»

Huyền bí Trung Hoa

Thứ ba - 24/05/2016 02:57
vÐối với tôi, nước Trung Hoa láng giềng luôn luôn là một bí ẩn lớn.

Hồi nhỏ tôi chỉ biết nước Tầu và người Tầu qua các tác phẩm văn chương được dịch ra tiếng Việt. Bỏ qua những truyện kiếm hiệp, và sau này là truyện "chưởng" chắc chắn có nhiều phần bịa đặt, còn lại các tác phẩm nổi tiếng khác như Thuỷ hử, Tam quốc chí, Ðông chu liệt quốc, Sử ký Tư Mã Thiên, Hồng Lâu mộng, kể cả A Q chính truyện của Lỗ Tấn nữa... đã gây cho tôi những ấn tượng vừa thích thú vừa nặng nề. Dường như người Tầu có những suy tính khác lạ ít người dám nghĩ tới, mà có nghĩ tới thì cũng ít người dám làm, mà có dám làm thì ít người dám làm đến cùng... Cứ xem chuyện Võ Mĩ Nương (sau này là Võ Tắc Thiên) dám nghĩ tới việc bóp mũi con mình cho đến chết để đổ tội cho Hoàng hậu thì đã thấy khủng khiếp lắm rồi, thế mà bà ta còn dám làm việc đó một cách nhẹ nhàng thì còn thấy khủng khiếp đến đâu? Cứ xem đoạn Thái tử Ðan chém hai bàn tay của một vũ nữ để dâng cho Kinh Kha sắp đi ám sát Tần Thuỷ Hoàng chỉ vì Kinh Kha khen đôi tay ấy quá đẹp, thì có ai là người không rụng rời và khiếp đảm? Làm sao mà Ðan dám nghĩ đến chuyện đó và dám làm chuyện đó? Không phải chỉ những bậc vương giả, những kẻ quyền cao chức trọng ở Trung Hoa mới có những suy nghĩ và việc làm khác lạ. Cứ xem nhân vật A Q của Lỗ Tấn thì rõ. Chí Phèo của Nam Cao và A Q của Lỗ Tấn có vị trí giống nhau trong bậc thang của xã hội phong kiến, bậc tận cùng... Thế nhưng suy nghĩ và hành động của hai nhân vật này hoàn toàn khác nhau. Chí Phèo có thể dám rạch mặt mình để ăn vạ, còn A Q dám làm Cách mạng, mặc dầu chẳng biết mô tê gì về Cách mạng...
 
GS. Văn Như Cương
Sau này, khi Cách mạng ở hai nước đã thành công, được thông tin đầy đủ và chi tiết hơn về tình hình nước bạn, tôi vẫn cảm thấy hình như cách nghĩ và cách làm của bạn chẳng mấy giống ta. Thật là lạ khi người ta nghĩ ra và thực hiện được những việc không ai dám nghĩ tới, từ việc nhỏ tới việc lớn, từ việc "tiêu diệt chim sẻ đến cùng" cho đến cuộc "Cách mạng văn hoá" long trời lở đất, từ qui định "HAI vợ chồng chỉ có MỘT con" cho đến "MỘT đất nước có HAI chế độ", từ quan điểm "mèo đen, mèo trắng, mèo nào bắt được chuột đều tốt" đến "thuyết ba đại diện" vân vân. Người phương Tây cho rằng phương Ðông là huyền bí đã đành, tôi là người phương Ðông cũng vẫn thấy Trung Hoa huyền bí không kém. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng sự huyền bí đó có nguồn gốc là mọi người đều "dám nghĩ và dám làm".

Cách đây 36 năm, tôi đã từng được đi xuyên qua Trung Quốc để sang Liên Xô trên một chuyến tầu liên vận hồi ấy còn khá thô thiển. Trước đó, hàng ngày tôi mở máy thu thanh nghe từng bài, từng bài một của trung ương Ðảng CS Trung Quốc phê phán chủ nghĩa xét lại Khơrutsôp ở Liên Xô một cách gắt gao. Ðúng là người ta "dám" làm một chuyện tày trời khi đánh vào người cầm đầu phe XHCN hùng mạnh (khi tôi sang đến Liên Xô thì vừa đúng lúc Khơrutsôp đổ). Tất cả những thành phố Trung Hoa mà tầu hoả chúng tôi đi qua đều đỏ rực các băng cờ khẩu hiệu cổ vũ cho cuộc Ðại cách mạng Văn hoá Vô sản và lên án Chủ nghĩa xét lại. Dừng lại một hôm ở Bắc Kinh, tôi được trông thấy các tiểu hồng vệ binh "dám" áp tải các giáo sư đại học trên đường phố, và những người bị áp giải đó "dám" đeo trước ngực một cái bảng mang dòng chữ "Ðầu trâu mặt ngựa"...

Thế rồi cuộc Cách mạng đó cũng kết thúc, có thể là thắng lợi, có thể là thất bại tuỳ theo quan điểm mỗi người. Thế rồi Liên Xô tan vỡ. Thế rồi phe Xã hội chủ nghĩa chỉ còn có ba, bốn nước, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc. Thế rồi cả Trung quốc và Việt Nam ta đều thực hành đường lối "mở cửa"... Và tôi cố gắng theo dõi các diễn biến theo chiều hướng tốt đẹp của Trung Quốc.

Thật là dịp may hiếm có, vừa qua tôi có dịp được đi công cán ở nước bạn láng giềng vĩ đại, để tham quan, nghiên cứu và học tập về một lĩnh vực mà theo công luận thì ở nước ta rất là bí bét. Ðó là Giáo dục. Tôi muốn nhân dịp này kiểm chứng những suy nghĩ của mình về sự huyền bí Trung Hoa, về sự dám nghĩ dám làm của họ!

Trước khi tôi bay từ Hà Nội sang Bắc Kinh, ở nước ta đang có một cuộc bàn luận sôi nổi mang tính toàn quốc: đó là vấn đề ùn tắc giao thông ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Thực trạng thì đã rõ, còn giải pháp như thế nào là chuyện tranh luận triền miên. Nào là cần phải cấm nhập khẩu xe máy, nhất là xe máy giá rẻ của Trung Quốc, nào là tạm ngừng đăng ký xe máy, nào là cần đánh thuế trước bạ xe máy thật cao, thu tiền gửi xe máy thật nặng, nào là ngày chẵn đi biển số chẵn, ngày lẻ đi biển số lẻ, nào là..., thật không thể kể hết. Xem vậy thì ở ta cũng có những người (phần lớn là quan chức) có tinh thần dám nghĩ đấy chứ! Nhưng hình như người dám làm thì rất ít. Rút kinh nghiệm cái vụ "mũ bảo hiểm" là ai cũng ngán. Nghĩ ra việc bắt đội cái "nồi cơm điện" mỗi khi đi xe máy thì dễ ợt, nhưng làm mới là khó chứ, và thực tế chứng tỏ là không làm được![1]

Tôi là thầy giáo, làm nghề giáo dục, nhưng cố nhiên không ai cấm tôi quan tâm đến các vấn đề khác như giao thông chẳng hạn. Vì nhiều người không làm giáo dục vẫn cứ quan tâm đến giáo dục đấy thôi! Biết bao nhiêu nhà văn, nhà thơ đang ra sức chứng minh nền giáo dục của ta lại còn tồi tệ hơn giao thông đấy thôi! Bởi vậy, việc đầu tiên của tôi khi xuống Bắc Kinh là tập trung chú ý của mình vào vấn đề giao thông, còn vấn đề giáo dục để sau...

Không khó khăn gì lắm, tôi nhận ra ngay là so với Hà Nội, giao thông ở Bắc Kinh có mấy điều khác biệt: Một là trên đường phố tuyệt nhiên không có bóng dáng một chiếc xe máy nào (tất nhiên không phải vì xe máy được bán hết sang Việt Nam ta), mà chỉ có các loại ô tô và một số rất ít xe đạp (xe đạp có đường đi riêng). Hai là đường phố dành cho ô tô thì rất rộng rãi và có nhiều làn đường, đặc biệt là hệ thống các đường nhiều tầng (ta gọi là cầu vượt) có mặt khắp nơi, không biết bao nhiêu mà kể, hơn nữa kiến trúc trông rất hài hoà và đẹp mắt. Ba là mọi người tham gia giao thông đều chấp hành một cách tuyệt đối luật lệ đã ban hành. Bởi vậy ở những thành phố này không có vấn đề ách tắc giao thông, và do đó các kỳ họp Quốc hội của họ, không phải mất thì giờ thảo luận các giải pháp tháo gỡ.

Kể cũng lạ khi ở Bắc Kinh người ta có thể dễ dàng "dám" cấm đi xe máy vào thành phố, thì ở ta ngay cái việc tạm đình chỉ đăng ký xe máy cũng không "dám" thực thi. Cái thắc mắc ấy của tôi được một người bạn cùng đi với tôi giải thích: Là vì phương tiện giao thông công cộng của người ta đáp ứng được yêu cầu đi lại của dân. Anh thử nhìn vào các bến xe công cộng thì rõ: không hề có cảnh sắp hàng chờ xe. Ngoài ra, chắc đời sống của người dân cũng khá cao nên rất nhiều người đi taxi... Nhân tiện nói thêm, khi ở Bắc Kinh về, xe tôi đi qua đường Hoàng Quốc Việt vào lúc hơn 6 giờ chiều, trời mưa lạnh. Tôi bỗng thấy trên hè phố mọi người tập trung rất đông đúc. Cứ tưởng là có vụ "khiếu kiện đông người", nhưng hoá ra đó là khách đi xe buýt tháng chờ mãi mà không thấy xe đến. Có lẽ lúc ấy ai cũng muốn có một chiếc xe máy phóng ngay về nhà.

Nói sang một chuyện "cấm" có liên quan đến giáo dục: Ðó là việc cấm mở các lớp học dạy thêm, hoặc các lò luyện thi. Cũng giống như ở ta, ở Trung Quốc cái áp lực học Ðại học cũng rất lớn. Một cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Trung Quốc nói với chúng tôi: Nền giáo dục Trung Quốc vẫn còn mang nặng tính chất "ứng thí", học để đi thi, thi thì phải đậu, đậu để ra làm quan. Cho nên ai cũng muốn vào đại học, cho nên ai cũng muốn được luyện thi. Tình hình đó chẳng khác gì ở ta, thế mà vấn đề học thêm, dạy thêm ở ta luôn luôn là một vấn đề nhức nhối của ngành Giáo dục! Ðến thăm một trường trung học ở Thâm Quyến, khi trả lời câu hỏi của tôi về lương của giáo viên Trung học, ông Hiệu trưởng cho biết: lương chính của giáo viên một tháng cao nhất là 7000 tệ (tương đương với 14 triệu đồng Việt nam) và thấp nhất là 4000 tệ (tương đương với 8 triệu đồng Việt nam). Bấy giờ tôi mới vỡ lẽ: giá mà ở ta, lương giáo viên cũng tương đương như vậy thì đại đa số thầy giáo sẽ không đi dạy thêm, nghỉ ở nhà cho mát. Vấn đề ở ta là: học thêm là một yêu cầu của học sinh để được vào đại học, dạy thêm là một nhu cầu của giáo viên để tăng thu nhập vì đồng lương còn quá ít ỏi, không đủ sống. Như vậy thì còn lâu chúng ta mới có thể cấm học thêm, dạy thêm. Dẫu có ai đó "dám" nghĩ đến việc cấm học thêm dạy thêm, nhưng có lẽ không ai "dám" làm!

Ðoàn chúng tôi đã đi thăm và làm việc tại khá nhiều trường trung học ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến. Tôi không biết Trung Quốc có dám đề ra khẩu hiệu "Giáo dục là quốc sách hàng đầu" hay không, nhưng cứ nhìn vào cơ ngơi, trang thiết bị mà Nhà nước đã đầu tư cho các trường này, nhìn vào lương thưởng của giáo viên, thì thấy buồn cho quốc sách hàng đầu ở ta. Cố nhiên tôi hiểu rất rõ hoàn cảnh mỗi nước mỗi khác, truyền thống của mỗi nước một vẻ, nên có những điều bạn dám làm, nhưng ta thì chưa dám nghĩ tới. Bạn đang chuẩn bị để thực hiện Cải cách Giáo dục lần thứ 8 vào năm 2004. Còn ở nước ta thì sao? Chúng ta mới cách cách Giáo dục lần thứ 2 mà đã bị công luận kêu là thay đổi xoành xoạch thì ai mà chả run!
Có lẽ cái huyền bí của Trung Hoa không chỉ nằm ở chỗ dám nghĩ, dám làm mà còn ở chỗ cương quyết làm cho bằng được mới thôi!

GS. Văn Như Cương

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Bộ GD-DT

Lễ trao thưởng cho các học viên xuất sắc GYBM khóa 5 giai đoạn sơ cấp
(ĐHVHHN) – Sau 3 tháng học tập, 97 học viên GYMB khóa 5 đã vượt qua giai đoạn sơ cấp, với những thành công bước đầu. Chiều ngày 11/12/2015, Trường Đại học Văn...

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 22

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 20


Hôm nayHôm nay : 14505

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 181518

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7571930

Tin tổng hợp Xem tất cá các tin tổng hợp
Đăng lúc: 24-05-2016 09:51:02 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:42 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:25 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:04 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:46 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:26 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:05 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:48:45 PM
Thông tin bản quyền
    + TRƯỜNG THPT VÕ TRƯỜNG TOẢN
    + Đ/C: Cẩm Mỹ , Đồng Nai