»

Quyền tiếp cận thông tin và thực hiện quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam

Thứ ba - 12/04/2016 09:52
(ĐHVH) - Bài viết đề cập tới các vấn đề: khái niệm quyền tiếp cận thông tin, các văn bản và luật liên quan tới quyền tiếp cận thông tin trên thế giới và Việt Nam; những thông tin  hạn chế tiếp cận ở Việt Nam hiện nay, hệ thống các cơ quan, tổ chức thực hiện quyền tiếp cận thông tin và những hạn chế trong thực hiện quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam.
I. QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG TIN
Quyền tiếp cận thông tin hay quyền được thông tin là quyền cơ bản của con người. Trong lịch sử, khái niệm quyền được thông tin xuất hiện trong Thời kỳ Ánh sáng (TK 18) ở một vài quốc gia như Thụy Điển, Pháp. Quyền tiếp cận thông tin trở thành mối quan tâm trên phạm vi quốc tế sau khi Liên hợp quốc (LHQ) ra đời. Ngay trong phiên họp thứ nhất, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Nghị quyết số 59, quy định: “tự do thông tin là quyền con người cơ bản và là nền tảng của tất cả các tự do khác…” sau đó, quyền tiếp cận thông tin cũng được đề cập trong “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người” năm 1948 và “Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị” năm 1966.
Đến nay, các nước trên thế giới cho dù có khác nhau về thể chế chính trị, trình độ phát triển kinh tế hay sự khác biệt về văn hoá nhưng trong pháp luật quốc gia đều có quy định về quyền tiếp cận thông tin của công dân. Tính đến nay trên thế giới đã có trên 80 quốc gia ban hành các bộ luật riêng để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin công như: Canađa ban hành năm 1983, Hunggari năm 1992, Vương quốc Anh năm 2000, Nam Phi năm 2000, Mỹ năm 1966, Liên bang Nga năm 2006, Thái Lan năm 1997, Hàn Quốc năm 1998, Nhật Bản năm 2004 và Ấn Độ năm 2005, Trung Quốc năm 2007. Nhìn chung, hầu hết các luật tiếp cận thông tin (có thể khác nhau về tên gọi) trên thế giới đều khẳng định rằng: mọi công dân đều có quyền tiếp cận thông tin, có quyền yêu cầu các cơ quan công quyền cung cấp thông tin mà không có nghĩa vụ giải thích lý do với điều kiện những thông tin này là thông tin chính thức và không nằm trong những ngoại trừ. Có thể nói: các đạo luật về tiếp cận thông tin trên thế giới đều nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, từ đó thúc đẩy sự trong sạch, minh bạch về việc công khai thông tin trong các cơ quan công quyền.
Quyền tiếp cận thông tin hay quyền được thông tin ở nước ta đã được thể hiện trong nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội thông qua đại hội VII năm 1991 khẳng định: bảo đảm quyền được thông tin... của công dân. Thể chế hoá đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 1992 quy định rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin…”. Cụ thể hoá quy định của Hiến pháp nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành có các quy định về quyền được thông tin và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin do cơ quan nhà nước đang nắm giữ như: Luật Báo chí; Pháp lệnh về Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đông nhân dân, Uỷ ban nhân dân năm 2004, Luật phòng chống tham nhũng v.v... Thông qua việc ban hành các văn bản có các nội dung quy định về quyền được thông tin của người dân, nhà nước ta luôn quan tâm đến quyền được thông tin của người dân nhằm thực hiện chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.  
II. NHỮNG THÔNG TIN HẠN CHẾ TIẾP CẬN Ở VIỆT NAM
Ở Việt Nam, một trong những quyền cơ bản của con người được nhà nước ta xác định, chính là quyền tiếp cận thông tin, nhưng những van bản pháp luật cũng có những quy định rất rõ về quyền này. Cụ thể hơn, chúng ta hiểu rằng, không phái bất kỳ thông tin nào người dân cũng được tiếp cận, mà để đảm bảo cho an ninh khoa học và an ninh quốc gia, người dân được tự do tiếp cận cácchính thức và không nằm trong những ngoại trừ. Vậy những thông tin nào hạn chế tiếp cận theo pháp luật Việt Nam?
* Những thông tin thuộc về bí mật nhà nước: Pháp lệnh số 30/2000/PL - UBTVQH10 về bảo vệ bí mật nhà nước ngày 28 tháng 12 năm 2000. Trong điều 1 Pháp lệnh quy định “Bí mật nhà nước là những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố…”.
Bên cạnh đó, điều 1 Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ban hành ngày 28/03/2002 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh về bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2000 quy định: “Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; người đứng đầu các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội ở cấp Trung ương chịu trách nhiệm lập danh mục bí mật Nhà nước ở cơ quan, tổ chức của mình. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước của địa phương mình trên cơ sở đề xuất của các Ban, ngành và Uỷ ban nhân dân cấp dưới trực tiếp”. Căn cứ vào Pháp lệnh về bảo vệ Bí mật Nhà nước, Nghị định số 33/2002/NĐ-CP quy định: bí mật nhà nước được lập thành các danh mục và được phân cấp độ tối mật, tuyệt mật hoặc mật. Các danh mục bí mật này có thể được công bố hoặc không công bố. Các danh mục bí mật do Thủ tướng hoặc Bộ trưởng Bộ Công an quyết định. Như vậy, các thông tin được xem là bí mật Nhà nước thực ra rộng hơn cả khái niệm thông tin Nhà nước vì người đứng đầu các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội cũng có thể lập danh mục các thông tin bí mật Nhà nước. Điều này áp dụng đối với các thông tin của Đảng, của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các thông tin được cho là bí mật Nhà nước do các tổ chức chính trị - xã hội khác đề xuất.
* Những thông tin không thuộc quyền hạn phát ngôn
Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí quy định: người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí có quyền từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong trường hợp những vấn đề đó thuộc bí mật nhà nước, vấn đề không thuộc quyền hạn phát ngôn. Việc quy định chung chung như vậy có thể là kẽ hở cho người phát ngôn đưa ra lý do né tránh việc cung cấp thông tin không có lợi cho bản thân họ bằng cách lấy cớ đó là những thông tin thuộc bí mật nhà nước hoặc thông tin không thuộc quyền phát ngôn của họ.
III. HỆ THỐNG CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC ĐẢM BẢO QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG TIN
* Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất trong những năm gần đây đã có nhiều cố gắng trong việc thiết lập cơ sở pháp lý cho việc tiếp cận thông tin của người dân. Cụ thể việc các dự án luật được đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc được tham vấn ý kiến công chúng rộng rãi để người dân có thể tham gia góp ý kiến; truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội; thảo luận tập thể, công khai những vấn đề quan trọng của đất nước…
* Chính phủ: việc thông tin đến người dân về tình hình đất nước, quản lý điều hành của Chính phủ được Luật tổ chức Chính phủ, quy chế làm việc của Chính phủ quy định và được cụ thể hóa ở các Nghị định. Người dân hoàn toàn có thể tiếp cận với các thông tin chính phủ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là qua các trang tin điện tử của các cấp chính quyền, trước hết là Trang tin Điện tử Chính phủ (Website Chính phủ) với tên miền http://www.chinhphu.vn là phương tiện tỏ ra có độ tin cậy cao với tính kịp thời, chính thống và liên tục khi cung cấp các thông tin cho công chúng. Hình thức công khai thông tin hoạt động của các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành… trên các trang web, trang thông tin điện tử đã giải quyết được phần nào nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân. Đến nay, hầu hết các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử để cung cấp thông tin và dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp (20/22 Bộ, 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có trang thông tin điện tử). (1)
IV. NHỮNG HẠN CHẾ TRONG THỰC HIỆN QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG TIN
Hiện nay, người dân chủ yếu thực hiện quyền tiếp cận thông tin thông qua các cơ quan báo chí; qua sóng phát thanh của mạng lưới đài phát sóng trong cả nước; qua hình ảnh của hệ thống đài truyền hình từ Trung ương đến địa phương; thông tin qua mạng internet; Thông tấn xã Việt Nam, vv…Tính đến năm 2008, cả nước có hơn 700 cơ quan báo chí in với 850 ấn phẩm, gần 15.000 nhà báo được cấp thẻ, 68 đài phát thanh, truyền hình của trung ương, cấp tỉnh và đài truyền hình kỹ thuật số mặt đất (đài truyền hình Việt Nam phủ sóng đến 85% hộ gia đình Việt Nam), 80 báo điện tử và hàng nghìn trang tin điện tử trên mạng Internet, 55 nhà xuất bản (2). Người dân ngày càng tiếp cận tốt hơn với công nghệ thông tin hiện đại, đặc biệt là Internet, với khoảng 20 triệu người truy cập, chiếm 23,5% dân số, cao hơn mức trung bình của châu Á (18%). Ngoài hệ thống thông tin, báo chí, truyền thông trong nước, người dân còn được tiếp cận với hàng chục hãng thông tấn, báo chí và kênh truyền hình nước ngoài, như Reuters, BBC, VOA, AP, AFP, CNN và nhiều báo, tạp chí quốc tế lớn khác”. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận thực tế còn nhiều bất cập trong thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân. Cụ thể hơn những hạn chế trong tiếp cận thông tin của người dân được thể hiện ở những điểm sau:
1. Hoạt động công khai thông tin của các cơ quan Nhà nước, các sở, ban, ngành, và các tỉnh thành phố trên các trang thông tin điện tử chưa thực sự đem lại hiệu quả cao. Theo thông tư số 26 năm 2009 của Bộ Thông tin và Truyền thông về cung cấp thông tin và đảm bảo khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, kể từ 15/9/2009, các website của cơ quan nhà nước sẽ phải cập nhật thông tin mới ít nhất mỗi ngày/lần trong những ngày làm việc. Hơn nữa, Thông tư cũng khuyến khích các website của cơ quan nhà nước cập nhật thông tin đều đặn trong những ngày nghỉ. Đối với những văn bản pháp luật thì phải cập nhật chậm nhất là hai ngày kể từ ngày cơ quan của website đó ký ban hành. Mỗi cơ quan nhà nước có website phải cử đơn vị đầu mối để tiếp nhận ý kiến của công dân, tổ chức. Sau đó, đơn vị đầu mối sẽ chuyển các phản hồi đến những đơn vị được phân công phụ trách trả lời. Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận thông tin, cơ quan nhà nước có trách nhiệm trả lời kết quả hoặc thông báo quá trình xử lý tới tổ chức, cá nhân.Tuy nhiên, Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/9/2009.  Như vậy,  từ 15/9/2009 trở về trước, những quy định về mặt pháp lý liên quan đến lĩnh vực này còn thiếu và lỏng lẻo. Điều này dẫn đến một thực trạng nhiều trang thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước, của các tỉnh thành phố không cập nhật tin tức thường xuyên. Tình trạng các trang thông tin điện tử, website của các sở, ban, ngành và các tỉnh thành phố nghèo nàn về thông tin diễn ra phổ biến hiện nay.
2. Do những trang thông tin điện tử, website chính thức của các cơ quan Nhà nước, các tỉnh thành phố không đáp ứng được nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân nên chủ yếu người dân tìm đến những phương tiện thông tin đại chúng phổ biến hiện nay: đài, báo, tivi... đặc biệt là qua mạng internet. Đây là một trong những điều bất cập bởi không phải tất cả những thông tin liên quan đến những hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tỉnh/thành phố trên mạng internet đều là những thông tin chính thống. Thực tế trong thời gian vừa qua, người tiêu dùng cả nước vô cùng bất bình về thông tin về an toàn vệ sinh thực phẩm như nước tương có chứa chất 3MCPD, sữa chứa Melamil, hay thực phẩm chứa chất gây ung thư, chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng… Theo Pháp lệnh về Vệ sinh An toàn Thực phẩm năm 2003 nêu rõ “người tiêu dùng có quyền được thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm...”, tuy nhiên sau khi những sự việc này được làm sáng tỏ, các cơ quan chức năng chỉ cung cấp kết luận giám định ATVS thực phẩm cho một số cơ sở chế biến liên quan, trong khi người tiêu dùng cần biết về thông tin này nhưng không biết lấy ở đâu. Điều này cho thấy sự cần thiết phải công bố và cập nhật thông tin từ chính các cơ quan có trách nhiệm. không chỉ trong lĩnh vực ATVS thực phẩm.,  những bất cập trong việc tiếp cận thông tin của người dân còn rất rõ ở các lĩnh vực đất đai, đền bù giải tỏa, dự án ưu đãi, các khoản tín dụng, cứu trợ thiên tai, những thông tin về sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ có tác động tiêu cực đến sức khoẻ, môi trường; thông tin về thanh tra, kiểm tra, giám sát việc bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, an toàn thực phẩm, an toàn lao động…
3. Những hạn chế của các văn bản luật hiện hành như thiếu các quy định ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc công khai thông tin, trong một số trường hợp là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lợi dụng vị trí đặc quyền trong tiếp cận thông tin để trục lợi, gây nên sự bất bình đẳng trong xã hội. Quá trình thực thi pháp luật về tiếp cận thông tin thiếu công khai, minh bạch dẫn đến tình trạng áp dụng pháp luật không thống nhất và cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng sự tuỳ tiện, tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, công chức, biểu hiện rõ nhất trong lĩnh vực đất đai, đền bù giải toả, dự án ưu đãi… dẫn đến khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện vượt cấp.
4. Tuy nhiều văn bản hiện hành quy định quyền được tiếp cận thông tin của người dân nhưng trên thực tế, các cơ quan công quyền chưa thực hiện các quy định trên một cách nghiêm túc. Theo kết quả khảo sát của chuyên gia ngành luật tại một số địa phương, hầu hết cán bộ đều lúng túng khi được yêu cầu cung cấp thông tin, thường thì họ sẽ chuyển yêu cầu đó lên cấp trên. Đây là biểu hiện của tâm lý lo sợ trách nhiệm của một số cán bộ ở các cơ quan công quyền.
5. Luật Báo chí quy định “trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí...”. Nhưng trên thực tế để tránh cung cấp thông tin cho nhà báo, người ta đóng dấu “mật” lên cả các tài liệu không phải là tài liệu “mật”, thậm chí có nơi người ta đóng cả dấu “mật” lên danh bạ đại biểu Hội đồng nhân dân.
6. Một thực tế đáng buồn là người dân có quyền được biết thông tin theo quy định của pháp luật nhưng hiện rất ít người nhận thức được họ có quyền được cung cấp các thông tin có liên quan đến các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, các quy định pháp luật và hành chính, liên quan đến cuộc sống của họ. Đáng buồn hơn nữa là những người nhận thức được quyền tiếp cận thông tin thì cho rằng họ luôn bị “đói” thông tin trong thời buổi công nghệ thông tin hiện đại này, vì khi họ muốn biết về một thông tin nào đó, họ không biết nơi nào có thể đáp ứng nhu cầu của họ. Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003 nêu rõ “người tiêu dùng có quyền được thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm...”. Nhưng sau khi có kết luận về kết quả giám định các mẫu nước tương, cơ quan chức năng chỉ cung cấp kết luận giám định những mẫu nước tương có chất 3MCPD cho một số cơ sở chế biến liên quan, trong khi người tiêu dùng cần biết về thông tin này không biết tìm thông tin đó ở đâu…Điều đó cho thấy, các quy định của các văn bản luật chưa thực sự đi vào cuộc sống.  
Những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn quyền tiếp cận thông tin và việc thực thi quyền tiếp cận của công dân hiện đang đặt ra nhiệm vụ của nhà nước ta là phải khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế thực hiện và triển khai mạnh mẽ vấn đề đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân, qua đó nhằm tăng cường phát huy sự tham gia của người dân vào sự nghiệp xây dựng đất nước theo đúng nghĩa “của dân, do dân, vì dân”./.
Danh mục tài liệu tham khảo
1.                   Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua và công bố theo Nghị quyết số 217A (III), ngày 10/12/1948.
2.                Công ước về tiếp cận thông tin, sự tham gia của công chúng trong việc ra quyết định và tiếp cận tư pháp trong các vấn đề về môi trường, ngày 25 tháng 6 năm 1998.
3.                   Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992.
4.                   Luật báo chí, Quốc hội thông qua khóa VIII, kỳ họp thứ 6, ngày 28/12/1989.
5.                   Viện nghiên cứu quyền con người, (2007), Các văn kiện quốc tế và luật của một số nước về tiếp cận thông tin, NXB Công an Nhân dân, Hà Nội, 654 trang.
Chú thích:
1.                   Nguồn: http://mic.gov.vn/vn/newsdetail/tintucsukien/7906/index.mic
2.                   Nguồn: http://www.dangcongsan.vn/
 
Bài: ThS. Phạm Thị Phương Liên
Khoa Thông tin Thư viện
Trường Đại học Văn hoá Hà Nội
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Bộ GD-DT

Lễ trao thưởng cho các học viên xuất sắc GYBM khóa 5 giai đoạn sơ cấp
(ĐHVHHN) – Sau 3 tháng học tập, 97 học viên GYMB khóa 5 đã vượt qua giai đoạn sơ cấp, với những thành công bước đầu. Chiều ngày 11/12/2015, Trường Đại học Văn...

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 22

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 19


Hôm nayHôm nay : 13775

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 180788

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7571200

Tin tổng hợp Xem tất cá các tin tổng hợp
Đăng lúc: 25-05-2016 08:51:02 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:42 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:25 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:04 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:46 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:26 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:05 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:48:45 AM
Thông tin bản quyền
    + TRƯỜNG THPT VÕ TRƯỜNG TOẢN
    + Đ/C: Cẩm Mỹ , Đồng Nai