»

Bổ nhiệm giáo sư - kinh nghiệm Malaysia

Thứ ba - 24/05/2016 14:29
Quy trình bổ nhiệm chức danh giáo sư minh bạch, linh hoạt và nhất quán với bộ tiêu chuẩn đơn giản, phản ảnh thực chất những đòi hỏi cốt lõi của Malaysia có thể là một tham khảo tốt cho Việt  Nam.
Giáo sư được coi là thang bậc cao nhất trong sự nghiệp của giới hàn lâm, và theo truyền thống, điều này phản ảnh những thành tựu xuất sắc trong nghiên cứu, giảng dạy và phục vụ cộng đồng. Tuy vậy ngày nay, do sự thay đổi của các trường đại học, do tính chất quốc tế hóa ngày càng tăng, và do sự phát triển của xã hội tri thức, tiêu chuẩn bổ nhiệm giáo sư đang trở nên ngày càng đa dạng và linh hoạt. 

Malaysia là một nước tương đối gần với Việt Nam, cùng chia sẻ những đặc điểm khu vực và không quá xa về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, nhưng những năm gần đây, Malaysia bứt phá lên khá xa trong giáo dục đại học. 

Đối với Việt Nam, học hỏi kinh nghiệm các nước phát triển, đặc biệt những nước đã có kinh nghiệm lâu đời và đạt được nhiều thành tựu trong giáo dục và khoa học như Mỹ hay châu Âu là điều quan trọng. Tuy vậy, nhiều điều rất khó áp dụng do những khác biệt trong hệ thống chính trị và văn hóa, cũng như trong trình độ phát triển của nền kinh tế. Có những chính sách có thể áp dụng được ở những nước thu nhập 40.000-50.000 USD/năm, nhưng sẽ không thể sao chép ở một đất nước thu nhập đầu người chỉ 2.000 USD/năm. Vì vậy, có lẽ sẽ hữu ích hơn nếu chúng ta tìm hiểu những nước gần với mình, xem họ đã học hỏi kinh nghiệm phương Tây như thế nào, đã vượt qua những khác biệt ra sao, và đạt được thành tựu gì. Malaysia là một trường hợp như vậy khi chúng ta muốn tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế trong việc bổ nhiệm chức danh giáo sư. 

Quy trình đề bạt linh hoạt nhưng nhất quán cho các trường

Thực tế phổ biến ở nhiều nước là, thang bậc vị trí trong nghề hàn lâm bao gồm năm bước từ thấp đến cao: trợ giảng, giảng viên, giảng viên cao cấp, phó giáo sư và giáo sư. Giáo sư, vị trí cao nhất trong thang bậc học thuật này, được mong đợi thực hiện vai trò lãnh đạo hoạt động chuyên môn trong chuyên ngành của họ. Vai trò của giáo sư ngày nay không chỉ là giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng, mà còn là tạo ra tri thức mới và đem những tri thức ấy ứng dụng vào cuộc sống. Với cương vị lãnh đạo về học thuật, giáo sư có vai trò là mẫu mực cho thế hệ sau. Người ta kỳ vọng các giáo sư hỗ trợ, hướng dẫn đồng nghiệp và học trò, cũng như đóng vai trò là hình ảnh của nhà trường, hành động như một “đại sứ” của nhà trường trong việc giao tiếp với cộng đồng rộng lớn ngoài xã hội. 

Tương tự như trên, ở Malaysia, bậc thang hàn lâm có sáu mức độ: trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư (được chia thành ba cấp C, B, A từ thấp đến cao), và giáo sư xuất sắc (distinguished professor). 

Bộ Giáo dục Malaysia ban hành tiêu chuẩn khung cho mỗi chức danh, đồng thời cho phép các trường linh hoạt điều chỉnh phù hợp với nhu cầu và bối cảnh của mình. Việc xây dựng bộ khung hướng dẫn này rất quan trọng, vì nó đưa ra một quy trình đề bạt công bằng, minh bạch và nhất quán, đảm bảo sự liêm chính và uy tín của những người được bổ nhiệm. 

Thông thường, một giảng viên sẽ tuần tự đi qua từng bậc thang, nhưng cũng có quy định bổ nhiệm vượt cấp trong trường hợp có thành tựu nổi bật. Hội đồng xét duyệt do nhà trường thành lập với sự cân nhắc, chọn lọc rất thận trọng. Hướng dẫn của Bộ chỉ đóng vai trò là cột mốc đối sánh giúp các trường xây dựng tiêu chuẩn và quy trình của riêng mình. Vì vậy nó có ý nghĩa tham khảo hơn là một quy định bắt buộc, cả ở trường công lẫn trường tư.

Tiêu chí cụ thể để bổ nhiệm giáo sư ở Malaysia như sau:
STT Tiêu chí Trọng số
1 Nghiên cứu và công bố quốc tế
-         Lãnh đạo năm dự án nghiên cứu với tổng kinh phí khoảng 350.000 USD
-         Có 20 bài báo khoa học, 20% trong đó là tác giả chính trong tạp chí ISI
 
30-40
2 Giảng dạy và hướng dẫn:
-         Đào tạo ít nhất một tiến sĩ hoặc hai thạc sĩ;
-         Giảng dạy 60 tín chỉ và được đánh giá tốt.
 
30-40
3 Khả năng lãnh đạo học thuật và mức độ được công nhận:
-         Là diễn giả chính của hai hội thảo quốc gia/quốc tế; hoặc
-         Là chuyên gia bình duyệt của một tạp chí có trong danh mục ISI (năm bài); hoặc
-         Được mời bình duyệt trong hội đồng đề bạt phó giáo sư.
 
10-20
4 Phục vụ đại học và cộng đồng:
Là thành viên của các hội đồng/ủy ban quốc gia và quốc tế (bất cứ hoạt động gì).
 
5-15
5 Tư vấn, quan hệ với giới doanh nghiệp, chuyển giao tri thức:
- Thực hiện năm hoạt động phục vụ trong lĩnh vực chuyên môn.
5-15

Điều mà chúng ta có thể học ở Malaysia là: (1) kết hợp giữa việc bảo vệ tiêu chuẩn với sự linh hoạt của các trường; (2) bộ tiêu chuẩn rất đơn giản và phản ảnh thực chất những đòi hỏi cốt lõi đối với chức danh giáo sư.

Giáo sư xuất sắc phải do Bộ Giáo dục bổ nhiệm

Chỉ có giáo sư hạng A mới được nộp đơn xin xét đề bạt giáo sư xuất sắc. Riêng hội đồng xét duyệt giáo sư xuất sắc thì do Bộ Giáo dục thành lập. Tiêu chuẩn khung mà Bộ Giáo dục đưa ra hướng dẫn các trường xem xét đánh giá hồ sơ thành tích của ứng viên ở các mặt sau:

- Năng suất công bố khoa học trong lĩnh vực chuyên ngành;
- Được sự công nhận và khen ngợi của đồng nghiệp trong nước lẫn quốc tế;
- Thiết lập được một mạng lưới cộng tác đồng nghiệp sâu rộng trong nước và quốc tế;
- Có những hoạt động xuất sắc trong việc lãnh đạo chuyên môn cũng như trong việc quản lý hoạt động khoa học của đơn vị;
- Chứng tỏ một tinh thần cộng sự và hợp tác mạnh mẽ trong giới chuyên môn.

Giáo sư xuất sắc phải đạt được thành tựu trong những lĩnh vực nói trên ở một mức độ đặc biệt nổi bật, thể hiện qua các giải thưởng quốc tế, và có những đóng góp to lớn cho đất nước cũng như cho kho tàng tri thức của nhân loại. Cho tới nay, chỉ có rất ít người được bổ nhiệm vị trí danh dự này.
Trong thời gian từ 2009-2013, Malaysia công bố 33.472 bài báo khoa học, trong khi Việt Nam công bố 7.7271 bài báo khoa học. 
 
 
  
Tác giả: Phạm Thị Ly
Nguồn: tiasang.com.vn
 
Admin 4
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Bộ GD-DT

Lễ trao thưởng cho các học viên xuất sắc GYBM khóa 5 giai đoạn sơ cấp
(ĐHVHHN) – Sau 3 tháng học tập, 97 học viên GYMB khóa 5 đã vượt qua giai đoạn sơ cấp, với những thành công bước đầu. Chiều ngày 11/12/2015, Trường Đại học Văn...

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 19

Máy chủ tìm kiếm : 9

Khách viếng thăm : 10


Hôm nayHôm nay : 773

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 182655

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7573067

Tin tổng hợp Xem tất cá các tin tổng hợp
Đăng lúc: 25-05-2016 08:51:02 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:42 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:25 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:04 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:46 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:26 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:05 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:48:45 AM
Thông tin bản quyền
    + TRƯỜNG THPT VÕ TRƯỜNG TOẢN
    + Đ/C: Cẩm Mỹ , Đồng Nai