúc Thông đã gây ấn tượng bởi sự cách tân trong cả nội dung và hình thức ngôn ngữ thơ. Trúc Thông đúng là một hồn thơ của cái “trong”, gắn liền với những trong trẻo, trong vắt, trong lành, trong veo… xuất hiện với một mật độ dầy đặc trong thơ. Trúc Thông thực sự là thi sĩ của vẻ đẹp trong lành, người suốt đời săn tìm sự trong lành trong đời sống và trong thơ.
Cũng thông qua việc khảo sát kỹ lưỡng về thế giới nhân vật trong thơ Trúc Thông, Chu Văn Sơn nhận định: có 5 mẫu nhân vật thường xuyên xuất hiện là trẻ em, phụ nữ, người chiến sĩ, người lao động, người nghệ sĩ…. Đó phần lớn là những phận người khuất chìm, thua thiệt nhưng luôn trong lành và cao cả, hiện thân cho sự trong trẻo mà Trúc Thông muốn tìm kiếm, tôn vinh. Sự cách tân trong thơ Trúc Thông thể hiện ở nhiều phương diện. Đó là sự lựa chọn xúc cảm: những khoảnh khắc chớp sáng của cảm xúc; ở  lối dựng hình “biến hiện” thông qua thủ pháp xa xôi hóa không gian và xa xưa hóa thời gian, ở nhạc điệu thơ dìu dặt, ở ngôn ngữ thơ duy cảm và ở cấu tứ “khép hờ” để mở ra sự dư vang...
Nhà thơ Vũ Quần Phương trong tư cách là người cùng điều hành tọa đàm và là người bạn thơ đồng trang lứa với Trúc Thông kể lại những câu chuyện vui về đời thường của Trúc Thông cũng như những câu chuyện xoay quanh việc làm thơ của họ. Ông nhấn mạnh: Trúc Thông là người ngoài đời thường thì ngây thơ, không vụ lợi; trong thơ luôn là người hết mình với thơ, chậm rãi, không đua chen theo số đông, lặng lẽ đi con đường riêng của mình. Thơ Trúc Thông không có tính tự sự mà chất trữ tình đậm đặc, chú trọng từng khoảnh khắc cảm xúc để tìm chất thơ trong đời thường rồi nâng thành chất trí tuệ. Dường như Trúc Thông muốn lấy cái đẹp bình dị của cuộc đời để thăng bằng trở lại. Bên cạnh những bài thơ hay như Đường lưng đèo gió cũng vẫn có những bài nhạt, lộ ý như bài Hoa loa kèn.
Là bạn thơ lâu năm với Trúc Thông, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã kể lại kỷ niệm vềmột cuộc tranh luận thơ thú vị giữa ông và Trúc Thông một cách rất vui vẻ. Theo Nguyễn Trọng Tạo, bao giờ trong những cuộc tranh luận, Trúc Thông cũng đề cập đếnhai yếu tố: âm nhạc và ngôn ngữ trong thơ. Có lẽ vì thế mà thơ Trúc Thông luôn có một thứ âm nhạc nội tại du dương, êm ái, nhẹ nhàng; ngôn ngữ thơ chắt lọc, súc tích. Nhìn cả hành trình thì thấy Trúc Thông đã có nhiều cách tân, tìm tòi về cả âm nhạc và chữ nghĩa trong thơ. Theo Nguyễn Trọng Tạo, hồn thơ Trúc Thông hồn nhiên nhất là khi viết về trẻ em. Bài thơ hay nhất trong tập Chầm chậm tới mình của Trúc Thông là bài thơ Bờ sông vẫn gió, một bài thơ lục bát Trúc Thông viết về mẹ.
Nhà thơ Hoàng Quốc Hải với tư cách là bạn thân của Trúc Thông và gia đình chia sẻ về một Trúc Thông đời thường và trong thơ mà ít người được biết: một Trúc Thông ngu ngơ, đáng yêu trong đời thường nhưng cũng lại rất kỹ tính và cực đoan trong nghệ thuật. Những câu chuyện khiến ta thấy trân trọng thêm tình bạn giữa họ dù họ đều đã ở lứa tuổi “thất thập cổ lai hi”.
Là một người viết, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng Trúc Thông là “một con sói thơ”. Đọc Trúc Thông thấy ông là người chăm đi, chăm viết và thơ của ông rất đời thường. Bóng dáng người lao động trở đi trở lại trong thơ Trúc Thông là một minh chứng cho điều đó. Với Nguyễn Việt Chiến, Trúc Thông là một trong những nhà thơ ít ỏi coi thơ là tôn giáo. Người ấy chiều giáp Tết là bài thơ mà Nguyễn Việt Chiến đánh giá cao, vượt lên cả bài Bờ sông vẫn gió mà mọi người vẫn thích.
Tiếp nối ý kiến của Nguyễn Việt Chiến là ý kiến của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ông cho rằng, Trúc Thông là gương mặt thơ không bị cũ như hàng loạt các nhà thơ cùng thời của ông. Dư luận đã sai và không công bằng khi nhận định bài thơ Bờ sông vẫn gió là bài thơ hay nhất của Trúc Thông. Có chăng, đây chỉ là bài thơ hay trong số nhiều bài thơ hay của Trúc Thông. Trúc Thông là một cái cây tĩnh lặng trong khu vườn thơ của mình. Sự khác biệt, tách rời khỏi số đông những người làm thơ cùng thế hệ ởTrúc Thông cũng là cách để ông gắn bó với cuộc đời hơn.
Nhà nghiên cứu, phê bình Phạm Xuân Nguyên và Đỗ Lai Thúy cũng đồng tình với những nhận định của Nguyễn Quang Thiều. Phạm Xuân Nguyên cho rằng, thơ Trúc Thông có nhiều bài hay, không chỉ dừng lại ở bài Bờ sông vẫn gió. Trúc Thông đã chung thủy với thơ và chọn cho mình một lối độc đạo, không ồn ào. Đó chính là giá trị và đóng góp của ông cho nền thơ hiện đại. Còn Đỗ Lai Thúy lại nhấn mạnh đến bản lĩnh của Trúc Thông trong quá trình cách tân thơ. Đó là việc nhà thơ đã quan niệm ngôn ngữ thơ không phải là công cụ mà chính là bản thân thơ và thực hành quan niệm đó ngay chính trong thơ mình. Trúc Thông đã đi bên lề để tạo ra một thứ thơ có bản lĩnh, cá tính và niềm tin riêng. Nhưng bên cạnh đó, ở Trúc Thông có phần tách biệtgiữa đời và thơ. Điều này phần nào cũng bộc lộ nhược điểm của thơ Trúc Thông, vì tư duy duy mỹ và tách biệt đó có thể làm nghèo thơ.
Nhà thơ-Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn cho rằng Trúc Thông là hiện thân của những nghịch lý, mà nổi bật nhất là nghịch lý: vừa “Chầm chậm tới mình” lại vừa “Maraton”. Chậm để sống kỹ, viết kỹ, nhưng lại đi nhanh trong một hình dung khác, một hệ quy chiếu khác với một tốc độ khác - cái nhanh của chiều kích tâm linh, của chỗ mà Trúc Thông đã đến được.

Khách mời cùng chụp ảnh lưu niệm với nhà thơ Trúc Thông
Sau ba tiếng tiến hành tọa đàm, đã có hơn 10 tham luận, bài viết, ý kiến... được trình bày cho thấy sức hấp dẫn của thơ Trúc Thông cũng như sự quan tâm của đông đảo những người trong giới và bạn đọc rộng rãi dành cho nhà thơ. Nhìn chung, ý kiến của các tham luận khá thống nhất khi nhận định và đánh giá những thành tựu và đóng góp của Trúc Thông cho nền thơ ca hiện đại Việt Nam. Đây là buổi tọa đàm được đánh giá là có chất lượng chuyên môn cao.
Bà Minh Nguyệt, vợ nhà thơ Trúc Thông thay mặt gia đình đã vô cùng xúc động nói lời cảm ơn tới Ban tổ chức – Khoa Viết văn - Báo chí, các bạn bè của nhà thơ đã làm nên thành công của buổi tọa đàm.
Bài và ảnh: Nguyễn Phi Nga
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Bộ GD-DT

Lễ trao thưởng cho các học viên xuất sắc GYBM khóa 5 giai đoạn sơ cấp
(ĐHVHHN) – Sau 3 tháng học tập, 97 học viên GYMB khóa 5 đã vượt qua giai đoạn sơ cấp, với những thành công bước đầu. Chiều ngày 11/12/2015, Trường Đại học Văn...

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 42

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 39


Hôm nayHôm nay : 13527

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 180540

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7570952

Tin tổng hợp Xem tất cá các tin tổng hợp
Đăng lúc: 24-05-2016 09:51:02 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:42 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:25 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:04 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:46 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:26 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:05 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:48:45 PM
Thông tin bản quyền
    + TRƯỜNG THPT VÕ TRƯỜNG TOẢN
    + Đ/C: Cẩm Mỹ , Đồng Nai