»

Những ngày bên Thomas tại Vienna

Thứ hai - 04/04/2016 17:05
(ĐHVH)- Không biết cách gọi Giáo sư Thomas A. Bauer chỉ bằng mỗi chữ Thomas có đúng thông lệ quy tắc xã giao lịch sự không, mà chúng tôi, những người theo khóa tập huấn truyền thông tại thủ đô Vienna - Cộng hòa Áo (những ngày trung tuần tháng 7-2015 vừa qua) cứ suốt ngày réo gọi Thomas ơi Thomas!...Chương trình ngày mai học cái gì, ở đâu, Thomas? Đi thăm Cung điện Mùa đông thì đi thế nào cho tiện, Thomas? Đến Đài truyền hình OKTO thì phải làm những gì? Đi thăm tòa soạn báo Wiener Zietung thì phải chuẩn bị ra sao?...Thật là “trăm thứ bà rằn” đều đổ lên đầu Thomas.
Ông là một giáo sư đầu ngành tầm vóc quốc tế về lĩnh vực truyền thông hiện đại. Ông là người lên chương trình, kết nối với hàng loạt các chuyên gia và các cơ quan truyền thông báo chí thuộc cả nền hành chính công lẫn tư nhân tự do tại Vienna để chúng tôi có cơ hội được tiếp xúc, trao đổi. Ông thân chinh dẫn đến những nơi đó. Mỗi lần đi đâu, ông đã đến rất sớm nơi chúng tôi đang ở hoặc đang  học để đón chúng tôi trước khoảng chừng nửa tiếng đồng hồ.

Giáo sư Thomas A. Bauer là một chuyên gia đầu ngành tầm vóc quốc tế 
về lĩnh vực truyền thông hiện đại
Mà lạ lắm, đến bất cứ đâu, từ các cơ quan truyền thông báo chí, hay chính quyền thành phố Vienna, Văn phòng phủ thủ tướng…thấy ông quen biết hết. Nói theo cách nói vui của chúng ta: ông cứ như đi vào chỗ không người vậy! Tới nơi là tay bắt mặt mừng. Mọi việc cứ răm rắp đâu ra đấy. Đến nhiều cơ quan báo chí, truyền thông, có người tự giới thiệu với chúng tôi rằng họ là học trò của GS Thomas thời đại học/ cao học. Họ rất lấy làm kiêu hãnh vì được là học trò của giáo sư.
Ngoài phần giảng bài trực tiếp, dẫn đi tham quan, trao đổi chuyên môn với các cơ quan báo chí-truyền thông, ông còn chủ động mời và đưa đưa chúng tôi đi tham quan nhiều nơi danh thắng, di tích lịch sử văn hóa tại thủ đô Vienna. Hễ cứ có một sự kiện nào liên quan đến trường đại học, nơi ông công tác, ông đều muốn chúng tôi có mặt.
Nhớ nhất hôm ông mời chúng tôi đến dự Lễ tốt nghiệp của các học viên cao học. Hóa ra hôm ấy ông là nhân vật chính của buổi lễ trang trọng đó. Một căn phòng rộng, được thiết kế cách đây hơn 700 năm theo kiểu kiến trúc gothic với đỉnh mái vòm. Trên đỉnh trần là những bức tranh vẽ theo phong cách phục hưng, những giàn đèn dát vàng lộng lẫy. Trên cao là bục danh dự. Ngày thường trông giáo sư ăn mặc rất phóng khoáng, thậm chí có hôm rất “phủi”, thế mà hôm nay giáo sư vận bộ lễ phục với áo thụng xanh thêu kim tuyến, mũ có tua, cổ đeo vòng kiềng bằng vàng. Cả buổi lễ chỉ có hai người đứng trên bục. Một giáo sư khác cũng ăn mặc tương tự, chỉ khác áo không có vòng kiềng làm công việc gần như là trợ lễ, xướng tên các học viên.
Giáo sư Thomas được giới thiệu lên nói trước các học viên và cử tọa. Bài thuyết trình dài khoảng chừng 30 phút. Cả mấy trăm con người đứng nghe im phăng phắc, không một tiếng nói chuyện, không một tiếng điện thoại nào, cảm giác nghe thấy hơi thở của người bên cạnh, thấy tiếng tim mình đang đập khẽ.
Giáo sư nói khái lược mấy ý như sau: Thứ nhất, đối với các học viên làm nghề truyền thông, điều quan trọng nhất là phải biết quan sát đời sống. Phải có niềm thích thú quan sát, nếu không thích thú thì sự quan sát sẽ không thấy gì cả. Quan sát có hai dạng: quan sát định kiến và quan sát khách quan. Cả hai dạng đều quan trọng. Tôi là người Thiên Chúa giáo, khi quan sát đạo Hồi, chính là tôi đang quan sát bản thân tôi về đạo Hồi, chứ không phải đạo Hồi khách quan. Nếu trong ta, bản sắc dân tộc càng mạnh mẽ thì sự quan sát càng thấy rõ bản sắc của dân tộc khác. Thứ hai, về mối quan hệ giữa việc học và nghề nghiệp. Được đào tạo tốt nghĩa là tạo ra được niềm tin trong xã hội. Nhưng nền giáo dục không chỉ hướng tới bằng cấp, mà quan trọng hơn là đào tạo ra những con người có năng lực (ability), tư cách (capacity) và trách nhiệm (reponsibility) đối với cộng đồng, xã hội. Giáo dục được hiểu là một môi trường rộng. Mỗi người cần nhận biết được vấn đề và giải pháp để giải quyết nó. Mối quan hệ giữa mỗi cá nhân và môi trường theo cách anh vừa phải thích nghi với nó lại vừa dàn xếp nó. Chúng ta thường hay can thiệp vào môi trường. Điều quan trọng nhất phải là tạo ra được sự cân bằng trong quan hệ hai chiều: cả hai cần nhau. Điều cuối cùng, chức vị là cái mà mỗi người có thể đạt được trong tương lai. Nhưng đừng vì có chức vị mà nghĩ mình cao hơn người khác theo kiểu xã hội đẳng cấp. Bạn chỉ thực sự có ý nghĩa khi bạn có cái gì để trao cho người khác. Những gì mà các bạn sinh viên học được trong môi trường đại học chỉ là một phần trong cuộc sống lâu dài của bạn. Hãy đi vào cuộc sống với tất cả ý thức, tài năng và trách nhiệm của mình…

PGS.TS. Nhà văn Văn giá- Trưởng khoa VV- BC chụp ảnh lưu niệm 
cùng Giáo sư Thomas A. Bauer
Nội dung bài nói chuyện này tôi lược ghi ra đây là do hôm sau chúng tôi hỏi lại GS Thomas, và ông thuật lại những ý chính như vậy[i].
Tôi nói với ông, buổi lễ trao bằng tốt nghiệp y như một thánh đường của trí tuệ mà chính ông là giáo chủ. Giáo sư cười rạng rỡ và cảm ơn.
Sau đó, mỗi học viên cao học lần lượt lên giới thiệu về mình trong vòng khoảng hai phút, rồi lại trở về vị trí. Lần thứ hai, họ lên cũng lần lượt từng người, một tay đặt lên ngực trái, một tay đặt lên cây phương trượng bằng vàng có từ ngày trường thành lập cách đây 700 năm do GS Thomas kính cẩn nâng lên bằng hai tay, như một lời tuyên thệ về học vấn và nhân cách của mỗi người trước thanh danh và uy tín của nhà trường. Lần cuối cùng, họ lên để nhận tấm bằng.
Không khí buổi lễ diễn ra khoảng chừng một tiếng đồng hồ, cực kỳ thiêng liêng và trang trọng.
Hôm sau tôi tò mò hỏi mấy người: lẽ ra ông Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, hay ít ra cũng phải là trưởng khoa truyền thông-ngài GS Maththes- lên phát biểu và trao bằng, chứ sao lại là GS Thomas? Tôi được họ trả lời: GS Thomas là một uy tín học thuật lớn, nên khoa và trường trao gửi công việc thiêng liêng này cho ông thực hiện.
Buổi lễ vừa kết thúc, ông đã lại nhao ra với chúng tôi trong bộ thường phục quen thuộc, mồ hôi còn nhễ nhại trên gương mặt cùng cái cười sáng lóa.
Hôm chia tay, chúng tôi cùng nhau nấu một bữa cơm Việt Nam bao gồm hai món chính: nem rán và phở. Ông cùng một số giáo sư đến dự. Ăn uống xong rồi hát. Hát chán rồi vừa hát vừa nhẩy, cầm tay nhau kết thành vòng tròn thân thiết. Hát hết bài ta đến bài Tây, hết bài người lớn sang bài trẻ con. Đến cái bài hát về các con vật, ông cũng cùng tất cả mọi người hô lên theo nhịp: Meo meo meo, gâu gâu gâu, quác quác quác…Ông như một đứa trẻ hiền minh, thông tuệ.
Khi lòng mình lắng lại, tôi tự hỏi: thông điệp quan trọng nhất mà GS Thomas muốn trao lại cho chúng tôi trong đợt tập huấn này là gì? Tôi tự trả lời bằng chính câu nói của Giáo sư trong một bài giảng rằng: “Đừng nghĩ truyền thông chỉ là công cụ, mà nó tạo ra môi trường tin cậy lẫn nhau, tăng thêm niềm tin với nhau, để cùng nhau phát triển. Truyền thông không chỉ kiến tạo mà chính là văn hóa”. Hy vọng tôi hiểu đúng.
Sau 10 ngày tập huấn, trao đổi chuyên môn, chúng tôi trở về đất Việt, mang theo hình ảnh và tấm lòng Thomas về cùng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc hình ảnh của thủ đô Vienna, của nhạc sĩ Moza thiên tài, của ngôi trường Đại học tổng hợp Vienna danh tiếng có lịch sử 700 năm, của bao gương mặt đồng nghiệp người Áo và châu Âu cũng theo chúng tôi về đất Việt.
Chúng tôi đã có thêm một người thầy đáng kính trong cuộc đời mình: Giáo sư Thomas.
 
Bài và ảnh: Nhà văn Văn Giá

[i] Để có được những thông tin trong bài viết này, chúng tôi đã được Ths Nguyễn Minh Hiền-Giảng viên ngành PR, Học viện Báo chí và Tuyên truyền làm công việc phiên dịch chuyên môn trong suốt quá trình tập huấn tại Vienna. Nhân đây tôi muốn nói lời cảm ơn tới cô ấy. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Bộ GD-DT

Lễ trao thưởng cho các học viên xuất sắc GYBM khóa 5 giai đoạn sơ cấp
(ĐHVHHN) – Sau 3 tháng học tập, 97 học viên GYMB khóa 5 đã vượt qua giai đoạn sơ cấp, với những thành công bước đầu. Chiều ngày 11/12/2015, Trường Đại học Văn...

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 29

Máy chủ tìm kiếm : 5

Khách viếng thăm : 24


Hôm nayHôm nay : 14697

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 181710

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7572122

Tin tổng hợp Xem tất cá các tin tổng hợp
Đăng lúc: 24-05-2016 09:51:02 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:42 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:25 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:04 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:46 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:26 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:05 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:48:45 PM
Thông tin bản quyền
    + TRƯỜNG THPT VÕ TRƯỜNG TOẢN
    + Đ/C: Cẩm Mỹ , Đồng Nai