»

Những bước chân tình nguyện tại Thủ đô kháng chiến

Thứ tư - 13/04/2016 20:37
(ĐHVH) - Hòa chung không khí sôi động của mùa hè tình nguyện trên khắp cả nước, ngay sau những ngày tiếp sức mùa thi năm 2010, sáng ngày 12/07/2010, Đoàn Thanh niên tình nguyện gồm 45 cán bộ giảng viên và sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cùng 15 chiến sỹ công an thuộc Trung đoàn 600 Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - Bộ Công an đã lên đường thực hiện hoạt động tình nguyện hè xây dựng đời sống văn hoá tại cơ sở - “XUNG KÍCH TÌNH NGUYỆN VÌ CỘNG ĐỒNG” do hai đơn vị phối hợp tổ chức tại địa bàn xã Trung Sơn - huyện Yên Sơn - tỉnh Tuyên Quang.

Trước giờ xuất phát tới xã Trung Sơn, Yên Sơn, Tuyên Quang
Trung Sơn là xã có truyền thống cách mạng và là một trong những địa phương đã xây dựng được khu căn cứ cách mạng đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Chính vì vậy Đoàn tình nguyện với khẩu hiệu “XUNG KÍCH TÌNH NGUYỆN VÌ CỘNG ĐỒNG” không chỉ định hướng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở mà còn có ý nghĩa xã hội lớn lao là về với vùng đất cội nguồn truyền thống cách mạng dân tộc. Bằng lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, cùng sự phối hợp chặt chẽ với cơ sở địa phương, đoàn đã tổ chức thành công 10 ngày tình nguyện với những công việc đã làm được:
Hoạt động đền ơn đáp nghĩa:
Nhân kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ và thực hiện truyền thống tốt đẹp vốn có của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội - Đơn vị E600, Đoàn tình nguyện đã đến thăm hỏi và tặng quà cho các gia đình thương binh liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng. Đoàn đã tặng chín suất quà cho các gia đình ở các thôn Nà Ho, Nà Đỏng, Thâm Quang, Đức Uy, Lâm Sơn. 

Cụ bà đã 94 tuổi vui vẻ tiếp chuyện.
Gia đình cụ đã trực tiếp bảo vệ Bác Hồ trong 2 ngày
Mặc dù những hành động ấy là vô cùng nhỏ bé nhưng lại đem đến niềm vui rất lớn được hiện lên trong đôi mắt đầy vết chân chim của các Bà, các Mẹ …. Và những câu chuyện về Bác Hồ, kháng chiến, An toàn khu chưa bao giờ được thể hiện 1 cách rõ ràng, đầy đủ và đầy ý nghĩa như thế qua giọng kể run run nhưng hết mực ấm áp ấy. Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa xã hội lớn lao, đáng tự hào đối với toàn thể cán bộ, sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và các chiến sỹ Cảnh vệ E600.
Sửa sang khuôn viên bia ghi dấu di tích lịch sử:
Nằm trong chuỗi hoạt động tình nguyện cơ sở, Đoàn Thanh niên tình nguyện cùng Đoàn Thanh niên xã Trung Sơn đã tham gia sửa sang, quét dọn, trồng cây bên khuôn viên Bia ghi dấu di tích Bác Hồ thành lập Trung đoàn Cảnh vệ 600 thuộc bộ tư lệnh Cảnh vệ. 

Hoạt động tu sửa, dọn dẹp bia di tích của Trung đoàn 600
Đây là tấm bia được xây dựng vào tháng 5/2009, kỷ niệm 50 năm ngày thành lập của Trung đoàn Cảnh vệ E600 để tưởng nhớ những người đã xây dựng nên khu căn cứ cách mạng, nơi bảo vệ an toàn cơ quan đầu não của Đảng những năm kháng chiến. Mặc dù thời tiết nắng mưa thất thường nhưng các thành viên trong Đoàn đã hết sức cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình, thậm chí còn làm việc trong sự hăng say, nhiệt tình đầy sức trẻ của tuổi thanh xuân.

Công việc đã hoàn thành sớm trước tiến độ
Trước ngày đi, chúng tôi đã quay trở lại bia di tích để lau dọn, sửa sang một lần nữa và trồng cây kỉ niệm. Chúng tôi tin rằng 2 mầm xanh ấy sẽ đâm chồi, nảy lộc vươn mình giữa gió đại ngàn. Để sau này khi quay trở lại chúng tôi sẽ được đứng dưới bóng cây xanh mà nghĩ về những ngày này – những ngày của tuổi trẻ, ước mơ và hoài bão.
Giúp dân lao động sản xuất:
Một trong những hoạt động thiết thực nhất của Đoàn tình nguyện là việc tổ chức giúp đỡ bà con nhân dân trong các thôn lao động sản xuất. Giúp các gia đình chính sách, gia đình neo đơn, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn những công việc như thu hoạch ngô, lấy củi, vệ sinh xung quanh khu vực nhà ở, sửa vườn, tách ngô, trồng cây Hương Bài… 

Các chiến sĩ E600 tỏ ra khá thuần thục khi tách, bẻ ngô
Mỗi công việc, mỗi bước chân của đoàn đi đến đâu cũng được lãnh đạo và nhân dân địa phương hết lời khen ngợi, đoàn đã tạo được những ấn tượng khó phai trong lòng bà con. Tiễn Đoàn thanh niên tình nguyện sau buổi lao động giúp đỡ, mẹ Trần Thị Mây (mẹ liệt sỹ, gia đình neo đơn) tại thôn Đức Uy, đã ôm hôn từng đồng chí sinh viên, đồng chí công an trong giọng nói rưng rưng xúc động: “Các con đến rồi lại đi. Mẹ nhớ các con lắm!…”. Khác với hoàn cảnh của mẹ Mây, gia đình cụ Lý Văn Tiêu (87 tuổi), người dân tộc Dao trú tại thôn Thâm Quang, sức khỏe đã giảm nhiều nhưng khi đoàn đến thăm và giúp đỡ công việc thì cụ vẫn gắng dậy, trò chuyện, cùng các đồng chí thanh niên tình nguyện tách hạt ngô, căng bạt phơi ngô, dọn dẹp khu xung quanh nhà ở… Chia tay đoàn với giọng nói bùi ngùi đậm chất của người dân tộc miền núi: “Các cháu đến giúp mà không ở lại ăn bữa cơm thì gia đình không thích đâu”.

Có nắng rồi, tranh thủ phơi ngô trong mấy ngày mưa bão
Bên cạnh đó, sau những ngày cùng nhau “Giúp dân lao động sản xuất” những thành viên trong đoàn đã gắn kết với nhau hơn rất nhiều. Từ những con người tưởng chừng như xa lạ thông qua những công việc làm việc theo nhóm mà đã thân thiện, gần gũi nhau hơn rất nhiều, luôn luôn giúp đỡ nhau hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao cũng như đã cùng nhau tạo ra những giây phút nghỉ ngơi cười đùa rất thoải mái.
Làm đường liên khu:
Mỗi bước chân của chúng tôi có thể bị gió cát thời gian xoá nhoà nhưng những gì những sinh viên tình nguyện chúng tôi đã làm thì chắc chắn là còn mãi. Một phần nhỏ trong những công việc “Vì cộng đồng” mà chúng tôi có thể làm là công trình “Đường liên khu” nối từ khu dân cư Ngòi Kiêng đến khu dân cư Đồng Mèo thuộc thôn Làng Chạp kéo dài gần 3 km.

Đặc biệt là con đường này được thực hiện dưới sự kết hợp của cả Đoàn Thanh niên tình nguyện kết hợp với Đoàn Thanh niên xã và nhất là sự tham gia của bà con địa phương. Con đường đi lại giữa 2 khu dân cư rất khó khăn vì thế mà tuyến đường rất ý nghĩa với những người dân trong thôn. Tôi chợt nghĩ nếu được đặt tên cho con đường thì có lẽ cái tên “Đồng tâm” là phù hợp nhất với nó – Đồng tâm, đồng lòng cùng nhau mở ra con đường nối liền tâm tư tình cảm, phong tục, văn hoá và mở ra cả tương lai cho con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Công việc luôn có sự phối hợp của Đoàn Thanh niên Trung Sơn
Mở lớp dạy học, sinh hoạt hè cho các em học sinh:
Như kế hoạch hoạt động mọi năm, năm nay Đoàn Thanh niên tình nguyện tiếp tục mở lớp dạy học cho các em nhỏ tại địa phương với tên gọi “Lớp học Ước mơ xanh”. Đúng như tên gọi thông qua các môn học như: Lớp múa, lớp hát, lớp vẽ, lớp võ, lớp tiếng Anh, các tình nguyện viên hết sức cố gắng khơi gợi ước mơ và phát triển khả năng cá nhân của các em. 

Rất đông các em thiếu niên, nhi đồng tham gia các lớp học
Lớp học thu hút gần 100 em thiếu nhi tham gia. Khác với những gì chúng tôi tưởng tượng ban đầu, cứ ngỡ sẽ rất khó khăn trong việc bắt chuyện, làm quen với các em thì những gì các em thể hiện đã làm chúng tôi thực sự bất ngờ. Ánh mắt tinh nghịch, nụ cười trong sáng, cách nói chuyện ngây thơ, sự hoà đồng, dễ gần và hiếu động của các em đã kéo chúng tôi hoà nhập vào chúng lúc nào mà không hay. Phải thực sự ở gần chúng, tiếp xúc với chúng thì mới có thể cảm nhận được hết tất cả những lưu luyến không rời ngày bế giảng lớp học. Vẫn nụ cười tươi rói ấy nhưng trong đôi mắt lại đượm chút buồn: “Năm sau các chị lại về dạy chúng em nhé !”.

Chương trình chiếu phim giáo dục thanh niên
Bên cạnh những giờ lên lớp thì chúng tôi còn tổ chức chiếu phim cho các em. Không kể trời mưa, đường xa các em vẫn đạp xe hoặc nhờ ba mẹ đưa đến xem phim đã làm chúng tôi cảm động không nói lên lời.

Lớp học hát rất đông và rôm rả
Điều đặc biệt là lớp học không chỉ dừng lại ở đối tượng các em học sinh, khi biết Đoàn tình nguyện mở lớp dạy hát múa và vẽ, cô hiệu trưởng trường mầm non đã đến tận nơi “đóng quân” của đoàn bày tỏ ý muốn mời các bạn sinh viên tình nguyện đến trao đổi các chuyên ngành giảng dạy như múa hát, vẽ cùng các cô giáo trong trường.

Lớp học múa cũng tỏ ra không kém phần
Ngoài việc dạy học, Đội tuyên truyền văn hóa còn mở lớp tuyên truyền về 1000 năm Thăng Long Hà Nội cho các em học sinh khối 12 của trường THPT Trung Sơn bằng hình thức đoán, giải đáp ô chữ các câu hỏi xoay quanh chủ đề về Thăng Long - Hà Nội.
Tọa đàm, trao đổi về công tác đoàn. Giới thiệu Trường Đại Học Văn Hóa Hà Nội. Tư vấn thi đại học:
Đoàn thanh niên tình nguyện tổ chức buổi tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm xây dựng phong trào đoàn” giữa cán bộ giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cán bộ đoàn cơ sở Trung đoàn 600 với BCH Đoàn Thanh niên xã Trung Sơn. Buổi tọa đàm trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm về việc xây dựng công tác đoàn, khắc phục khó khăn nhằm nâng cao việc tổ chức đoàn cơ sở.

Đoàn Thanh niên của 3 đơn vị cùng trao đổi kinh nghiệm
Cùng với đó, Đoàn đã giới thiệu về 50 năm xây dựng và phát triển của Trường Đại Học Văn Hóa Hà Nội, kết hợp việc tư vấn thi đại học cho các em học sinh cấp 3 của trường THPT Trung Sơn, giúp các em học sinh hiểu thêm về Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, và những kiến thức cơ bản về chương trình tuyển sinh vào Đại học. Hoạt động này đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm, chú ý của các bạn học sinh lớp 12. 

Ths. Đỗ Trần Phương giới thiệu về các ngành nghề đào tạo
của Trường Đại học Văn hoá Hà Nội
Sau chương trình, chúng tôi còn nghe thấy vài lời trao đổi nhỏ “Tớ sẽ thi vào trường Văn hoá “ – “ Tớ cũng muốn giống các anh chị Sinh viên Tình nguyện” – Những câu này đó thực sự làm chúng tôi ấm lòng. Thậm chí khi trở về khu kí túc mà cả Đoàn ở, chúng tôi vẫn còn nhận được những câu hỏi, những thắc mắc của các em ở đây – chứng tỏ các em rất quan tâm đến trường – hứa hẹn đây có thể sẽ là những tân sinh viên khoá sau.
Giao lưu văn hóa văn nghệ:
Một trong những hoạt động nổi bật của Đoàn tình nguyện là phong trào giao lưu văn nghệ. Mở màn là đêm giao lưu đầu tiên giữa Đoàn tình nguyện và Đoàn Thanh niên xã Trung Sơn tại Nhà Văn hóa xã. Tiếp theo là những đêm giao lưu văn nghệ tại các thôn bản như Thâm Quang, Đồng Mộc, Nà Ho. Chương trình văn nghệ luôn đổi mới tiết mục, gần gũi với đời sống của bà con, xen một số bài hát thiếu nhi sôi động hay các tiểu phẩm hài hước kết hợp cùng những màn võ thuật đẹp mắt do các chiến sỹ Trung đoàn 600 biểu diễn đã luôn thu hút đông đảo người dân địa phương tới xem, đặc biệt là các em thiếu nhi và các cụ già. Có đêm biểu diễn giữa chừng thì trời mưa, nhưng bà con vẫn ngồi xem cho đến hết buổi, mong sao chương trình văn nghệ kéo dài thêm nữa.

Chương trình giao lưu văn nghệ tại thôn Thâm Quang
Chúng tôi nhớ nhất đêm văn nghệ ở Đức Uy, do thời tiết mưa bão nên chương trình văn nghệ bị hoãn. Lác đác vẫn có những bà con ra xem, nhìn ánh mắt buồn buồn tiếc tiếc ấy tôi cảm thấy một cái gì đó nghèn nghẹn trong lòng. Chúng tôi hiểu họ rất mong chờ chúng tôi. Sáng hôm sau ra chợ vẫn có những lời hỏi thăm “Tối nay có diễn văn nghệ không cháu? Diễn ở đâu hả cháu?” – Chúng tôi chỉ biết mỉm cười mà nói rằng “Tối 21/7 các bác nhé, chương trình tổng kết chúng cháu sẽ cố gắng biểu diễn thật hay!”

Giao lưu văn nghệ cùng các cháu tại thôn Đồng Mộc

Tam ca E600 biểu diễn văn nghệ tại thôn Nà Ho
9 ngày đi dường như tất cả tâm sức, suy nghĩ chúng tôi đều đổ dồn cho chương trình văn nghệ “TIẾNG HÁT VỀ NGUỒN” vào đêm 21/07/2010 tại sân khấu chợ Nà Ho - xã Trung Sơn - huyện Yên Sơn - tỉnh Tuyên Quang do Đoàn Thanh niên tình nguyện kết hợp với Đoàn Thanh niên địa phương tổ chức. Chúng tôi đều tự nhủ đó là đêm đánh giá quyết định tất cả những gì chúng tôi làm được những ngày qua đối với Nhà trường và lãnh đạo địa phương.

Ths. Hoàng Trọng Nhất phát biểu tại đêm giao lưu
văn nghệ Tiếng hát về nguồn
Tham dự đêm giao lưu có đại diện Ban lãnh đạo Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Lãnh đạo Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, lãnh đạo Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân xã, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên xã Trung Sơn, Huyện đoàn Yên Sơn, Tỉnh đoàn Tuyên Quang. 


Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Tuyên Quang
cùng Lãnh đạo Trường ĐH Văn hoá về dự tổng kết
Trong đêm giao lưu, đại diện Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã tặng quà cho đại diện trường THPT Trung Sơn. Lãnh đạo Trung đoàn 600 tặng quà cho UBND xã Trung Sơn. Lãnh đạo Tỉnh đoàn, Huyện đoàn tặng quà và trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong mùa hè tình nguyện tại Tuyên Quang trong những ngày qua.

Trao quà lưu niệm cho Hiệu trưởng Trường THPT Nội trú
Với chương trình văn nghệ được tập luyện và dàn dựng công phu, các tiết mục đặc sắc đã thu hút không chỉ bà con xã Trung Sơn mà bà con những xã lân cận cũng kéo đến xem và không ngớt lời khen. Qua đây cho thấy, những tình cảm và hoạt động văn nghệ mà sinh viên tình nguyện Trường Đại học Văn hóa Hà Nội - Các chiến sỹ Cảnh vệ E600 mang tới phần nào giúp cho đời sống văn hóa của bà con miền núi nơi đây được cải thiện.

Khép lại đêm giao lưu văn nghệ tổng kết chuyến tình nguyện 10 ngày tại Trung Sơn là màn đốt lửa trại với ý nghĩa “Vun ngọn lửa nhiệt huyết cho thanh niên”.

Sáng ngày 22/07/2010 Đoàn tình nguyện lên xe trở về Hà Nội kết thúc chuyến tình nguyện 10 ngày đầy ý nghĩa tại xã Trung Sơn - huyện Yên Sơn - tỉnh Tuyên Quang. Đoàn đã để lại những ấn tượng sâu sắc với lãnh đạo và nhân dân địa phương trên mảnh đất miền núi giàu truyền thống cách mạng này. Qua chuyến đi, mỗi thành viên đã học được rất nhiều từ thực tế về việc rèn luyện bản thân, trách nhiệm đối với cộng đồng, góp phần xây dựng đời sống nhân dân, đặc biệt là những nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

 
Một số hình ảnh về chuyến đi hoạt động tình nguyện tại Trung Sơn, Yên Sơn, Tuyên Quang


Chuyến đi tiền trạm Tuyên Quang - 23/5/2010

Đường vào khu hoạt động tình nguyện đi qua chiếc cầu treo
được làm từ thời kháng chiến chống Pháp

UBND xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
đón tiếp, làm việc và nhất trí với kế hoạch của đoàn công tác


07h05 ngày 12/7/2010 khởi hành đi Tuyên Quang


Đồ đạc nhiều quá, năm nay có nhiều đồ chơi, sách báo
của các thầy cô trong trường ủng hộ, quyên góp cho đoàn

3 xe ô tô chật kín người và đồ, xếp khéo léo không hở chỗ nào

Khu di tích Nha Công An được thiết kế đẹp tuyệt vời

Thắp hương tương niệm các chiến sĩ đã hi sinh vì tổ quốc

Loan, cựu sinh viên Trường Đại học Văn hoá Hà Nội
hướng dẫn tại khu di tích Nha Công An

Ban lãnh đạo Nha Công An đón tiếp đoàn tình nguyện

Chụp ảnh lưu niệm trước tấm phù điêu lịch sử


15h30 ngày 12/7/2010 đến địa điểm tập kết
Trường THPT nội trú Trung Sơn

Hồ hởi, phấn khởi xách đồ đạc chuyển đến nơi tập kết

Những "chiến binh" thoăn thoắt vào việc treo băng rôn

Đội hậu cần cũng nhanh nhẹn trong việc dọn dẹp phòng ở

Thi xem nhóm nào dọn phòng ở nhanh nhất, sạch nhất


Hoạt động đền ơn đáp nghĩa

1 nhóm đi theo xe Ford, 1 nhóm di chuyển bằng xe máy

Có lẽ các đồng chí đoàn viên E600 thích chọn đi xe máy nhất

Tặng quà cho bà mẹ liệt sĩ anh hùng

Nhóm di chuyển xe ô tô đã phải lội qua nhiều dòng suối lạnh
để đến được những gia đình neo đơn, chính sách
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Bộ GD-DT

Lễ trao thưởng cho các học viên xuất sắc GYBM khóa 5 giai đoạn sơ cấp
(ĐHVHHN) – Sau 3 tháng học tập, 97 học viên GYMB khóa 5 đã vượt qua giai đoạn sơ cấp, với những thành công bước đầu. Chiều ngày 11/12/2015, Trường Đại học Văn...

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 10


Hôm nayHôm nay : 4289

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 186171

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7576583

Tin tổng hợp Xem tất cá các tin tổng hợp
Đăng lúc: 24-05-2016 09:51:02 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:42 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:25 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:04 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:46 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:26 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:05 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:48:45 PM
Thông tin bản quyền
    + TRƯỜNG THPT VÕ TRƯỜNG TOẢN
    + Đ/C: Cẩm Mỹ , Đồng Nai