»

Hội thảo KH: “Những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng và các giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW 5 khóa VIII’’

Thứ tư - 30/03/2016 14:28
(ĐHVH)- Sáng ngày 23 tháng 05 năm 2013, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học “Những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng và các giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII’’. Đây là một trong những hoạt động nhằm phục vụ tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đoàn chủ tịch điều hành Hội thảo

Tham dự và chỉ đạo hội thảo, về phía khách mời có TS. Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết TW5 Khóa VIII, đồng chí Hồ Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, GS.TS. Đinh Xuân Dũng- Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học - Nghệ thuật TƯ, các đồng chí là cán bộ quản lý trong lĩnh vực văn hóa ở các cấp, các nhà nghiên cứu và các giảng viên đến từ các Cơ quan, Cục, Viện và Trường Đại học trong nước.

Về phía Trường Đại học Văn hóa Hà Nội có PGS.TS. Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng nhà trường, ThS. Hoàng Trọng Nhất, Phó Hiệu trưởng nhà trường, PGS.TS. Đinh Thị Vân Chi, Phó hiệu trưởng nhà trường và đông đảo cán bộ giảng viên nhà trường cùng tham dự.

Hội thảo đã nhận được 28 thạm luận  gửi về và lắng nghe 9 ý kiến phát biểu. Các ý kiến tập trung bàn luận cả về mặt lý luận và thực tiễn việc thực hiện Nghị quyết TW5 - Khóa VIII thông qua những khảo cứu, phân tích và tổng kết tình hình sau 15 năm thực hiện. Với tên gọi “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị Quyết đã đưa ra 10 nhiệm vụ chiến lược và 4 nhóm giải pháp. Về cơ bản, trong 15 năm thực hiện Nghị quyết TW5, nước ta đã đạt được nhiều kết quả nhất là về đường lối, chính sách và thể chế. Với xu hướng toàn cầu hóa, văn hóa cũng đã phát triển phong phú với nhiều bước tiến mới. Tuy nhiên, vì sự biến đổi không ngừng của xã hội nên khó tránh khỏi những hạn chế cần được bổ sung và sửa đổi kịp thời.


 

GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học,

Viện Hàn lâm KHXH VN chia sẻ tại Hội thảo

Về mặt lý luận, có ý kiến cho rằng cần làm rõ một số khái niệm như “văn hóa” và “nền văn hóa” để sử dụng nhất quán trong các văn kiện; hiểu rạch ròi quan niệm về “bản sắc văn hóa dân tộc (quốc gia) ” hay “bản sắc văn hóa tộc người” và làm rõ nhận thức luận điểm “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”. Theo GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn (Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), ông hoàn toàn nhất trí khi Nghị quyết TW 5- Khóa VIII khi gắn kết văn hóa với sự phát triển kinh tế xã hội. Điều này một lần nữa khẳng định vai trò của Văn hóa trong mối quan hệ với sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Từ đó, GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn cho rằng: để đất nước có thể phát triển bền vững thì văn hóa phải trở thành một trong tứ trụ bên cạnh yếu tố Xã hội- Kinh tế và Môi trường. Đồng quan điểm với ý kiến trên, ThS Hoàng Trọng Nhất, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cũng đưa ra ý kiến cho rằng văn hóa là động lực nội sinh và phải đi trước một bước để hỗ trợ kinh tế, xã hội phát triển và phát triển bền vững…v.v.

Về mặt thực tiễn, trải qua 15 năm thực hiện Nghị quyết TW5- Khóa VIII, tham luận của PGS.TS. Đinh Thị Vân Chi với nội dung “Bước đầu đánh giá mức độ đi vào cuộc sống của NQTW5 Khóa VIII và hướng phát triển văn hóa Việt Nam trong thời gian tới”đã đưa ra những đánh giá: về mặt tư tưởng đạo đức, lối sống của con người Việt Nam, tuy công tác tuyên truyền giáo dục về nhiệm vụ này được chú trọng thực hiện ở các địa phương và có tác động tốt đến nhận thức của người dân với việc xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt, hết lòng vì sự nghiệp chung của xã hội nhưng bên cạnh đó, vẫn còn xuất hiện một số bộ phận dân cư có biểu hiện sống buông thả, thiếu tôn trọng pháp luật và mất niềm tin vào cuộc sống...; về xây dựng môi trường văn hóa cũng có nhiều phong trào được triển khai và có tác động tích cực đến người dân, tạo nên sự thi đua giữa các gia đình như phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "phong trào ông bà gương mẫu, con cháu hiếu thảo".... Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số những bất cập biểu hiện ở một số thủ tục trong tang ma, cưới xin... Về vấn đề bảo tồn, phát huy và phát triển nền văn hóa các dân tộc thiểu số cũng đã có những hạn chế nhất định mà nguyên nhân là do một số phong trào như "đời sống văn hóa", "gia đình văn hóa", "nông thôn mới" được triển khai đã áp dụng một số tiêu chí chung giống nhau, làm mất dần đi nét đặc trưng văn hóa vùng miền và dân tộc. Đặc biệt, việc củng cố xây dựng và hoàn thiện thể chế, thiết chế văn hóa cũng được PGS. TS. Đinh Thị Vân Chi chỉ rõ một số bất cập như việc chạy theo số lượng và thành tích của một số địa phương dẫn đến lãng phí trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng (nhà văn hóa, sân thể thao, nhà thi đấu...). Hiện nay, đội ngũ cán bộ văn hóa còn thiếu và yếu, các chính sách phát triển văn hóa cũng chưa đồng bộ và thống nhất...v.v. Tham luận còn đưa ra những nhiệm vụ quan trọng cấp bách cần thực hiện trong giai đoạn tới trong đó nhấn mạnh việc tập trung xây dựng con người Việt Nam thời đại mới và bắt đầu từ việc xây dựng văn hóa cá nhân của mỗi người để xây dựng văn hóa chung của cộng đồng...v.v.

PGS.TS Nguyễn Hữu Thức (Ban Tuyên giáo Trung ương) cũng đã có những đánh giá cụ thể về việc “Phát triển, quản lý và phát huy tác dụng của hệ thống thiết chế văn hóa ở nước ta sau 15 năm thực hiện Nghị quyết TW5 – Khóa VIII”. TS Trần Hữu Sơn – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cũng chia sẻ nhiều ý kiến thiết thực về những bất cập trong việc thực hiện những chủ trương theo tinh thần Nghị quyết TW5 tại tỉnh Lào Cai nói riêng và các tỉnh khu vực miền núi nói chung. Theo Tiến sĩ, cần bắt đầu từ bài toán cơ chế để giải quyết những nghịch lý đang diễn ra ở một số mặt của văn hóa trong đó có việc đi xuống về chất lượng sáng tạo văn học nghệ thuật. Bên cạnh đó, các di sản văn hóa truyền thống cũng đang bị mai một nghiêm trọng tại nhiều dân tộc miền núi… Ông cho rằng, việc người dân bỏ hoang rất nhiều chợ, nhà văn hóa mới xây tại các tỉnh miền núi là kết quả của việc thực hiện chính sách chưa phù hợp. Vì vậy, cần có những chính sách đặc thù dành cho các tỉnh miền núi…v.v.


 

GS.TS Đinh Xuân Dũng - Phó chủ tịch HĐ LLPBVH-NTTƯ

Phát biểu tại Hội thảo

Có thể thấy, những vấn đề mà Hội thảo tập trung bàn luận rất thiết thực. Chia sẻ tại Hội thảo, GS.TS Đinh Xuân Dũng khẳng định tầm quan trọng của việc làm thế nào để cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, vào từng gia đình và cá nhân trong cộng đồng. Phải làm thế nào để văn hóa trở thành nhu cầu tìm hiểu và hướng tới của mỗi cá nhân. Và nhiệm vụ cấp bách hiện nay theo GS. TS Đinh Xuân Dũng là cần gắn chặt văn hóa với chính trị, kinh tế, y tế, giáo dục… v.v. Cần xây dựng văn hóa chính trị nếu không nhiều khi chính trị trở thành thô bạo. Cũng như vậy, cần gắn chặt văn hóa với kinh tế, giáo dục, y tế bởi hiện nay, nước ta đang có dấu hiệu tăng trưởng mất gốc. GS.TS. Đinh Xuân Dũng cũng nhấn mạnh rằng cần hiểu đúng về cấu trúc văn hóa, không chỉ chú ý về cấu trúc bề mặt của nó với sự đa dạng của các sản phẩm văn hóa mà còn với vai trò điều tiết, định hướng xã hội. Và một điều rất quan trọng được ông nhấn mạnh rằng: “ Chúng ta cần cố gắng để khắc phục những hạn chế của lịch sử và việc xây dựng con người, đạo đức của con người Việt Nam hiện nay cần làm rõ vai trò của văn hóa. Như TS. Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ đã phát biểu tại hội thảo: “Con người là cốt lõi của văn hóa”.  Bên cạnh đó, chúng ta cần phải đúc kết ra những giá trị văn hóa mới trong giai đoạn đấu tranh quyết liệt giữa cái mới và cái truyền thống đang tồn tại hiện nay”.

Hội thảo diễn ra trong không khí cởi mở và thẳng thắng nhìn nhận, chỉ ra được những hạn chế và thực trạng nền văn hóa dân tộc hiện nay sau 15 năm thực hiện Nghị quyết TW5 – Khóa VIII. Từ đó, hội thảo đã bàn về những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng và các giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết này. Trong bối cảnh hiện nay, Đảng ta cần thực hiện sát sao hơn nữa những nhiệm vụ trên đồng thời nâng cao vai trò quản lý ở các cấp từ Trung ương đến địa phương. Và quan trọng hơn cả là phải làm sao để văn hóa thấm nhuần vào từng cá nhân, từng gia đình trong cộng đồng xã hội. Những ý kiến nêu ra tại hội thảo lần này sẽ là cơ sở quan trọng đóng góp cho việc hoàn thiện hơn về những nhiệm vụ và giải pháp để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 – Khóa VIII trong giai đoạn tới.
 
Một số hình ảnh tại Hội thảo:

PGS.TS Nguyễn Văn Cương – Đại diện đoàn chủ tịch
khai mạc Hội thảo


          PGS.TS. Đinh Thị Vân Chi- Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa HN

đọc báo cáo đề dẫn tại Hội thảo

  
PGS.TS Lê Quý Đức, Học viện Hành chính QG HCM,
trình bày tham luận
 
 GS.TS. Hoàng Vinh, Học viện Hành chính QG HCM,
trình bày tham luận
  
PGS.TS. Nguyễn Hữu Thức, Ban Tuyên giáo TW,
trình bày tham luận
 
TS. Trần Hữu Sơn – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai,
trình bày tham luận

 
TS. Nguyễn Viết Chức- Viện NCVH Thăng Long,
trình bày tham luận
 
ThS. Hoàng Trọng Nhất – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHVH HN,
phát biểu ý kiến
 
Toàn cảnh Hội thảo
 
Bài và ảnh: Phòng CTSV
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Bộ GD-DT

Lễ trao thưởng cho các học viên xuất sắc GYBM khóa 5 giai đoạn sơ cấp
(ĐHVHHN) – Sau 3 tháng học tập, 97 học viên GYMB khóa 5 đã vượt qua giai đoạn sơ cấp, với những thành công bước đầu. Chiều ngày 11/12/2015, Trường Đại học Văn...

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 93

Máy chủ tìm kiếm : 90

Khách viếng thăm : 3


Hôm nayHôm nay : 2157

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 184039

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7574451

Tin tổng hợp Xem tất cá các tin tổng hợp
Đăng lúc: 25-05-2016 08:51:02 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:42 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:25 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:04 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:46 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:26 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:05 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:48:45 AM
Thông tin bản quyền
    + TRƯỜNG THPT VÕ TRƯỜNG TOẢN
    + Đ/C: Cẩm Mỹ , Đồng Nai