»

Làm sao để cho sinh viên mê đọc sách

Thứ năm - 14/04/2016 00:19
1. Lần cách đây chừng 2 năm, tôi cùng mấy đồng nghiệp đi sang Đại học Thương mại Vân Nam- Trung Quốc, khi vào thăm thú cơ ngơi của họ, trong số rất nhiều ấn tượng, tôi đặc biệt ấn tượng với việc đọc sách của sinh viên. Hình ảnh quen thuộc là các em với một mật độ đông đảo cầm trên tay một cuốn sách nào đó và đọc rất chăm chú. Họ vừa cuốc bộ lững thững vừa đọc. Họ ngồi đọc dưới tán cây. Họ nằm trên thảm cỏ công viên để đọc. Họ chui vào các góc khuất của những ngôi nhà, giảng đường để đọc, họ đọc trong quán cafe. Họ đọc ở bất cứ đâu  có thể… Những tưởng ở Vân Nam, nơi trung tâm đô thị lớn của một tỉnh, nơi văn minh hiện đại, lại là một trong những trường tiêu biểu của châu Á, nên sinh viên yêu sách và đọc sách thì cũng là lẽ thường… Nhưng lần mới đây, lại có dịp ngược bắc đến Đại học Hồng Hà, đại học tầm vóc và quy mô chỉ của một châu trong tỉnh thôi, ngoài một loạt ấn tượng về cảnh quan, cơ ngơi, chất lượng đào tạo…tôi lại bắt gặp cảnh các em học sinh mê man đọc sách. Buổi sớm tinh sương, khi chúng tôi đi bách bộ, thấy trên khắp các vườn cây, công viên, sân vận động, chỗ nào cũng có các em đọc sách. Mỗi em chọn cho mình một góc thật tĩnh để đọc. Có em luyện phát âm tiếng Anh rõ giọng. Có em đọc thầm. Họ đọc sách với tất cả sự nghiêm trang, tập trung cao độ. Trong mắt họ, sách là cả một thế giới của tri thức và hành trình trí khôn nhân loại. Tôi bảo với đồng nghiệp cùng đi: Chúng nó đọc sách đến "lòi" cả mắt thế kia thì làm sao mà chả giỏi!




Nói chuyện chuyên đề văn hoá đọc tổ chức vào tháng 3/2007 

tại Nhà Văn hoá, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội




Thầy và trò tham dự đông kín hội trường Nhà Văn hoá

 
2. Lại có đôi khi tôi, các anh chị, các bạn đi công tác trong nước và ngoài nước. Chúng ta ở trong nhà ga, hoặc lúc ngồi trên tàu, trên máy bay, một hình ảnh quen thuộc của đám khách người Tây đập vào mắt chúng ta: hầu hết người lớn, trẻ em, nam thanh nữ tú, ai cũng khư khư trên tay một cuốn sách. Họ chúi mũi vào sách. Họ không biết gì đến xung quanh ngoài trang sách. Họ cứ làm như thế giới này không còn gì đáng quan tâm nữa ngoài sách. Đáng nể thế.
Trong khi đó các khách đi tàu, đi máy bay của ta bận nghe nhạc (mà chủ yếu là nhạc sến), bận nhổ râu, bận buôn chuyện qua điện thoại, bận toan tính đánh quả này quả nọ, bận mưu chước với ghế nọ chức kia… Hiếm thấy một ai cầm trên tay quyển sách nào. Bảo cầm trên tay một tờ báo đọc cho đỡ sốt ruột cũng đã hiếm, nói gì đến người đọc sách. Người mình nó thế!
Nhìn người ta sùng bái sách, ôm ấp sách, tôn quý sách, ngẫm lại sinh viên của ta, của đại đa số các trường đại học ở ta (trong đó có một số trường tôi tham gia giảng dạy), mà cảm thấy chạnh lòng. Hầu hết các em thờ ơ với sách, coi sách là thứ tội nợ, coi sách là cái gì đáng kinh hãi, thậm chí coi sách là kẻ thù gớm mặt.



Sinh viên học tại Phòng đọc tự chọn
Trung tâm Thông tin Thư viện, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội

 
3. Sách đối với mỗi người về cơ bản có 2 loại: sách phục vụ cho ngành nghề mà mình theo học và công tác, và sách thuộc nâng cao tầm vóc văn hóa, chất lượng tư tưởng, thẩm mỹ và nhân văn cho con người. Đối với sinh viên, trước hết cần đọc loại sách thứ nhất. Ngay cả loại sách thứ nhất không chịu đọc thì đã nói gì  đến loại sách thứ hai.
Làm sao để sinh viên yêu quý sách, tha thiết với việc đọc sách, coi đọc sách như nguồn năng lượng tri thức và tinh thần bổ dưỡng, như thói quen ăn uống hằng ngày là cả một vấn đề không dễ dàng gì.
Cắt nghĩa về tình trạng sinh viên quay lưng với sách, có thể có mấy nguyên do sau:
Trước hết lỗi thuộc về người thầy. Có những thầy rất ít đọc sách, chỉ đọc loanh quanh vài ba quyển sách dễ hiểu, cũ kỹ cốt để vận dụng vào công việc giảng dạy hàng ngày kiểu mì ăn liền, như một người thợ dạy. Họ không chịu đọc rộng, đọc sách chuyên sâu, sách có hàm lượng trí tuệ cao. Thầy không đọc thì làm sao có thể có khả năng phát hiện ra những cuốn sách hay mà chia sẻ, khích lệ học trò được. Thầy phải là người truyền cho học trò tình yêu đối với sách. Trò không yêu sách trước hết lỗi tại người thầy.
Lý do thứ hai thuộc trạng thái tâm thế xã hội. Do văn hóa nghe nhìn thời nay, về cơ bản là sản phẩm của thứ văn hóa đại chúng, mang tính khoa trương, quảng cáo, dễ hiểu, dễ thỏa mãn, xem thường hàn lâm, ngại đọc cái khó hiểu, xem thường tri thức, và rộng ra là xem thường trí thức… đã lấn át, áp đảo văn hóa đọc. Đọc tức là đào sâu vào tri thức, lật giở trang sách, lật giở vấn đề, từ đó lĩnh hội và phản biện, do đó tri thức được cọ sát và nảy nở. Để được như thế, sự đọc nó tốn kém thời giờ và sức khỏe. Đọc sách là một thứ lao động cô độc. Trong khi đó văn hóa nghe nhìn vô cùng nhàn nhã, thường hợp với đám đông, lắm khi phởn chí, vừa nghe/xem vừa tán tỉnh nhau, vừa bù khú ngất trời, vừa “buôn dưa lê” như pháo nổ… nghĩa là rất sung sướng. Mà đã như thế thì làm sao có thể lĩnh hội tri thức chắc chắn, ở tầm cao và chiều sâu cho được.



Phòng Báo và Tạp chí Trường Đại học Văn hoá Hà Nội



Không ai lại dại dột chống văn hóa nghe nhìn. Nó có cái ưu việt của nó. Nhưng nó có những hạn chế mà không phải ai cũng lường hết. Cái đáng bàn ở đây là, cùng với nghe nhìn, phải trở lại, phải bổ sung bằng văn hóa đọc. Chỉ có như thế, mỗi người chúng ta, nhất là sinh viên mới có thể có chiều sâu trí tuệ, khả năng tư duy, khả năng phân tích, bình giá, phản biện, lĩnh hội và sáng tạo tốt được. Môi trường đại học phải là một môi trường sôi kinh nấu sử, nghĩa là sự đọc, sự học thật kiên nhẫn và đam mê của cả hai phía thầy - trò.
Lý do cuối cùng thuộc về phương pháp dạy và học của chúng ta. Chỉ có khi nào, người thầy có khả năng cung cấp cho các sinh viên toàn bộ (hoặc phần lớn) những cuốn sách có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến các vấn đề thuộc về tri thức, và tiếp theo đó, sinh viên tự đọc, tự tra cứu, tự xây dựng nội dung vấn đề được giao, rồi trình bày, thảo luận trên lớp… lúc đó mới hy vọng các em thấy cần đọc sách. Nhưng hỡi ôi, ai chỉ chỗ cho chúng kiếm sách ở đâu thuận tiện nhất; hoặc ai cho chúng tiền mua sách, tiền vào mạng Internet để tra cứu, in ấn. Ấy là chưa kể đến việc các ông thầy phải vô cùng chịu khó trong việc hướng dẫn, tổ chức thảo luận, đủ năng lực làm trọng tài trong khi thảo luận… mới có thể được. Thấy khó khăn, thầy trò tặc lưỡi cho qua, bài vở qua loa, và rồi chất lượng cũng qua loa thế thôi. Tất cả những điều đó góp phần làm cho các sinh viên thấy không cần đọc sách vẫn cứ không sao, đến khi thi thì dùng phao để chép, làm tiểu luận ở nhà thì dùng công nghệ copy-paste, rồi thì điểm vẫn cứ qua, không qua thì thi lại, vẫn cứ lên lớp, vẫn cứ ra trường.
Tôi vẫn cứ tâm niệm một điều rằng, việc tặng quà cho nhau bằng sách, hoặc tự tặng cho mình món quà sách mỗi khi có sự kiện gì đặc biệt (như đã từng có một thời như thế) làm sao được phục sinh trong cuộc sống hôm nay. Một chàng muốn ngỏ lời yêu một nàng, hãy bắt đầu bằng việc chọn mua cho nàng cuốn sách mà nàng ưng ý. Một người bạn quý một người bạn, khi mua được quyển sách quý, nếu trong túi còn rủng rỉnh, mua tặng bạn mình một cuốn. Khi sinh nhật, lúc tốt nghiệp ra trường, khi tân gia, thậm chí mừng ngày cưới cũng có thể trao nhau sách quý.
Tôi ao ước đến một ngày nào đó, việc tiêu thụ sách ở đất nước ta thuộc trong tốp dẫn đầu thế giới. Khi đó, chắc hẳn người dân nước ta đã có một chất lượng sống khá hơn bây giờ. Cuộc sống ngày càng đẹp đẽ hơn lên, hạnh phúc hơn lên một phần nhờ sách. Người yêu sách, tôn thờ sách là người không có khả năng nghĩ và làm điều ác.
Liệu có cách nào thay đổi được tình trạng lười đọc sách của sinh viên?


Bài: PGS.TS Ngô Văn Giá
Ảnh: Nguyễn Hữu Nghĩa
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Bộ GD-DT

Lễ trao thưởng cho các học viên xuất sắc GYBM khóa 5 giai đoạn sơ cấp
(ĐHVHHN) – Sau 3 tháng học tập, 97 học viên GYMB khóa 5 đã vượt qua giai đoạn sơ cấp, với những thành công bước đầu. Chiều ngày 11/12/2015, Trường Đại học Văn...

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 49

Máy chủ tìm kiếm : 29

Khách viếng thăm : 20


Hôm nayHôm nay : 4005

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 185887

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7576299

Tin tổng hợp Xem tất cá các tin tổng hợp
Đăng lúc: 24-05-2016 09:51:02 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:42 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:25 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:04 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:46 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:26 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:05 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:48:45 PM
Thông tin bản quyền
    + TRƯỜNG THPT VÕ TRƯỜNG TOẢN
    + Đ/C: Cẩm Mỹ , Đồng Nai