»

Nhà văn Nguyên Ngọc: Văn hóa… để làm gì?

Thứ tư - 25/05/2016 08:38
(VNN)- Hình như người ta đang hiểu rất lầm về văn hóa, người ta cho rằng khi đất nước đang phải lao tới trong cuộc đuổi bắt kinh tế lớn này thì văn hóa cũng phải lao theo, văn hóa phải ra sức cổ vũ, reo hò cho cuộc đuổi bắt say mê ấy. 

>> Văn hóa có phải chuyện "cờ, đèn, kèn, trống..."?

Nhà văn Nguyên Ngọc.
Tôi có một người bạn Philippines tên là Takjit Nahitmit, hình như đấy là biệt hiệu, một kiểu bút danh của anh, chứ không phải tên thật. Anh giải thích cho tôi theo thổ ngữ ở quê anh tên ấy có nghĩa là “Ánh chớp thầm lặng”. Sau một thời gian quen và thân với anh, tôi nghĩ tôi có thể hiểu vì sao anh đã chọn cái bút danh nghe hơi lạ ấy.

Có vẻ như gia đình anh thuộc tầng lớp trí thức lớn và thượng lưu trong xã hội Philippines. Mẹ anh từng là nữ thị trưởng đầu tiên của thủ đô Manila. Còn anh thì đã tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế ở Mỹ, sau đó về làm việc cho một cơ quan của Liên hiệp quốc tại Paris gần chục năm… Cho đến một hôm, anh bỗng từ bỏ tất cả, danh vọng, chức quyền, tiền bạc, kinh thành hoa lệ, rũ áo ra đi, quay về Philippines và cặm cụi làm văn hóa.

Anh có cho tôi xem một số phim do chính anh tự làm đạo diễn, tự quay, tự dựng, tuyệt đối không hề sử dụng diễn viên chuyên nghiệp. Phim truyện hẳn hoi nhưng người đóng là người thường bắt gặp ngoài đường, trong nhà máy, trên đồng ruộng. Có nét gì phảng phất những phim rất hay và rất độc đáo của điện ảnh Iran. Thỉnh thoảng anh sang Hà Nội, đến và đi đều rất nhẹ nhàng, giản dị, thường ăn mặc quần áo dân tộc. Hai cậu con trai anh có mẹ là người Thụy Điển nhưng lại thích ăn mặc, thật lạ, giống người Tây Nguyên ở ta, thậm chí có khi còn đóng khố, rất đẹp.

Takjit rất yêu các nền văn hóa dân tộc thiểu số ở quê anh. Anh có tặng tôi một cây sáo không phải thổi bằng mồm mà bằng mũi, âm thanh réo rắt xa xôi và mơ hồ, rất lạ. Lần nào sang anh cũng gọi điện cho tôi, chúng tôi thường tìm một chỗ vắng và yên tĩnh ngồi với nhau có khi suốt ngày, nói với nhau về công việc của mỗi người, về những ao ước và cả những lo nghĩ của chúng tôi.

Có hôm Takjit đột ngột hỏi tôi: “Theo anh, ở những đất nước như đất nước chúng ta bây giờ, văn hóa cần phải làm gì, có thể làm gì, vai trò của văn hóa là gì, nhất là trong tình hình sôi nổi mà cũng đầy thách thức hiện nay?”. Tôi biết đấy là câu hỏi vẫn khiến Takjit day dứt và quả không dễ trả lời. Tôi nói: “Takjit ạ, thì chính anh phải trả lời cho tôi câu hỏi ấy đi chứ, chính anh đã từng là tiến sĩ kinh tế ở một quốc gia giàu có và hiện đại nhất thế giới, từng sống và làm việc hàng chục năm giữa một Paris hoa lệ đệ nhất hành tinh… Thế mà đột nhiên anh vứt bỏ tất cả để quay về quê hương và chỉ chăm chăm làm văn hóa, lại làm theo cách rất riêng của anh… Vậy, tức là anh đã suy nghĩ nhiều lắm về văn hóa, vai trò của văn hóa, lâu dài và ngay hôm nay, chính anh phải nói với tôi, cho tôi đi chứ...”.

Takjit ngồi trầm ngâm một lúc, rồi hỏi: “Anh có lái xe ô tô không? Anh biết đấy, lái xe rất quan trọng là hai bàn chân đạp, một chân ga và một chân phanh, cũng gọi là chân thắng ấy mà. Và quan trọng nhất chính là chân thắng. Khi nào thì người ta cần đến chân thắng, khi nào thì phải giữ rất chặt, rất chắc chân thắng? Không phải là khi dừng xe, hay khi chạy chậm, mà chính là khi tăng tốc và lại qua cua nữa. Văn hóa, theo tôi, chính là cái chân thắng ấy đấy, của xã hội, của lịch sử, của con người, của một đất nước, một dân tộc. Chứ không phải chân ga. Kinh tế là chân ga.

 

"Những gì gọi là văn hóa chúng ta đang làm thường rất ồn ào, mà văn hóa thật thì lại không ồn ào. Nó thâm trầm. Cái thắng có ồn ào bao giờ đâu, trừ khi phải thắng khẩn cấp vì sắp chết đến nơi! Chúng ta chưa thật sự làm văn hóa. Có phải thật thế không? Tôi rất mong được thử trao đổi, để cùng suy nghĩ tiếp" - Nguyên Ngọc 
Kinh tế lúc nào cũng lao tới phía trước, nhanh hơn, nhanh hơn nữa, nhanh hơn mãi, bao nhiêu cũng không vừa, nhất là đối với những đất nước như đất nước chúng ta, đang phải cố đuổi kịp năm châu bốn biển cũng đang lao tới rất dữ dội, phải cố tăng tốc tối đa có thể để đuổi cho kịp. Và lại phải qua cua, liên tục qua cua. Chính lúc này hơn bao giờ hết cần giữ thật chắc chân thắng. Chính lúc này hơn bao giờ hết cần văn hóa. Nếu không thì cuộc xông tới có rất nhiều nguy cơ lao luôn xuống vực. Tôi cho rằng ở những đất nước như đất nước chúng ta hình như người ta đang hiểu rất lầm về văn hóa, người ta cho rằng khi đất nước đang phải lao tới trong cuộc đuổi bắt lớn này thì văn hóa cũng phải lao theo, văn hóa phải ra sức cổ vũ, reo hò cho cuộc đuổi bắt say mê ấy.

 

Văn hóa phải ra sức cổ vũ kinh tế và chính trị, chính các nhà chính trị và kinh tế cũng thường xuyên đòi hỏi, thúc giục văn hóa như vậy… Không phải đâu, hoàn toàn ngược lại. Chính khi kinh tế lao tới thì văn hóa, công việc của văn hóa là phải giữ thắng, chính lúc này mới càng thấy vô cùng cần văn hóa, cần phải có văn hóa để nắm chắc cái thắng của xã hội.

 

Cổng chùa Bổ Đà.
Khi kinh tế và cả xã hội lao tới, thì văn hóa phải lùi lại một chút, bởi văn hóa là gì, nếu không phải là sự bình tĩnh, bình tâm, sự vững chắc, vững chãi của xã hội và con người. Kinh tế là cần thiết, là quyết định, chính trị cũng vậy, chính trị rất quyết định, nhưng tôi cho là văn hóa mới quyết định hơn, bởi nó là cái nền, nó lâu dài hơn, kinh tế và cả chính trị nói cho cùng cũng chỉ là phương tiện, văn hóa mới là mãi mãi, trường cửu, nó ở với con người, đi cùng con người trên đường dài vô tận của con người; nó lo về cái vì đó mà con người sống, lẽ sống, lẽ hạnh phúc của con người ở đời, cái lẽ vì đó mà con người làm kinh tế và làm chính trị cùng bao nhiêu việc khác.

 

Kinh tế và chính trị tất yếu lao tới, mà văn hóa cũng hăng hái, bồng bột lao theo, thì là nguy cơ, thì xe sẽ đổ xuống vực, rồi tất cả có thể chỉ là vô nghĩa thôi, thậm chí tan nát, hoặc ít ra cằn cỗi cả thôi… Vậy đó, anh thấy không, chính vì vậy mà tôi đã bỏ Boston, bỏ New York, bỏ Paris… tôi trở về với quê hương tôi, tôi lo cho cái nền trong cuộc đuổi bắt thiết yếu và cuộc qua cua, cũng là thiết yếu, cua rất ngặt, rất hiểm của các đất nước chúng ta bây giờ.

Tôi nguyện làm một ánh chớp im lặng, anh biết đấy, dấn ga thì rú lên ồn ào, giữ ga thì âm thầm, im lặng, nhưng mà không có nó, không chắc chân chỗ này thì có thể sẽ chẳng còn gì hết, sẽ là vô nghĩa hết, sẽ là điều chúng ta không hề mong muốn…

Cũng có thể nói thế này chăng; kinh tế, chính trị thì kêu gào, cổ vũ, động viên, gọi người ta đua chen, văn hóa thì bình tĩnh và can ngăn… Hình như ở nước anh, cũng như ở nước tôi, có một cái bộ gọi là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch. Du lịch là làm ra tiền, hút thật nhiều khách để có thật nhiều tiền, thể thao thì là ganh đua, cao nhất, xa nhất, nhanh nhất, sao Văn hóa cũng đứng chung vào đó? Tôi thì tôi mong chỉ có một cái bộ gọi là Bộ Văn hóa, để lo việc cơ bản là giữ thắng thôi. Cũng có thể gọi là Bộ của sự Bình Tĩnh Xã hội… Chưa có được một bộ như vậy. Nên tôi xin về làm việc đó, mong là một ánh chớp thầm lặng…”.

Mấy năm gần đây ít thấy Takjit sang, chỉ thỉnh thoảng được thư hay nghe điện của anh. Tôi biết anh đang vất vả lắm, nhưng anh không hề nản chí. Vất vả cũng là đúng thôi. Bởi ý tưởng của anh về văn hóa là khá lạ - mà những gì thật sự sâu xa, sâu sắc thì bao giờ lại chẳng lạ - thậm chí có gì như là lạc lõng giữa cuộc đời đua chen xô bồ bây giờ.

Tôi thường suy nghĩ về ý tưởng của anh, công việc của anh. Tôi khâm phục sự dấn thân lặng lẽ mà quyết liệt của anh. Nó khiến ta muốn nghĩ lại về những gì chúng ta đang làm, có thật là văn hóa không những gì chúng ta đang làm? Hình như chúng ta đang làm rất nhiều, rất nhiều thứ được coi là văn hóa, nhưng văn hóa thật, như anh bạn kỳ lạ của tôi quan niệm và dấn thân, thì chúng ta chưa làm, không làm.

Những gì gọi là văn hóa chúng ta đang làm thường rất ồn ào, mà văn hóa thật thì lại không ồn ào. Nó thâm trầm. Cái thắng có ồn ào bao giờ đâu, trừ khi phải thắng khẩn cấp vì sắp chết đến nơi! Chúng ta chưa thật sự làm văn hóa. Có phải thật thế không? Tôi rất mong được thử trao đổi, để cùng suy nghĩ tiếp. Và để cho cuộc đi tới của chúng ta hôm nay, và cả ngày mai nữa, nhanh mà vững, mà bền, và nói cho cùng, để cho cuộc đi tới của chúng ta hôm nay thật sự đưa đến sự trong lành cho xã hội và hạnh phúc cho con người. 

  • Nguyên Ngọc
  •  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Bộ GD-DT

Lễ trao thưởng cho các học viên xuất sắc GYBM khóa 5 giai đoạn sơ cấp
(ĐHVHHN) – Sau 3 tháng học tập, 97 học viên GYMB khóa 5 đã vượt qua giai đoạn sơ cấp, với những thành công bước đầu. Chiều ngày 11/12/2015, Trường Đại học Văn...

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 14


Hôm nayHôm nay : 1891

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 87556

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7477968

Tin tổng hợp Xem tất cá các tin tổng hợp
Đăng lúc: 25-05-2016 08:51:02 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:42 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:25 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:04 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:46 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:26 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:05 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:48:45 AM
Thông tin bản quyền
    + TRƯỜNG THPT VÕ TRƯỜNG TOẢN
    + Đ/C: Cẩm Mỹ , Đồng Nai