»

Dạy và học tiếng Anh qua các hoạt động ngoại khóa

Thứ ba - 05/04/2016 10:59
(ĐHVH) -  “Cần khẳng định rằng hình thức dạy học trong lớp là phương pháp tổ chức lớp học cơ bản nhưng không phải là duy nhất. “Cửa sổ lớp học” cần mở ra nhiều hướng, bằng nhiều hình thức để phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Khi đó người giáo viên cần nắm vững những cách thức cơ bản để tạo ra môi trường lớp học lý tưởng.” 
I. Bài học rút ra từ thực tiễn của trường bạn

 Vừa qua tôi tình cờ được mời tham dự một chương trình ngoại khóa tiếng Anh của một trường đại học ở Hà Nội. Qủa thực, là một giáo viên dạy tiếng Anh tương đối lâu năm, tôi cũng đã được biết nhiều đến các chương trình ngoại khóa tiếng Anh nhưng chưa khi nào tôi thực sự quan tâm đến điều đó  lắm bởi vẫn chỉ coi đó là những hoạt động mang tính vui chơi, giải trí ngoài lề, mất thời gian. Tuy nhiên, sau khi tham dự buổi ngoại khóa tiếng Anh của trường bạn về, tôi đã thấy được rất nhiều điều bổ ích và lí thú. Và rồi, tôi đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận về vấn đề này.
Hôm đó là ngày chủ nhật, buổi ngoại khóa của trường bạn được tổ chức tại một khu du lịch sinh thái ở ngoại thành Hà Nội với chủ đề: “A day to speak English ” (Một ngày nói tiếng Anh). Vì địa điểm tổ chức không xa trung tâm Hà Nội và rất thuận tiện giao thông nên phần lớn các bạn sinh viên đến bằng xe buýt, một số khác đi bằng xe máy và các phương tiện khác… Tôi cùng cô bạn (giáo viên dạy tiếng Anh của trường bạn) đi từ rất sớm mà tới nơi đã thấy khá đông các bạn sinh viên có mặt ở đó. Từ xa, tôi đã cảm nhận được bầu không khí nhộn nhịp cùng sự háo hức của các bạn sinh viên. Nhìn thấy chúng tôi, các em thi nhau chào: “Good morning, teachers”. Sau khi chào lại các em, chị bạn giới thiệu tôi với các em bằng tiếng Anh và ngay lập tức những ánh mắt trìu mến, thân thiện hướng về tôi. Không ai bảo ai, các em như đồng thanh nói: “ Pleased to meet you!” . Tôi thật cảm động và một ý nghĩ thoáng hiện trong đầu “ Gía như sinh viên trường Đại học Văn hóa của mình cũng thích được giao tiếp bằng tiếng Anh như vậy...”
Có lẽ đây không phải là hoạt động ngoại khóa tiếng Anh lần đầu tiên đối với các bạn sinh viên này bởi qua quan sát, tôi thấy các bạn có vẻ như rất thành thạo trong mọi công việc. Dưới mái lá của một chiếc lán khá rộng, xung quanh không che chắn để dễ hòa đồng với thiên nhiên cây cỏ xung quanh, các bạn sinh viên mỗi người một việc, người thì căng phông trang trí , bạn thì chuẩn bị loa đài, một số khác kê lại bàn ghế, ... Ai nấy đều tất bật và đặc biệt tôi để ý thấy các bạn hầu như giao tiếp với nhau chủ yếu bằng tiếng Anh. Tuy khi nói có đúng, có sai, có ngập ngừng, ngắc ngứ nhưng tất cả đều thể hiện sự cố gắng hết sức để tránh không bị bật ra tiếng Việt, để tuân thủ nội dung  chủ đề của chương trình ngoại khóa tiếng Anh : “ Một ngày nói tiếng Anh”. Đúng 7 giờ 30 phút sáng, chương trình được khởi động bằng “Màn chào hỏi và tài năng” (Greeting and talent) đến từ các đội chơi. Không khí của chương trình đã sôi nổi ngay từ những phút đầu. Khởi động là một màn chào hỏi cực kì ấn tượng và sáng tạo của các đội chơi với các màn kịch, tiểu phẩm ngắn, giới thiệu một cách đầy đủ các thành viên trong đội mình. Tiếp đến là một trò chơi vô cùng thú vị “ Đi tìm kho báu” (Treasure hunting). Hơn một trăm hai mươi sinh viên được chia làm tám nhóm, mỗi nhóm có một màu sắc đặc trưng riêng. Nhiệm vụ của nhóm là vượt qua ba vòng thử thách để tìm được kho báu của mình. Tôi thấy các bạn sinh viên rất chăm chú lắng nghe giáo viên phổ biến luật chơi bằng tiếng Anh. Sau khi được chia về các nhóm, các bạn sinh viên cùng với giáo viên hướng dẫn bàn về chiến thuật để giành chiến thắng trong trò chơi này. Có một đội đã tìm được tấm thẻ đầu tiên của đội mình và sẵn sàng bước vào vòng trả lời câu hỏi tiếng Anh. Tôi nhận thấy sự căng thẳng xuất hiện trên gương mặt các em khi bạn nào cũng muốn vận dụng hết khả năng tiếng Anh của mình để trả lời các câu hỏi. Sau khi trả lời xong, các bạn phải chạy nhanh hết sức có thể để tìm được kho báu của mình.
Bữa trưa cũng là thời gian thật vui nhộn và sảng khoái. Vừa ăn, các bạn vừa bàn luận sôi nổi về trò chơi diễn ra buổi sáng và tất nhiên ai nấy đều vẫn ý thức để nói bằng tiếng Anh càng nhiều càng tốt.
Sau khi ăn trưa và nghỉ ngơi một lúc, buổi chiều vẫn tám nhóm lại bắt đầu một trò chơi mới “ Drawing”. Ở trò chơi này, các bạn sinh viên được thỏa sức sáng tạo chủ đề bức tranh trên khổ giấy A1. Điểm đặc biệt của trò chơi này là sau khi hoàn thành tác phẩm, mỗi nhóm phải cử một đại diện lên thuyết trình, hùng biện bằng tiếng Anh về ý nghĩa của bức tranh. Có thể do đã được trải nghiệm  qua không ít lần ở những buổi sinh hoạt ngoại khóa như thế này nên tôi thấy hầu như các em rất hăng hái và sôi nổi vận dụng hết khả năng tiếng Anh của mình để đưa ra ý kiến đóng góp. Các em được khuyến khích phản biện, thảo luận và thể hiện quan điểm cá nhân bằng tiếng Anh. Còn bạn đại diện thì rất có đầu óc tổng hợp, sáng tạo và trình bầy rất lưu loát, tự tin. Tôi thầm nghĩ, phải chăng thông qua những hình thức hoạt động ngoại khóa hấp dẫn như thế này, các em cảm thấy việc học giao tiếp bằng tiếng Anh không những không bị áp lực mà còn được khích lệ rất nhiều. Trong lúc các nhóm vẽ tranh, một số sinh viên của các đội lên tranh tài trong phần thi “ Let’s sing”. Các bạn thi nhau thể hiện những bài hát bằng tiếng Anh rất hay và không kém phần chuyên nghiệp. Để khuyến khích và cộng điểm thưởng cho các đội, ban tổ chức còn đưa ra chương trình đố vui bằng tiếng Anh như “ Who is quicker ?” ( Ai nhanh hơn) hay “ Find the key word” (Tìm từ chìa khóa), hoặc trò chơi lồng ghép các từ vựng, thành ngữ tiếng Anh quen thuộc giúp các em thể hiện sự hiểu biết, sáng tạo và tinh thần đồng đội cao ... Tôi để ý thấy các em thể hiện rõ sự hồi hộp, hứng thú và bị thu hút bởi những câu hỏi hấp dẫn và lí thú. Những cánh tay hăng hái giơ cao giành quyền trả lời khiến không khí càng thêm sôi nổi. Rất có thể tinh thần này sẽ được cháy âm ỉ trong mỗi sinh viên để nó lại được bùng lên trong mỗi giờ học tiếng Anh trên lớp. Qủa là tôi đã dần nhận thấy những ưu điểm của các hoạt động ngoại khóa tiếng Anh mà bấy lâu nay hầu như tôi vẫn xem là điều vô bổ.
Sau cùng là màn tổng kết xem đội nào có tổng số điểm cao nhất và trao giải. Có một điều đặc biệt tôi thấy ở đây là cho dù có được giải hay không, các bạn sinh viên vẫn rất vui và đều coi như mình vừa đã trải qua một ngày vừa được chơi nhưng lại học được nhiều thứ. Khi chương trình kết thúc cũng là lúc mặt trời tắt nắng. Các bạn sinh viên chia tay trong sự nuối tiếc và mong muốn có thêm nhiều buổi ngoại khóa tiếng Anh như vậy để các em có thêm cơ hội giao lưu, học hỏi và nâng cao khả năng nói, giao tiếp bằng tiếng Anh, mở rộng kiến thức về văn hóa và ngôn ngữ đồng thời trau dồi những kĩ năng cần thiết trong cuộc sống.
Qủa là “Học mà chơi, chơi mà học”. Thông qua những hoạt động trong buổi ngoại khóa tiếng Anh, các em không những tiếp thu thêm những kiến thức không có trong sách vở, trong các bài giảng mà còn lĩnh hội được mọi tri thức từ các vấn đề xã hội, từ cuộc sống xung quanh. Việc cọ sát, thi đua, thi đấu, ... trong mỗi chương trình làm phát huy tối đa khả năng của bản thân: tính năng động, sáng tạo, tư duy độc lập của mỗi em, giúp cho các em phát triển kĩ năng làm việc theo nhóm, khả năng phân tích, tư duy phê phán, thúc đẩy sự tự tin và tinh thần hợp tác giữa các sinh viên. Mặt khác, các hoạt động mang tính tập thể như thế này đã để lại trong mỗi em những kỉ niệm đẹp về bạn bè, mái trường, giúp các em sinh viên phát triển tình cảm, đạo đức, tình đoàn kết yêu thương gắn bó, tương thân tương ái, tạo cảm giác gần gũi, thân thiện giữa sinh viên với giảng viên, giữa các sinh viên với nhau ... Và đặc biệt hơn hết đó là các em được  thực hành, phát triển và nâng cao tiếng Anh một cách tự nhiên và hiệu quả qua các trò chơi, bài hát, đố vui, các em được tiếp thu thêm những từ mới với các cách diễn đạt mới, khác nhau cho cùng một vấn đề. Có thể coi những hoạt động ngoại khóa như những giờ học tiếng Anh ngoài lớp, tạo cho sinh viên cảm giác thoải mái, dễ chịu, đồng thời tạo cho các em động lực học một cách tự giác chứ không phải học theo kiểu đối phó vì tiếng Anh được coi là môn học thiên về năng khiếu nên việc chủ động, tự giác khi học tập sẽ có tác dụng hơn là bị ép buộc. Chính những buổi ngoại khóa tiếng Anh đã biến tiếng Anh của các em thành một công cụ giao tiếp thực sự chứ không phải là một môn học.  
Mặt khác, với những chủ đề cho mỗi buổi ngoại khóa đã được đưa ra từ trước cũng khích lệ các em tăng cường khả năng khai thác, tìm tòi các tài liệu bằng tiếng Anh phục vụ chuyên đề, chuyên ngành hay chuyên môn mà các em theo học.
Trên đường về nhà, những suy nghĩ về buổi ngoại khóa tiếng Anh khiến tôi nhớ lại câu nói của nhà sư phạm nổi tiếng của nước Nga đầu thế kỉ XX – Makarenco : “ Tôi kiên trì nói rằng các vấn đề giáo dục, phương pháp giáo dục không thể hạn chế trong các vấn đề giảng dạy, lại càng không thể để cho quá trình giáo dục chỉ thực hiện trên lớp học mà đúng ra phải là trên mọi mét vuông của đất nước ta. ... Nghĩa là trong bất kì hoàn cảnh nào cũng không được quan niệm rằng công tác giáo dục chỉ được tiến hành trong lớp.”
 II. Xây dựng chương trình ngoại khóa tiếng Anh cho sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội – Một việc cần thiết, nên làm.
 Tôi thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện nay, để thu hút được nhiều sinh viên thì mỗi trường đại học đều muốn tạo dựng một môi trường học tập đa dạng và phong phú. Họ cũng coi trọng việc học ngoài lớp ( từ môi trường và cộng đồng xung quanh ) như việc học trong lớp. Vì vậy họ luôn tạo mọi điều kiện để tổ chức các hoạt động ngoại khóa nói chung và hoạt động ngoại khóa tiếng Anh nói riêng để không những tạo thêm môi trường học tập cho các em mà còn phần nào tô điểm thêm bức tranh nhằm quảng bá những hình ảnh đẹp về trường.
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội từ xưa đến nay vẫn luôn được coi là trường có nhiều những hoạt động ngoại khóa phong phú, đa dạng. Tuy nhiên hoạt động ngoại khóa tiếng Anh thì dường như vẫn còn mới lạ với hầu hết sinh viên trong trường. Với những ưu điểm, lợi ích không thể phủ nhận mà các hoạt động ngoại khóa tiếng Anh đem lại cho người học tiếng Anh nói chung và sinh viên đại học nói riêng thì theo tôi không có lí do gì mà trường Đại học văn hóa Hà Nội lại không tiến hành xây dựng những chương trình ngoại khóa tiếng Anh -  sân chơi lành mạnh cho sinh viên của mình, nhằm kích thích tinh thần học tập và nâng cao ý thức của sinh viên về tầm quan trọng của tiếng Anh trong giai đoạn hiện nay, tạo cho các em niềm say mê, hứng thú với môn học, rèn luyện kĩ năng và tạo sự tự tin trong giao tiếp tiếng Anh đồng thời giúp cho các em thấy được việc học tiếng Anh là vô cùng thú vị. Tuy nhiên, để xây dựng được một chương trình ngoại khóa tiếng Anh tốt, chất lượng thì nhất thiết người tổ chức phải xét đến một số yếu tố nhất định, chẳng hạn như: yếu tố ngôn ngữ ( language factors); yếu tố văn hóa ( cultural factors); yếu tố giáo dục ( educational factors); yếu tố người học ( learner’s factors); yếu tố người thầy ( teacher’s factors) ….
 III. Những yếu tố cần xem xét khi xây dựng chương trình ngoại khóa tiếng Anh cho sinh viên.
1. Yếu tố ngôn ngữ: ( Cụ thể ở đây là tiếng Anh)
Do mục đích của việc tổ chức chương trình ngoại khóa là để giúp sinh viên hiểu rõ hơn, sử dụng được, vận dụng tốt và trau dồi kiến thức tiếng Anh mà các em đã được học ở trường nên nội dung, chủ đề và cấp độ ngữ pháp cũng phải được chú ý tối đa trước khi lên chương trình. Cụ thể là ở đây chúng ta phải đảm bảo yếu tố ngôn ngữ (tiếng Anh) sao cho phù hợp với trình độ của sinh viên, phù hợp với ngữ liệu mà sinh viên đang học trong chương trình chính khóa. Các em có thể sử dụng được ngôn ngữ mà mình đang học trong vui chơi, trong vai diễn của những tiểu phẩm, trong việc đặt vấn đề, giải quyết vấn đề, thậm trí trong tranh luận hay phản bác ý kiến của người khác và trong cả việc đóng góp ý kiến cho các bạn cùng nhóm, … Yếu tố ngôn ngữ ở đây còn được xem xét để làm sao các em còn có thể vận dụng được kiến thức tiếng Anh đã học để diễn thuyết, nêu quan điểm, chính kiến của mình, của đội mình về một vấn đề cụ thể hay thực hành giao tiếp trong một tình huống thật. Do đó, nội dung ngôn ngữ thường xoay quanh các chủ đề, chủ điểm của bài học trên lớp. Chúng ta xác định sử dụng ngữ liệu của bài đọc, bài nghe và giáo trình đang được sử dụng trong việc giảng dạy đồng thời được mở rộng, phát triển thêm. Nếu chương trình ngoại khóa tiếng Anh được tổ chức mở rộng cho sinh viên toàn trường thì việc phân cấp ngôn ngữ phải được chú ý ngay từ khi ra câu hỏi, chia nhóm sinh viên để các em tham gia các trò chơi, … hay các hoạt động khác sao cho sinh viên mỗi khối, lớp tham gia đều cảm thấy phù hợp với trình độ của mình.
Nói chung yếu tố ngôn ngữ trong chương trình ngoại khóa giúp sinh viên không những làm giàu vốn từ vựng, cấu trúc ngữ pháp, mẫu câu, cách diễn đạt chuẩn ngôn ngữ mà các em đang học mà còn khuyến khích các em sử dụng thành thạo và mở rộng thêm vốn kiến thức đó.
2. Yếu tố văn hóa:
Chúng ta đều biết học ngoại ngữ là tiếp xúc với một nền văn hóa khác về cách sống, giao tiếp, hành vi, phong tục tập quán ,.. của nền văn hóa đó. Điều này vô cùng quan trọng đối với sinh viên Đại học văn hóa nói chung và đối với sinh viên khoa Ngôn ngữ & Văn hóa quốc tế nói riêng. Khi xây dựng chương trình ngoại khóa tiếng Anh, chủ đề của các buổi sinh hoạt ngoại hoặc có thể xoay quanh các vấn đề văn hóa, xã hội, … của các nước nói tiếng Anh như các dịp lễ : Mừng giáng sinh ( Mary Christmas); Mừng năm mới ( Happy new year); Lễ tạ ơn ( Thanks giving); Ngày lễ tình nhân ( Valentine); …. hoặc cũng có thể là phát triển các chủ đề trong các bài học tiếng Anh trong giáo trình trên lớp dưới các hình thức hát, kể chuyện, đố vui hay đóng kịch bằng tiếng Anh, …
Với đặc điểm đa sắc tộc của sinh viên Đại học văn hóa Hà nội thì việc khuyến khích các em từ khắp các vùng miền của đất nước giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc mình bằng tiếng Anh không những giúp các em hiểu biết thêm những giá trị văn hóa của các nền văn hóa khác mà còn giúp các em biết coi trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Ngoài ra, để đảm bảo yếu tố văn hóa trong việc học ngoại ngữ thông qua các hoạt động ngoại khóa tiếng Anh thì chúng ta không thể không chú ý đến thái độ của người học (các em sinh viên) đối với người nước ngoài, đối với ngoại ngữ nói chung và đối với ngôn ngữ mà các em đang học nói riêng.
3. Yếu tố giáo dục:
Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp là một bộ phận không thể thiếu của quá trình giáo dục toàn diện cho sinh viên. Hoạt động ngoại khóa có thể được coi như một trong các hình thức để đánh giá sinh viên theo quan điểm phát triển toàn diện và càng có ý nghĩa hơn nếu các hoạt động ngoại khóa có tác động trở lại, giúp sinh viên có thêm hứng thú, niềm vui trong học tập và rèn luyện đạo đức. Từ đó các em rèn luyện cho mình kĩ năng giao tiếp, ứng xử có văn hóa, kĩ năng tự quản, tự tổ chức, điều khiển, nhận xét, đánh giá, hòa nhập và thực hiện một số những hoạt động tập thể khác. Với những lí do trên, hoạt động ngoại khóa cần phải được đổi mới về hình thức, nội dung và cách tổ chức thực hiện để thu hút đông đảo sinh viên tham gia với niềm ham mê, tự nguyện, lôi kéo các em ra khỏi các tệ nạn xã hội luôn quanh quẩn, rình rập trong nhà trường và xã hội.
Hơn hết, các chương trình ngoại khóa tiếng Anh phải khuyến khích sinh viên chủ động trong việc học tập, cụ thể là học tiếng Anh, tạo cơ hội cho các em cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc lập kế hoạch, phát huy ý thức tự học, tự tìm tòi của sinh viên có thể bắt đầu bằng những công việc đơn giản như yêu cầu các em lựa chọn ngữ liệu để đóng góp cho bài thuyết trình của nhóm, vv… Qua việc làm đầu tiên này, các em dần bị cuốn hút vào chương trình và trở nên tích cực , chủ động và tự tin tham gia những hoạt động tiếp theo.


4. Yếu tố người học và yếu tố người thầy
Trong bất kì một buổi sinh hoạt ngoại khóa tiếng Anh nào thì cũng không thể thiếu hai đối tượng: đối tượng tổ chức hoạt động chủ yếu là đội ngũ giáo viên – yếu tố người thầy và đối tượng tham gia hoạt động chính là tất cả các em sinh viên học tiếng Anh trong trường – yếu tố người học.
Tuy cả hai yếu tố - đối tượng đều có vai trò quan trọng như nhau, song nếu người học (các em sinh) viên nhận thức không đầy đủ, không hứng thú, thiếu sự tự giác, chủ động, sáng tạo thì buổi sinh hoạt ngoại khóa khó đạt được hiệu quả như mong muốn. Do đó khi xây dựng chương trình ngoại khóa tiếng Anh thì yếu tố người học phải được quan tâm, chú trọng đầu tiên bởi yếu tố này quyết định nội dung của chương trình. Ở đây, người học là các sinh viên trường Đại học văn hóa Hà Nội được học tiếng Anh trong môi trường tại một đất nước không nói tiếng Anh. Do vậy, chương trình ngoại khóa tiếng Anh phải làm sao giúp sinh viên học được những điều mà môi trường phi tiếng Anh tự nhiên không cung cấp cho các em được.
Ngoài ra việc xem xét đến cấp độ học tiếng Anh, lứa tuổi, hoàn cảnh xuất thân, vùng miền, tâm lí, sở thích hay những vấn đề mà các em quan tâm như tình bạn, tình yêu … để xây dựng nội dung chương trình sao cho phù hợp, nhằm giúp các em mở ra một cánh cửa mới về kiến thức một cách nhẹ nhàng mà hữu ích sao cho các em luôn cảm thấy được học mà chơi, chơi mà học.
Vai trò của người thầy trong chương trình ngoại khóa tiếng Anh được coi như một chất xúc tác, nguồn động viên, cổ vũ to lớn đối với sinh viên tham gia. Người thầy ở đây là những giáo viên trực tiếp tham gia cố vấn cho các em sinh viên. Ngoài việc cung cấp kiến thức, tư liệu cần thiết, liên quan đến chủ đề của buổi sinh hoạt ngoại khóa cho các em, người thầy còn phải tạo điều kiện cho các em tham gia bàn bạc về nội dung, hình thức tổ chức trước khi tham gia hoạt động. Điều này sẽ giúp các em phát huy tính tích cực, độc lập sáng tạo, tự giác và có hứng thú để tham gia. Có khi người thầy còn đóng vai trò như là một trọng tài vì thầy mới có thể đưa ra những quyết định đúng, sai hay phân thắng, bại trong một số các trò chơi một cách thuyết phục hoặc cung cấp thêm các nội dung ngôn ngữ mà các em cần. Sự giúp đỡ của người thầy sẽ làm cho chương trình được thực hiện một cách có hiệu quả, củng cố niềm tin cho sinh viên. Ngoài ra, giáo viên còn phải tăng cường vận động, tuyên truyền, thuyết phục và kích thích lòng nhiệt tình cùng sự say mê tham gia hoạt động trong sing viên, đề cao trách nhiệm và quyền lợi của sinh viên khi tham gia các hoạt động ngoại khóa, nhằm thu hút, lôi cuốn cả những sinh viên vốn ngại tham gia hay những sinh viên yếu kém chưa bao giờ dám phát biểu trước đám đông. Mặt khác, giáo viên cũng phải nghiêm khắc xử lí những đối tượng có hành vi phá đám, chây lười làm ảnh hưởng đến hoạt động chung. Song song với những việc trên thì giáo viên cũng cần có biện pháp để kiểm tra, theo dõi, đánh giá kết quả (một cách nhẹ nhàng, tế nhị), khen thưởng, động viên kịp thời đối với những sinh viên năng nổ, có thành tích tốt trong các hoạt động của chương trình.
5. Ngoài ra, để xây dựng một chương trình ngoại khóa tiếng Anh thành công thì yếu tố vật chất, địa điểm cũng cần phải được xem xét.
Địa điểm để tổ chức một buổi sinh hoạt ngoại khóa tiếng Anh có thể là chính giảng đường của trường đại học, đôi khi là nhà văn hóa hay thỉnh thoảng là những buổi dã ngoại ngoài trời hoặc có khi chỉ là một buổi đi thăm quan một bảo tàng hay di tích lịch sử trong thành phố, vv…
Với các thiết bị sẵn có trong trường như đèn chiếu, màn hình, mic, loa, đài hay phông màn, địa điểm vv… thì yếu tố vật chất cũng không gây tốn kém nhiều cho các em sinh viên khi tham gia chương trình.
 
IV. Kết luận.
Học tiếng Anh thông qua những hoạt động ngoại khóa thú vị là một trong những cách hiệu quả nhất để lĩnh hội kiến thức và phát triển kĩ năng tiếng Anh đã được học trên lớp. Để những hoạt động ngoại khóa tiếng Anh thực sự không chỉ là những hoạt động thực hành mở rộng bài học trên lớp hay một buổi học nhóm mà phải là những hoạt động đa dạng nhằm giúp sinh viên chiếm lĩnh được những kĩ năng giao tiếp và làm việc theo nhóm – là những kĩ năng hết sức quan trọng trong việc học tập cũng như trong cuộc sống của bản thân  mỗi sinh viên thì những hình thức, nội dung của các buổi sinh hoạt ngoại khóa tiếng Anh phải luôn được đổi mới, cập nhật để hấp dẫn, thu hút được nhiều sinh viên tham gia.  


Bài: Nguyễn Thị Thanh Huyền - Khoa Ngôn ngữ & VHQT
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Bộ GD-DT

Lễ trao thưởng cho các học viên xuất sắc GYBM khóa 5 giai đoạn sơ cấp
(ĐHVHHN) – Sau 3 tháng học tập, 97 học viên GYMB khóa 5 đã vượt qua giai đoạn sơ cấp, với những thành công bước đầu. Chiều ngày 11/12/2015, Trường Đại học Văn...

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 6


Hôm nayHôm nay : 5076

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 186958

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7577370

Tin tổng hợp Xem tất cá các tin tổng hợp
Đăng lúc: 25-05-2016 08:51:02 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:42 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:25 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:04 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:46 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:26 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:05 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:48:45 AM
Thông tin bản quyền
    + TRƯỜNG THPT VÕ TRƯỜNG TOẢN
    + Đ/C: Cẩm Mỹ , Đồng Nai