»

Đối thoại với thiền sư Thích Nhất Hạnh về hạnh phúc

Thứ tư - 25/05/2016 08:49
Đối thoại với thiền sư Thích Nhất Hạnh về hạnh phúc

Đối thoại với thiền sư Thích Nhất Hạnh về hạnh phúc

Buổi trực tuyến giữa nhà báo Nguyễn Anh Tuấn (tổng biên tập VietNamNet) với thiền sư Thích Nhất Hạnh trong chiều 4.5.2008 diễn ra với nhiều nội dung thú vị. Nhưng điều đọng lại lớn lao nhất, ấn tượng nhất trong người nghe là sự lý giải, gợi mở của thiền sư về hai chữ HẠNH PHÚC của con người. 

HUC.EDU.VN xin trích đăng cuộc tọa đàm này.



 
>> Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Con người-quốc gia và ba phẩm chất
 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Chúng tôi mang đến đây tặng quý vị hai bức thư pháp. Bức "Từng bước nở hoa sen" là phương pháp thực tập để mỗi bước chân mình đi thảnh thơi, an lạc, tiếp xúc với những mầu nhiệm trên hành tinh này, đem lại cho mình hạnh phúc. 



Tọa đàm với thiền sư Thích Nhất Hạnh

Bức thứ hai là phương pháp lắng nghe để có thể hiểu được những khó khăn, khổ đau, bức xúc của người đối diện, và có thời giờ nhìn lại để chấp nhận và thương yêu: "Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương". Phương pháp này có thể giúp mình tái lập lại truyền thông, hòa giải giữa hai người với nhau, đem lại hạnh phúc không chỉ cho riêng mình.
 
“Chúng tôi đã bỏ ra 30 năm để chia sẻ sự thực tập đạo Phật với người Tây Phương”
 
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Cảm ơn Thiền sư Thích Nhất Hạnh và tăng đoàn đã có những món quà rất ý nghĩa tặng VietNamNet. Có lẽ chúng tôi không cần giới thiệu gì thêm về vị khách mời đặc biệt hôm nay, bởi tên tuổi cũng như uy tín của thiền sư đã lan tỏa sâu rộng cả trong và ngoài nước. Câu hỏi đầu tiên: Xin thiền sư chia sẻ về thành tựu chung hiện nay của đạo Phật trên toàn thế giới?
 
Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Chúng tôi đã để ra trên 30 năm để chia sẻ sự thực tập đạo Phật với người Tây phương. Hiện giờ đạo Phật ở phương Tây phát triển rất mạnh và nhanh, được giới trẻ, giới trí thức hâm mộ nhiều. Chúng tôi đã mở những khóa tu tập riêng cho giới doanh nhận, giới bảo hộ môi trường, giáo chức, cựu chiến binh, văn nghệ sĩ... 

Có khóa tu cho giới diễn viên Holllywood, dân biểu quốc hội Hoa Kỳ, những người lo an ninh (cảnh sát, người giữ tù...), luật sư... Đây đúng là đạo Phật đi vào cuộc đời, mình không cần phải quy y nhưng có thể thừa hường kho tàng tuệ giác của đạo Phật để tháo gỡ khó khăn trong đời sống nội tâm, tái lập lại truyền thông với những người khác, trong đó có gia đình, đồng nghiệp, đem lại hạnh phúc trong đời sống hàng ngày
 
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thiền sư có thể lý giải vì sao Phật giáo lại được chấp nhận và ngày càng phát triển ở những vùng đất, những bối cảnh xã hội như châu Âu, nước Mỹ, nơi các tôn giáo khác như công giáo, tin lành... đã bám rễ rất sâu rộng?
 
Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Chúng tôi nghĩ một phần vì những cố gắng hiện đại hóa Cơ đốc giáo, Do Thái giáo chưa thành công lắm, trong khi chúng tôi thành công trong sự hiện đại hóa đạo Phật ở phương Tây. Đạo Phật được trình bày với ngôn ngữ mới, đưa ra những pháp môn tu tập rất thực tế để giúp mỗi cá nhân tháo gỡ những khó khăn ngay khi tu tập. Có những người đã từng là Linh mục, mục sư thương đạo Chúa rất nhiều, nhưng họ nói đạo Phật giúp họ tìm ra biện pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn.
 
Ví dụ như mục sư Cyber Lee ở Houston, Texas, nhờ đọc sách của mình (chúng tôi - chữ dùng của thiền sư Thích Nhất Hạnh - BT), áp dụng sự thực tập học ở trong sách mà chữa lành bệnh ung thư, nên sau đó đã xin thụ trì 5 giới, quy y tam bảo mà không thấy có sự mâu thuẫn gì giữa đức tin cơ đốc giáo của bản thân với tuệ giác đạo Phật. 



Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Sau đó vị mục sư này đến làng Mai tu học 3 tháng mùa đông, tiếp tục tu học cho đến khi thành một vị giáo thọ của làng Mai, tức người có khả năng mở những khóa tu theo giáo lý đạo Phật. Vị mục sư này đã viết thư cho bề trên, đề xuất nguyện vọng muốn được vừa làm mục sư, vừa làm giáo thọ đạo Phật, trong trường hợp bề trên không cho thì sẽ chỉ làm giáo thọ đạo Phật. 

Chúng tôi được tin là bề trên đã đồng ý cho ông vừa làm mục sư, vừa làm giáo thọ. Sáng chủ nhật thì ông giảng bài cho con chiên, buổi chiều thì hướng dẫn thiền tập cho mọi người, trong đó có cả những người trong nhà thờ.
 
Chúng tôi không nghĩ phải từ bỏ đạo Thiên chúa hay Do thái mới theo được đạo Phật, vì đạo Phật không phải chỉ là tôn giáo tín ngưỡng, mà còn là nguồn tuệ giáo sâu sắc, mà bất cứ ai cũng có thể thừa hưởng để tháo gỡ những khó khăn trong đời sống nội tâm, giúp cho đời sống an lạc, hạnh phúc.
 
“Mong Giáo hội Công giáo và Phật giáo ra văn bản có hậu về hôn nhân dị giáo”
 
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Chính nhờ những bước phát triển, cập nhật cái mới mà đạo Phật đã có sức sống ở những vùng đất như Âu Mỹ. Ngược lại, đạo Phật có học hỏi những điều hay của các tôn giáo khác để làm giàu thêm cho mình không?
 
Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Trong đạo tràng của chúng tôi, các thầy - sư cô - phật tử - cư sĩ đều có bổn phận phải học những truyền thống khác. Chúng tôi đã viết những cuốn sách đối thoại Phật giáo với những tôn giáo khác, như cuốn "Living Buddha, Living Christ" ("Bụt ngàn đời, Chúa ngàn đời"), "Về đi thôi, Bụt và Chúa là hai anh em" (Coming home, Buddha and Christ are brothers). Những cuốn sách đó cũng như những khóa tu chúng tôi mở ra cho những người Phật tử và Cơ đốc giáo đến tu tập chung là những phương tiện đối thoại rất hay, khiến cho nhiều người Cơ đốc giáo và Do Thái giáo có cơ hội tìm hiểu đạo Phật, đồng thời giúp những người đạo Phật có cơ hội hiểu thêm về giáo lý Cơ đốc giáo, Do thái giáo, nên sự hiểu biết chung ngày càng tăng, tình thân hữu nhờ đó mà phát triển.
 
Chúng tôi cũng đề cập đến Hôn nhân dị giáo. Bởi đã có biết bao thanh niên thiếu nữ đau khổ vì không được lấy nhau, do hai bên cha mẹ đều muốn giữ đạo của mình. Chúng tôi có đề nghị biện pháp như cho phép hai người cưới nhau, người nào giữ tôn giáo người đó, đồng thời có cơ hội học thêm truyền thống của người bạn hôn phối của mình. Chủ nhật 2 người cùng đi nhà thờ, rằm và mùng 1 hai người cùng đi chùa. Thay vì có 1 gốc rễ thì hai người có hai gốc rễ tâm linh, vì học 2 truyền thống thì khám phá được rõ hơn châu báu của mỗi truyền thống, chỉ làm giàu thêm thôi. Hôm chúng tôi đến thăm nhà thờ Phát Diệm, gặp một số vị linh mục, chúng tôi có bàn về chuyện này, các vị linh mục tỏ vẻ đồng ý. Hy vọng các giáo hội Công giáo và Phật giáo sẽ ra một văn bản để tuổi trẻ khỏi phải đau khổ như suốt mấy trăm năm qua khi có tình yêu với người khác truyền thống.
 
Hiện đại hoá đạo Phật?
 
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Phật giáo VN đã có truyền thống lâu đời. Vậy thiền sư có nhận xét thế nào về Phật giáo hôm nay tại Việt Nam?
 
Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Phật giáo VN có nhiều tiềm lực, như mỏ dầu hỏa rất lớn. Vấn đề là có biết khai thác để làm hạnh phúc cho dân, cho nước hay không? Cái học của chúng ta trong các trường Phật học lý thuyết hơi nhiều, sự thực tập mới chỉ tập trung vào sự tín mộ, cầu nguyện, chứ chưa đi sâu vào quán chiếu và chuyển hóa. Chúng tôi mong phương pháp học Phật và thực tập đạo Phật phải được hiện đại hóa mau chóng, để Phật giáo đi kịp những trào lưu khác trong xã hội.
 
Chúng tôi ở Tây phương có hoàn cảnh thuận tiện nên hiện đại hóa đạo Phật rất dễ dàng, đào tạo những thế hệ tu sĩ, tăng sinh, thầy và sư cô mới, cư sĩ mới. Chúng tôi không tốn quá nhiều thời giờ mà vẫn đào tạo được những giáo thọ có khả năng mở những khóa thực tập (retreat) trong đó người ta tới học những cái chúng tôi vừa trình bày, học làm thế nào đem lại cái an, cái lạc cho thân tâm, thiết lập truyền thông với người khác, xóa bỏ hận thù bạo động, đem lại hạnh phúc. Sự thành công là nhờ ở chỗ chúng tôi dám làm mới đạo Phật, đem lại một đạo Phật thích hợp với tuổi trẻ, với người trí thức bây giờ. Việt Nam hiện giờ có nhiều điều kiện để làm mới, hiện đại hóa đạo Phật.
 
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thiền sư có thể làm rõ, ta cần hiện đại hóa, cập nhật điểm nào của đạo Phật?
 
Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Chúng tôi đã nói, cái học của chúng ta phải thay đổi, phải học những biện pháp cụ thể để chuyển hóa thân tâm chứ không học như lý thuyết suông. Sinh viên y khoa ngoài giờ học trong lớp thì phải vào bệnh viện xem các giáo sư chẩn mạch, cho thuốc. Các thầy, sư cô trong các phật học viện cũng vậy, phải có khả năng tổ chức giúp đỡ, tham vấn, soi sáng cho những người tới với mình. Họ có những khó khăn, bức xúc, khổ đau, tai nạn, thì mình phải dùng trí tuệ đạo Phật để giúp họ tháo gỡ.
 
Đức Thế tôn từ 2600 năm trước đã cho người phụ nữ vào trong giáo đoàn của ngài. Ấy vậy mà trong truyền thống của mình vẫn trọng nam khinh nữ. Tuần trước chúng tôi có đưa ra đề nghị BÁT KÌNH PHÁP của các thầy với các sư cô. Chúng tôi biết có nhiều vị sẽ mừng lắm, nhất là những người ở Tây phương. Nhưng cũng sẽ có những người bảo thủ, và chúng tôi sẽ phải gánh chịu búa rìu dư luận. Nhưng chúng tôi vẫn can đảm đưa ra để cho có được sự bình đẳng thực sự giữa nam và nữ trong giáo đoàn Đức Phật.
 
Chúng tôi cũng nghĩ Đạo Phật cần đi vào đời sống của tuổi trẻ. Chúng tôi mong tổ chức Gia đình phật tử ở Việt Nam được phục hồi, sẽ có những đoàn thanh niên Phật tử, những đoàn phật tử hoạt động trong xã hội lành mạnh và từ bi hơn. Chúng tôi nghĩ rằng, làm cha mẹ phải học Phật để tháo gỡ khó khăn, chăm sóc nhau, giúp cho con mình học đạo Phật từ mình. Thầy cô giáo phải buông thả căng thẳng trong con người của mình, đối phó với những bức xúc trong tâm như sợ hãi lo lắng. Khi bố mẹ, thầy cô làm được thì sẽ giúp con cái và học trò. Vì thế, đạo Phật phải đi vào trong gia đình, trong học đường, trong xã hội.
 
Ví dụ ông là một doanh nhân, ông biết nếu đem Đạo Phật vào trong doanh nghiệp thì sẽ tạo ra sự hiểu biết, chấp nhận, thương yêu, và nếu biết cách thì những công nhân trong doanh nghiệp biết phương pháp buông thư, có thời giờ để tìm hiểu khổ đau, khó khăn của nhau, thì sự hiểu nhau, chấp nhận nhau, thương yêu nhau sẽ làm công việc phát triển và thành công hơn.
 
Nếu ông là nhà chính trị mà biết Phật pháp thì có thể đem phương pháp thực tập vào Đảng của ông, thiết lập được sự đồng cảm, thương yêu, tin cậy giữa những người cộng sự thì sự nghiệp chính trị sẽ thành công. Mỗi chúng ta phải có chiều hướng tâm linh (spiritual dimension), nếu không thì không tháo gỡ được những khó khăn, bức xúc trong đời sống của mình, mà như thế thì rất khó thành công. Đạo Phật vì thế cần phải cung cấp cho mỗi người trong xã hội cái bình diện, chiều hướng tâm linh. Đó là điều mà giáo hội Phật giáo cần lưu tâm, đó là cái đẹp nhất, quý nhất mà đạo Phật có thể cống hiến cho xã hội, cho dân tộc.
 
Tâm an và nhiệt huyết sống! Có mâu thuẫn không?
 
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thưa thiền sư, vậy có mâu thuẫn không khi ta đề cao tâm an, nhẹ nhàng, thanh tịnh, nhưng thực tế cuộc sống lại rất sôi động, cạnh tranh, mỗi con người phải vươn lên. Cũng có khi người ta coi stress, căng thẳng như là một thách thức thú vị của cuộc sống (như việc chơi game chẳng hạn). Đạo Phật có mâu thuẫn khi gạt đi những sôi động, những thách thức khiến con người phát triển và có nhiệt huyết sống không?
 
Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Một nhà chính trị thì luôn muốn mình đem lại thành công cho đất nước. Một doanh thương cũng muốn thành công cho cả doanh nghiệp chứ không phải chỉ cho mình. Nếu hình hài không có an thì không thành công được. Thực tập đem lại sự yên ổn trong thân, trong tâm sẽ giúp họ thành công, dù là nhà chính trị hay doanh nhân, không có gì chống đối hết. Khi sử dụng ái ngữ và lắng nghe thì họ thành công hơn trong lĩnh vực chính trị, kinh doanh của họ. Những niềm vui của họ có thể rất lớn khi họ thực hiện những điều họ mơ ước. Sự thành công của mình không hẳn trả giá bằng sự thất bại của người khác. Tại sao người kia phải thất bại thì mình mới thành công? Đó là câu hỏi quan trọng? Làm thế nào để tôi thành công và anh cũng thành công, thì hạnh phúc của ta sẽ lớn hơn, vì không ai đau khổ vì sự thành công của chúng ta hết. Hạnh phúc của chúng ta đâu phải chỉ là quyền lực, danh vọng, tiền bạc. Hạnh phúc là khi chúng ta có tình thương và sự hiểu biết.
 
Trong mỗi chúng ta có hai nhu cầu sâu sắc, đó là nhu cầu hiểu biết và thương yêu. Những nhà khoa học vì nhu cầu hiểu biết mà thức đến 3, 4h khuya để nghiên cứu thí nghiệm. Những nhà đạo học không dùng phương tiện đo lường mà dùng thiền quán để tìm hiểu. Con đường tâm linh cũng khám phá, làm thỏa mãn nhu yếu hiểu biết của con người.
 
Nhu yếu thứ hai sâu sắc của con người là Thương yêu và được thương yêu. Sở dĩ ngày xưa SIDDHARTHA bỏ nhà đi tu là tại thấy rằng Tình thương dành cho một người không đủ, không làm thỏa mãn ý chí của người con trai đó, nên ra đi tìm tình thương có thể ôm lấy mọi người, mọi loài, tình thương không biên giới. Ta có khao khát rất lớn là được thương yêu, thương yêu có thể phát triển tới vô biên, ôm lấy vũ trụ. Khi ta có hiểu biết lớn, thương yêu lớn thì hạnh phúc lớn. Vì vậy nhà doanh thương, nhà chính trị mà trong khi hoạt động mở rộng được tình thương, hiểu biết của mình, càng hiểu thì càng thương, hiểu sâu thì thương nhiều, thì hạnh phúc rất lớn, không có gì mâu thuẫn.
 
Sử dụng tuệ giác đạo Phật để chuyển hóa thân tâm, tháo gỡ khó khăn?
 
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Con người tìm đến với tôn giáo là tìm đến với thế giới tinh thần, với sự an ủi, như đạo Phật giúp giải thoát khỏi những đau khổ nội tâm trong cuộc sống. Nhưng thưa thiền sư, lý thuyết giáo lý cao đẹp ấy đã đi vào thực tế cuộc sống được nhiều chưa?
 
Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Với đạo Phật, phần lớn chúng ta mới thực tập tín mộ, tín ngưỡng, chứ ít người sử dụng được tuệ giác đạo Phật để chuyển hóa thân tâm, tháo gỡ những khó khăn. Cầu nguyện cũng phần nào đem lại sự an lạc, vì giúp lắng dịu những khổ đau, lo lắng. Nhưng muốn giải quyết tận gốc vấn đề thì phải có tuệ giác, mà tuệ giác phải do tu tập mới có được. Hiện ở Tây phương chúng tôi đang xướng xuất phong trào Phật học ứng dụng.
 
Hạnh phúc là an lạc, không có an thì không có lạc, an trong thân và trong tâm. Nếu con người chứa chất quá nhiều sự căng thẳng, stress, thân không an thì tâm làm sao an được? Trong khi đó tâm có những cảm giác, cảm xúc như giận hờn, tuyệt vọng, bạo động, nếu không có phương pháp cụ thể thì làm sao nhận diện và chuyển hóa được những bất an của tâm? Trong kinh niệm xứ hay kinh quán niệm hơi thở, Đức Thế tôn đã dạy những phương pháp cụ thể để làm lắng dịu những căng thẳng trong thân, trong tâm, rồi nhìn sâu để xem gốc rễ của những khổ đau phiền não đó do đâu, từ đó mới bắt đầu chuyển hóa được những tâm hành. Đó là phương pháp khoa học.
 
Sở dĩ người Tây phương theo chúng tôi học hỏi, thực tập nhiều, vì chúng tôi không hiến tặng cho họ đạo Phật của Đức Tin mà hiến tặng cho họ đạo Phật của sự thực tập kinh nghiệm. Những khóa tu tổ chức ở New York, Los Angeles, Boston, Born, London, thường có trên 1000 người tới tu liền 6, 7 ngày, trong những ngày đó họ thực tập những phương pháp cụ thể, trước hết lấy ra những căng thẳng trong thân - tập buông thư, lấy ra những căng thẳng trong tâm - tập nhận diện và ôm ấp những đau buồn, lo lắng, sợ hãi của mình, nhìn sâu vào để có thể nhận diện những bản chất tâm hành đó. Rồi nhìn vào người thân của mình để thấy trong họ có căng thẳng trong thân, tâm, để phát khởi lòng thương, chấp nhận họ. Lúc đó mình cởi bỏ được thái độ trách móc, vì có sự lắng dịu trong thân và tâm, học thêm được phương pháp ái ngữ và lắng nghe, hiểu được khó khăn và bức xúc, mơ ước, khổ đau của người kia, từ đó chấp nhận để giúp đỡ họ. Không nói những lời chua chát, buộc tội, lên án, thì có thể giúp người kia hiểu được, thấy được những nhận thức sai lầm của họ để thay đổi.
 
Đó là những phương pháp cụ thể, chỉ cần tu trong 6, 7 ngày là đã có thể đạt được những tiến bộ rất lớn rồi. Không khóa tu nào mà không có phép lạ xảy ra, vợ chồng hòa giải, cha con làm hòa là chuyện rất thường. Có điều lạ lùng, nếu 2 người cùng tới khóa tu thì sự chuyển hóa dễ dàng là đúng, nhưng có trường hợp chỉ 1 người đến khóa tu, chuyển hóa và có khả năng nói được lời êm dịu và lắng nghe được khó khăn của người đối thoại. Đến ngày thứ 6 chúng tôi cho phép dùng điện thoại di động để thực tập lắng nghe và ái ngữ, và có nhiều người đã báo cáo rằng chỉ dùng điện thoại di động đã có thể hòa giải với người kia ở nhà (bố, mẹ, anh chị em, vợ chồng, con...).
 
Khi nghe báo cáo như thế thì chúng tôi rất hạnh phúc, vì biết rằng mình đã giúp được nhiều người.
 
“Năm giới là sự thực tập cụ thể của tình thương”
 
Thực sự chúng tôi không chủ ý quyến rũ người ta theo đạo Phật, nhưng vào cuối khóa tu, người xin quy y và thọ 5 giới rất đông, có những khóa tu mà 6 - 700 người Tây phương quỳ xuống xin quy y Phật, Pháp, tăng và thọ 5 giới. Vì họ biết rằng 5 giới là sự thực tập cụ thể của tình thương.
 
Giới thứ nhất là Bảo vệ sự sống không chỉ của loài người mà động vật, thực vật, khoáng vật. Giới này đi theo đường lối bảo hộ môi trường (deep ecology), không chỉ bảo vệ con người mà còn bảo vệ các loài khác trong đó có thực vật và khoáng vật.
 
Giới thứ hai là Chia sẻ thời giờ và tài vật của mình với những người thiếu thốn, đừng lạm dụng và bóc lột người khác. Đó là giới không trộm cắp, không bóc lột, trái lại hiến dâng, là sự thực tập của tình thương.
 
Giới thứ ba là Không tà dâm, không lạm dụng tình dục, bảo hộ trẻ em, bảo hộ những cặp vợ chồng. Đó cũng là tình thương, vì bao nhiêu trẻ em lớn lên trong gia đình không giữ giới thì đau khổ vô cùng. Bởi vậy, sự thực tập giới thứ ba là không ăn nằm với những người không phải vợ chồng, không lạm dụng tình dục, bảo hộ cho những đôi nam nữ, bảo hộ trẻ em cũng là sự thực tập của tình thương.
 
Giới thứ tư là Sử dụng ái ngữ và lắng nghe để tái lập truyền thông giữa những người thân... cũng là sự thực tập tình thương.
 
Giới thứ năm là Tiêu thụ trong chính niệm, chỉ tiêu thụ những sản phẩm mang lại sự an lạc cho thân tâm mình, còn những sản phẩm có độc tố (như phim ảnh sách báo) thì những độc tố đó sẽ làm thâm tâm bị hủy hoại. Biết chọn đối tượng tiêu thụ cũng là sự thực tập của tình thương, bảo hộ xã hội, bảo hộ con người.
 
Khi họ thấy 5 giới là phương tiện bảo hộ mình và những người thương thì đó không còn là đức tin mơ hồ mà là những thực tập cần thiết. Họ tiếp nhận 5 giới với thái độ khoa học chứ không phải người đi tìm đức tin, nên họ thấy không chống đối gì với truyền thống tôn giáo của họ.
 
Nên học vua A Dục ca và Trần Thánh Tông để thống nhất lòng người
 
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Đúng là Giáo lý của đạo Phật rất đẹp, rất hay. Nhưng từ mong muốn mà chuyển hóa thành thực tiễn hành động, nhân cách mỗi con người thì không dễ chút nào. Liệu giáo lý đạo Phật có thể giúp định hình ra một nhân cách của dân tộc VN? Nhiều người mong muốn điều đó, nhưng nay còn bộn bề trăn trở nhiều. Thiền sư có đánh giá gì, có giải pháp gì đưa những điều hay của giáo lý Phật pháp đến với mỗi con người, để hình ảnh dân tộc Việt Nam có nhân cách tốt trong cộng đồng thế giới?
 
Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Đạo Phật ngày xưa giúp đất nước nhiều lắm. Học giả Hoàng Xuân Hãn đã nói Đạo Phật giúp đời Lý là triều đại thuần từ nhất trong lịch sử, khi từ vua quan tới dân đều thực tập đạo Phật. Đời Trần cũng vậy, sau khi chiến thắng Nguyên Mông, quan quân có đệ trình lên một hòm tài liệu của một số viên chức chính quyền liên lạc với giặc. Nhưng Vua Trần Thánh Tông đã đem hòm tài liệu đốt trước mặt bá quan để yên tâm trăm họ, bởi chúng ta đã giành được độc lập, đẩy lui được quân thù thì cần nhất bây giờ là đoàn kết quốc gia. Đó là hành động phát sinh từ tuệ giác của đạo Phật.
 
Hiện giờ, ta có thể học theo những hành động như thế. Cố nhiên là trong chiến tranh chúng ta bị chia rẽ, có những ý thức hệ đối chọi nhau, có những nhận thức khác nhau về chính trị, có cách thức yêu nước khác nhau. Giờ phải làm thế nào để buông bỏ thái độ đó đi. Đừng cho rằng chỉ có lý thuyết của chúng tôi là đúng, còn mọi lý thuyết khác đều sai lầm hết. Thái độ bám vào một chủ thuyết, không bao dung đó sẽ tiếp tục làm cho dân ta khổ.
 
Trong giới luật Tiếp hiện của chúng tôi có đưa ra tinh thần đạo Phật là không thờ phụng bất cứ một chủ nghĩa nào, một lý thuyết nào, kể cả đó là lý thuyết Phật giáo. Đạo Phật đưa ra những phương tiện để tu tập, để học hỏi, để chuyển hóa bản thân chứ không phải là những lý thuyết để thờ phụng, để phải phát động những cuộc chiến đẫm máu. Tôi nghĩ thái độ đó rất cần thiết. Vua A Dục ca ngày xưa sau khi thống nhất đất nước đã đi tu, yểm trợ cho các tôn giáo để các tôn giáo thống nhất nhân tâm. Vì thế, vua A Dục ca thống nhất được nhân tâm sau khi thống nhất lãnh thổ. Chúng ta nên học bài học đó. Chúng ta thống nhất Nam Bắc nhưng chưa thống nhất được lòng người, vẫn có sự tị hiềm, hận thù, đau khổ trong lòng mỗi chúng ta. Áp dụng đạo Phật là để buông bỏ những hận thù trong quá khứ. Đó là một trong những thực tập mà ta có thể thực hiện ngay, thống nhất lòng người, ôm lấy nhau như đồng bào.
 
Năm ngoái về Việt Nam, chúng tôi được phép của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức 3 đại trai đàn chẩn tế cầu siêu bình đẳng giải oan cho người Bắc, cho người Nam, cho người cộng sản và cả cho người chống cộng sản. Đó là tuệ giác của nhà nước ViệtNam. Đó là lần đầu tiên người Cộng sản và những người chống cộng sản được ôm lấy nhau để cùng khóc thương, cầu nguyện cho 6 triệu người chết, trong đó có bao người chết oan. Thực tập đó theo đúng tinh thần đạo Phật, buông bỏ những hận thù, bực bội, khổ đau trong quá khứ, đóng góp vào sự thống nhất lòng người.
 
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Sau một năm thực hiện hành động mà thiền sư đánh giá là có tính đột phá và được Nhà nước ủng hộ đó, thiền sư có thấy tiến bộ thêm trong sự xóa bỏ hận thù của quá khứ không?
 
Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Công việc đó cần phải được tiếp tục, mọi giới đều phải đóng góp vào. Ba trai đàn chẩn tế cũng chỉ là sự bắt đầu. Tôi nghe rằng nhiều vị thượng tọa, đại đức cũng đang tổ chức những trai đàn như vậy ở địa phương. Đó là sự tiếp nối. Chúng tôi nghĩ rằng những công việc như thế rất quan trọng, bởi thống nhất lòng người là điều căn bản. Chúng tôi nghĩ hiện ta có điều kiện làm việc đó. Những người Phật tử hiện đại hóa, làm mới được đạo Phật thì đạo Phật đóng góp được rất nhiều trong sự nghiệp thống nhất lòng người.
 
Bạn đọc Nguyễn Trọng Chuyên: Thiền sư đã làm gì để gắn kết khối đại đoàn kết dân tộc giữa người Việt với người Việt, giữa người Việt với cộng đồng thế giới?
 
Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Chúng tôi đã giúp được rất nhiều người Việt ở Hoa Kỳ thoát khỏi ngục tù của quá khứ. Nhưng cũng nhiều người rất khó vượt qua vì trong quá khứ họ có những chức vị, quyền lợi và họ không thể chấp nhận được việc họ bị mất đi những chức vị, quyền lợi ấy. Họ trở nên hận thủ. Cả những Phật tử cũng trở thành đối tượng hận thù của họ. Họ có thể chửi mắng, bôi nhọ... Riêng về phần chúng tôi, chúng tôi không đau khổ gì hết mà chỉ tội nghiệp cho họ. Vì bản thân họ bị quá khứ giam hãm nên họ không biết sống hạnh phúc trong hiện tại, do đó họ không có tương lai. Nếu họ cứ ôm khư khư cái hận thù thì họ rất đáng tội nghiệp.
 
Chúng tôi chỉ làm tối đa những gì có thể làm được, còn có lẽ phải nhờ một sự kì diệu nào đó, một ngày họ sẽ nhận ra thì đó là hạnh phúc của họ, và đó chính là sự giác ngộ.
 
“Thực tập để sống sâu sắc giây phút hiện tại” – cách để hoàn thiện nhân cách!
 
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhưng thực tế không chỉ chuyện thống nhất lòng người, mà trong ứng xử hàng ngày hiện nay thì kể cả với những người theo đạo Phật, các bạn trẻ cũng như người lớn tuổi, tính ăn gian nói dối, chiếm dụng của công, đố kị tị hiềm, chụp giật "bốc ngắn cắn dài" không nghĩ đến ngày mai...vẫn rất phổ biến trong xã hội? Như vấn nạn giao thông, còn nhiều người đi đường lạng lách, không lo lắng an toàn cho người khác. Phải chăng đạo Phật bất lực trong việc này?
 
Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Những người ngoại quốc tới VN nghĩ rằng lâu nay trong chiến tranh người VN không được sống, nên nay có hòa bình thì họ sống hối hả, lái xe như điên. Cái đó chỉ đúng một phần thôi. Tôi nghĩ cách sống này là do cách suy nghĩ, quan niệm của chúng ta. Tuệ giác của đạo Phật là mình có thể sống an lạc và hạnh phúc trong giây phút hiện tại (hiện pháp lạc trú: Living happily in the present moment). Đó là giáo lý căn bản của đạo Phật. Chẳng hạn, khi đi từ đây ra bãi đậu xe, mục đích là lấy xe để đi, nhưng không ai cấm mình đi từ đây ra bãi đậu xe bằng những bước chân thảnh thơi, an lạc hạnh phúc, chứ không phải chỉ khi lái xe mới an lạc hạnh phúc. Nếu đi từ đây ra xe mà không an lạc hạnh phúc thì nắm vô lăng cũng không thể an lạc hạnh phúc được. Vấn đề là phải thực tập.
 
Làm thức ăn sáng cho gia đình thì trong khi đun nước, nướng bánh mỳ có thể vừa theo dõi hơi thở, mỉm cười, thực tập thư giãn. Ngồi xuống bàn thì dành môt phút nhìn nhau mỉm cười, để biết mình còn nhau, có ngay hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Nếu ông cầm tờ Wall Street Journal để xem giá cổ phiếu lên hay xuống thì thay vì nhìn thấy vợ con, ông lại phóng tâm vào tương lai.
 
Nếu các thầy và sư cô đem ra giảng dạy, luyện tập cho người ta sống trong giây phút hiện tại, thì sự hối hả, đi tìm hạnh phúc trong tương lai kia sẽ giảm bớt. Vì biết tìm hạnh phúc trong hiện tại thì không cần bươn chải để đến tương lai. Hiện tại rất đẹp, quá khứ đã đi qua, tương lai thì chưa tới. Mình chỉ có giây phút thực sự sống là hiện tại, nếu sống sâu sắc mình có thể tiếp nhận trời xanh, mây trắng, chim hót, thông reo, hoa nở... những nhiệm màu của sự sống. Ly nước trong là nhiệm màu, mình có thể an trú trong hiện tại để tiếp xúc với ly nước không? Hay khi uống ly nước mà nghĩ tới dự án tương lai. Hiện pháp lạc trú là một nghệ thuật sống có hạnh phúc. Nếu hạnh phúc trong hiện tại thì chắc chắn tương lai sẽ hạnh phúc, còn nếu không có hạnh phúc trong hiện tại thì tương lai cũng không thể có hạnh phúc. Nếu lo rửa bát cho mau để cầm ly trà cho hạnh phúc, thì khi cầm ly trà cũng lại hối hả đến tương lai mà bỏ quên mất ly trà. Vấn đề là thực tập để sống sâu sắc giây phút hiện tại. Ta có đạo Phật mà không dùng đuợc tuệ giác của đạo Phật, nghĩa là đạo Phật của ta chưa thành công.
 
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Mọi người vẫn đang thắc mắc, làm sao từ những khát vọng, lý tưởng của đạo Phật trở thành máu thịt, thành cuộc sống hiện tại của từng con người. Nếu trong 85 triệu dân Việt Nam mà có 80%, tức là hơn sáu mươi triệu dân làm được thì đất nước cũng hạnh phúc lắm rồi. Thiền sư có biện pháp cụ thể để điều đó thành hiện thực không?
 
Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Trong 30 năm, chúng tôi đã giúp cho vô số người Tây phương nắm được phương pháp thực tập để sống an lạc, hạnh phúc, hòa giải với nhau. Nếu phương pháp này đã thành công trong giới trẻ và giới trí thức ở Tây phương thì cũng sẽ thành công ở đây, trong giới trẻ và giới trí thức Việt Nam. Trong những lần về vừa qua, chúng tôi đã mở những khóa tu cho giới trẻ và giới trí thức, và thấy sự tiếp thu đạo Phật rất nồng nhiệt. Trước khi đi HN chúng tôi có khóa tu cho 4000 người trẻ tại tu viện Bát Nhã - Lâm Đồng. Chúng tôi cũng vừa kết thúc một khóa tu cho người trẻ Hà Nội tại chùa Bằng A. Người trẻ tuổi và trí thức tới rất đông, nét mặt rất rạng rỡ, rất hạnh phúc, bởi học được phương pháp buông thư, ái ngữ lắng nghe để tháo gỡ những khó khăn với người thân. Nghĩa là chúng tôi cũng đã thí nghiệm thành công trong đất nước. Nếu ở Việt Nam, giới xuất gia và giới tại gia biết lợi dụng phương pháp này thì vài ba năm đã có sự thay đổi lớn trong cách sống rồi.
 
Bạn đọc Tuấn Anh (TP.HCM): Xin thầy cho con hỏi phương pháp hiện tại lạc trú có phải là không nghĩ về quá khứ, cũng như không nghĩ tới tương lai? Nếu vậy thì làm thế nào để rút ra những bài học kinh nghiệm từ quá khứ, hay hoạch định kế hoạch cho tương lai? Còn nếu nghĩ về quá khứ hay tương lai thì có thể nào lạc trú trong hiện tại được không?
 
Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Hiện pháp Lạc trú tức là sống sâu sắc đời sống của mình trong mỗi phút giây. Nguyên tắc là đừng đánh mất mình trong sự tiếc thương hay hối hận về quá khứ, chứ không phải là không được học hỏi từ quá khứ. Mình có thể an trú trong hiện tại và coi quá khứ là đối tượng của sự nghiên cứu của mình. Trong khi mình thiết lập thanh tâm trong hiện tại, mình đem quá khứ về hiện tại để học tập thì mình sẽ học hỏi được nhiều từ quá khứ.
 
Đối với tương lai cũng vậy, đừng đánh mất mình trong sự lo lắng và sợ hãi về tương lai. Còn mình có quyền thiết kế tương lai của mình chứ. Mình an trú trong hiện tại và mình đem tương lai về hiện tại để nghiên cứu và hoạch định.
 
Nói cách khác, sống sâu sắc trong hiện tại thì đồng thời mình cũng tiếp xúc được quá khứ, còn tương lai cũng nằm trong hiện tại. Mình cần biết xử lý hiện tại với tất cả khả năng của mình, thì có nghĩa là mình đang làm tất cả những gì mình có thể làm cho tương lai rồi.
 
Lo lắng và sợ hãi tương lai chỉ làm hư tương lai của mình, còn tiếc nuối và mặc cảm về quá khứ sẽ biến quá khứ thành nhà tù và mình không có khả năng sống trong hiện tại nữa. Đó là sự đáng tiếc!
 
Không phải ai đi tu cũng thành công
 
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhiều người trẻ cũng như trí thức suy ngẫm, tự tâm niệm, cảm nhận đạo Phật và hướng theo với sự tự giác, sâu sắc. Nhưng có người nhìn vào đội ngũ tu hành và thấy những người tu theo giáo lý Phật giáo mà không hành động, sống được như vậy, nên họ thất vọng và không tin. Phải làm thế nào để giải quyết được chuyện đó. Chẳng hạn có nhiều tình trạng giữa các nhà sư đố kỵ hiềm tị lẫn nhau, thượng tọa này nói xấu hòa thượng kia. Rồi chuyện phân bổ về chùa nọ chùa kia, ở bên ngoài có chạy chức chạy quyền thì trong những người tu hành lại có chạy chùa. Làm sao phải để người dân cảm nhận sự mực thước, trong sáng trong đạo Phật?
 
Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Đi tu cũng có thể thành công hay thất bại. Nếu gặp thầy giỏi, đoàn thể tu tập giỏi thì có cơ hội thành công dễ dàng hơn. Nếu không gặp được minh sư thì thất bại như một người tu. Khi mình xuất gia, mình không sống đúng theo luật nghi thì cũng thất bại. Ở đạo tràng Mai thôn có tới 3, 400 người, nhưng chúng tôi thực tập không ai có xe hơi riêng, điện thoại riêng, không có chương mục ngân hàng riêng, bởi đi tu là không có của riêng nữa. Một người ra đường, dù đi dạy hay đi tổ chức khóa tu, kể cả khi lên mạng thì có người khác đi theo. Chúng tôi thực tập như vậy nên được an ninh rất nhiều.
 
Những người Phật tử thấy một thầy ra thuê nhà ở riêng thì phải biết rằng họ làm sai với giới luật của đạo Phật. Nếu mình để họ như vậy và yểm trợ, rồi tìm tới với họ không phải để học hỏi giáo lý, để tu tập mà để có một sự thỏa mãn về tình cảm là hại cho người xuất gia đó. Bên phía xuất gia thất bại vì không hướng dẫn được cho cá nhân người tu sĩ đó. Bên cư sĩ lại không biết nên đã yểm trợ và dung túng cho hành vi không đúng của người tu sĩ, khiến họ có thể có lỗi lầm, có thể lạm dụng tình dục một người cư sĩ. Người tu sĩ trở thành nạn nhân của sự không thực tập, lỗi một phần ở tăng đoàn, một phần ở người cư sĩ không biết để giúp ngăn ngừa. Đạo Phật là đạo thực tập vô ngã, không có cái ta riêng biệt, người kia cũng là mình. Như bàn tay trái bàn tay phải có tinh thần vô ngã, bàn tay phải không bao giờ nói bàn tay trái vô tích sự không làm được gì hết. Mỗi khi bàn tay trái bị thương thì bàn tay phải chăm sóc như chăm sóc chính bản thân mình. Hai bàn tay có tuệ giác vô ngã, tuy hai mà một, không có kỳ thị.
 
Người Phật tử mà nắm được tuệ giác vô ngã thì không thấy cha với con là hai người riêng biệt, mà hiểu trong cha có con, trong con có cha, con là sự tiếp nối của cha. Nếu cha đau khổ thì con đau khổ, con hạnh phúc thì cha hạnh phúc, thấy được đau khổ của cha là đau khổ của chính mình, hạnh phúc của con là hạnh phúc của chính mình. Người tu chứng thực được vô ngã thì sẽ không nói xấu những người khác, không cho mình là nhất. Thấy một vị xuất gia, thượng tọa, hòa thượng mà dương dương tụ đắc thì thấy tội nghiệp cho họ vì đã tu bao nhiêu năm mà chưa chứng được tuệ giác vô ngã. Điều này áp dụng cho giới xuất gia cũng như tại gia. Vấn đề là làm thế nào để có được minh sư, mở được những môi trường để người tu tập có thể thành công. Vì ý chí muốn tu học là chuyện khác, thành công là chuyện khác. Ý chí không thì không đủ.
 
Thực tập yêu thương, hạnh phúc, an lạc để thành chân tăng
 
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Từ ý chí đến kết quả còn khoảng cách. Làm sao để những điều hay và giá trị tinh thần cao quý đó phải được lan tỏa vào mỗi con người, chứ hiện nay tỉ lệ thành công chưa cao? Nhiều người đến chùa không phải vì nhu cầu tâm linh thiêng liêng mà chủ yếu vì... mê tín. Họ cầu may để xin thành công trong làm ăn, đôi khi cả làm ăn bất chính.
 
Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Nhiều người nghĩ Phật và các vị Bồ Tát là thần linh, nếu mình đến cầu nguyện và "đút lót", cúng cho vị Bồ Tát này mấy chục ngàn đồng, cúng cho vị Bồ Tát kia mấy chục ngàn đồng là mình về sẽ không b�
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Bộ GD-DT

Lễ trao thưởng cho các học viên xuất sắc GYBM khóa 5 giai đoạn sơ cấp
(ĐHVHHN) – Sau 3 tháng học tập, 97 học viên GYMB khóa 5 đã vượt qua giai đoạn sơ cấp, với những thành công bước đầu. Chiều ngày 11/12/2015, Trường Đại học Văn...

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 9


Hôm nayHôm nay : 1282

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 86947

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7477359

Tin tổng hợp Xem tất cá các tin tổng hợp
Đăng lúc: 25-05-2016 08:51:02 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:42 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:25 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:04 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:46 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:26 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:05 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:48:45 AM
Thông tin bản quyền
    + TRƯỜNG THPT VÕ TRƯỜNG TOẢN
    + Đ/C: Cẩm Mỹ , Đồng Nai