»

Đông Kinh Nghĩa Thục: Thổi "hồn nước" vào chữ Quốc ngữ

Thứ ba - 24/05/2016 04:57
Đông Kinh Nghĩa Thục: Thổi "hồn nước" vào chữ Quốc ngữ
06/11/2009 07:34:11

- "100 năm qua người ta đã viết không ít về phong trào Duy tân Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT), nhưng chủ yếu như về một trang sử hào hùng đã qua..." - NGƯT Vũ Thế Khôi cho rằng, với tinh thần Đổi mới, cần nhận thức lại và kế thừa những tư tưởng cách mạng trong triết lý giáo dục của ĐKNT.


Thổi "hồn nước" vào chữ Quốc ngữ

100 năm qua, người ta đã viết không ít về phong trào Duy Tân - ĐKNT, nhưng chủ yếu như về một trang sử hào hùng đã qua. Thậm chí một thời còn phê phán đó là “lập trường tư sản”, “học thuật của chủ nghĩa tư bản”, không còn giá trị gì đối với công cuộc xây dựng sự nghiệp văn hoá - giáo dục của ngày hôm nay.

Chẳng thế mà trong một cuộc hội thảo cấp bộ mới đây tại viện nghiên cứu giáo dục nọ về chủ đề “Triết lý giáo dục Việt Nam”, trong 27 tham luận khoa học của những VS, GS, TSKH… chỉ có vẻn vẹn 4 dòng về ĐKNT!

Phố Hàng Đào thời Đông Kinh nghĩa thục. Ảnh chungta
Phố Hàng Đào thời Đông Kinh Nghĩa Thục. Ảnh chungta

Thay đổi quốc tự, đem chữ Quốc ngữ thay cho chữ Hán, các quan chức thực dân Pháp với đầy đủ uy quyền và phương tiện trong tay đã không áp đặt được trong suốt non nửa thế kỷ (1861 - 1905). Trên thực tế, vấp phải ý thức dân tộc của người Việt đã hàng nghìn năm gắn liền với chữ Hán từng góp phần đắc lực xây nền tự chủ Đại Việt, họ đã phải từ bỏ ý định bức tử chữ Hán, buộc phải chuyển sang chính sách “chinh phục bằng giáo dục”, với các Nghị định cải lương học chính của Toàn quyền Paul Beau năm 1906 xác định tư cách bình đẳng (chí ít là trên văn kiện chính thức!) của chữ Hán cùng chữ Quốc ngữ bên cạnh Pháp ngữ trong giáo dục và khoa cử (13). 

Vậy mà các nhà Nho Duy tân - Nghĩa thục, vốn được đào luyện trong nền Hán học, do giác ngộ sâu sắc nhu cầu lịch sử cấp bách là canh tân để cứu nước và đề xuất được một triết lý giáo dục mang tính cách mạng thực sự, chỉ cần 9 tháng đã dấy lên cả một phong trào rộng khắp đầy sinh khí, thổi được “hồn nước” (tinh thần cứu quốc + tư tưởng dân chủ) vào chữ Quốc ngữ.

Nhờ vậy mà về căn bản đã giải phóng được tư tưởng của sĩ dân khỏi xiềng xích Tống Nho cùng thứ chữ Hán cử nghiệp và khắc phục được rào cản tâm lý của họ đối với chữ Quốc ngữ, tạo điều kiện cho các phong trào tiếp theo về hiện đại hoá văn hoá - xã hội trong những năm 30 – 45.

Trước hết là phong trào truyền bá Quốc ngữ, triển khai thuận lợi và rộng khắp Bắc Trung Nam rất lâu trước khi Hội Truyền bá Quốc ngữ được thành lập (14), song hành cùng cả một trào lưu viết văn, ra báo, nghiên cứu khoa học …, tất cả đều bằng tiếng Việt, đồng tâm “chuẩn bị môi trường văn hoá cho một tương lai dân tộc” (15). 

Không có cuộc cách mạng tư tưởng ấy, liệu Nam triều có phế nổi nền khoa cử chữ Hán hủ lậu không? Rồi liệu Thượng thư Phạm Quỳnh có dễ dàng đặt sơ học yếu lược dạy bằng tiếng Việt không? Rồi mới đến lượt ông Bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn trong chính phủ Trần Trọng Kim dùng tiếng Việt (cũng tức chữ Quốc ngữ) thay hẳn tiếng Pháp ở cả hai cấp tiểu học và trung học.

Và cuối cùng, như một kết quả tất yếu của sự nghiệp do các chí sĩ Duy tân - Nghĩa thục khởi xướng và đặt nền móng, Hội Truyền bá Quốc ngữ sau Cách mạng tháng Tám chuyển thành Nha Bình dân học vụ trong Bộ Quốc gia Giáo dục của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và tiếng Việt trở thành ngôn ngữ pháp quy duy nhất dùng làm chuyển ngữ trong toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân từ vỡ lòng cho đến đại học (16).

Hồ Chí Minh đại diện cho trào lưu tư tưởng văn hoá - xã hội cấp tiến “hậu Duy tân - ĐKNT"

Về ảnh hưởng to lớn và tích cực của quan điểm “hoà hợp cả văn hoá Đông Tây mà làm cái văn hoá của mình” (Ngô Đức Kế), chúng tôi mới thu thập thêm một minh chứng cho luận điểm xem tư tưởng Hồ Chí Minh trong giáo dục… “bắt nguồn từ những truyền thống và những tư tưởng giáo dục của nhiều thế hệ chí sĩ cách mạng Việt Nam, được Người tiếp thu và phát triển theo quỹ đạo tư tưởng cách mạng xã hội của mình” (tác giả nhấn mạnh) (17). 

Trong diễn văn khai mạc Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ I (24/11/1946) Chủ tịch Hồ Chí Minh từng phát biểu một quan điểm về việc xây dựng nền văn hoá mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tiếc rằng, không hiểu vì lý do gì, bài phát biểu quan trọng đó (theo báo Cứu Quốc, dài đến 40 phút mà Hồ Chủ tịch thường không nói dài!) cho đến nay không thấy công bố, kể cả trong Hồ Chí Minh toàn tập. 

May thay, đại ý đã được cơ quan ngôn luận chính thức của mặt trận Việt Minh tường thuật khá chi tiết. Người nói (trích dẫn theo lời tường thuật của báo Cứu Quốc): 

Nền văn hoá của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở…Văn hoá Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hoá Đông phương và Tây phương mà chung đúc lại… Theo ý Người thì Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hoá Việt Nam. (chúng tôi nhấn. – V.T.K.) 

Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hoá xưa và văn hoá nay, trau dồi cho văn hoá Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ. Hồ Chủ tịch nói thêm rằng văn hoá có liên lạc với chính trị rất là mật thiết. 

Phải làm thế nào cho văn hoá vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hoá phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Tâm lý của ta lại còn muốn lấy tự do, độc lập làm gốc. Văn hoá phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng thời văn hoá phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình (18).


Tuy Hồ Chủ tịch nói rằng đó là ý kiến và quan điểm riêng của Người, nhưng căn cứ những nghiên cứu và phát hiện gần đây về mối quan hệ mật thiết của thân phụ Nguyễn Sinh Sắc và bản thân Người với các lãnh tụ phong trào Duy tân – ĐKNT thì có thể nói Hồ Chí Minh cũng có phần đại diện cho cả một trào lưu tư tưởng văn hoá - xã hội cấp tiến “hậu Duy tân - ĐKNT", dẫu được đào luyện trong nền Tây học hoàn toàn bằng Pháp văn, say mê tiếng Pháp và tư tưởng dân chủ, tự do - bình đẳng - bác ái của văn học Pháp, nhưng vẫn dám lội ngược trào lưu trưởng giả thắng thế học làm sang dùng tiếng Pháp cả trong sinh hoạt thường ngày và bài xích tiếng mẹ đẻ và chữ Hán: Những đại diện uy tín của trào lưu này kêu gọi “thoát ly những ảnh hưởng trơ tráo bên ngoài”, “trở về mình”, với lịch sử và văn hoá dân tộc, đánh giá cả mặt hay lẫn những mặt dở đang là trở lực đối với công cuộc hiện đại hoá đất nước. 

Một nhà Việt Nam học ở Đại học Paris 7 nhận định hoàn toàn chính xác rằng đó “không phải là một đường lối quốc gia hẹp hòi, càng không phải là mang tính chất sùng bái dĩ vãng”, mà “luôn luôn có sự tìm tòi để tổng hoà nền văn hoá dân tộc với các nền văn hoá Tây phương” (chúng tôi nhấn – V.T.K.) (19). 

Mất chữ Hán sẽ tạo nên một "khoảng trống đáng sợ"

Riêng trong vấn đề ngôn ngữ, song song với việc trực tiếp tham gia phát huy đường lối của Duy tân - ĐKNT về  “chữ Quốc ngữ là hồn trong nước”, họ hoàn toàn ủng hộ việc lập ra vào năm 1942 chuyên ban Cổ điển Á Đông ở bậc trung học Pháp - Việt (song song với ban Cổ điển Hy – La đã có trước đó), tuần 6 giờ trong 5 năm liền, không chỉ dạy 4 - 5 nghìn chữ Hán “chết”, mà giảng cả sách kinh điển tiêu biểu của Trung Hoa và Việt Nam, coi đó “sẽ là một then chốt quan trọng của một nền xây dựng xã hội trong tư tưởng quốc gia”  (20). 

Quan điểm này, đã được phát triển thành một phác thảo những đường nét chính của chương trình phổ thông trung học và phổ thông chuyên ban trên tạp chí Thanh Nghị (21), và gần như đồng thời đã được hiện thực hoá xuất sắc trong Chương trình trung học phổ thông của GS Hoàng Xuân Hãn, ban hành bởi đạo Dụ số 67 ngày 3/6/1945. 

Đáng chú ý là trong cả hai bản chương trình trên, chữ Hán chẳng những được giảng dạy chu đáo (cùng với văn hoá bằng chữ Hán) ở chuyên ban Cổ điển Á Đông mà còn bắt buộc phải học 1 - 2 giờ/tuần ở tất cả các chuyên ban phổ thông còn lại như một môn cơ sở văn hoá của quốc văn. 

Cũng cần nói thêm rằng Chương trình Hoàng Xuân Hãn đã được Bộ Quốc gia Giáo dục của Chính phủ Hồ Chí Minh cho thực thi (với một vài thay đổi nhỏ) ngay từ năm học 1945 -1946 tại các trường trung học Kháng chiến cho đến tận năm 1950, nhờ vậy ngày nay chúng ta mới có cả loạt những nhà khoa học với căn bản văn hoá vững vàng và sử dụng thông thạo, chuẩn xác tiếng Việt như Phan Đình Diệu, Văn Như Cương, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Đình Chú v.v… 

Chỉ với cuộc cải cách giáo dục năm 1950, được mệnh danh là “lần thứ nhất” (tức coi như không có cuộc cải cách ngay sau Cách mạng tháng 8, được ban hành chính thức bằng Sắc lệnh số146 ngày 10/8/1946 do Chủ tịch nước ký, thiết lập nền giáo dục độc lập tự chủ, pháp quy tiếng Việt là chuyển ngữ và chữ Hán là môn học bắt buộc!) chữ Hán như một môn cơ sở văn hoá (chứ không phải Trung văn như một môn ngoại ngữ) mới bị loại bỏ hẳn trong hệ thống giáo dục quốc dân, và như vậy không phải thực dân Pháp, cũng không phải các nhà Nho Duy tân - Nghĩa thục, mà chính chúng ta tạo nên “một khoảng trống đáng sợ” mà GS NGND Nguyễn Cảnh Toàn đã báo động (22).

Chú thích:

(13) Nguyễn Đăng Tiến (chủ biên), sđd tr. 198 - 199.

(14) Vũ Thế Khôi: Cư sĩ Thiều Chửu với nền giáo dục bình dân – Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 4 /2002.  

 (15) Pierre Brocheux: Tạp chí Thanh Nghị và những vấn đề văn chương (1941 - 1045). – Bài tiếng Pháp đăng trong Lịch sử hải ngoại, tập XXVII (1998), số 280; dẫn theo bản dịch tiếng Việt trong: Vũ Đình Hoè – Thanh Nghị. Hồi ký. – nxb Văn học & Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội 2000, tr. 518.

(16) Vũ Đình Hoè: 1) Nguồn gốc của Hội Truyền bá Quốc ngữ – Tạp chí Xưa & Nay, số 51, tháng 5  1998; 2) Pháp quyền Nhân nghĩa Hồ Chí Minh – nxb Văn hoá Thông tin & Trung tâm văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội 2001, tr. 49 - 50.

(17) Vũ Đình Hoè: Vài ký ức về tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác giáo dục cuối 1945 - đầu 1946. Tham luận tại Hội thảo khoa học - thực tiến “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục” do Bảo tàng Hồ Chí Minh và Đại học Sư phạm Hà Nội đồng tổ chức ngày 8 /10 /2003; đã đăng: Tạp chí Khoa học và Tổ quốc (Diễn đàn trí thức), số 21 năm 2003 và số 1+2 năm 2004 và Tạp chí Văn hiến Việt Nam, số Xuân 2004.

(18) Báo Cứu Quốc, số 416, ra ngày 25 /11 /1946. Người đầu tiên nêu lại bài diễn văn quan trọng này của Hồ Chủ tịch là nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân, trên báo Nhân Dân khoảng 1997 và báo Văn Nghệ 2005; cũng có thể xem trên mạng Talawas. Org, mục: Tư tưởng văn hoá và phát triển, 19/5/2008.

(19) Pierre Brocheux, tlđd, tr. 518.

(20) Vũ Đinh Hoè: Việc lập một nền học Cổ điển Á Đông ở Đông Dương – Báo Thanh Nghị, số 22, tháng 10 /1942, tr. 2 - 4 và 31. 

(21) Vũ Đình Hoè: Việc xây dựng một nền giáo dục Việt Nam – Tạp chí Thanh Nghị, số 108 ra ngày 12/5 và số  109 ra ngày 19 - 5 năm 1945; in lại trong sách của tác giả: Những phương pháp giáo ở các nước và vấn đề cải cách giáo dục – Thanh Nghị tùng thư 1945, các chương VI và VII. 

(22) Nguyễn Cảnh Toàn: Chữ Nho với nền văn hoá Việt Nam. – đăng lần đầu trên báo Văn Nghệ của Hội nhà văn Việt Nam, in lại trong Tạp chí Nghiên cứu Hán Nôm, số 4 (59) năm 2003 và sách: Hán Nôm học trong nhà trường, do Viện Nghiên cứu Hán Nôm - nxb KHXH xuất bản 2008, tr. 9 - 15.

  • Vũ Thế Khôi
    * Bài đã công bố ở hội thảo khoa học quốc tế “Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam, hai thời khắc đầu thế kỷ” tổ chức ở Đại học Hoa Sen TP Hồ Chí Minh ngày 18/12/2008
  •  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Bộ GD-DT

Lễ trao thưởng cho các học viên xuất sắc GYBM khóa 5 giai đoạn sơ cấp
(ĐHVHHN) – Sau 3 tháng học tập, 97 học viên GYMB khóa 5 đã vượt qua giai đoạn sơ cấp, với những thành công bước đầu. Chiều ngày 11/12/2015, Trường Đại học Văn...

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 21

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 20


Hôm nayHôm nay : 14869

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 182298

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7572710

Tin tổng hợp Xem tất cá các tin tổng hợp
Đăng lúc: 24-05-2016 09:51:02 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:42 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:25 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:50:04 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:46 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:26 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:49:05 PM
Đăng lúc: 24-05-2016 09:48:45 PM
Thông tin bản quyền
    + TRƯỜNG THPT VÕ TRƯỜNG TOẢN
    + Đ/C: Cẩm Mỹ , Đồng Nai