»

Đại thụ nghìn tuổi giữa Hà Nội và "vòng eo" hơn 4m

Thứ ba - 24/05/2016 13:27
(VTC News) - Theo anh Ngô Kim Khánh, thành viên đoàn khảo sát cây cổ thụ phục vụ cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long,  những “cụ” muỗm này có chu vi thân lên tới 4,21 mét, cao tới 26 mét. 


Giữa cái nóng như nung tại Hà Nội, không khí trong khu vườn muỗm đại cổ thụ ở đền Voi Phục Thụy Khuê vẫn mát lạnh như ở trên vùng núi. 

>> Chuyện thú vị về vườn cây 1.000 tuổi ở Hà Nội 

Ông Nguyễn Văn Tùng (Trưởng ban quản lý di tích đền Voi Phục Thụy Khuê) cho biết, bản thân ông cũng như các cụ già ở Thụy Khuê đều chỉ biết rằng, những cây muỗm này đã có từ rất lâu. Từ ngày bé xíu ông đã thấy nó khổng lồ như thế này rồi. Còn chuyện nó được trồng từ năm bao nhiêu, trồng như thế nào thì không ai biết. Nhưng chuyện nó có tuổi ít nhất 700 năm thì quả là không dám nghĩ đến. 
 

"Cụ" muỗm ngàn tuổi này mắc khá nhiều bệnh.

Tuy nhiên, từ khi các nhà khoa học nước ngoài định tuổi cho những cây muỗm ở quanh đền Voi Phục Thụy Khuê tới hơn 700 năm, thì ông Tùng cũng như các bô lão ở Thụy Khuê đều tin rằng, nó được trồng từ ngày dựng ngôi đền này, tức là đã ngót 1.000 năm. Theo truyền thống của nước ta, mỗi khi dựng đền, đình hoặc chùa, bao giờ các cụ cũng trồng 9 cây, thường là đa, bồ đề, muỗm. Và 9 cây muỗm hiện vẫn còn đến ngày nay qua dáng cây, tán lá… đều có vẻ như có tuổi ngang với nhau. 

Cũng kể từ ngày các nhà khoa học nước ngoài tuyên bố 9 cây muỗm này thuộc hàng “đại cổ thụ”, đền Voi Phục Thụy Khuê trở nên nổi tiếng. Có rất nhiều đoàn đến thăm, trong đó, chủ yếu là các nhà khoa học, sinh viên, học sinh, các nhà nghiên cứu về môi trường. 

 

Voi đá trước đền Voi Phục có tuổi gần ngàn năm, nên có thể 9 cây muỗm trong đền cũng có tuổi tương đương. 

Đặc biệt, hồi giáo sư Trần Quốc Vượng còn sống, ông đã dẫn một đoàn gần 100 nhà khoa học trong và ngoài nước, toàn giáo sư, tiến sĩ đến ngôi đền này tham quan, nghiên cứu. Giáo sư Vượng cũng khẳng định ngôi đền này đã có tuổi gần 1.000 năm, dựng trước ngôi đền Voi Phục ở công viên Thủ Lệ. Theo giáo sư Vượng, nếu vườn muỗm này được trồng cùng lúc dựng đền, thì nó cũng có tuổi ngót ngàn năm rồi. 

Ông Nguyễn Văn Tùng dẫn tôi đi dạo trong khu vườn “đại cổ thụ” rộng 2.000 mét vuông nằm giữa con phố đông đúc, bụi bặm, nườm nượp xe cộ đi lại. Giữa cái nóng như nung của Hà Nội những ngày này, song không khí trong khu vườn mát lạnh như ở trên vùng núi. 

 

Vào những ngày nóng nực, trong khu vườn muỗm đại cổ thụ này vẫn mát lạnh.

Ông Tùng bảo: “Những ngày hè, trên tivi nói ngoài đường phố Hà Nội nắng nóng hơn 40 độ C, người dân phải bỏ nhà ra khách sạn ở tránh nắng, song chúng tôi vẫn ngồi trong đền uống nước, dạo chơi trong vườn đền mà không cần đến quạt điện. Không biết có phải do những cụ muỗm này tỏa ra hơi mát không nữa”. 

Đúng là đứng dưới tán muỗm thấy không khí mát lạnh, không có cảm giác oi nồng như ở chỗ khác. Tuy nhiên, theo tôi, do những cây muỗm này quá lớn, tán rộng, cao, che kín mảnh vườn 2.000 mét, không cho anh nắng lọt xuống đất, do đó, đất vẫn giữ được hơi lạnh, nên hơi lạnh tỏa ra trong những lúc nắng nóng, khiến không khí trong vườn mát dịu. 

 

Thân "cụ" muỗm có màu trắng do nấm mốc.

Những “cụ” muỗm này đều rất cao lớn, lực lưỡng, thân cây mốc thếch, u mấu hoặc có màu trắng bạc. Khủng nhất là “cụ” muỗm nằm ở phía trái trước đền. Theo anh Ngô Kim Khánh, thành viên đoàn khảo sát cây cổ thụ phục vụ cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long, “cụ” muỗm này có chu vi thân lên tới 4,21 mét, đường kính 1,34 mét và cao tới 26 mét. Đặc biệt, đường kính tán cây rộng tới 20 mét, che phủ một khoảng không rộng tới vài trăm mét vuông. 

Tán lá của "cụ" muỗm này rộng tới vài trăm mét vuông. 

Theo ông Nguyễn Văn Tùng, các “cụ” muỗm dù đã gần ngàn tuổi, song năm nào quả cũng sai trĩu trịt. Đầu xuân, hoa nở li ti phủ trắng những tán cây khổng lồ. Mỗi khi có cơn gió nhẹ từ Hồ Tây thổi vào, hoa rụng như mưa tuyết, trắng trời, phủ kín mái đền, sân đền, khuôn viên sau đền và nhà dân quanh đó. Ngày nào ông và các cụ trông giữ đền cũng quét được mấy bao tải hoa muỗm. 

Vào những ngày gió đông bắc thổi mạnh hoa trút xuống nhiều khủng khiếp. Mỗi ngày các cụ quét đền cả chục lần. Cứ quét xong chỗ này, chỗ kia đã lại ngập lún bàn chân. 

Tháng 3, tháng 4 là mùa muỗm chín. Quả muỗm giống như quả xoài, nhưng nhỏ hơn. Ông Tùng gọi những người nghèo quanh khu vực đến hái muỗm đem bán. Một người hái một lúc được cả bao quả muỗm. Họ hái muỗm ròng rã cả tháng trời mới hết. Mỗi vụ, 9 “cụ” muỗm này cho sản lượng tới vài tấn quả. Quả muỗm có vị chua mát, nên cho vào nước rau luộc thì ngon tuyệt. Đặc biệt, với người Hà Nội, món canh thịt băm viên nấu muỗm xanh đã trở nên quen thuộc vào những ngày nóng nực đầu hè.
 
"Cụ" muỗm này nằm trong khu nhà dân song được bảo vệ rất tốt.

Muỗm là loài sống rất thọ và có sức sống mãnh liệt. Trong điều kiện thuận lợi, tuổi thọ của chúng có thể tính bằng ngàn năm. Điều lạ là thân muỗm lớn rất chậm, song cành lại mọc rất nhanh. Có tuổi cả ngàn năm, song thân chỉ lớn chừng vài người ôm. Do gỗ muỗm không dẻo, lại xốp òm ọp, nên chỉ một cơn giông, bão quét qua, cành muỗm gẫy lả tả. Tuy nhiên, chỉ thời gian sau, cành lá lại sum suê trên cái thân ngàn năm tuổi mốc thếch ấy. 

Trong số 9 cây muỗm, hiện có 2 cây nằm ngoài khuôn viên của đền. Một cây phía sau đền, nửa gốc ngoài ngõ, nửa gốc trong sân nhà dân. Tuy nhiên, cây muỗm này được bảo vệ rất tốt, nên còn nguyên vẹn. Còn “cụ” muỗm phía bên kia đường Thụy Khuê hiện đang bị đóng khung bởi những bức tường, không hở một chút nào. Để đấu tranh sinh tồn, “cụ” muỗm phải vươn rất cao, vượt khỏi mái những ngôi nhà cao tầng. 

Theo ông Tùng, rất nhiều lần những hộ dân quanh đó đòi cưa cành để xây nhà, song ông cũng như chính quyền phường Thụy Khuê đều phản đối quyết liệt mới giữ được. Tuy nhiên, số phận “cụ” muỗm ngàn tuổi này dễ bị định đoạn trong một sớm một chiều, bởi cụ mọc đúng chỗ mà trị giá đất lên tới cả trăm triệu một mét vuông. 

 
"Cụ" muỗn này bị trói chặt bởi những bức tường.

Hiện tại, duy nhất đền Voi Phục Thụy Khuê và chùa Láng là còn đủ 9 cây muỗm. Tuy nhiên, 9 cây muỗm ở chùa Láng chỉ có tuổi trên 300 năm, không thể sánh với tuổi của 9 “cụ” muỗm ở đền Voi Phục Thụy Khuê. Những đền, đình, chùa khác ở Hà Nội thường chỉ còn 2-3 cây muỗm đại cổ thụ mà thôi. Như đền Quán Thánh (Ba Đình), được bảo vệ rất tốt, song hiện cũng chỉ còn 6 cây muỗm 300 tuổi. 

Vườn muỗm đại cổ thụ gần 1.000 tuổi trong khuôn viên ngôi đền cổ Voi Phục Thụy Khuê là vô cùng quý giá. Để có được vườn đại cổ thụ như thế này, phải mất gần 1.000 năm trồng, chăm sóc, bảo vệ. 

Tuy nhiên, theo ông Ngô Kim Khánh, hiện những “cụ” muỗm này đang mắc khá nhiều bệnh, đặc biệt là bệnh nấm mốc trên thân. Do đó, công tác bảo vệ cần phải được tiến hành trong thời gian tới, nhằm giữ lại bằng được di sản sống quý giá này. Trước mắt, cần khám và chữa bệnh cho các “cụ” muỗm nhằm kéo dài tuổi thọ cho các “cụ”. 

Phạm Ngọc Dương
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Bộ GD-DT

Lễ trao thưởng cho các học viên xuất sắc GYBM khóa 5 giai đoạn sơ cấp
(ĐHVHHN) – Sau 3 tháng học tập, 97 học viên GYMB khóa 5 đã vượt qua giai đoạn sơ cấp, với những thành công bước đầu. Chiều ngày 11/12/2015, Trường Đại học Văn...

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 11


Hôm nayHôm nay : 2543

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 88208

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7478620

Tin tổng hợp Xem tất cá các tin tổng hợp
Đăng lúc: 25-05-2016 08:51:02 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:42 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:25 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:04 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:46 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:26 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:05 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:48:45 AM
Thông tin bản quyền
    + TRƯỜNG THPT VÕ TRƯỜNG TOẢN
    + Đ/C: Cẩm Mỹ , Đồng Nai