»

Thực trạng và những nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động thể thao ngoại khóa của SV ĐHVHHN

Thứ hai - 04/04/2016 17:12
(ĐHVH) - Hoạt động thể thao ngoại khóa có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc rèn luyện sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần cho sinh viên sau những giờ học tập nghiên cứu căng thẳng. Bên cạnh đó, những hoạt động này còn tạo cho sinh viên có một đời sống tinh thần lành mạnh, tạo hứng thú và niềm đam mê trong học tập nghiên cứu. Bài viết nhằm tìm hiểu thực trạng hoạt động thể dục thể thao ngoại khóa của sinh viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội, từ đó đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả cho những hoạt động này. Tác giả đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu như: phân tích, so sánh, nghiên cứu lý luận, điều tra, thống kê...để tìm hiểu thực trạng và có những giải pháp phù hợp nhất với đặc thù về thể trạng sức khỏe của sinh viên trường đại học Văn hóa Hà Nội. Tác giả đã tiến hành nghiên cứu và điều tra thực tế trên đối tượng là sinh viên thuộc trường, từ những số liệu thu thập được, tác giả đã chỉ ra những nhân tố cơ bản có ảnh hưởng đến hoạt động thể thao ngoại khóa của sinh viên trong trường. Từ đó, tác giả có những đề xuất và kiến nghị với các cấp lãnh đạo để chất lượng của những hoạt động thể thao ngoại khóa của sinh viên trong trương ngày càng được nâng cao hơn nữa.
Từ khóa: Thể dục Thể thao; Ngoại khóa; Sinh viên; Nhân tố.
1. Thực trạng tổ chức và quản lý hoạt động thể dục thể thao ngoại khóa của sinh viên của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Thực hiện chủ trương đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, chúng ta đang trong quá trình tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong sự nghiệp đó, nhân tố con người giữ vai trò quyết định cho sự thành công. Với vai trò quan trọng như vậy nên đòi hỏi đội ngũ nhân lực trong thời kỳ mới phải khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần. Vì vậy, việc tăng cường giáo dục thể chất và thể thao trong trường học trong thời kỳ đất nước đổi mới hiện nay là rất cần thiết. Mặc dù, giáo dục thể chất là một môn học bắt buộc trong nhà trường nhằm góp phần nâng cao sức khỏe thể chất của sinh viên, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, bộ môn này chưa thực sự được sinh viên chú trọng. Bên cạnh đó, điều tra ban đầu cho thấy trong thời gian rảnh rỗi vì nhiều lý do khác nhau như: ngại vận động, không có thời gian, không hứng thú, không có điều kiện kinh tế... nên sinh viên ít tham gia tập luyện thể dục thể thao (TDTT) và còn tồn tại một bộ phận không nhỏ có tư tưởng cho rằng TDTT chỉ là một môn phụ nên có tâm lý xem nhẹ. Vì thế, việc nghiên cứu nâng cao hiệu quả hoạt động thể thao ngoại khóa cho sinh viên là hết sức cần thiết trong việc nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần của sinh viên. Chính vì vậy trong những năm gần đây, lãnh đạo nhà trường đã quan tâm và đầu tư nhiều cơ sở vật chất để phục vụ hoạt động thể thao chính khóa cũng như ngoại khóa cho cán bộ giảng viên và sinh viên trong nhà trường.

Những giờ giáo dục thể chất sinh viên trường 
Đại học Văn hóa Hà Nội luôn rất sôi động
Về cơ sở vật chất: Hiện nay nhà trường có một sân tập thể thao ngoài trời; 01 nhà tập đa năng 3 tầng; 01 hố nhảy xa; 03 đường chạy 100m. Tuy nhiên do điều kiện cơ sở vật chất chật hẹp nên cơ sở vật chất hiện tại cũng mới chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu của cán bộ giảng viên và sinh viên.
Về công tác tuyên truyền và hình thức tổ chức: Công tác tuyên truyền về hoạt động thể thao ngoại khóa trong trường đại học có tác dụng quan trọng trong việc phát triển phong trào tập luyện của sinh viên. Các biện pháp tuyên truyền đang được Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên sử dụng như: thông qua đài phát thanh, pano, áp phích, các câu lạc bộ... Nhưng thực tiễn cho thấy công tác tuyên truyền cho hoạt động TDTT ngoại khóa của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên còn có hạn chế và bất cập, chưa thực sự đưa thông tin đến được với tất cả sinh viên trong trường.
Hình thức tổ chức hoạt động TDTT ngoại khóa phù hợp với điều kiện sức khỏe và đặc thù học tập của sinh viên cũng rất quan trọng. Các hình thức thường được áp dụng trong các trường đại học hiện nay như: tập luyện theo các câu lạc bộ thể thao do đoàn thanh niên tổ chức, tập luyện câu lạc bộ theo sở thích... Ở trường ta hiện nay có các câu lạc bộ hoạt động hiệu quả như: Câu lạc bộ bóng đá, câu lạc bộ bóng bàn, câu lạc bộ võ thuật, lớp khiêu vũ...Tuy nhiên, các câu lạc bộ vẫn còn bó hẹp trong phạm vi nhỏvà việc tập luyện ngoại khóa của sinh viên chủ yếu vẫn mang tính tự phát.

Đa số sinh viên ĐHVHHN là nữ nên ít nhiều ảnh hưởng đến các hoạt động 
thể thao ngoại khóa thê
Về tình trạng sức khỏe và ý thức tham gia hoạt động TDTT ngoại khóa của sinh viên. Do đặc thù đào tạo của trường chuyên về khoa học xã hội nhân văn và nghệ thuật nên sinh viên trong trường chủ yếu là nữ giới, do vậy việc lựa chọn môn thể thao phải phù hợp với khả năng, thể trạng của người tập. Theo kết quả khảo sát khoảng 400 sinh viên ở các chuyên ngành khác nhau cho thấy sức khỏe của sinh viên ĐHVH hiện nay khá tốt, cụ thể: Nam sinh viên có thể lực tốt chiếm khoảng 25%; sức khỏe bình thường chiếm khoảng 72%; sức khỏe yếu khoảng 3%. Ở nữ sinh viên sức khỏe tốt khoảng 40%, sức khỏe bình thường khoảng 56% và yếu khoảng 4%. Do vậy, việc bố trí học tập và tổ chức hoạt động thể thao ngoại khóa ở các môn như: cầu lông, bóng bàn, điền kinh, bơi lội, bóng đá...là hoàn toàn phù hợp. Tình trạng sức khỏe của sinh viên có thể đáp ứng được đòi hỏi về thể lực của các hoạt động  này.
Để tìm hiểu và đánh giá được nhận thức và nhu cầu của sinh viên trường đại học Văn Hóa Hà Nộivề tập luyện thể thao cũng như các vấn đề về động cơ rèn luyện TDTT, tác dụng của hoạt động thể thao, đề tài đã tiến hành phỏng vấn 400 sinh viên nam, nữ trong trường. Các vấn đề phỏng vấn được đưa ra nhằm đánh giá về nhu cầu, thái độ của sinh viên đối với rèn luyện thân thể, tập luyện TDTT. Bên cạnh đó vấn đề động cơ tập TDTT cũng như các môn TDTT mà sinh viên mong muốn được rèn luyện đều được đánh giá thông qua các phiếu phỏng vấn. Kết quả phỏng vấn về nhu cầu tập luyện TDTT được trình bày trên bảng 1.
Bảng 1. Nhu cầu tập luyện thể thao của sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội (n = 400)
TT Đối tượng Có nhu cầu Không có nhu cầu
Số lượng % Số lượng %
1 Nam 59 14,67 45 11,42
2 Nữ 218 54,50 78 19,42
Tổng 277 69,17 123 30,83
 
Bảng 1 cho thấy nhu cầu tập luyện TDTT của sinh viên cả nam và nữ còn thấp chiếm (69.17%), còn lại 30.83% sinh viên không có nhu cầu tập luyện. Bên cạnh đó, bảng 1 còn cho thấy sự chênh lệch khá lớn giữa sinh viên nam và nữ trong trường. Số sinh viên nữ rất đông, chiếm khoảng 74% tổng số sinh viên.
Tác giả tiếp tục tiến hành phương pháp điều tra để khảo sát thái độ của sinh viên đối với hoạt động TDTT ngoại khóa. Kết quả cụ thể như sau:
Bảng 2: Thái độ của sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội
với hoạt động TDTT ngoại khóa (n= 400)
TT Nội dung Nam Nữ Tổng
%
Số lượng % Số lượng %
1 Thích 22 5,42 32 8,00 13,42
2 Bình thường 32 8,17 71 17,83 26,00
3 Không thích 19 4,75 107 26,67 31,42
4 Chán ghét, sợ 31 7,75 86 21,42 29,17
 
Kết quả bảng 2 cho thấy một thực trạng của trường Đại học Văn hóa Hà Nội là có đến 31,42% sinh viên không thích tham gia hoạt động TDTT ngoại khóa, số sinh viên ghét và sợ hoạt động này chiếm tới 29,17%, trong đó đa số là sinh viên nữ (21,42%). Số sinh viên thích hoạt động TDTT ngoại khóa chiếm tỷ lệ thấp (13,42%). Đi sâu tìm hiểu thực trạng này thì thấy rằng đa số ý kiến đều cho rằng hoạt động TDTT không phù hợp với sinh viên nữ, đặc biệt với ngành Văn hóa. Ngoài ra, do sinh viên phải tham gia rất nhiều hoạt động xã hội như ca nhạc, các chương trình văn hóa nghệ thuật nên việc tham gia hoạt động thể thao sẽ mệt mỏi và tốn nhiều thời gian. Bên cạnh đó, việc học và thi các học phần bắt buộc của môn Giáo dục thể chất trong nhà trường cũng đã gây cho sinh viên tâm lý lo sợ nên các hoạt động thể thao ngoại khóa không còn gây được hứng thú cho sinh viên. Đồng thời, nó cũng phản ánh hạn chế của việc tổ chức, xây dựng nội dung, hình thức và cơ sở vật chất cho hoạt động thể thao ngoại khóa chưa lưu ý đến đặc điểm tâm sinh lý của sinh viên, đến đặc thù nghề nghiệp của sinh viên nên chưa có biện pháp nâng cao hứng thú tham gia hoạt động của sinh viên. Qua đó trong quá trình lên lớp, giảng viên cần chú trọng nâng cao ý thức tham gia tập luyện TDTT của sinh viên, bồi dưỡng hứng thú và thói quen tập luyện TDTT ngoại khóa cho họ.
Từ thực trạng và nhu cầu tập luyện TDTT ngoại khóa của sinh viên như trên, đề tài tiếp tục tìm hiểu động cơ tập luyện của sinh viên. Kết quả như sau:
Bảng 3  Động cơ tập luyện thể thao của sinh viên trường
Đại học Văn hóa Hà Nội (n =400)
TT Động cơ tập luyện thể thao ngoại khóa Số lượng %
1 Ham thích TDTT 22 5,42
2 Tập TDTT để thi kết thúc học phần 111 27,83
3 Nâng cao thể lực 38 9,40
4 Được giao lưu mở rộng mối quan hệ 159 39,88
5 Tập TDTT để có thể hình đẹp 70 17,47
 
Qua bảng 3 cho thấy sinh viên đại học Văn hóa Hà Nội có động cơ tham gia tập luyện TDTT đa dạng, 39,88% sinh viên muốn tham gia hoạt động TDTT để được giao lưu, mở rộng mối quan hệ; 27,83%, sinh viên muốn tập luyện TDTT để thi kết thúc các học phần; 17,47%, sinh viên muốn tập luyện TDTT để có thể hình đẹp; 9,4%  sinh viên muốn tập luyện TDTT để nâng cao thể lực. Số còn lại muốn tập luyện TDTT là do và ham thích TDTT (5,42%).
Thực tế trên cho thấy động cơ của sinh viên phản ánh một cách rõ nét đặc thù của trường Đại học Văn hóa Hà Nội với đa số là sinh viên nữ. Các sinh viên mong muốn thông qua các hoạt động TDTT để giao lưu, kết bạn và hầu hết các sinh viên nữ ngại vận động thể thao, sợ các nội dung thể lực chính vì vậy các sinh viên tập luyện cũng để thi kết thúc học phần. Đây là một đặc điểm riêng của trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Chính vì vậy cần quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục để nâng cao nhận thức về giá trị của tập luyện TDTT đối với sức khỏe và thể lực, bồi dưỡng các phẩm chất tinh thần, rèn luyện ý chí nhằm đáp ứng nhu yêu cầu ngày càng cao của xã hội hiện đại, trước hết là các yêu cầu học tập tại Trường.
Trên cơ sở như vậy, tác giả tiếp tục điều tra để tìm ra những môn thể thao được sinh viên trong trường yêu thích lựa chọn. Kết quả thể hiện ở bảng 4:
Bảng 4. Các môn thể thao được sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội
lựa chọn (n = 400)
TT Môn Thể thao Nam Nữ Tổng
%
Số lượng % Số lượng %
1 Bơi lội 47 11,17 181 45,25 56,42
2 Bóng bàn 44 11,00 43 10,08 21,08
3 Bóng chuyền 17 3,92 10 2,83 6,75
4 Bóng đá 86 21,33 50 12,83 34,17
5 Cầu lông 22 5,58 138 34,42 40,00
6 Điền kinh 40 10,08 49 12,25 22,33
7 Đi bộ 0 0,00 41 10,25 10,25
8 Võ thuật 30 7,42 5 1,25 8,67
9 Aerobic 0 0,00 77 19,25 19,25
10 Khiêu vũ 42 10,42 160 39,92 50,33
 
 
Biểu đồ về các môn thể thao được sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội lựa chọn

Kết quả trên bảng 4 và biểu đồ cho thấy, đề tài đã xác định được nhóm các môn thể thao mà sinh viên yêu thích và quan tâm gồm có: Bơi lội (56,42%), Khiêu vũ (50,33%), Cầu lông (40%), Bóng đá (34,17), Aerobic (19,25%) còn lại các môn thể thao khác chiếm tỷ lệ rất thấp. Các sinh viên có nhu cầu tập luyện Bơi lội, Khiêu vũ, Aerobic mà chủ yếu là sinh viên nữ cũng đã phản ánh khách quan đặc thù của sinh viên đại học Văn hóa, nó thể hiện nhu cầu rèn luyện thể hình đẹp, có hoạt động tập thể, tăng cường các mối quan hệ giao lưu.
Về số lần tham gia hoạt động TDTT ngoại khóa trong tuần của sinh viên: Số lần và thời gian mỗi lần tham gia hoạt động TDTT ngoại khóa của sinh viên trong tuần là chỉ tiêu quan trọng đầu tiên trong việc phát triển một môi trường hoạt động ngoại khóa trong nhà trường, cũng là điều kiện tiền đề đảm bảo sự phát triển thể chất của sinh viên. Kết quả phỏng vấn được tác giả trình bày tại bảng 5:
Bảng 5. Kết quả phỏng về số lần tham gia hoạt động ngoại khóa
 trong tuần của sinh viên (n=400)
TT Số lần tham gia Nam Nữ Tổng
%
Số lượng % Số lượng %
1 Trên 5 lần 25 6,35 36 8,9 15,25
2 3 – 4 lần 21 5,25 29 7,3 12,55
3 1 – 2 lần 81 20,25 77 19,4 39,65
4 Không có số lượng nhất định 73 18,15 58 14,4 32,55
 
 
Như vậy, số lượng sinh viên chỉ tham gia hoạt động từ 1 – 2 lần/tuần và không có số lượng nhất định chiếm trên 70% đã cho chúng ta thấy rõ thực trạng hoạt động TDTT ngoại khóa của sinh viên trường Đại học Văn hóa là rất thấp.
Về địa điểm và chi phí cho hoạt động ngoại TDTT khóa của sinh viên: Kết quả phỏng vấn cho thấy: Sinh viên luyện tập tại các khu thể thao miễn phí trong trường chiếm 68,3%; tại địa điểm thu tiền trong trường chiếm 4,5%; tại nơi có không gian trong trường chiếm 56,8%; tại địa điểm thu tiền ở ngoài trường chiếm 3,4%; tại địa điểm miễn phí ngoài trường như công viên chiếm 15,7%. Kết quả trên phù hợp với điều kiện và đặc điểm sinh hoạt hàng ngày của sinh viên, các em chủ yếu lựa chọn không gian tập luyện miễn phí trong trường, vừa tiện lợi vừa kinh tế. Chỉ có số ít sinh viên lựa chọn nơi tập luyện thu phí, điều này cũng cho thấy điều kiện kinh tế của sinh viên là eo hẹp, chủ yếu dựa vào cha mẹ, mặt khác cũng phản ánh việc đầu tư cho hoạt động TDTT của sinh viên là rất thấp.
Bảng 6. Chi phí hàng tháng dành cho hoạt động
TDTT ngoại khóa của sinh viên (n=400)
TT Chi phí Nam Nữ Tổng
%
Số lượng % Số lượng %
1 Dưới 50.000 đồng 142 35,5 188 47 82,5%
2 50.000 – 100.000 đồng 21 5,2 20 5,1 10,3%
3 100.000 – 150.000 đồng 5 1,2 16 4,0 5,2%
4 150.000 – 200.000 đồng 2 0,5 2 0,5 1%
5 Trên 200.000 đồng 2 0,5 2 0,5 1%
 
 
Từ kết quả điều tra trên cho thấy việc đầu tư cho hoạt động TDTT ngoại khóa của sinh viên trường ta còn rất hạn chế, đa số chi phí cho hoạt động của một sinh viên chỉ có dưới 50.000 đồng/tháng. Lý do chủ yếu là do điều kiện kinh tế của sinh viên hạn hẹp, đại bộ phận sinh viên là con em vùng nông thôn, miền núi, gia đình không có điều kiện. Từ kết quả trên chúng tôi tiếp tục nghiên cứu về chi phí cụ thể hàng tháng của sinh viên cho hoạt động thể thao và cho kết quả như sau: Sinh viên chủ yếu sử dụng kinh phí cho việc mua quần áo, giày tập, dụng cụ thể thao là chủ yếu, chiếm 76,3%, điều này hết sức thiết thực vì việc mua quần áo và dụng cụ tập luyện vừa để phục vụ việc học tập chính quy trên lớp cũng như phục vụ cho hoạt động ngoại khóa. Tiếp theo là phí tham gia câu lạc bộ hoặc nhóm chiếm 15,5%;học phí tham gia các lớp tập huấn về thể thao chiếm 4,7%; mua vé xem các giải thi đấu thể thao chiếm 2,2%; mua báo, tạp chí thể thao chiếm 1,3%.
Từ những kết quả điều tra trên, chúng ta có thể thấy một thực tế là hoạt động TDTT ngoại khóa của sinh viên trường ta chưa thực sự cao. Mặc dù hàng năm, BCH Đoàn thanh niên, BCH Hội sinh viên cũng phát động và tổ chức các giải thi đấu thể thao toàn trường ở các môn như: Bóng đá, Cầu lông, khiêu vũ thể thao...Bên cạnh đó, mỗi khoa lại có giải thể thao riêng để tạo điều kiện cho sinh viên giao lưu, học hỏi và giải trí sau những giờ học căng thẳng. Tuy nhiên, những hoạt động chung và riêng đó cũng chưa thực sự thu hút được sự tham gia của đại đa số sinh viên. Hoạt động của sinh viên trong trường vẫn tập trung chủ yếu ở những hoạt động đặc thù liên quan đến nghề nghiệp như múa, khiêu vũ, đàn, hát...Từ thực trạng đó, tác giả đi đến phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động TDTT ngoại khóa của sinh viên.
2. Các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động TDTT ngoại khóa của sinh viên
Kết quả điều tra cho chúng ta thấy, cả nhân tố chủ quan và nhân tố khách quan đều có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động TDTT ngoại khóa của sinh viên trường Đại học Văn hóa, cụ thể như sau:
Các nhân tố chủ quan: Những yếu tố chủ quan có ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động TDTT ngoại khóa của sinh viên chính là nhu cầu, thái độ và động cơ của sinh viên đối với hoạt động này. Căn cứ trên kết quả phỏng vấn ngẫu nhiên 400 sinh viên đã cho thấy, chỉ có 69,17% số sinh viên nam nữ được hỏi là có nhu cầu luyện tập thể thao, số lượng sinh viên thích hoạt động thể thao chỉ là 13,42%, trong đó số lượng phần trăm không thích là 31,42%, và có đến 27,43% sinh viên được hỏi đi luyện tập thể thao chỉ nhằm mục đích có thể thi kết thúc học phần. Như vậy, ngay bản thân sinh viên chưa ý thức được vai trò và tác dụng của việc luyện tập thể thao đối với đời sống thể chất cũng như đời sống tinh thần của cá nhân. Đây chính là nhân tố chủ quan lớn nhất có ảnh hưởng đến hoạt động thể thao ngoại khóa của sinh viên.
Các nhân tố khách quan: Kết quả điều tra cho thấy, việc lựa chọn tham gia môn thể thao nào đó có ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động TDTT ngoại khóa của sinh viên trường ta. Do đặc thù nghề nghiệp cũng như chuyên môn nên sinh viên trong trường chủ yếu chọn các hoạt động tương đối gần với chuyên ngành và cần ít thể lực như: Bơi lội (56,42), Khiêu vũ (50,33). Đây cũng là những hoạt động đem lại cho người tập một thể lực dẻo dai, một thể hình đẹp, rất phù hợp với đặc thù của trường ta, chính vì vậy, quá nửa sinh viên được phỏng vấn đã chọn tham gia hoạt động này. Tuy nhiên, việc lựa chọn các hoạt động này lại có hạn chế vì liên quan đến kinh phí cao. Chính vì vậy, kết quả điều tra cho thấy có đến 68,3%sinh viên được hỏi lựa chọn địa điểm tập luyện miễn phí trong trường, vừa tiện lợi vừa giảm chi phí. Do vậy, việc đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động TDTT ngoại khóa của sinh viên cũng là một vấn đề cần lưu tâm và đầu tư. Ngoài ra, còn có các nhân tố khách quan khác ảnh hưởng đến hoạt động ngoại khóa của sinh viên như: ảnh hưởng từ giảng viên, ảnh hưởng từ các hoạt động TDTT do trường và khoa tổ chức, ảnh hưởng của bạn bè, ảnh hưởng từ các VĐV nổi tiếng...Kết quả này cũng phản ánh thành quả ban đầu của việc thay đổi hình thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ, sinh viên có quyền lựa chọn nội dung học mà bản thân mình yêu thích, từ đó dần dần nâng cao tính tích cực học tập của sinh viên. Ở mức độ nào đó cũng ảnh hưởng đến sự nhiệt tình của sinh viên tham gia hoạt động ngoại khóa.
Tóm lại, các nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến hoạt động thể thao ngoại khóa của sinh viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội có thể kể đến như: Sinh viên chưa có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, tác dụng của các hoạt động TDTT nên việc học tập các môn GDTC cũng như tinh thần tham gia các hoạt động TDTT ngoại khóa của trường còn mang tính đối phó, thiếu tính tích cực, tự giác; Sinh viên của trường đa số là nữ, có tâm lý sợ các môn thể thao vận động, do vậy số đông sinh viên ham thích các môn thể thao có tính nghệ thuật; Điều kiện cơ sở vật chất cho hoạt động thể thao của trường chưa phong phú, chưa đảm bảo được tính đa dạng và đầy đủ giúp cho sinh viên có điều kiện tiếp xúc với nhiều môn thể thao.
3. Giải pháp và kiến nghị
Từ những nguyên nhân trên tác giả đã chỉ ra hai nhóm giải pháp cơ bản phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, cụ thể như sau:
Nhóm biện pháp thứ nhất: Tích cực tuyên truyền và nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng của TDTT với sinh viên nhằm giúp sinh viên hiểu và nhận thức đúng về vai trò, vị trí, ý nghĩa của TDTT trong việc đào tạo phát triển con người toàn diện. Từ đó sinh viên có ý thức tự giác tham gia tập luyện nhằm nâng cao sức khỏe và xây dựng lối sống lành mạnh. Phối hợp chặt chẽ với các Phòng, Ban, các tổ chức như: Phòng Đào tạo, Phòng Công tác sinh viên, Đoàn Thanh niên… tổ chức các lớp giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho sinh viên về vai trò, ý nghĩa, tác dụng của hoạt động TDTT đối với sức khỏe con người. Tuyên truyền sâu rộng về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực, rèn luyện phát triển các kỹ năng vận động cơ bản trong cuộc sống, góp phần hình thành nhân cách, phẩm chất đạo đức, ý chí và xây dựng được nếp sống văn minh, lành mạnh; Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về TDTT nhân ngày Thể thao Việt Nam 27/3, phát động cuộc thi “Học tập và rèn luyện thân thể theo tấm gương Hồ Chí Minh”….;Tuyền truyền mạnh mẽ TDTT bằng các hình thức đưa tin, ảnh của các hoạt động TDTT trong trường lên các bản tin của Nhà trường, Bộ môn GDTC & QP, các khoa, trang thông tin điện tử của trường nhằm tạo môi trường tập luyện TDTT tích cực, kích thích tinh thần tập luyện của sinh viên.
Nhóm biện pháp thứ hai: Đa dạng hóa các hoạt động TDTT, thành lập các CLB thể thao theo sở thích của sinh viên và phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của Nhà trường. Các CLB này hoạt động dưới sự chỉ đạo của giáo viên GDTC, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên, hoạt động theo lịch định kỳ mỗi tuần và theo qui chế chung của CLB. Qua đó lôi cuốn sinh viên vào hoạt động các môn thể thao yêu thích theo nguyện vọng. Thúc đẩy phong trào TDTT của nhà trường ngày càng phát triển và lớn mạnh. Xây dựng kế hoạch tổ chức các giải thi đấu thường niên trong năm ở các cấp độ khoa, trường. Thông qua các hoạt động đó thu hút được đông đảo các sinh viên tham gia tập luyện và thi đấu các giải TDTT, đồng thời tuyển chọn được những vận động viên có năng khiếu làm nòng cốt cho các đội tuyển TDTT của nhà trường. Có chính sách khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể có thành tích đóng góp cho phong trào TDTT của nhà trường. Tăng cường tổ chức giao lưu với các trường bạn, cử đội tuyển tham gia các giải đấu của Hội sinh viên Việt Nam để nâng cao vị thế của trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Từ kết quả nghiên cứu trên, tác giả có một số kiến nghị như sau:
1. Nhà trường cần quan tâm và đầu tư cơ sở vật chất hơn nữa cho các hoạt động thể thao chính khóa cũng như ngoại khóa của sinh viên.
2. Ban Giám hiệu tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ giảng viên bộ môn GDTC được thường xuyên tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, tham gia các lớp tập huấn về luật, phương pháp giảng dạy các môn thể thao… cũng như tạo các nguồn lực về tài chính để hỗ trợ có hiệu quả hơn nữa các hoạt động TDTT của sinh viên.
3. Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên tích cực tổ chức các hoạt động thi đấu ở nhiều nội dung thể thaokhác nhau phù hợp với đặc thù của trường như khiêu vũ, bóng đá, bóng bàn, cầu lông... nhân các dịp lễ như: Kỷ niệm ngày thành lập Trường (26- 3), ngày Thể thao Việt Nam (27- 3), ngày Sinh viên Việt Nam (9 -1), ngày Nhà giáo Việt Nam 20- 11...để nhiều sinh viên có cơ hội giao lưu học hỏi. Lựa chọn và đưa nhiều trò chơi vận động vào hoạt động để nâng cao hứng thú và cảm xúc cho người tập.
4. Đa dạng hóa hình thức tập luyện ngoại khóa cho sinh viên thông qua các câu lạc bộ thể thao, chú trọng và đầu tư hơn nữa cho câu lạc bộ truyền thông để các hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên đều đến được với tất cả sinh viên trong trường.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Evanof.A and W.P.Newton.1999. An altemative treatment for low back pain. Joumal of Family Practice: 416-417
[1] Lieber, RL, and J.Friden.2000.Mechanisms of muscle injury after eccentric contraction, Joumal of Science and Medicine in Sport2 (3): 253-256
[6] Nguyễn Toán, Phạm Danh Tốn (2000) - Lý luận và Phương pháp TDTT, NXB TDTT, Hà Nội.
[7]Dương Nghiệp Chí (1983), Đo lường thể thao, NXB TDTT Hà Nội.
[8] Nguyễn Kỳ Anh, Vũ Đức Thu (1994), "Những giải pháp thực thi nhằm cải tiến nâng cao chất lượng GDTC trong các trường Đại học" – Tuyển tập NCKH TDTT, NXB TDTT, Hà Nội.
 
Bài: ThS. Phạm Thế Hoàng- Bộ môn GDTC&QP
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Bộ GD-DT

Lễ trao thưởng cho các học viên xuất sắc GYBM khóa 5 giai đoạn sơ cấp
(ĐHVHHN) – Sau 3 tháng học tập, 97 học viên GYMB khóa 5 đã vượt qua giai đoạn sơ cấp, với những thành công bước đầu. Chiều ngày 11/12/2015, Trường Đại học Văn...

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 34

Máy chủ tìm kiếm : 5

Khách viếng thăm : 29


Hôm nayHôm nay : 14869

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 182983

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7573395

Tin tổng hợp Xem tất cá các tin tổng hợp
Đăng lúc: 24-05-2016 09:51:02 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:42 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:25 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:04 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:46 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:26 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:05 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:48:45 PM
Thông tin bản quyền
    + TRƯỜNG THPT VÕ TRƯỜNG TOẢN
    + Đ/C: Cẩm Mỹ , Đồng Nai