»

Hà Nội 21 cửa ô và Hà Nội 5 cửa ô

Thứ ba - 24/05/2016 13:36
(VNN)- ...Ô Cầu Giấy ra đời từ thời Lý khi kinh thành mở ra về phía tây. Nay vào thế kỉ XXI với chế độ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa đang mở rộng hết cỡ Thủ đô về phía tây, tôi thiết nghĩ chúng ta nên xây dựng lại hình ảnh của cái cửa ô này...

Hoàng Kế Viêm (1820-1909) sinh tại tỉnh Quảng Bình, là con trai út Thượng thư Hoàng Kim Xán dưới triều Gia Long, được vua Minh Mạng gả con gái là công chúa Hương La. Sau làm quan ở nhiều địa phương, ở đâu Hoàng Kế Viêm cũng là một vị quan thanh liêm, quan tâm đến đời sống nhân dân nên dân được an cư lạc nghiệp.

 

Hậu duệ của Hoàng Kế Viêm bên lăng mộ ông được xây dựng từ năm 1909 tại Văn La (Quảng Bình) - Nguồn ảnh: HNM 

Lúc bấy giờ, tình hình biên cương phía bắc rất phức tạp: quân phỉ từ bên kia biên giới tràn sang, Lý Tam Đường chiếm cứ vùng Thái Nguyên, Lý Dương Tài, đánh phá Lạng Sơn; bọn Cờ Vàng, Cờ Đen, Cờ Trắng đóng chiếm cả một dải thượng du; bọn Hoàng Tề, Tô Tứ quấy nhiễu ở ven biển… Nguyễn Tri Phương tâu xin vua cho Hoàng Kế Viêm được toàn quyền làm tướng dẹp giặc. Tự Đức ban cho Hoàng Kế Viêm một thanh gươm vàng và 5 lá cờ lệnh, coi đó là ân điển của triều đình. Hoàng Kế Viêm đã dẹp được giặc ở biên cương, thu phục được quân Cờ Đen, góp phần làm nên chiến thắng Ô Cầu Giấy sau này. Năm 1872, ông được phong Bắc Kỳ Đại nguyên soái, năm 1873 Tiết chế quân vụ Bắc Kỳ...

 

Ngày 20.11.1873, viên đại úy Françis Garnier với 200 quân tấn công thành Hà Nội, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương trấn giữ thành bị thương nặng, tuyệt thực và hy sinh, Hà Nội thất thủ. Thành Hà Nội mất, song hai cánh quân của triều đình do Hoàng Kế Viêm và Trương Quang Đản chỉ huy vẫn còn nguyên vẹn. Triều đình Huế không muốn dựa vào lực lượng này để giành lại đất đai bị mất, mà muốn qua thương lượng để chuộc lại. Được đà, quân Pháp đánh chiếm Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình… Trong lúc phái đoàn Trần Đình Túc (làm tổng đốc sau khi Nguyễn Tri Phương mất) đang đàm phán với F. Garnier, Hoàng Kế Viêm lệnh cho cánh quân Lưu Vĩnh Phúc phối hợp với quân triều đình do ông tổng chỉ huy bố trí mai phục ở Ô Cầu Giấy, mặt khác cho quân vào thành Hà Nội khiêu chiến buộc F. Garnier tạm dừng thương lượng, tự dẫn quân đi ứng chiến và sa vào ổ phục kích. Trận chiến xảy ra ác liệt. Quân của Hoàng Kế Viêm chém đầu F. Gernier vào giữa trưa ngày 21.12.1873... (Đỗ Duy Văn, “Hoàng Kế Viêm với chiến thắng Ô Cầu Giấy”)

Thế nhưng, triều đình Huế bạc nhược đã lệnh cho Hoàng Kế Viêm (cũng như cánh quân của Trương Quang Đản) phải rút lui khỏi Hà Nội về Sơn Tây. Theo hòa ước Giáp Tuất 1874, Pháp trả thành Hà Nội, lúc này do Tổng đốc Hoàng Diệu trấn giữ. Năm 1878, Hoàng Kế Viêm được phong Thự Đông các Đại học sĩ và ngay sau đó ông được lệnh điều quân đi dẹp bọn giặc Lý Dương Tài đang quấy phá ở Lạng Sơn. Một năm sau bọn Lý Dương Tài bị đánh tan... Biết giặc Pháp không từ bỏ đánh chiếm Bắc Kỳ, năm 1882, Hoàng Kế Viêm cùng Hoàng Diệu tâu vua Tự Đức xin đưa quân về ứng cứu Hà Nội. 8 giờ ngày 25.4.1882, viên Đại tá Henri Rivière, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Kỳ gửi tối hậu thư buộc Hoàng Diệu đầu hàng. Tổng đốc Hoàng Diệu không thèm trả lời. 15 phút sau địch tấn công thành Hà Nội, quân triều đình chống giữ không nổi, Hà Nội thất thủ, Hoàng Diệu tuẫn tiết.

Hà Nội thất thủ và cái chết của Hoàng Diệu làm cho nhân dân Bắc Kỳ sôi sục căm thù. Lúc này, cánh quân Hoàng Kế Viêm vẫn án binh bất động. Triều đình không dựa vào lực lượng này để đẩy mạnh cuộc kháng chiến, trái lại, phái người ra Hà Nội thương thuyết và lệnh cho Hoàng Kế Viêm và Nguyễn Chính lui quân về Hà Đông. Hai ông phản ứng, dâng sớ vạch tội Pháp. Hoàng Kế Viêm kháng sắc dụ bãi binh. Tự Đức giao cho triều đình luận tội ông đã trái lệnh vua, mặt khác lấy tình gia tộc khẩn cầu ông bãi binh... Ông khẳng khái: "Vua ta sợ giao chiến mãi với Pháp, mãi không thấy thắng sẽ mất cả giang san, lo sợ không còn đất đai cho hoàng gia sinh sống. Chúng ta có quyền tự hỏi: Tại sao nhà vua không hỏi rằng toàn dân sẽ ở vào đâu?"... (Tôi (ĐT) nhấn mạnh).

 

 
 
Ô Cầu Giấy, nơi đại úy Françis Garnier thất thủ (năm 1873)- Nguồn ảnh: nguyentl.free.fr
Sau khi Hà Nội thất thủ, nhân dân Hà Nội nổi dậy chống Pháp. Ngày 24.3.1883, H. Rivière đưa quân đánh chiếm Nam Định. Thừa cơ, 2 đạo quân do Hoàng Kế Viêm và Trương Quang Đản chỉ huy đã hội quân vây Hà Nội. Quân Trương Quang Đản áp sát tuyến ven sông Hồng, quân Hoàng Kế Viêm án ngữ dọc bờ sông Tô. Rạng sáng 26.3.1883, Hoàng Kế Viêm cho 4.000 quân từ phủ Hoài Đức tiến về Hà Nội, tấn công một số căn cứ giặc ở trong thành, quân Trương Quang Đản chặn đánh dọc sông Hồng, pháo kích căn cứ Đồn Thủy.

 

Quân của Hoàng Kế Viêm đem cả voi đi tuần trong lòng Hà Nội, tấn công cứ điểm Hàm Long… buộc H. Rivière phải xin lệnh Thống đốc ở Sài Gòn dẫn quân ra phủ Hoài Đức. 4 giờ ngày 19.5.1883, H. Rivière chỉ huy 500 quân theo đường Trường Thi kéo quân về phủ Hoài Đức. Quân Pháp lọt vào ổ phục kích ở Hạ Yên Quyết, Trung Thôn và bị đánh bất ngờ đã tháo chạy ngang qua vị trí cánh quân ta mai phục ở Tiền  Thôn. Quân mai phục xung phong đồng loạt và H. Rivière bị chém đầu. Thế là trong 2 chiến thắng Ô Cầu Giấy cách nhau 10 năm (1873-1883), hai viên tổng chỉ huy quân Pháp ở Bắc Kỳ bị chặt đầu trên đất Ô Cầu Giấy. Người chỉ huy lập nên 2 chiến thắng đó là Thống đốc Trấn Bắc Đại tướng quân Hoàng Kế Viêm. (Đỗ Duy Văn, “Hoàng Kế Viêm với chiến thắng Ô Cầu Giấy”)
Ngày 17 tháng 7 năm 1883, vua Tự Đức băng hà. Trong di chiếu nhà vua đã viết: “Thống đốc Hoàng Kế Viêm thân tuy ngoài Bắc, thực quan hệ đến biên phòng, lâu nay dẹp yên biên giới Bắc Kỳ, trung thành công nghiệp rực rỡ. Giao cho người làm Trấn Bắc Đại tướng quân, các việc bình Tây, định Bắc đều giao cả cho người…”

Như vậy, hai viên sĩ quan chỉ huy của thực dân Pháp đều bỏ mạng ở cửa ô này. Tam nguyên Yên Ðổ Nguyễn Khuyến đã làm bài tế đầy trào lộng các ông quan thực dân ấy, dân kinh thành ai cũng thuộc, đọc như đọc vè:

Nhớ ông xưa: 
Tóc ông quăn
Mũi ông lõ... 
Ai ngờ nó chém cổ ông mất
Ðầu ông nó mang đi
Xác ông nó để đó
Chúng tôi vâng lệnh triều đình
Tế ông: 
Chuối một buồng
Rượu một tuần
Trứng một ổ
Ông ăn cho no
Ông nằm cho yên
Khốn nạn thân ông...

Có một điều khó hiểu là tại sao đến nay ở quận Cầu Giấy hay Thành phố Hà Nội chưa có con đường hay con phố nào mang tên Hoàng Kế Viêm.

Trong cuộc Giải phóng Thủ đô oai hùng năm 1954 chúng ta được biết vào sáng 10.10.1954, Tiểu đoàn 265 của Trung đoàn 57 được lệnh vào tiếp quản đồn Cầu Giấy khi cả phố Cầu Giấy vẫn vắng lặng. Khi quân Pháp rút lui, chiến sĩ của ta vào trong đồn thì ngoài phố cờ đỏ sao vàng đã rực rỡ cả vùng cửa ô. Từ đây, tiểu đoàn hành quân theo đường Kim Mã vào gò Ðống Ða, ga Hà Nội, nhà Ðấu Xảo. Quân ta đi đến đâu, cờ hoa mọc lên đến đó đỏ rực phố phường. Xin có mấy câu thơ để tưởng nhớ ngày cách đây gần 55 năm:

Ma quỷ cuồng ngông
Lại ném bom đốt cờ
Vận nước lại một phen đen bạc
Những lá cờ lại được giấu trong tim
9 năm đi tìm
Hồn dân tộc tưởng chừng như tắt lịm
Nhưng
Những họng pháo đã gầm lên
Đào cái huyệt cuối cùng
Chôn lũ trời không dung
Xây nền cho một cột cờ vĩnh cửu
"Cửu cửu càn khôn dĩ định"
81 năm qua đi 
Hoa lại nở trên đường đoàn quân về tiếp quản
"Hồ binh bát vạn nhập Tràng An"
Hà Nội ơi các mẹ lại may cờ
Công khai
Trước những cái nhìn làm ngơ của những tên hung tặc cuối cùng
Đoàn quân trang phục chỉnh tề trùng trùng điệp điệp
Tiến vào đến đâu cờ đỏ sao vàng mọc lên đến đó
Để Thủ đô rợp bóng cờ bay…

 

Quận Cầu Giấy - Nguồn ảnh: VNN

 

Vào đại học, tôi đi học trong Đại học Sư phạm (nơi được gọi là “Ki-lô-mét số 8 đường Hà Nội - Sơn Tây”), lại được thường xuyên qua lại nơi cửa ô lịch sử này. Khi đó, nhiều bạn gái sống nơi phố cổ chưa từng một lần đến Cầu Giấy đâu đấy, vì nó vẫn hoang vu và heo hút lắm, “nhà quê” lắm. Cái để lại ấn tượng nhất về cửa ô này là một bến cuối tầu điện với những cột điện bằng sắt sơn đen. Giờ nó không còn, nhớ ghê gớm. Cầu Giấy cách đây khoảng hơn 25 năm xây bằng gạch, rất nhỏ, chắc chỉ đủ cho hai ô tô tránh nhau (vậy là kém cái cầu xưa của các cụ ghê gớm lắm). Chẳng rõ gì nguồn gốc, lũ sinh viên chúng tôi hay đùa là cầu này được gọi là Cầu Giấy vì sáng ra chân cầu có rất nhiều giấy [báo]. Không giải thích thì chắc rằng các bạn trẻ không biết được hồi đó giấy báo là rất lí tưởng để làm toilet paper. Tầm nửa đêm về sáng có hai cái chợ đầu mối nổi tiếng thường họp ở đây, đó là chợ rau xanh và chợ của “quân khu hai sọt” (chuyên bán phân bắc tươi). Nhiều khi chợ của “quân khu hai sọt” còn họp giữa ban ngày ban mặt. Ra trường, thất nghiệp, tôi vẫn lang thang miền cửa ô thân yêu này với các bạn tôi. Rồi tôi khởi nghiệp đi làm cũng ở đây. Và bây giờ khi đã có gia đình con cái rồi chúng tôi lại về sống bên cửa ô này. Không biết có định mạng gì không?

Có câu ca dao được truyền tụng từ hàng trăm năm về cửa ô Cầu Giấy:

Ngã tư Cầu Giấy của ta 
Bàn tay mở giữa bao la đất trời.
Dù đi dù ở muôn nơi 
Hai bốn tháng tám ngược xuôi nhớ về.

Đó là câu nhắc nhở mọi người nhớ ngày lễ chính (24 tháng 8 âm lịch) ở điện Nghiễm Phúc, nơi thờ Hưng Đạo Đại vương.

Điện thờ này được lập cách đây hai thế kỉ tại xóm Quan Hoa. Gọi là Quan Hoa vì ở đây có cụ Giám sinh ở Quốc Tử Giám về đây mở trường gọi là Quan Hoa Học Đường (trường này tồn tại đến 1945 mới thôi). Cửa điện đắp nổi 3 chữ “Đông A Trấn”. Hậu cung có thờ Quốc Mẫu. Gian bên phải thờ Tứ vị Thánh tử là 4 người con trai của ngài: Trần Quốc Hiến, Trần Quốc Nghiễn, Trần Quốc Uy, Trần Quốc Tảng, cùng con rể của ngài - Tướng quân Phạm Ngũ Lão. Gian bên trái thờ Nhị vị Vương cô là 2 người con gái của ngài: một là Hoàng hậu - vợ vua Trần Nhân Tông, một là phu nhân Tướng quân Phạm Ngũ Lão. Nơi oai nghiêm của gian chính điện đặt pho tượng Đức Thánh Trần tạc bằng gỗ mít sơn son thiếp vàng theo nguyên mẫu ở đền Kiếp Bạc, tượng ở tư thế ngồi, trang nghiêm, nhân hậu, đôi mắt sáng ngời, anh linh. Có điều lạ là khi Hà Nội bị chiếm, cả vùng Cầu Giấy bị tàn phá nặng nề nhưng điện Nghiễm Phúc vẫn yên. Có lần quân Pháp đến cổng điện, nhìn thấy 3 chữ "Đông A Trấn" thì lại lặng lẽ bỏ đi. Sử cũ có ghi lại rằng, sau 3 lần đánh thắng quân Nguyên-Mông, quân giặc đều sợ uy danh của ngài không dám gọi tên, chỉ dám gọi Hưng Đạo Đại vương. Sau khi Đức Thánh Trần mất, các châu, huyện ở Lạng Giang hễ có tai họa, bệnh dịch lại đến đây cầu đảo. Khi có giặc giã, dân ta đến điện lễ, nếu thấy tráp đựng kiếm có tiếng kêu thì thế nào cũng thắng lớn. Với diện tích 200m2, điện Nghiễm Phúc có thể sánh với các đền tiêu biểu thờ Đức Thánh Trần ở Hà Nội như: đền Ngọc Sơn (ở phố Đinh Tiên Hoàng), đền Phúc Nam (ở ga Hàng Cỏ - phố Lê Duẩn), đền Lừ (ở phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai)... Lễ hội ở đây diễn ra từ ngày 20 đến ngày 24 tháng 8 âm lịch, rất đông người tham gia. Điện Nghiễm Phúc xứng đáng được coi như là một góc đền Kiếp Bạc ở Ô Cầu Giấy, như một địa điểm mang tính văn hóa tín ngưỡng tâm linh rực rỡ ở cửa ô phía tây này.

Linh thiêng và hiển liệt lắm!

Gần 55 năm sau ngày Thủ đô giải phóng, Cầu Giấy bây giờ có hai làn đường trên cửa ô mở rộng. Nhiều công trình mới, hiện đại của Thủ đô đã và đang được xây dựng trên địa bàn quận theo hướng quy hoạch và phát triển mạnh về phía tây thành phố. Thật là một định hướng đúng đắn. Tuy nhiên, đây vẫn còn là một trong những đầu mối kẹt xe khủng khiếp nhất Hà Nội, nhờ thế mà thi sĩ Hoàng Xuân Sơn đã từng có bài thơ rất hay mang tên: “Kẹt xe ở Ô Cầu Giấy”.

Ô Cầu Giấy ra đời từ thời Lý khi kinh thành mở ra về phía tây. Nay vào thế kỉ XXI với chế độ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa đang mở rộng hết cỡ Thủ đô về phía tây, tôi thiết nghĩ chúng ta nên xây dựng lại hình ảnh của cái cửa ô này. Như ý tưởng xây dựng cổng Hà Nội ở phía nam Thủ đô mà người ta đang tiến hành vậy. Không biết có ai ủng hộ tôi không.

 

Tái bút: Ngoài sự “hi sinh” của Ô Cầu Giấy trước đây, việc phát triển đô thị xô bồ hiện nay đã ghi tên một “liệt sĩ” nữa nơi đầu cửa ô này, thực sự để lại trong lòng mọi người “lòng tiếc thương vô hạn”, đó là “liệt sĩ Húng Láng”! Chị Lê An, Việt kiều ở San Diego (Hoa Kỳ), vừa viết cho tôi thế này:

Rất thích khi đọc về những cửa ô Hà Nội. Mỗi địa danh đều gắn với những trang sử đẹp qua ngòi bút của Đặng Thân. Nhất là Ô Cầu Giấy. Tôi đã có 10 năm sống ở đây. Lúc ấy còn rất nhiều cánh đồng xanh, và nếu từ Cầu Giấy quẹo vào con đường Láng rợp bóng cây, sẽ được nhìn bên đường những luống rau húng Láng thẳng tắp rất đẹp...

Thưa chị, loài rau tuyệt vời đã từng được ghi vào sử sách hay những trang văn của Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng... đó nay đã tuyệt chủng! Vì Hà Nội “tấc đất tấc vàng”, người ta đã xây nhà lên hết các ruộng rau rồi chị ơi.
  • Đặng Thân

 

Ý kiến đóng góp và bài vở gửi cho Thư Thăng Long - Hà Nội xin liên hệ với địa chỉthuthanglong@vietnamnet.vn

 

PHẢN HỒI CỦA ĐỘC GIẢ:

Ho ten: Vũ Cao Đàm
Dia chi: Đại học Quốc gia Hà Nội
E-mail: vcd.precen@gmail.com
Tieu de: Di tich Cau Giay
Noi dung: Một sự tích anh hùng như thế mà không được bảo tồn. Khi tôi còn nhỏ, mỗi khi đi qua Cầu Giấy đều đứng lặng nhìn mộ Henri Rivière và tưởng nhớ đến sự tích anh hùng của Hoàng Kế Viêm. Giá như các nhà văn hóa biết quây chỗ mộ Henri Rivière lại, dựng lại quang cảnh chiến sự năm xưa, để con cháu được chiêm ngưỡng một sự tích anh hung (!) Tiếc rằng họ đã không làm như vậy. Dân chúng đã phá tan hoang phần mộ của Henri Rivière, xây nhà kín quanh đó. Duy còn tấm đá trên phần mộ vẫn còn đó. Kể ra bây giờ khôi phục lại cũng không là muộn đâu. Rất mong lắm thay!

Ho ten: Nguyễn Thông
Dia chi: Báo Thanh Niên
E-mail: nguyenthong55@yahoo.com
Tieu de: góp ý
Noi dung: Xin hỏi các nhà quản lý đô thị ở nước ta (chứ chẳng phải chỉ Hà Nội): những danh nhân như Hoàng Kế Viêm, Trương Quang Đản không xứng đáng đặt tên cho một con đường nào đó hay sao? Cả Lưu Vĩnh Phúc (Cờ Đen) nữa. Phải thay đổi thứ tư duy bó buộc lâu nay đi. Như thế mới công bằng, mới là tôn trọng lịch sử.

Ho ten: lê anh
Dia chi: hà nội
E-mail: ko_to_bu_ki_19872004@yahoo.com
Tieu de: Cần khôi phục lại 5 cửa ô
Noi dung: Hà Nội giờ đây bị công nghiệp hóa - hiện đại hóa quá nhiều, nên giờ 5 cửa ô ở Hà Nội nay chỉ còn mỗi Ô Quan Chưởng là giữ được nét xưa, từ thời xưa mà thôi, còn 4 ô còn lại thì giờ may ra người ta vẫn còn nhớ đến Ô Chợ Dừa là do cái tên vẫn tồn tại đến ngày nay mà thôi, còn 3 ô còn lại chắc chẳng mấy ai biết tên của nó là gì, nằm ở đâu, và nếu thật là Hà Nội có 21 cửa ô chứ không phải 5 cửa ô như bấy lâu nayc húng ta nghĩ thì 16 cửa ô còn lại là những cửa ô nào, tên là gì và nằm ở đâu.

Ho ten: Lê Tiến Thịnh
Dia chi: Quy Nhơn - Bình Định
E-mail: letienthinh@gmail.com
Tieu de: Lịch sử là thế này đây!!!
Noi dung: Tôi sinh sau để muộn, chẳng biết gì nhiều về Hà Nội. Đọc bài viết của anh thật oai hùng lắm thay. Tại sao nền giáo dục của chúng ta khi dậy về lịch sử không dậy về những nhân vật và sự kiện như thế này. Nó đi vào lòng người gấp trăm lần như những bài học lịch sử hiện nay.

 

Ho ten: Vương Đông Quan
Dia chi: TP HCM
E-mail: vuongdongquan@yahoo.com
Tieu de: Đúng ! Lịch sử là như thế!
Noi dung: Tôi rất đồng tình với ý kiến của các độc giả Nguyễn Thông và Lê Tiến Thịnh. Lịch sử oai hùng là vậy, hấp dẫn là vậy mà sao người ta biên soạn và giảng dạy một cách máy móc, nặng nề, khô cứng. Hoàng Kế Viêm xứng đáng được lưu danh sử sách, xúng đáng được đặt tên cho một con đường dẹp của quận Cầu Giấy. Bạn Nguyễn Thông nói đúng: Phải thay đổi cái tư duy bó buộc (tôi thêm: cả định kiến nữa) lâu nay đi! 

Ho ten: Trần Lan Hương
Dia chi: Hà Nội
E-mail: lanhuongtranchct@gmail.com
Tieu de: Khôi phục di tích văn hoá lịch sử Hà Nội?
Noi dung: Tôi nghĩ việc trung tu, khôi phục di tích văn hoá lịch sử của Hà Nội là việc làm rất cần thiết. Tôi tuy còn trẻ nhưng được biết, rất nhiều di tích ở Hà Nội đã bị mai một. Có lẽ vì cái dạ dày(chẳng biết thế nào là vừa)nên nhiều người đã bất cần tất cả. Chỉ tiếc cho thế hệ sau khi phải học những bài lịch sử, những tư liệu "không nhất quán" trong các bộ sách giáo khoa hiện nay để rồi... đoán mò. Hổ thẹn, đau lắm thay! 

Ho ten: Quynh Huong
Dia chi: Hanoi
E-mail: opqhuong@yahoo.com
Tieu de: Bia mo Henri Riviere
Noi dung: Tôi là một cư dân Ô Cầu Giấy, sống tại làng Yên Hòa. Tôi vào sống tại làng này đến năm nay là 10 năm. Hồi trước khi sống ở đây tôi đã từng nhìn thấy bia mộ Henri Rivière. Lúc đó mộ này nằm ở giữa “chợ cóc” ở đầu xóm Vĩ Hậu (nay là ngõ 155). Những người bán hàng ở chợ cóc đó không biết Henri Rivière là ai mà chỉ gọi là mộ “ông Tây”. Tôi “phát hiện” ra cái bia mộ trong một lần ngồi ở hàng quà ngay sát cạnh bia mộ. Lúc đó chợ rất chật chỗ, tôi ko biết ngồi vào đâu, bà bán hàng nói: cứ ngồi lên mộ đó.Tôi nói: ngại lắm, ai lại ngồi thế. Nhưng những người xung quanh lại bảo: ông ấy thiêng lắm. Cứ ngồi lên chốc mộ là ông ấy phù hộ cho.  Cô cứ ngồi mà lấy may. Nếu ai bán ế hàng thì ra ngồi lên chốc mộ, thế nào cũng bán hết hàng. Thế là tôi đành ngồi lên chốc mộ để ăn quà, mà trong lòng thấy ái ngại. Lúc đó tôi nghĩ: Sao người Pháp vẫn để ông Tây nổi tiếng này ở đây nhỉ? Sao họ ko “đi tìm hài cốt” như người Mỹ nhỉ? Rồi tôi nghĩ: Thời buổi tấc đất tấc vàng, may mà ông ấy “thiêng” nên người ta vẫn còn “nể” mà không “lấn chiếm”. Chứ cái mộ ông Tây này thì ai cần bảo vệ đâu. Khéo chỉ qua 1 đêm, thì hôm sau đã biến mất cái mộ ấy chứ. Thế rồi, khoảng 5-6 năm sau, khi tôi chuyển vào sống ở đây, quang cảnh đã thay đổi. Nhà cửa xây dựng lên chi chít, chẳng còn biết cái mộ ấy ở chỗ nào nữa. Cuộc sống bận rộn cuốn hút đi, tôi chằng nghĩ đến nó nữa. Hôm nào tôi sẽ thử ra tìm lại xem. 

Ho ten: nguyễn vũ
Dia chi: tp hồ chí minh
E-mail: nguyenvu1001@vnn.vn
Tieu de: tiểu sử cụ hoàng kế viêm
Noi dung: Tác giả viết rất hay, cảm giác như những ngày còn ở hà nội những năm 70. Nhưng tác giả có thể nghiên cứu và viết thêm tiểu sử của cụ Hoàng Kế Viêm không. Thật khâm phục chiến công và cách sống của cụ.

Ho ten: nguyễn vũ
Dia chi: tp hồ chí minh
E-mail: nguyenvu1001@vnn.vn
Tieu de: tiểu sử cụ hoàng kế viêm
Noi dung: Tác giả viết rất hay, cảm giác như những ngày còn ở hà nội những năm 70. Nhưng tác giả có thể nghiên cứu và viết thêm tiểu sử của cụ Hoàng Kế Viêm không. Thật khâm phục chiến công và cách sống của cụ. 

Họ tên: Trần Minh Hương 
E-mail: minhhuong8@hn.vnn.vn

Nội dung: Tôi không nhớ là đã được học về những trang sử đánh Pháp gắn với khu vực Cầu Giấy chưa, nhưng bài viết nàyđã khắc sâu thêm vào tâm trí tôi hình ảnh ngôi mộ “Quan Ba Garnier” và câu chuyện đánh Pháp, tiêu diệt hết “Quan Ba” rồi đến “Quan Sáu Rivier” (phiên âm này do tôi tự phiên âm vì chưa được đọc, chỉ được nghe từ ông cha nói lại). Ngôi mộ “Quan Ba” trước kia ở đầu làng Giảng Võ nhà tôi, chắc bây giờ có không mấy người biết đến địa điểm này, có khi cả những cư dân hiện đang sinh sống, làm ăn trên khu đất này. Cùng với biết bao sự hy sinh cho công cuộc “đổi mới” , LÀNG GIẢNG VÕ nhà tôi đã được biến thành mấy cái ngõ của ĐƯỜNG LA THÀNH hay ĐÊ LA THÀNH. Tôi cũng rất muốn được biết thêm về lịch sử ĐÊ LA THÀNH, tuy nhiên những câu chuyên du kích làng Giảng Võ đánh Pháp dọc theo 2 con đường dẫn ra cửa ô Cầu Giầy do ông cha kể lại cùng lịch sử ‘THẬP TAM TRẠI’, trong đó có LÀNG GIẢNG VÕ thì chúng tôi không muốn hy sinh tên ngôi làng của mình.  

 

Ho ten: Thành Tâm
Dia chi: Định Công -Hoàng Mai -HN
E-mail: tambtm@yahoo.com
Tieu de: về bài viết của tác giả đặng Thân
Noi dung: Phải nói là khá lâu rồi tôi mới được đọc 1 bài viết mang tính văn hoá lịch sử khúc chiết, cụ thể như bài  viết của tác giả Đặng Thân. Bả thân tôi không phải là người Hà Nội gốc, nhưng cũng đã có gần 20 năm gắn bó với khu vực Cầu Giấy. Phải nói rằng, trước khi đọc bài viết này nhiều người tỉnh lẻ chúng tôi biết "cầu Giấy" chủ yếu vì ngày trước ở đây có người "gọi hồn" rất linh. Nay đọc bài viết, chúng tôi thật bất ngờ bởi không ngờ cây cầu này lại có một lịch sử lâu đời và hào hùng đến vậy. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý và ủng hộ: tại sao chúng ta lại không có 1 con đường mang tên Cụ Hoàng KẾ Viêm ở quanh khu vực này? Và việc xây dựng Cổng Phía Nam Hà Nội ở đây cũng là một ý tưởng thật hay... 

Ho ten: Nguyễn Hồ
Dia chi: d44-40 Bà Huyện Thanh Quan-Q3-TPHCM
E-mail: phucbinhcompany@yahoo.com
Tieu de: Một bài viết mang đậm tính nhân văn
Noi dung: Đặng Thân với bài viết của mình đã gợi lên được tình yêu và trách nhiệm của những ai quan tâm đến Hà Nội.Và VNNET rất xứng đáng là tờ báo luôn mang đậm tính nhân văn

Ho ten: Nguyễn Quang Tuyến
Dia chi: Trường CĐN-CN Hà Nội
E-mail: qtuyen98@yahoo.com
Tieu de: Rất tâm huyết
Noi dung: Một bài viết hay và tâm huyết. Ngày nhỏ Tôi cũng đã từng đi qua một Hăng rivie vậy mà bây giờ không còn tì ra nữa. Nhiều khi muốn đi qua xem lại, nhớ lại chuyện xưa và chỉ cho con Cháu xem lại và nhắc lại chiến tích của Ông cha mà không sao tìm được, Thật tiếc lắm thay! Giá như tác giả gửi kèm theo một vài tấm ảnh mộ hangrivie, đền trần Hưng đạo để minh họa thì hay quá. Tôi cũng không hiểu sao các nhà lãnh đạo Hà nội đặt rất nhiều tên phố mới mà đến tôi, một người tương đối "thông kim bác cổ" cũng không biết đó là danh nhân nào? trong khi đó nghững nhân vật như Hoàng Kế Viêm hay xa hơn nữa Là Khúc Thừa Dụ thì không thấy có. Giá như tôi có quyền thì một trong những đường phố mới to đệp trên đát chiến sự " Cầu giấy khi xưa sẽ mang tên Hoàng Kế Viêm vì ông xúng đáng được điều đó.

Ho ten: HOÀI
Dia chi: 32 CÁT LINH, HÀ NỘI
E-mail: HOAIHX@VST.GOV.VN
Tieu de: RẤT HAY
Noi dung: Tôi rất thích bài viết này, và rất thích thú với các giai thoại gắn với các địa danh của Hà Nội. Tác giả có bài nghiên cứu nào về các địa danh lịch sử và các giai thoại dọc sông Tô không ạ, và có thể chia sẻ để độc giả gần xa cùng thưởng thức không ạ. Còn về ý tưởng cổng ô, sẽ rất khó cho một cổng ô đạm chất lịch sử trên một con đường hiện đại, có nhà kiến trúc nào có ý tưởng hài hoà "xưa" và "nay" không. Tôi thì tôi ủng hộ một khu lưu niệm cổng ô cổ xưa và một "cổng ô" hiện đại của thủ đô. Kính thư

Ho ten: Trần Anh
Dia chi: Thành phố HCM
E-mail: benbondtuan@yahoo.com
Tieu de: Hãnh kiêu và Xấu hổ
Noi dung: Cũng từ Hà Nội lớn lên , yêu nó như một phần thân mình . Đọc nhiều tản văn về Hà Nội và không thực sự hiểuđây là bài viết theo thể loại gì nhưng thấy rộn ràng trong mình niềm kiêu hãnh . Cảm ơn tác giả với bút pháp mềm mà cứng , sắc ngọt , nghiên cứu kĩ lưỡng để cho tôi thấy chất hào khí Thăng Long hơn . Qủa cũng buồn vàa xấu hổ khi nơi ấy bây giờ tan nát cả !.

Ho ten: Đặng Thân
Dia chi: Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội
E-mail: dangthan@live.com
Tieu de: XIN CẢM ƠN!
Noi dung: Tôi vô cùng hàm ơn những ý kiến ủng hộ và động viên của quý độc giả! Những ý kiến của độc giả cổ vũ tôi rất nhiều để tôi lại tiếp tục đọc và nghĩ về Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội. Tôi đang nghĩ và đã có ý định viết về sông Tô Lịch thì đọc được đề nghị nóng hổi của bạn Hoài ở 32 Cát Linh. Xin cảm ơn bạn lắm, và mong lắm sẽ có bài vê dòng sông quan trọng của thủ đô mà lại đang "chết lâm sàng" này. Hẹn tái ngộ! 

Ho ten: Quan Thế Dân
Dia chi: Thái Hà Đống đa Hà nội
E-mail: Qtd_bvtn@yahoo.com
So dien thoai: 0937762386
Tieu de: Bất ngờ về Hoàng Kế Viêm
Noi dung: Cám ơn bài viết rất hay của bạn Đặng Thân. Cái hay của bài viết nhiều người đã khen rồi, tôi chỉ xin nhấn mạnh là tôi bị bất ngờ về cụ Hoàng Kế Viêm. Tôi tự nhận là có yêu thích lịch sử Hà nội, nhưng vẫn bất ngờ với tư liệu trên. Theo sử phổ thông lâu nay vẫn nói thì chiến thắng Cầu giấy là do quân nhà Thanh do tướng Lưu Vĩnh Phúc sang giúp, sau đó Pháp phải ký với triều đình Mãn Thanh hòa ước, rút quan Cờ đen về, thì Pháp mới rảnh tay bình định Bắc kỳ. Có lẽ vì thế mà chiến thắng Cầu Giấy không được sử ta đề cao. Chứ người Hà nội nào mà không úât ức vì Pháp đã hạ thành Hà nội, hai Tổng đốc phải tuẫn tiết. Tôi hồi nhỏ học ngay ở trường Phan Đình Phùng, gần cửa Bắc, ngày nào mà chẳng nhìn thấy vết đạn đại bác khoan sâu trên tường thành. Vì thế chúng ta nên sưu tầm thêm tài liệu để khẳng định chiến công của cụ Hoàng Kế Viêm - tài liệu như bạn Đặng Thân trích dẫn còn hơi mỏng về chứng cứ. Nếu thật sự thì đây là chiến công vô cùng chói lọi, lịch sử cần ghi công, Hà nội phải có địa danh lưu danh. Và nó cũng là minh chứng cho sự yếu hèn của các vua Nhà Nguyễn đã để mất nước. Vài dòng suy nghĩ mong các bạn yêu Hà nội lưu tâm. Cám ơn tác giả Đặng Thân rất nhiều. Kính.

Ho ten: Đặng Van Em
Dia chi: Hà Nội
E-mail: dr.dangvanem@yahoo.com.vn
So dien thoai:
Tieu de: Rất cảm phục
Noi dung: Tôi sinh ra ở quê Bác Hồ và đã sống và làm việc ở Hà Nội trên 20 năm. Tôi rất yêu quí Hà Nội và xác định là que hương thứ 2 của tôi, nơi đã giúp tôi trưởng thành như ngày nay. Do vậy, tôi cũng rất hay tìm hiểu về Hà Nội. Nhưng qua bài viết của bác Đặng Thân về một thời lịch sử hùng hồn liên quan đến vị anh hùng dân tộc là Hoàng Kế Viêm làm tôi càng tự hào về truyền thống của các thế cha ông ta trước đây, từ đó xác định cho mình cho con mình trách nhiệm hiện tại và tương lai. Nhưng tôi cũng thấy băn khoăn là Hà Nội có nhiều nhà Hà Nội học sao lại để quên một tướng tài như Hoàng Kế Viêm, ông đáng được sớm có tên của một đường phố Hà Nội lắm chứ. Mong sao nếu sự thức được xác định thì nên ghi danh cụ muộn còn hơn không. 

Ho ten: Hoàng Trọng Nhất
 Dia chi: Trường Đại học Văn hóa Hà Nội
 E-mail: number1vanla@gmail.com
 So dien thoai: 0948975456
 Tieu de: Cảm ơn
 Noi dung: Là hậu duệ của Cụ Hoàng Kế Viêm (Cụ đời 5, tôi đời 10) tôi rất xúc động khi đọc bài của tác giả Đặng Thân và ý kiến chân thành vô tư các độc giả khác. Những năm 60 của thế kỷ trước mỗi lần đi qua Bách hóa Cầu giấy tôi vẫn nhìn thấy ngôi mộ của kẻ xâm lược mà ngậm ngùi về vị tướng Viêm. Hiện nay ở Quận Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh) có một con đường Hoàng Kế Viêm. Nhưng tiếc thay tại HN lại không có một kỷ niệm nhỏ nào về người đã chiến thắng 2 chỉ huy Pháp. Khó hiểu. Nhưng tin rằng lịch sử luôn công bằng

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Bộ GD-DT

Lễ trao thưởng cho các học viên xuất sắc GYBM khóa 5 giai đoạn sơ cấp
(ĐHVHHN) – Sau 3 tháng học tập, 97 học viên GYMB khóa 5 đã vượt qua giai đoạn sơ cấp, với những thành công bước đầu. Chiều ngày 11/12/2015, Trường Đại học Văn...

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 20

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 18


Hôm nayHôm nay : 13314

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 180327

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7570739

Tin tổng hợp Xem tất cá các tin tổng hợp
Đăng lúc: 25-05-2016 08:51:02 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:42 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:25 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:04 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:46 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:26 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:05 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:48:45 AM
Thông tin bản quyền
    + TRƯỜNG THPT VÕ TRƯỜNG TOẢN
    + Đ/C: Cẩm Mỹ , Đồng Nai