»

Hộp vuông và khối tròn. Chiều thẳng đứng và chiều ngang

Thứ ba - 24/05/2016 21:37

(TiaSang)- Cho đến nay vẫn còn nhiều cách hiểu, cách định nghĩa khác nhau về vốn xã hội. Riêng tôi, tôi thích một hình ảnh sau đây do một người bạn của tôi đưa ra khi thử định nghĩa về vốn xã hội. Theo anh ta, nếu ta hình dung toàn bộ xã hội như một khối hộp hình vuông, thì sự quản lý của Nhà nước, mà trong bất cứ xã hội nào cũng tất phải có, có thể hình dung như một khối hình cầu trong cái hộp vuông đó.

 

Cái khối cầu đó có thể rất lớn, nhưng dầu có lớn đến bao nhiêu nữa cũng không thể nào lấp đầy hết khối hộp vuông kia. Bao giờ cũng còn những khoảng trống mà về nguyên tắc Nhà nước không thể lấp đầy. Để lấp đầy được những khoảng trống đó, chỉ có thể là cái mà ta gọi là vốn xã hội. Hiểu như vậy, thì vốn xã hội, cái cần có để lấp đầy xã hội, tạo nên hiệu quả kinh tế đầy đủ cho xã hội, chính là những gì ở ngoài Nhà nước, phi Nhà nước. Một xã hội chỉ có hoạt động của Nhà nước, tất cả đều quy về Nhà nước, Nhà nước bao lấy tất cả, Nhà nước hóa tất cả, thì sẽ là một xã hội nghèo, nghèo một cách tất yếu, về nguyên tắc, đơn điệu, và khô cằn.

 

 

Nhiều tác giả đã diễn đạt điều này theo nhiều cách khác nhau. Có người nói, rất đúng, rằng quan hệ Nhà nước là quan hệ theo chiều dọc, chiều thẳng đứng, chiều tôn ti trên dưới, mà quan hệ một chiều, thì như ta biết một cách vật lý, không thể trở thành không gian, không thể lấp đầy không gian xã hội. Vốn xã hội chính là quan hệ theo chiều ngang, nó cùng với quan hệ dọc, đứng trên kia, tạo thành không gian, lấp đầy không gian. Và như vậy, cũng có thể hiểu, vốn xã hội là một cái gì đó "đối lập" – xin hiểu từ này theo nghĩa triết học chứ không phải chính trị - với "vốn Nhà nước do Nhà nước tạo ra.
Đến đây, nếu ta đã tạm thời thống nhất với nhau được một cách hiểu như vậy, thì có thể bắt đầu đi vào thử xem xét thực tế hai thứ vốn đó ở ta trước nay là như thế nào. Theo tôi,  trong xã hội truyền thống của chúng ta, vốn xã hội khá phong phú. Có rất nhiều ví dụ. Chỉ thử xin nêu hai ví dụ. Thăng Long – Hà Nội là một Hà Nội 36 phố phường. Các "phường" của Hà Nội là gì? Đó là những hiệp hội ngành nghề từ các làng nghề hội tụ lên Thăng Long, kết với nhau một cách tự nguyên, tự tạo thành những mạng lưới hàng ngang, dựa vào sự hỗ trợ trên cơ sở tin cẩn với nhau mà cùng nhau làm ăn, tạo nên sức cạnh tranh, phát triển... Những phường hội đó là hoàn toàn phi Nhà nước, và hiệu quả thì rất lớn, như ta đều biết...
Hội An ở Quảng Nam có thể là ví dụ thứ hai. Điều đặc biệt là vốn xã hội mà đô thị thương cảng Hội An từng tạo được trong quá khứ cách đây mấy trăm năm, thì đến nay vẫn còn, có mất đi một thời gian, những năm gần đây đã được khôi phục và đang phát huy hiệu quả rất tốt. Chỉ xin nói chẳng hạn nghề may ở đây hiện nay. Chắc nhiều người đều biết là Hội An hiện nay có lẽ là nơi duy nhất ta có thể đặt may một bộ com-lê, "xuýt mơ-duya" hẳn hoi, chỉ trong ba tiếng đồng hồ, không phải một bộ mà thậm chí có thể hàng chục hay hàng trăm bộ một lúc, nhiều người nước ngoài đã làm như vậy để đóng thùng gửi về phương Tây. Đây là điều hoàn toàn do dân Hội An – chắc là do nhớ lại kinh nghiệm của cha ông mấy thế kỷ trước - tự nghĩ ra, tự kết hợp với nhau và tổ chức lấy, tự dệt thành một mạng lưới nghề may dày đặc, không ồn ào mà hết sức sinh động, linh hoạt, đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả. Xin tiết lộ: dân nội thị Hội An trong khoảng chục năm qua đã giàu lên rất nhiều, thậm chí có hộ, theo người có trách nhiệm ở đấy cho biết, mươi năm trước chưa hề có gì trong tay, nay đã đủ sức đầu tư xây dựng chẳng hạn một khách sạn cỡ năm sao như khách sạn Victoria đang có ở bờ biển Hội An... Rõ ràng dân Hội An đã tạo nên được một vốn xã hội rất mạnh. Có lẽ đây là một trong những ví dụ hùng hồn nhất về chủ đề ta đang muốn bàn ở đây.
Quảng Nam còn có một ví dụ cũng khá ấn tượng nữa về vấn đề này, mà vì thời gian tôi chỉ xin nhắc qua thôi. Đó là làng dệt Bảy Hiền ở Thành phố Hồ Chí Minh, hoàn toàn do người Quảng Nam, trong những điều kiện lịch sử nào đó đã phải chạy vào tìm đất làm ăn ở phương nam, tự kết hợp lại với nhau, tạo thành cả một khu công nghiệp dệt, cạnh tranh hiệu quả với cả một thế lực kinh tế dệt rất mạnh ở Sài Gòn là lực lượng người Hoa Chợ Lớn...
Trong chuyện Hội An có bàn tay "chỉ đạo", tổ chức nào của Nhà nước không? Theo chỗ tôi được biết thì không. Nhà nước, chính quyền chỉ làm mỗi một động tác hết sức quan trọng, là... không nói gì hết, không can thiệp gì cả, để cho dân tự làm lấy. Bất can thiệp hóa ra là chính sách lớn nhất, quan trọng nhất của Nhà nước ở đây.
Trong hiểu biết hạn chế của mình, tôi chỉ xin thử nêu vài ví dụ tích cực như vậy...
Xin nói tiếp đến khía cạnh thứ hai của vấn đề.
Trong kỳ họp lần này của Quốc hội thấy có đưa ra thảo luận Luật về Hội. Hình như thảo luận chưa xong, và phiên họp này chưa quyết định, để đến phiên sau. Tôi cũng chưa được biết luật ấy sẽ được quyết định theo hướng nào. Nhưng xin phép thú thật, tôi có lo. Thậm chí có người đã hỏi (hỏi thầm thôi!): sao lại có chuyện Luật Hội? Tôi rất lo chúng ta sẽ Nhà nước hoá tất cả các hội. Thật ra thì lâu nay cũng đã Nhà nước hóa rồi, lần này không khéo sẽ luật hóa một cách chính thức hơn sự Nhà nước hóa ấy thôi.
Theo tôi, hội phải là phường hội thì mới có thể làm nên vốn xã hội, Nhà nước hóa các hội tức là ta sẽ biến tất cả quan hệ ngang vốn dệt nên vốn xã hội thành quan hệ dọc, và như vậy sẽ không còn không gian xã hội nữa, chỉ còn một thứ xã hội đơn tuyến, khô cằn, nghèo nàn. Chính chúng ta đã làm điều đó trong một thời kỳ rất dài, và nói cho thật đúng, đến nay, về nguyên lý, vẫn còn chủ trương như vậy. Chúng ta nhấn mạnh đến sự "lãnh đạo toàn diện", không để cho bất cứ lĩnh vực nào, hoạt động nào của xã hội được lọt ra ngoài sự chăm sóc, lãnh đạo, điều hành của một Nhà nước tập trung. Như vậy, về nguyên tắc, là triệt tiêu mọi nguồn lực có thể tạo nên vốn xã hội. Các hội chúng ta đang có, tất cả, đều thực chất là một kiểu cơ quan Nhà nước không hơn không kém, việc chúng đều được Nhà nước trả lương là một bằng chứng không thể chối cãi. Và như vậy thì tất yếu không có xã hội dân sự. Chỉ còn có độc quyền, "độc điều hành", "độc chỉ huy" của Nhà nước.
Vậy đặt vấn đề vốn xã hội trong xã hội chúng ta hiện nay về lý thuyết và về thực tế là đặt vấn đề phá vỡ một trong những nguyên lý điều hành xã hội cơ bản nhất đang hiện hành.    
Bây giờ thử nghĩ lại xem sự kiện rất quan trọng mà ta vẫn gọi là Đổi mới năm 1986 – bây giờ được coi là cuộc đổi mới lần thứ nhất – thực chất là gì? Theo tôi, cũng có thể nói một cách vắn tắt, đơn giản nhưng thực chất, đổi mới lần ấy thực ra chỉ là ta đã giác ngộ ra và từ bỏ độc quyền quản lý của Nhà nước ở nhiều lĩnh vực của đời sống, một thứ quyền quản lý bây giờ ngẫm lại thật kỳ quặc và vô lý vậy mà ta cứ khư khư giữ chặt lấy suốt bao nhiêu năm, trả lại quyền sống, quyền tự quyết định lấy sự làm ăn và sự tiêu dùng bình thường của con người. Thật ra hồi đó là người dân, trước hết là nông dân, đã nhất quyết đứng lên – bằng cách "chui" – tự mình giành lại quyền đó, quyền tạo ra vốn xã hội, để giải phóng xã hội ra khỏi một tình trạng nghèo khốn vô lý, hoàn toàn không đáng có. Bằng cách đó, chính người dân lúc bấy giờ đã "cứu" xã hội ra khỏi khủng hoảng đã gần đến mức lâm nguy. 

Ngày nay đang cần một cuộc giải phóng tiếp như vậy nữa. Tôi rất mong Luật về Hội của Quốc hội lần này sẽ là một luật phi Nhà nước hóa các hội, Nhà nước cần từ bỏ quyền quản lý, "lãnh đạo toàn diện" các hội. Đừng biến các hội thành một thứ cánh tay nối dài của Nhà nước, một thứ Nhà nước thứ hai (hay thứ ba). Trả quyền lập hội để tạo lực xã hội lại cho dân, để cho dân có thể lấp đầy những khoảng trống trong cái khối hộp vuông xã hội mà Nhà nước, bất cứ Nhà nước nào, về nguyên tắc đều không thể lấp đầy được.    

Vì vậy, đặt vấn đề vốn xã hội lần này, theo một ý nghĩa nào đó, cũng chính là đặt vấn đề về thực chất của nội dung một cuộc đổi mới lần thứ hai. Một cuộc giải phóng lần thứ hai những tiềm lực đã từng chứng minh sự giàu có của nó trong lịch sử của chính chúng ta. 
 

  Ứng dụng mới của vốn xã hội?
Khi vốn xã hội có đặc tính nào đó như “vốn”, chứ không khác biệt hoàn toàn, ta có thể vận dụng và triển khai vào trường hợp của vốn xã hội hay không?
Điều này là có thể và đặc biệt quan trọng, nhất là ở các nước đang phát triển, nơi đang cố tìm mọi cách tìm ra một điều gì đó mới lạ nhằm bổ sung vào kho tàng lý luận nhiều khi đã quá lạc hậu, và vào nguồn vốn vật thể hiện hữu để thoát kiếp đói nghèo và nhược tiểu. 


Thực tế cho thấy cùng một trường hợp như nhau nhưng doanh nghiệp nào tạo ra được một cấu trúc vốn độc đáo với các công cụ kết hợp phong phú, giá trị của doanh nghiệp đó có thể tăng lên đáng kể. Như vậy, một công ty hay một định chế, ngoài các loại vốn hiểu theo nghĩa truyền thống, còn có thể huy động thông qua các công cụ là chứng khoán ngoại lai (exotic security). Các khoản vay nợ kết hợp với option mua cổ phiếu, chẳng hạn, và hàng ngàn cách kết hợp khác mà khó có ai thông thạo hết, cho dù có là các chuyên gia thứ thiệt, là điển hình của các kết hợp “vốn” độc đáo đó.
Tương tự, vốn xã hội có thể là một kếp hợp giữa những gì chung của cộng đồng và thừa nhận tính độc đáo, kiểu như “1 quốc gia 2 chế độ”. Hoặc nhiều ông bộ trưởng cũng có thể là người ngoài đảng ngay trong lòng của một đảng cầm quyền. Điều này có nghĩa, các nước có thể cùng một hoàn cảnh như nhau, nhưng nếu nước nào có được những kết hợp độc đáo trong gây dựng vốn xã hội vẫn có thể trở nên giàu có và thịnh vượng.
Sở dĩ như thế là do, thay vì tư duy theo lối cơ khí máy móc, vốn xã hội được tiếp cận theo lối tư duy hệ thống. Cách tiếp cận đặt trọng tâm vào mối quan hệ tương tác giữa các phần và của toàn hệ thống, thay vì chỉ duy nhất trong bản thân của chính từng bộ phận. Hiện tượng “đảng hóa” bộ máy nhà nước trong các chính đảng cầm quyền chính là do cách tiếp cận theo lối tư duy cơ học mà ra, thay vì là lối tư duy hệ thống.

Muốn hình thành và chuyển hóa vốn xã hội thành một động lực để phát triển, không những chỉ tìm cách tạo lập các yếu tố cấu thành mà còn cách phải thay đổi cả hệ thống, nếu như hệ thống đó là lực cản làm cho vốn xã hội mãi mãi không thể tuần hoàn và chỉ dừng lại ở dạng tiềm năng mà thôi.

PGS.TS Trần Ngọc Thơ

Nếu thiếu chiều sâu văn hóa

Sự phát triển kinh tế thường đi song song với sự cải thiện đời sống về mặt vật chất. Nhưng một vùng đất nào đó rất giàu có về vật chất thuần túy mà thiếu vắng vốn xã hội. Nghĩa là thiếu đi chiều sâu văn hóa và chiều cao nhân văn thì đấy cũng chỉ là một hình thức phồn vinh thô thiển mà người xưa gọi là “trọc phú” (thanh bần hơn trọc phú) hay theo mắt nhìn của quần chúng bình dân là “giàu mà không sang”. Hình ảnh của những vùng đất giàu vốn vật chất mà nghèo vốn xã hội thường xuất hiện trong những vùng kinh tế “nước nổi”. Nếu có dịp ghé đến những vùng kinh tế quanh các khu quân sự, hầm mỏ hay hãng xưởng khai thác kinh doanh tạm thời ở Philipines, Panama, Trung Đông, Nam Phi... sẽ thấy rõ hình ảnh “giàu mà không sang” này xuất hiện nhan nhản. Theo Sennett, R. (1998) thì “Dấu hiệu báo động đầu tiên của sự suy thoái nguồn vốn xã hội là số người phát giàu mà không làm gì cả hay kiếm lợi bất chính một cách công khai càng lúc càng đông và khoảng cách giữa những người nghèo lương thiện và những người giàu gian manh mỗi ngày một lớn”.

Các nhà nghiên cứu về nguồn vốn xã hội trong tương quan kinh tế đều đồng ý với nhau rằng, một nền kinh tế lành mạnh trong một đất nước có kỷ cương và văn hiến không thể nào thiếu vắng nguồn vốn xã hội. Friedland (2003) đã nêu dẫn trường hợp các nước Châu Mỹ La tinh và sự èo uột của vốn xã hội. Giới lãnh đạo và thân hào nhân sĩ trong vùng thường vinh danh tinh thần địa phương và lòng tự hào nhân chủng một cách quá bảo thủ và cực đoan đến độ lơ là không quan tâm đúng mức đến sự hun đúc, nuôi dưỡng và phát triển nguồn vốn xã hội. Hậu quả là sự thiếu hợp tác giữa những thành viên xã hội và các thế lực đầu tư đã đưa đến quan hệ một chiều và dẫn đến chỗ vốn xã hội bị phá sản. Các nhà kinh doanh đầu tư nản lòng lui bước. Thay vì hợp tác song phương trong tinh thần ngay thẳng, bình đẳng và danh dự thì lại biến tướng thành quan hệ “đút” (bribe) và “đớp” (being bribed) trong mối quan hệ bệnh hoạn của hối lộ và tham nhũng. Kết quả là hơn một thế kỷ qua, các nước nghèo vẫn nghèo. Dân chúng vẫn lầm than; nền kinh tế các nước trong vùng rất giàu tài nguyên nhưng vẫn kiệt quệ vì giới tài phiệt sử dụng nhân lực và tài nguyên đất nước để làm giàu cho riêng cá nhân, gia đình và dòng họ của mình rồi tìm cách chuyển tiền của và gửi con cháu của mình ra nước ngoài du học và lập nghiệp.
Kẻ thù dai dẳng nhất của quá trình tích lũy, phát triển nguồn vốn xã hội là tham nhũng. Bởi vậy, vốn xã hội và tham nhũng có mối quan hệ nghịch chiều với nhau: Nạn tham nhũng càng bành trướng, vốn xã hội càng co lại. Khi tham nhũng trở thành “đạo hành xử” hàng ngày thì cũng là lúc vốn xã hội đang trên đà phá sản.
Trần Kiêm Đoàn (Mỹ)

 

 Nhà văn Nguyên Ngọc

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Bộ GD-DT

Lễ trao thưởng cho các học viên xuất sắc GYBM khóa 5 giai đoạn sơ cấp
(ĐHVHHN) – Sau 3 tháng học tập, 97 học viên GYMB khóa 5 đã vượt qua giai đoạn sơ cấp, với những thành công bước đầu. Chiều ngày 11/12/2015, Trường Đại học Văn...

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 27


Hôm nayHôm nay : 2140

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 87805

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7478217

Tin tổng hợp Xem tất cá các tin tổng hợp
Đăng lúc: 24-05-2016 09:51:02 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:42 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:25 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:04 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:46 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:26 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:05 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:48:45 PM
Thông tin bản quyền
    + TRƯỜNG THPT VÕ TRƯỜNG TOẢN
    + Đ/C: Cẩm Mỹ , Đồng Nai