»

Bộ TT-TT trả lời trực tuyến về hoạt động xuất bản

Thứ tư - 30/03/2016 13:25
(VTC)- Sáng ngày 29/5, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Đỗ Quý Doãn đã chủ trì trả lời trực tuyến với chủ đề “Hoạt động xuất bản, in, phát hành sách Việt Nam góp phần nâng cao dân trí, đổi mới và xây dựng đất nước”.
Sau đây là nội dung buổi trả lời trực tuyến:
 

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn (bên phải) đang giao lưu.
 

Nguyễn Hoài Nam-Hà Nội: 
 
1.Thưa Thứ trưởng: Có ý kiến cho rằng, hàng năm Nhà nước đã chi nhiều tỷ đồng để đặt hàng xuất bản phẩm, nhưng hiệu quả không cao? Số tiền không lớn, nhưng nhiều nhà xuất bản hoặc cơ quan thực hiện; không đầu tư để đặt hàng được những bộ sách có giá trị. Vậy theo Thứ trưởng đánh giá về vấn đề này như thế nào?
 
2. Thưa Thứ trưởng: Hiện nay cả nước có gần 60 nhà xuất bản, trong đó có nhiều nhà xuất bản hoạt động không hiệu quả, doanh thu đạt thấp, đời sống của người lao động gặp khó khăn; không ít nhà xuất bản không tự làm sách mà chỉ bán “giấy phép". Trong khi đó tiếp tục có nhiều địa phương, đơn vị lại xin phép thành lập nhà xuất bản.
 
Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, ý kiến của Thứ trưởng giải quyết như thế nào?

Trả lời:
 

Vấn đề bạn hỏi đã thể hiện sự quan tâm đến hoạt động xuất bản nhưng nhận định của bạn như trên là chưa thật đầy đủ. Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, hàng năm Nhà nước dành 7 tỷ đồng để đặt hàng xuất bản hàng triệu bản sách các loại, trong đó có nhiều đầu sách có giá trị như: “Tổng tập Văn học Việt Nam thế kỷ XX”, “Sử thi Tây Nguyên", "Các tác phẩm đoạt giải Hồ Chí Minh”....

Thời gian qua, liên bộ Tài chính-Văn hóa Thông tin đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra sách đặt hàng ở một số đơn vị, kết quả cho thấy sách đặt hàng của Nhà nước được chuyển giao đầy đủ đến cơ sở và được khai thác phục vụ, phát huy hiệu quả tốt.

Tuy nhiên, việc một số đề tài sách đặt hàng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của cơ sở. Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đang cùng Bộ Tài chính xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện đạt hàng xuất bản phẩm theo yêu cầu nhiệm vụ mới.

Ý thứ 2: Thực tế hiện nay, một số nhà xuất bản hoạt động đang gặp khó khăn nhưng trước xu thế phát triển của xã hội, không thể không cho phép thành lập nhà xuất bản mới vì điều này đã được quy định cụ thể tại Luật Xuất bản. So với các nước trong khu vực, số lượng các nhà xuất bản Việt Nam không phải là nhiều.

Trong thời gian tới, việc xem xét cho phép thành lập nhà xuất bản, Bộ TT-TT sẽ căn cứ vào các quy định pháp lý đồng thời phải phù hợp với quy hoạch phát triển của từng bộ, ngành, địa phương trên cơ sở đề án thành lập nhà xuất bản đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 
 

Trần Văn Trường-Hoàng Mai, Hà Nội:

Thưa ông, có phải hiện nay tỷ lệ xuất bản sách chủ yếu là do tư nhân làm, nhà xuất bản chỉ là nơi để cấp phép? Nếu có để ra sai phạm thì trước tiên là tư nhân thiệt hại? Nếu đúng như thế tại sao ông không đề xuất cho thành lập nhà xuất tư nhân có phải tăng phần quyền và trách nhiệm cho tư nhân?
Trả lời:
 
Có thể nói, trong Luật Xuất bản năm 2004 đã mở ra cơ hội cho các thành phần tham gia liên kết với nhà xuất bản để xuất bản sách, đây là điều mới. Tỷ lệ đầu sách, số lượng sách ngày càng phát triển, góp phần đáp ứng nhu cầu công chúng. Tất nhiên, việc giữa tư nhân liên kết với nhà xuất bản để thực hiện các hoạt động xuất bản hoàn toàn khác với nhà xuất bản tư nhân. Vì tư nhân liên kết với nhà xuất bản, thì giám đốc nhà xuất bản phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về cuốn sách.
 
Còn vì sao không có nhà xuất bản tư nhân, hay không thành lập nhà xuất bản tư nhân, thì điều 11 Luật Xuất bản 2004 đã xác định: "Đối tượng được thành lập nhà xuất bản bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội và các tổ chức khác do Chính phủ quy định được thành lập nhà xuất bản".

Về thực tiễn, Luật Xuất bản 2004 đã thực sự cởi mở, thông thoáng, tạo điều kiện cho cá nhân được tham gia vào cả 3 khâu trong hoạt động xuất bản (xuất bản, in, phát hành). Điều 20 của Luật Xuất bản cho phép tác giả, chủ sở hữu tác phẩm và cá nhân có đăng ký kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế được phép tổ chức bản thảo, in và phát hành từng xuất bản phẩm.

Trong những năm qua, 1 số công ty tư nhân, nhà sách tư nhân đã tham gia xuất bản hiệu quả, có thương hiệu, uy tín ngày càng phát triển.

Như vậy, với 2 cơ sở pháp lý và thực tiễn như tôi đã nói ở trên đã giải thích cho câu hỏi của bạn.
 Nguyễn Thông-Quận Tân Bình - TP Hồ Chí Minh:

Xin ông vui lòng cho hỏi bao giờ ngành xuất bản của Việt Nam mới hội nhập với thế giới? Có phải ngành xuất bản không cần quan tâm đến việc gia nhập WTO như các ngành khác...?
 
Buổi giao lưu đang diễn ra.
 

Bạn Quang Đạt (Hà Nội) hỏi: Tổ chức, cá nhân nước ngoài được làm gì trong hoạt động xuất bản khi Việt Nam gia nhập WTO ?

Trả lời:
 
Câu hỏi của bạn Nguyễn Thông và Quang Đạt có nội dung trùng nhau tôi xin trả lời chung cho câu hỏi của bạn như sau:

- Theo cam kết của VN khi gia nhập WTO, VN chỉ mở cửa cho nước ngoài tham gia vào lĩnh vực phát hành XBP.

- Cụ thể: từ ngày 1/1/2009 tổ chức, cá nhân nhân nước ngoài được quyền nhập khẩu XBP vào VN, được quyền phân phối XBP (trừ sách). Muốn phân phối sách, doanh nghiệp nước ngoài phải thông qua một doanh nghiệp VN có chức năng phân phối sách. 

Hung-SG: Xin Thứ tưởng cho biết quan điểm về độc quyền xuất bản sách giáo khoa? Lợi gì, hại gì và lộ trình xóa bỏ độc quyền. Cám ơn Thứ trưởng đã trả lời!

 Trả lời:
Việc xuất bản sách phải trải qua 3 công đoạn: xuất bản, in, phát hành. 

Về xuất bản sách giáo khoa: phải hiểu theo tính đặc thù của hoạt động xuất bản. Vì tôn chỉ mục đích của nhà xuất bản phải phù hợp với chức năng nhiệm vụ của cơ quan chủ quản. Hơn nữa, theo quy định của Luật Giáo dục (Điều 29) cả nước dùng chung một bộ sách giáo khoa. Do vậy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản sách giáo khoa là nhiệm vụ chủ yếu của nhà xuất bản và cũng phù hợp với các quy định của pháp luật.
Về in sách giáo khoa đã được Nhà xuất bản Giáo dục tổ chức đấu thầu rộng rãi, công khai trong toàn quốc (gần 100 cơ sở in tham gia đấu thầu). Về phát hành sách giáo khoa hiện được phát hành chủ yếu qua các công ty sách thiết bị trường học tỉnh thành phố.

Tuy nhiên, trong ba khâu trên, thì khâu phát hành cần phải xem xét đổi mới nhưng việc đổi mới này cần có lộ trình, tránh sự xáo trộn không cần thiết.
 
 

Truong Xuan Thuyen-240 Tran Phu, Da Nang:

Day la van de do Quoc hoi thong qua:
1/ Nganh XB-I-PH nam o Bo TTTT e rang khong thuan chuyen mon bang o Bo VHTT-DL-TDTT?
2/ Trong Luat xuat ban co chuc danh Tong bien tap, thuc te 55 NXB chi vai nha co chuc danh nay. Nen chang hieu ngam Giam doc NXB cung la TBT. Bo chuc danh TBT trong Luat va nha nao xet thay can thiet thi them PGD phu trach noi dung, nhu vay nham cu the trach nhiem lanh dao NXB hon? Xin Thu truong cho biet y kien ca nhan cua minh, xin cam on!

Trả lời:
Trước hết, việc sắp xếp tổ chức, lĩnh vực thuộc Bộ, ngành nào do sự sắp xếp của Chính phủ và điều quan trọng là tổ chức bộ máy đó có quản lý tốt được hay không. Trước đây, ngành xuất bản thuộc Bộ Văn hóa Thông tin nay đưa về Bộ TT-TT, chúng tôi nghĩ nó phụ thuộc vào năng lực, trình độ bộ máy được bộ đó phân công.
Thực tế, tổ chức bộ máy của một ngành là đáp ứng chức năng nhiệm vụ của ngành đó. Trước đây xuất bản, in ấn, phát hành thuộc ngành Văn hóa cũng đã phát huy tốt vai trò của mình trong lĩnh vực này, thì chắc chắn nay thuộc Bộ TT-TT cũng sẽ được thực hiện tốt. 

Luật Xuất bản quy định có chức danh giám đốc và chức danh Tổng biên tập. Có nhà xuất bản Giám đốc kiêm tổng biên tập. Có nhà xuất bản chức danh tổng biên tập giao cho PGĐ, tôi nghĩ việc thực hiện theo đúng luật quy định. Do vậy giám đốc kiêm Tổng biên tập hay Phó giám đốc kiêm Tổng biên tập cũng đều có thể thực hiện tốt trách nhiệm của mình.
 
 
Hoai Anh-Ha Noi:
Việc in vàng mã hiện nay rất tràn lan, có loại vàng mã phục vụ tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân, nhưng cũng có loại vàng mã thuộc loại mê tín dị doan. Bộ Thông tin và truyền thông đã có cách gì để quản lý các sản phẩm này?
Trả lời:
Trước năm 2007, việc in vàng mã do nhu cầu của nhân dân, Chính phủ chưa có quy định cụ thể nào về việc in và tiêu thụ sản phẩm này, nên tình trạng in các loại vàng mã tràn lan là điều dễ hiểu.

Trước thực trạng trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2007/NĐ-CP ngày 21/6/2007 về hoạt động in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm trong đó có hoạt động in vàng mã, Bộ TT-TT đã xây dựng Thông tư hướng dẫn cụ thể về vấn đề này: các sản phẩm in là vàng mã không có nội dung vi phạm các điều cấm có liên quan theo quy định của pháp luật, ví dụ Pháp luật về Quảng cáo và Pháp luật về Xuất bản. Trong Thông tư hướng dẫn đã giao cho Sở Thông tin và Truyền thông xem xét xác nhận việc đăng ký loại vàng mã được in, điều này trước kia chưa làm được.

Xin lưu ý các Sở TT-TT chỉ xác nhận việc in vàng mã chứ không xác nhận việc làm đồ mã và không cấp phép in vàng mã.

Vũ Hoài Nam- 25 tuổi-Hà Nội:
Thưa Thứ trưởng hiện nay nhiều công ty PHS đã tiến hành cổ phần hóa, xin Thứ trưởng cho biết ai sẽ đưa sách đến đồng bào dân tộc, miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng gặp nhiều khó khăn và Bộ TT-TT có biện pháp gì để đồng bào dân tộc ở các vùng trên được hưởng thụ văn hoá đọc? 

Trả lời:
Tính cho đến nay có 42 doanh nghiệp PHS nhà nước đã cổ phần hóa xong, các hoạt động sản xuất kinh doanh do Hội đồng Quản trị và cổ đông quyết định để bảo đảm kinh doanh có lãi và phục vụ nhiệm vụ chính trị. Trong thực tế nhiều đơn vị có xu hướng chỉ đầu tư kinh doanh những mặt hàng và hoạt động mang lại lợi nhuận cao, xa rời việc phục vụ các nhiệm vụ chính trị, cung cấp XBP cho mọi đối tượng tại địa phương.

Để đưa sách đến đồng bào dân tộc, miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng gặp nhiều khó khăn ngành PHS phải chuyển đổi sang mô hình sự nghiệp có thu như Trung tâm: PHS Yên Bái, Văn hóa-Điện ảnh Cao Bằng, PHS-VHP Lai Châu, PHS Bạc Liêu, Văn hóa Tổng hợp An Giang …

Tuy nhiên, các đơn vị trên chưa được quan tâm đầu tư đúng mức về mặt bằng, vốn, cơ sở vật chất, cơ chế chính sách nên còn nhiều khó khăn và hạn chế trong hoạt động phục vụ nhu cầu về văn hóa đọc cho nhân dân địa phương. Sắp tới nhà nước nghiên cứu mô hình PHS công ích để cung cấp xuất bản phẩm cho các địa phương khó khăn, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo.

Nhà nước có một số chương trình tài trợ, hỗ trợ cho việc đưa sách đến đồng bào dân tộc, miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng gặp nhiều khó khăn như sau:

Một là, chương trình chuyển giao sách tài trợ theo Quyết định số 21/TTg của Thủ tướng Chính phủ có mức kinh phí hơn 6 tỷ đồng/ năm để mua sách (trung bình mua được khoảng 1,28 triệu bản sách) cấp phát cho 9.000 trường phổ thông gặp nhiều khó khăn.

Hai là, dự án“cấp sách cho các Thư viện huyện miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa” theo Chương trình tài trợ mục tiêu Quốc gia về văn hóa của Thủ tướng Chính phủ hàng năm cung cấp gần 400.000 bản sách trị giá 9,5 tỷ đồng cho các thư viện vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn.
Ba là, Ngân sách Nhà nước cấp 1,6 tỷ đồng/năm để trợ cước vận chuyển sách và văn hóa phẩm lên miền núi cho một số đơn vị trong ngành PHS.

Bốn là, chương trình cung cấp sách cho 8.000 Bưu điện Văn hóa xã trên toàn quốc, điểm mới mở được cấp 1.000.000 đồng mua sách/điểm, các điểm cũ hàng năm bổ sung mua sách 500.000 đồng/điểm/năm, hiện nay tăng lên 1.00.000 đồng/điểm/năm.

Năm là, chương trình 135 của Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho các xã gặp nhiều khó khăn, trong đó có địa phương trích một phần để mua sách cấp phát.

Sáu là, kinh phí tài trợ xuất bản sách cho đồng bào dân tộc thiểu số được giao cho NXB Văn hóa dân tộc thực hiện hàng năm.

Bảy là, dự án sản xuất và cung cấp sách, văn hóa phẩm và băng hình cho cơ sở hàng năm của Bộ Văn hóa và thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).


 
 
Nguyễn Hà Anh Tuấn-Q. Thanh Xuân, Hà Nội:

Người ta có câu "Lập thân tối kị văn chương" để ám chỉ một phần về việc có thể làm giầu bằng nghề viết hay không. Chính sách nhuận bút hiện nay cho thấy những điểm bất hợp lý đối với những người làm công tác sáng tác.
 
Chẳng hạn, một cuốn sách viết ra, in khoảng 1000 bản in, thì tác giả hoặc tập thể tác giả được hưởng 10% nhuận bút phát hành (khung nhuận bút giao động từ 5-12%), khi sách ra, NXB chiết ngay 10% gọi là tiền thuế thu nhập. Như vậy, một cuốn sách, chẳng hạn có giá thành 60.000 đồng, thì tác giả/tập thể tác giả của nó chỉ được hưởng có 5,4 triệu đồng cho một công trình mà đề "khai sinh" ra nó, nó sẽ phải "thai nghén" hàng năm, thậm chí nhiều năm, dành nhiều thời gian cho viết, chỉnh sửa, in bản thảo, gửi bản thảo.
 
Theo Bộ TT-TT, chính sách nhuận bút đối với sách đọc (nhất là sách tham khảo, giáo trình, tài liệu, sách văn học...) như hiện nay có đủ khuyến khích sự sáng tạo của người viết để tạo ra các công trình có chất lượng cao hay không? Trong thời gian tới, Bộ có kiến nghị với Nhà nước trong việc hạn chế tình trạng in lậu, in nhái và tình trạng lộn xộn của công tác xuất bản, bản quyền hiện nay?

Trả lời:
 
Trước hết bạn cần sửa lại câu châm ngôn đó cho đầy đủ là “Lập thân tối hạ thị văn chương”.

- Về chế độ nhuận bút, hiện nay trong ngành XB có hai cách tính nhuận bút:

+ Nghị định số 61/NĐ-CP của Chính phủ quy định cách tính nhuận bút là tỉ lệ phần trăm x giá bán 01 cuốn x với tổng số sách xuất bản

Ví dụ: 10% x 60.000 đ/cuốn x 1.000 cuốn = 6.000.000 đ

+ Tuy nhiên để khuyến khích những tác giả sáng tạo những tác phẩm có giá trị cao và đối với những tác giả có uy tín, các NXB thường áp dụng phương thức trao đổi để đi đến thỏa thuận theo một số tiền nhất định: ví dụ 20.000.000 đ, 30.000.000 đ / một bản thảo sách

- Hiện tại rất ít nhà văn làm giàu bằng tiền nhuận bút viết sách, nhưng cũng có một số nhà văn có thu nhập tương đối cao bằng nhuận bút viết sách nếu có nhiều tác phẩm có chất lượng được xuất bản với số lượng lớn.

- Để góp phần lập lại trật tự trong hoạt động xuất bản, chống tình trạng in lậu, vi phạm bản quyền... Bộ TT-TT đang xúc tiến một số công việc:

+ Đề nghị Chính phủ kiến nghị với Quốc hội sửa đổi LXB năm 2004, trong đó có 03 điều xử lý vi phạm trong lĩnh vực XB, lĩnh vực in XBP và lĩnh vực phát hành XBP theo hướng cụ thể hóa những hành vi vi phạm để dễ xử lý, áp dụng chế tài xử phạt vi phạm về bản quyền tác giả (có thể tới mức cao nhất là 100.000.000đ, tịch thu tang vật, rút giấy phép hành nghề), nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật hình sự. 

+ Phối hợp với Bộ Công an xây dựng Thông tư liên Bộ về chống in lậu, sẽ ban hành văn bản này trong năm 2008.


 
 
Hoàng Bích-Hà Nội:

Thưa Thứ trưởng, Luật Xuất bản 2004 đã đi vào cuộc sống được gần 3 năm và đã thực sự giao quyền tự chủ cho các nhà xuất bản hay chưa, và nhà xuất bản đã cảm thấy mình "tự chủ" theo Luật? 
Qua đó có hay không việc Giám đốc Nhà xuất bản tức chủ một doanh nghiệp nhà nước lại được quyền "cấp phép" cho tư nhân xuất bản hay nói cách khác là bán con dấu. Và liệu rằng, Luật chỉ để tạo điều kiện cho Giám đốc NXB bảo kê cho "xuất bản tư nhân" hoành hành để rồi nạn in lậu, tăng giá sách tuỳ tiện, đạo sách,luộc sách, sách thật-giả lẫn lộn đã trở nên phổ biến, còn nhà xuất bản vẫn kêu đói???
 
Trả lời:
 
- LXB năm 2004 đã thực sự đi vào cuộc sống được gần 3 năm, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển. Theo đánh giá của công luận, LXB đã quán triệt được quan điểm đổi mới và cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước, giao quyền cho Giám đốc NXB chủ động trong công tác xuất bản và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- Một số NXB đã từng bước thích nghi với cơ chế quản lý mới, đạt hiệu quả sản xuất-kinh doanh cao, tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động và cải thiện đời sống cán bộ, CNVC.

- LXB là cơ sở pháp lý quan trọng để mọi người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản thực thi theo pháp luật. Không thể nói Luật Xuất bản tạo điều kiện cho Giám đốc NXB bảo kê cho “xuất bản tư nhân” hoành hành, nạn in lậu, tăng giá sách tùy tiện, đạo sách, luộc sách như bạn nêu... Sở dĩ có tình trạng trên là do quản lý không chặt chẽ những sai phạm như đã nêu trên. 

- Nói cấp phép xuất bản là cách nói không chính xác theo qui định của luật Xuất bản vì Giám đốc nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm về xuất bản phẩm của mình.

- Việc tăng giá sách quá cao sẽ làm bạn đóc từ chối tiêu thụ. Đó là cách làm không phù hợp với cơ chế thị trường.

Trần Anh Phương-Hà Tây:
 
Có ý kiến cho rằng có sự chồng chéo các lĩnh vực xuất bản giữa các nhà xuất bản hiện nay và rất cần thiết phải phân loại rõ ràng các lĩnh vực đối với từng nhà xuất bản. Xin Thứ trưởng cho biết ý kiến về việc này? Nhà nước có chính sách hỗ trợ gì đối với kế hoạch sản xuất của các nhà xuất bản? Làm gì để nâng cao văn hoá đọc?
 
Trả lời:

Việc phân định rõ tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của từng nhà xuất bản là một việc làm cần thiết, vì có như vậy mới định hướng được mục tiêu phát triển, nâng cao tính chuyên nghiệp của từng nhà xuất bản trong việc tổ chức đầu tư, khai thác những đề tài có giá trị để xuất bản, phục vụ bạn đọc.

- Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai việc cấp lại giấy phép thành lập nhà xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản. Để việc cấp lại giấy phép này đúng Luật và phù hợp với yêu cầu thực tế, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét lại tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của từng nhà xuất bản trên cơ sở phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản nhà xuất bản. 

- Đối với chính sách hỗ trợ của nhà nước trong hoạt động xuất bản đã được quy định cụ thể tại Điều 6 Luật Xuất bản. Riêng với kế hoạch sản xuất, đây là vấn đề tự chủ của các nhà xuất bản. Tuy nhiên hàng năm, trên cơ sở kế hoạch đề tài của các nhà xuất bản đăng ký, nhà nước sẽ thực hiện đặt hàng từng xuất bản phẩm để chuyển giao đến các địa chỉ cụ thể phục vụ các đối tượng mà nhà nước cần quan tâm như vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa…. Năm 2007, nhà nước dành 7 tỷ đồng đặt hàng 22 nhà xuất bản; năm 2008, nhà nước dành 7,5 tỷ đồng đặt hàng 20 nhà xuất bản.

- Vấn đề nâng cao văn hoá đọc đang là vấn đề được xã hội quan tâm, để làm được việc này không chỉ một mình ngành xuất bản làm được mà cần đến sự quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ của toàn xã hội. Bên cạnh việc tuyên truyền, quảng bá, định hướng của các cơ quan quản lý thì một yếu tố quan trọng là các nhà xuất bản phải có những cuốn sách hay phù hợp với thị hiếu bạn đọc hướng mọi người tới chân, thiện, mỹ, có như vậy mới thu hút được bạn đọc đến với sách.

Nguyen Ngoc Ly-TP.HCM: 

Thưa Thứ trưởng, hiện nay có thông tin về Việc Bộ sẽ thắt chặt quản lý đối với lĩnh vực xuất bản, cụ thể là sẽ thu hồi giấy phép đối với các xuất bản phẩm cho tư nhân núp bóng, ý kiến của Thứ trưởng về việc này như thế nào?

Trả lời:
Điều 20 LXB cho phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, cá nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về in hoặc phát hành XBP và tổ chức có tư cách pháp nhân được liên kết với NXB để tổ chức bản thảo, in và phát hành từng XBP.

- Việc xuất bản sách đã được giao cho GĐ các NXB, Bộ TT-TT không cấp phép xuất bản cho tư nhân nên không thu hồi giấy phép xuất bản sách.

- Nếu trong quá trình liên kết xuất bản, tư nhân không thực hiện đúng những quy định trong hợp đồng, thì GĐ NXB có quyền thu hồi quyết định xuất bản đã cấp cho tư nhân
Tổng biên tập Báo Bưu điện Việt Nam Lê Việt Cường:
Trong khoảng thời gian 3 giờ, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn đã trả lời được trên 50 câu hỏi của độc giả trong và ngoài nước.  Hiện nay vẫn còn rất nhiều câu hỏi của độc giả được gửi đến nhưng do thời gian có hạn, xin dừng buổi trả lời trực tuyến của Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn tại đây, các câu hỏi của độc giả chưa được trả lời chúng tôi sẽ tập hợp và chuyển đến Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn để tiếp tục trả lời quý vị sau. 
Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm theo dõi và đặt câu hỏi của quý vị độc giả, xin cảm ơn Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn.
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn :
Dù đã rất có gắng, nhưng thời gian có hạn và có nhiều nội dung nên buổi trả lời trực tuyến hôm nay chưa thể đáp ứng hết được yêu cầu của độc giả.
Thay mặt Bộ Thông tin và Truyền thông,  tôi xin cảm ơn quý độc giả đã tham gia và đặt câu hỏi, đây là thể hiện mối quan tâm đến sự phát triển của ngành Xuất bản Việt Nam.
Cảm ơn Ban Tổ chức, Trang tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông, các báo điện tử ICTnews, VietnamNet, VTC News đã kịp thời chuyển đến độc giả những câu hỏi của bạn đọc quan tâm và ý kiến trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Sau buổi trực tuyến này, các quý vị độc giả còn có câu hỏi xin tiếp tục gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông theo địa chỉ tại các cơ quan truyền thông của Bộ. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp nhận và trả lời các ý kiến của quý vị. Xin chân thành cảm ơn!
VTC News
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Bộ GD-DT

Lễ trao thưởng cho các học viên xuất sắc GYBM khóa 5 giai đoạn sơ cấp
(ĐHVHHN) – Sau 3 tháng học tập, 97 học viên GYMB khóa 5 đã vượt qua giai đoạn sơ cấp, với những thành công bước đầu. Chiều ngày 11/12/2015, Trường Đại học Văn...

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 7

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 5


Hôm nayHôm nay : 14434

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 181447

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7571859

Tin tổng hợp Xem tất cá các tin tổng hợp
Đăng lúc: 25-05-2016 08:51:02 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:42 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:25 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:50:04 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:46 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:26 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:49:05 AM
Đăng lúc: 25-05-2016 08:48:45 AM
Thông tin bản quyền
    + TRƯỜNG THPT VÕ TRƯỜNG TOẢN
    + Đ/C: Cẩm Mỹ , Đồng Nai